Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước, xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Dân chủ phải được thực hiện trong cuộc sống thực tế ở từng cấp và trên tất cả các lĩnh vực thông qua hoạt động của Nhà nước do nhân dân bầu ra và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm. Nước ta đi theo con đường xã hội chủ nghĩa thì cần phải xây dựng, phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa bởi chủ nghĩa xã hội mà không thực hiện quyền dân chủ rộng rãi trên tất cả các lĩnh vực của đời sống với quảng đại quần chúng thì chỉ là chủ nghĩa xã hội hình thức.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định, dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển của xã hội. Điều này thể hiện rõ trong các văn kiện của Đảng và các quy định pháp lý quan trọng của Hiến pháp, như: Điều 2 Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. 2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức…”.
Hiện tại, ở nước ta, trình độ dân trí dù có được cải thiện hơn trước nhưng vẫn chưa cao, đời sống của người dân nhiều nơi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa vẫn còn vô vàn khó khăn. Thực tiễn cho thấy, dân chủ không những bị vi phạm, có khi nghiêm trọng, mà còn chưa được mở rộng, từ đó, dẫn đến quyền dân chủ, lợi ích chính đáng của người dân bị xâm phạm ở mức độ khác nhau và việc đấu tranh cho dân chủ cũng gặp không ít khó khăn. Trước thực trạng đó, vấn đề đặt ra là, cần phải làm gì để tạo động lực mạnh mẽ, tiếp tục đổi mới và hội nhập.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết rất xác đáng rằng: “Thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn”; “Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến”; “Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên”. Như vậy, không có dân chủ hóa mạnh mẽ, không tiếp tục cải cách dân chủ, nhất là về thể chế, cơ chế thì không thể phát huy được động lực, các nguồn lực để tiếp tục đổi mới và hội nhập quốc tế.
Dân chủ được thể hiện dưới hai hình thức là dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp. Điều này được quy định rõ trong Điều 6 Hiến pháp năm 2013: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”. Xây dựng và thực hiện các quy chế dân chủ ở cơ sở hiện nay mà chúng ta đang triển khai là một trong những nội dung quan trọng của dân chủ trực tiếp. Trong đó, nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã là một trong những sáng kiến hay đã được đề xuất nhiều lần khi muốn phát huy quyền làm chủ của nhân dân tại cộng đồng.
Tại Nghị quyết số 17-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa X “Về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước” ngày 01/8/2007 đã nêu rõ: “Thí điểm việc nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp quyết định phê chuẩn; trên cơ sở tổng kết thí điểm xem xét thực hiện chính thức chủ trương này cùng với việc xem xét sửa đổi, bổ sung Hiến pháp về việc nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã”. Ngay sau đó, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chuẩn bị, hoàn thiện Đề án thí điểm nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, đảm bảo tiến độ trình các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, trong Báo cáo số 185/BC-UBTVQH12 ngày 12/11/2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 12 về giải trình, tiếp thu ý kiến của Quốc hội về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường và nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã đã trình bày rõ: “Đối với nội dung thí điểm nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, xin Quốc hội cho được tiếp tục nghiên cứu mà chưa thực hiện ngay và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định vào thời gian thích hợp”.
Vì vậy, quy chế pháp lý nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã tạm thời không được nhắc đến nữa cho tới khi chúng ta có dự thảo Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, khi Hiến pháp năm 2013 được thông qua thì quy chế này không được đề cập. Tiếp đến, khi góp ý dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, thêm lần nữa, việc nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch Ủy ban nhân xã lại được đưa ra bàn luận, cân nhắc. Không ít ý kiến của quần chúng nhân dân, các chuyên gia, các nhà lãnh đạo đã chỉ ra sự cần thiết phải quy định quy chế này ở trong luật. Tuy nhiên, khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 được thông qua thì nội dung này đã không được quy định. Vậy là thêm lần nữa, cơ hội được bầu trực tiếp Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã của nhân dân bị bỏ lỡ. Dân bầu trực tiếp là một hình thức của dân chủ trực tiếp. Đây là một chế định khá mới ở Việt Nam, trong khi cơ chế bầu cử ở nước ta chưa thực sự hoàn thiện, cơ sở về lý luận, nền tảng của lý luận chưa vững chắc - phải chăng, đó là lý do chúng ta còn chưa mạnh dạn thừa nhận.
Vậy, lợi ích khi thừa nhận quy chế này là gì. Khi một chức vụ trong bộ máy nhà nước được bầu trực tiếp thì sẽ làm tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý và điều hành. Ý thức về việc họ được ai bầu lên, nhiệm vụ là gì sẽ thôi thúc họ về trách nhiệm. Ý thức rằng, mỗi hành động của mình chính là sự kỳ vọng của rất nhiều người sẽ định hướng đúng đắn cho hành vi của họ. Người được bầu bởi nhân dân sẽ thấy vinh dự và có thể có trách nhiệm hơn với vị trí của mình.
