Có quan điểm cho rằng hoạt động thi hành án dân sự là hoạt động tư pháp, đảm bảo tính hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án được đưa ra thi hành trên thực tế, là hoạt động tố tụng cuối cùng của vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cá nhân, tổ chức và nhà nước. Do vậy, giai đoạn nào của “thi hành án dân sự” cũng rất quan trọng.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến “vấn đề xử lý số tiền thu được từ bán đấu giá tài sản thi hành án khi bản án, quyết định của Tòa án do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hủy” sẽ xử lý ra sao và giải quyết như thế nào cho thỏa đáng và đúng quy định pháp luật, những quan điểm khác nhau và chưa thống nhất qua một vụ việc thực tế để chứng minh cho vấn đề này, qua đó có một số ý kiến đề xuất, kiến nghị về việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về thi hành án dân sự.
Vụ việc chúng tôi đề cập là vụ tranh chấp kinh doanh thương mại về hợp đồng vay tài sản giữa nguyên đơn là Ngân hàng TMCP Y với bị đơn là ông X, được Tòa án nhân dân thành phố T giải quyết bằng Quyết đị̣nh công nhận thỏa thuận giữa các bên đương sự số 04/QĐ-KDTM-ST ngày 05/5/2015 của Tòa án nhân dân thành phố T. Sau khi nhận đơn yêu cầu thi hành án, Chi cục đã ra Quyết định thi hành án số 1358/QĐ-CCTHADS ngày 14/8/2015 về thi hành khoản: “Buộc ông X phải trả nợ cho Ngân hàng TMCP Y, số tiền 3,7 tỷ đồng và tiếp tục trả lãi trên dư nợ gốc còn lại phát sinh theo hợp đồng tín dụng, nếu ông X không trả nợ thì Ngân hàng TMCP Y được quyền yêu cầu phát mãi tài sản thế chấp (là nhà và đất tại số 46 Lê Lợi, thành phố T theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số BA709553 do Ủy ban nhân dân thành phố T cấp) để thu hồi nợ.
Quá trình tổ chức thi hành án, ông X có đủ điều kiện thi hành nhưng ông không tự nguyện thi hành án, căn cứ theo quy định pháp luật về thi hành án dân sự, Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T đã cưỡng chế kê biên tài sản thế chấp để đảm bảo cho ngân hàng. Sau khi kê biên, xử lý tài sản theo quy định pháp luật và người mua được tài sản đã nộp đủ tiền mua trúng đấu giá, Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T nhận được Quyết định kháng nghị số 05/2016/KN-KDTM ngày 08/6/2016 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng về việc kháng nghị Giám đốc thẩm và tạm đình chỉ thi hành Quyết định số 04/QDDST-KDTM ngày 05/5/2015 của Toà án nhân dân thành phố T. Tiếp đến, Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T nhận tiếp Quyết định Giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng hủy toàn bộ Quyết định số 04/QĐ-KDTM-ST ngày 05/5/2015 của Toà án nhân dân thành phố T để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm từ đầu. Trong thời gian này, tài sản thế chấp ngân hàng đã kê biên, xử lý và người mua được tài sản cũng đã nộp đủ tiền nhưng chưa nhận được tài sản.
Mặc dù, Quyết định số 04/QDDST-KDTM của Toà án nhân dân thành phố T đã bị hủy nhưng Luật Thi hành án dân sự hiện hành vẫn có điều luật quy định để bảo vệ quyền lợi cho người mua trúng đấu giá tài sản thi hành án. Đó là căn cứ theo quy định tại Điều 103 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014: “Trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá nhưng bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy thì cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục giao tài sản, kể cả thực hiện việc cưỡng chế thi hành án để giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật hoặc đương sự có thỏa thuận khác” để tiến hành các trình tự thủ tục giao tài sản cho người mua trúng đấu giá thành, nhằm bảo vệ quyền lợi cho họ theo quy định pháp luật.
Nội dung tình huống là như thế, nhưng vẫn có những quan điểm khác nhau và vướng mắc là ở vấn đề, số tiền thu được từ bán đấu giá tài sản thi hành án có được chuyển trả cho ngân hàng theo án tuyên hay không? Do Tòa án nhân dân cấp cao ra Bản án Giám đốc thẩm hủy Quyết định số 04/QĐ-KDTM-ST ngày 05/5/2015 của Toà án nhân dân thành phố T để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm. Xoay quanh vấn đề này có ba quan điểm khác nhau đều lập luận và có cơ sở như sau:
- Quan điểm thứ nhất cho rằng, tài sản thế chấp đã kê biên, xử lý xong, người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền và nhận được tài sản mua đấu giá thì số tiền thu được từ việc bán đấu giá phải chi trả cho ngân hàng là phù hợp. Không cần thiết phải ra Quyết định đình chỉ theo điểm d khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự mà xử lý số tiền theo khoản 4 Điều 27 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ, quy định “Cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc thanh toán tiền thi hành án theo quy định tại Điều 47 Luật Thi hành án dân sự trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá…” và chi tiền cho ngân hàng xong thì ngân hàng mới làm thủ tục giải chấp cho người mua trúng đấu giá được hoàn thiện hồ sơ pháp lý về giấy tờ sở hữu nhà, quyền sử dụng đất mà không bị ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên là phù hợp hơn.