Bên cạnh đó, dân bầu trực tiếp Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã sẽ tạo điều kiện cho dân chúng trực tiếp thể hiện ý chí, nguyện vọng trong việc lựa chọn người đứng đầu, đảm bảo được quyền làm chủ của người dân trong xu thế mở rộng dân chủ hiện nay. Xã là cấp chính quyền gần dân nhất, những quyết định của cấp này sẽ liên quan đến lợi ích sát sườn của quần chúng nhân dân, chính vì vậy, nên để cho người dân có cơ hội đặt niềm tin vào người mà họ cho rằng xứng đáng nhất. Hơn nữa, việc tổ chức cho nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã cũng không quá phức tạp, tốn kém nên việc này có tính khả thi cao. Đó cũng là bước tập dượt cần thiết, tạo điều kiện cho nhân dân thể hiện năng lực làm chủ để trong tương lai tiến đến việc tổ chức cho họ bầu trực tiếp các chức danh cao hơn trong bộ máy nhà nước. Xét ở các góc độ này, rõ ràng, việc nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã có lợi cả hai phía - Nhà nước cũng như người dân, đặc biệt là đảm bảo quyền làm chủ trực tiếp của người dân - một hình thức làm chủ còn hạn chế hiện nay. Vậy, tại sao chúng ta còn đắn đo trong việc trong việc công nhận cơ chế này?
Không ít ý kiến băn khoăn cho rằng, xã là mô hình chính quyền phân bố chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, đồng bằng, nơi còn bị chi phối khá nặng nề bởi các mối quan hệ họ hàng, láng giềng, đồng hương,… nhất là mối quan hệ dòng tộc. Điều này có thể dẫn đến việc một người được bầu là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã không phải vì họ xứng đáng mà chỉ vì đông anh em, họ hàng. Khi một người được bầu lên bởi tính chủ quan, cảm tính thì người đó khó có thể đại diện được hầu hết quyền lợi của nhân dân, cộng đồng. Tuy nhiên, đó chưa phải là lý do chính thức để không thừa nhận cơ chế này.
Nếu thừa nhận cơ chế này, nhân dân sẽ được tự do bầu cho người nào mà họ cảm thấy xứng đáng, tức là, việc ai xứng đáng được bầu lại phụ thuộc vào nhận thức của từng người dân. Trong trường hợp đó, đòi hỏi người dân sẽ phải là người có trình độ nhất định để thể hiện được năng lực làm chủ và trách nhiệm của mình trong việc xây dựng chính quyền. Nếu đại đa số nhân dân hiểu và thực hiện được điều này, quyền làm chủ của họ được phát huy và được nâng lên ở một trình độ cao hơn, đáp ứng được ý chí của Đảng cũng như những trăn trở của Bác rằng “Làm sao để dân biết hưởng quyền dân chủ, biết sử dụng quyền dân chủ”. Đó là những chiều hướng tích cực mà chúng ta có thể hình dung được.
Tuy nhiên, cơ chế này cũng sẽ đặt ra một số vấn đề thực tiễn có thể xảy ra. Nếu thừa nhận thì đòi hỏi chúng ta phải tôn trọng ý chí của nhân dân, sẽ không còn đặt ra nguyên tắc hiệp thương dân chủ của tổ chức Mặt trận cũng như nguyên tắc tập trung dân chủ của tổ chức Đảng trong vấn đề nhân sự. Rất dễ dẫn đến tình huống, người được bầu có thể không phải là đảng viên, không phải là cán bộ, công chức, viên chức. Lúc đó, Đảng lãnh đạo đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã bằng phương thức nào, bởi nếu không phải đảng viên thì họ không phải tuân thủ Điều lệ Đảng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã được bầu sẽ đưa đường lối, chính sách của Đảng đến quần chúng như thế nào khi họ không phải là đối tượng quán triệt các Nghị quyết của Đảng; Nhà nước sẽ quản lý đối với một người là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã không phải là cán bộ, công chức, viên chức bằng quy chế nào, có thể quản lý theo Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010 không. Lúc đó, đòi hỏi chúng ta phải sửa đổi, bổ sung hai luật này và hàng loạt những văn bản tương ứng có liên quan; hoặc sẽ ban hành quy chế mới điều chỉnh đối với chức danh Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã không phải là cán bộ, công chức, viên chức.