- Quan điểm thứ 2 cho rằng, Quyết định số 04/QĐ-KDTM-ST ngày 05/5/2015 của Tòa án nhân dân thành phố T là căn cứ pháp lý để cơ quan thi hành án, chấp hành viên tổ chức thi hành trên thực tế nhưng đã bị Tòa án cấp cao hủy thì mọi hoạt động tố tụng dân sự bị đình chỉ, không còn căn cứ để tổ chức thi hành. Quyết định của Tòa án lúc bây giờ không còn hiệu lực mà tính hiệu lực là ở Bản án Giám đốc thẩm. Như vậy, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án, căn cứ vào Quyết định số 04/QĐ-KDTM-ST ngày 05/5/2015 của Tòa án nhân dân thành phố T buộc phải đình chỉ và dừng lại mọi hoạt động tác nghiệp, kể cả việc việc chi trả tiền cho đương sự (trừ những trường hợp có quy định khác của pháp luật). Trong trường hợp này, căn cứ vào cơ sở pháp lý nào mà cơ quan thi hành án tiếp tục thi hành? Do đó, việc chi trả tiền cho ngân hàng không được thực hiện theo khoản 4 Điều 27 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ như quan điểm thứ nhất đã nêu. Xử lý số tiền này bằng phương pháp gửi số tiền theo hình thức tiết kiệm có kỳ hạn và chờ đến khi có bản án, quyết định có hiệu lực mới của Tòa án thì có cở sở để tổ chức thi hành là phù hợp theo quy định pháp luật hơn.
- Quan điểm thứ ba cho rằng, nếu theo quan điểm thứ nhất thì bảo vệ được quyền lợi cho ngân hàng và người mua được tài sản bán đấu giá sẽ hoàn thiện được hồ sơ chuyển quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất kịp thời. Còn quan điểm thứ 2 là thực hiện đúng theo nguyên tắc của pháp luật tố tụng dân sự hơn. Tác giả bài viết đồng tình theo quan điểm này bởi các lý do sau:
Thứ nhất, khi cơ quan THADS, nhận Bản án Giám đốc thẩm của Tòa án cấp cao hủy Quyết định số 04/QĐ-KDTM-ST ngày 05/5/2015 của Toà án nhân dân thành phố T phải áp dụng theo điểm d khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự về “Bản án, quyết định bị hủy một phần hoặc toàn bộ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 103 của Luật này” để ra quyết định đình chỉ thi hành là hoàn toàn đúng pháp luật. Như vậy, quyết định của Tòa án đã bị đình chỉ không còn hiệu lực để tổ chức thi hành, mọi hoạt động tố tụng bị dừng lại chờ bản án, quyết định mới, có cơ sở pháp lý tổ chức thi hành. Còn trừ trường hợp theo khoản 2 Điều 103 là cho khoản thi hành phần giao tài sản cho người mua trúng đấu giá mà thôi, đó là điểm mới của Luật Thi hành án sửa đổi, bổ sung năm 2014, là nhằm thực hiện nguyên tắc bảo vệ các quyền của công dân theo Hiến pháp năm 2013 chính là để bảo vệ quyền của người mua trúng đấu giá tài sản thi hành án đã nộp đủ số tiền.
Thứ hai, khi Quyết định thi hành án bị đình chỉ thì không còn cơ sở pháp lý để hoạch toán thu, chi trả tiền cho đương sự được. Còn áp dụng theo quy định khoản 4 Điều 27 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ cho những vụ việc không rơi vào trường hợp bị án hủy nêu trên. Đây cũng là vướng mắc ở pháp luật về thi hành án dân sự, chưa quy định cụ thể, rõ ràng để áp dụng vào thực tế nên vẫn còn bất cập.
Thứ ba, số tiền thu được từ bán đấu giá tài sản vẫn gửi tiết kiệm chờ bản án, quyết định mới có hiệu lực thi hành và phòng ngừa hậu quả của vấn đề xét xử lại, có thể hợp đồng thế chấp bị hủy toàn bộ… vẫn biết rằng, nếu có thiệt hại xảy ra do bản án bị hủy thì là lỗi của cơ quan ra bản án, quyết định đó phải chịu theo quy định pháp luật, chứ cơ quan THADS, chấp hành viên chỉ tổ chức thi hành đúng bản án, quyết định (Điều 2 Điều 20 Luật Thi hành án dân sự) mà thôi.
Thứ tư, trường hợp ngân hàng không xóa thế chấp và người mua trúng đấu giá không hoàn thiện được hồ sơ pháp lý về sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất thì có thể họp liên ngành để phối hợp xử lý tiếp theo quy chế phối hợp liên ngành, Ban chỉ đạo công tác thi hành án dân sự.
Tuy nhiên, tình huống nêu trên xảy ra thực tế hiện nay khá nhiều và vẫn là vấn đề vướng mắc ở thực tiễn trong việc thực hiện và áp dụng pháp luật. Hệ thống pháp luật về thi hành án dân sự đã hoàn thiện cơ bản nhưng vẫn còn vướng mắc như trường hợp nêu trên. Tác giả bài viết rất mong sự trao đổi thông tin của độc giả, quý đồng nghiệp nhằm để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ thi hành án dân sự và góp phần vào việc hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự hơn theo xu hướng phát triển chung của đất nước và chương trình cải cách tư pháp đến năm 2020
Chi cục Thi hành án dân sự Tuy Hòa, Phú Yên