Có thể thấy, nếu không giải quyết được vấn đề này ngay từ lúc thừa nhận cơ chế có thể xảy ra những hậu quả khó lường. Thực tế cho thấy, các thế lực thù địch đã không từ bất cứ thủ đoạn nào nhằm đẩy mạnh các hoạt động chống phá cách mạng nước ta trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng với những nội dung phản động như: Xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành quả cách mạng, đặc biệt là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta với luận điệu: Đảng chỉ cần khi cách mạng chưa giành được độc lập, khi nước nhà đã độc lập rồi thì Đảng nên giải tán và nhường quyền làm chủ cho người dân. Thực tiễn các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô cho thấy, gạt bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội là khâu đột phá trong chiến lược chống chủ nghĩa xã hội, là đòn tiến công quyết liệt và quyết định làm tan rã chế độ và hệ thống xã hội chủ nghĩa. Chính vì thế, trong Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị về việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã đặt yêu cầu quán triệt 05 quan điểm chỉ đạo, trong đó, quan điểm đầu tiên đã nhấn mạnh: “Đặt việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở trong cơ chế tổng thể của hệ thống chính trị. Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Coi trọng cả ba mặt nói trên, không vì nhấn một mặt mà coi nhẹ, hạ thấp các mặt khác”. Phát huy quyền làm chủ của người dân, đặc biệt là dân chủ trực tiếp là hoàn toàn cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta sẽ phải cân nhắc đồng thời đến vai trò lãnh đạo của Đảng, hoạt động quản lý của Nhà nước trong điều kiện hiện tại khi trình độ dân trí chưa cao, năng lực làm chủ của người dân chưa đủ chín.
Bên cạnh đó, để dân bầu trực tiếp Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã sẽ phải xác định mối quan hệ giữa cấp xã và cấp trên xã xung quanh việc miễn nhiệm chức danh này khi ông (bà) Chủ tịch không còn xứng đáng, là nhân dân hay cấp trên có quyền làm việc này? Giả sử có xung đột quan điểm thì giải quyết thế nào? Bên cạnh đó, dân bầu trực tiếp Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã sẽ có những hạn chế của dân chủ trực tiếp nói chung, đó là số đông chưa hẳn luôn luôn đúng. Hơn nữa, đề xuất dân bầu trực tiếp Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã liên quan đến mô hình tổ chức chính quyền địa phương, việc này sẽ thuận lợi hơn ở những nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, quy định hiện hành trong Hiến pháp năm 2013 cũng như Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 thì Hội đồng nhân dân vẫn tồn tại ở cả ba cấp chính quyền. Đó cũng là vấn đề khó để tháo gỡ cho cơ chế này tồn tại.
Rõ ràng, để nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã là một đề xuất sáng tạo, để Nhà nước trở về đúng bản chất là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Nhưng để triển khai được trên thực tế, vẫn còn nhiều băn khoăn. Mở rộng dân chủ trực tiếp là cần thiết, nhưng mở rộng thế nào phải có bước đi thích hợp trên cơ sở nghiên cứu những vấn đề về lý luận cũng như thực tiễn. Phải có các định chế hạn chế tối đa mặt trái của việc bầu trực tiếp Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã để nếu triển khai thì nó phải phản ánh đúng bản chất vấn đề. Cần nâng cao nhận thức của người dân trong việc chọn ai là người đại diện cho mình, vì điều đó liên quan đến lợi ích của chính bản thân họ. Điều này chỉ làm được nếu trình độ dân trí của họ được nâng cao. Dân chủ trực tiếp không chỉ là trực tiếp cho người ra ứng cử, người được đề cử mà còn là trách nhiệm của người được cầm lá phiếu để bầu. Về cơ chế giới thiệu người để dân bầu, cần có sự lãnh đạo và định hướng của Đảng, đưa ra những người đảm bảo tiêu chuẩn, sau đó dân tìm hiểu, đánh giá và lựa chọn. Đối với chính quyền, phải giới thiệu được người xứng đáng để ra ứng cử. Bản thân người ứng cử sẽ phải có chương trình hành động của mình; nếu chương trình hành động mà đảm bảo được lợi ích của người dân thì họ sẽ cân nhắc để lựa chọn.
Triển khai được chủ trương này trên thực tế, đòi hỏi nhiều điều kiện, từ quyết tâm chính trị đến cơ chế pháp lý và tổ chức thực hiện. Những vấn đề này rõ ràng không dễ giải quyết trong ngày một, ngày hai mà cần có sự nghiên cứu kỹ cả về lý luận lẫn thực tiễn. Về mặt quan điểm, một Nhà nước dân chủ thực sự đúng nghĩa đòi hỏi tất cả các chức danh chủ chốt trong bộ máy nhà nước phải được bầu trực tiếp bởi người dân. Thừa nhận cơ chế này chỉ là bước đầu chúng ta tập dượt để người dân dần dần biết làm chủ ở những công việc chưa mang tầm vĩ mô. Hiện tại, còn có nhiều vướng mắc trong việc triển khai cơ chế này nhưng không vì lý do này mà chúng ta dừng lại. Bởi vì, trong tương lai, khi mà những điều kiện đảm bảo cho quyền làm chủ của người dân được tích lũy đủ thì tất yếu sẽ phải thừa nhận cơ chế này. Nếu thừa nhận, trước hết cũng nên thực hiện thí điểm, rút kinh nghiệm, bổ sung cơ chế ràng buộc cần thiết trước khi triển khai rộng rãi. Nếu quyết tâm, đây được coi là một sự đột phá chiến lược trong cải cách tổ chức chính quyền địa phương ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Trường Chính trị Nghệ An