Quốc tịch là vấn đề thiêng liêng đối với mỗi con người, là mối quan hệ chính trị và pháp lý gắn kết một cá nhân với một Nhà nước có chủ quyền; là cơ sở pháp lý đầu tiên để xác định một cá nhân là công dân của một nước và trên cơ sở đó làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ qua lại giữa Nhà nước và công dân. Luật pháp quốc tế quy định, từng quốc gia sẽ quyết định ai là công dân nước mình theo luật pháp hiện hành của quốc gia đó và phải phù hợp với những nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế. Tại Việt Nam, vấn đề công dân và quốc tịch cũng đã được thể hiện rất rõ trong Hiến pháp cũng như đạo luật chuyên ngành. Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp Việt Nam năm 2013 đã xác định “công dân Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam”. Chính vì vậy, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 đã có những quy định nhằm xác định ai là công dân của nước mình. Theo đó, Điều 11 của Luật quy định về giấy tờ làm căn cứ để chứng minh một người có quốc tịch Việt Nam và Điều 14 quy định căn cứ để xác định người có quốc tịch Việt Nam. Đây là hai quy định có mối quan hệ chặt chẽ với nhau để xác định một cách chính xác ai là người có quốc tịch Việt Nam.
1. Quy định về giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam
Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định một trong các giấy tờ sau đây có giá trị chứng minh người có quốc tịch Việt Nam: (i). Giấy khai sinh; trường hợp Giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch Việt Nam thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ; (ii). Giấy chứng minh nhân dân; (iii). Hộ chiếu Việt Nam; (iv). Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam, quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài, quyết định cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi.
Căn cứ vào quy định này thì các giấy tờ nêu trên có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam của một cá nhân. Do đó, để chứng minh quốc tịch Việt Nam của mình trong các quan hệ, giao dịch thì họ có thể xuất trình một trong những giấy tờ này.
2. Căn cứ xác định người có quốc tịch Việt Nam
Điều 14 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định người được xác định có quốc tịch Việt Nam, nếu có một trong những căn cứ sau đây:
Thứ nhất, do sinh ra theo quy định tại các Điều 15, 16 và 17 của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, cụ thể là:
- Đối với trẻ em sinh ra có cha mẹ là công dân Việt Nam: Trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha mẹ đều là công dân Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam (Điều 15 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008). Theo đó, đối với trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam và có cha mẹ là công dân Việt Nam thì trẻ em đó đương nhiên có quốc tịch Việt Nam. Đối với những trẻ em sinh ra tại nước ngoài thì trẻ em đó vẫn có quốc tịch Việt Nam ngay cả khi đã được nhận quốc tịch nước ngoài theo nơi sinh hoặc được nhận quốc tịch theo quốc tịch của cha mẹ (trong trường hợp cha mẹ trẻ có thêm quốc tịch khác ngoài quốc tịch Việt Nam).
- Đối với trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam: Trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người không quốc tịch hoặc có mẹ là công dân Việt Nam còn cha không rõ là ai thì có quốc tịch Việt Nam. Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thoả thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con. Trường hợp trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà cha mẹ không thoả thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con thì trẻ em đó có quốc tịch Việt Nam (Điều 16 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008).
- Đối với trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là người không quốc tịch: Trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha mẹ đều là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam. Trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có mẹ là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam, còn cha không rõ là ai thì có quốc tịch Việt Nam (Điều 17 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008).
Thứ hai, do được nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam. Đây là trường hợp một người có quốc tịch nước ngoài hoặc người không quốc tịch được Chủ tịch nước quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; người đã mất quốc tịch Việt Nam được Chủ tịch nước cho trở lại quốc tịch Việt Nam.
Thứ ba, căn cứ theo quy định tại các điều 18, 35 và 37 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, đây là những trường hợp xác định quốc tịch đối với trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam (Điều 18); quốc tịch của con chưa thành niên khi cha mẹ được nhập, trở lại hoặc thôi quốc tịch Việt Nam (Điều 35) và xác định quốc tịch của con nuôi chưa thành niên (Điều 37).
Trên cơ sở những căn cứ nêu trên, việc xác định quốc tịch cho một cá nhân dựa trên cả hai nguyên tắc huyết thống và nơi sinh. Tuy nhiên, nguyên tắc huyết thống là nguyên tắc ưu tiên trong Luật Quốc tịch (phù hợp với luật pháp quốc tế). Nguyên tắc nơi sinh được áp dụng khi không xác định được quốc tịch của một cá nhân theo nguyên tắc huyết thống. Ngoài ra, trong một số trường hợp, Luật Quốc tịch còn cho phép cá nhân có quyền lựa chọn quốc tịch của bản thân (xin thôi quốc tịch Việt Nam, xin trở lại quốc tịch Việt Nam) hoặc quốc tịch của con cái họ (thỏa thuận lựa chọn quốc tịch cho con tại thời điểm đăng ký khai sinh khi cha và mẹ không cùng quốc tịch).
3. Mối quan hệ giữa giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam với căn cứ xác định người có quốc tịch Việt Nam và vấn đề đặt ra từ quy định về giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam
Theo Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 thì những giấy tờ được quy định tại Điều này có giá trị chứng minh một người có quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, cần hiểu quy định này theo hướng, những giấy tờ theo quy định tại Điều 11 chỉ có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam của một người, không phải khẳng định người đó có quốc tịch Việt Nam. Về nguyên tắc, quy định này phải đặt trong mối liên hệ với quy định tại Điều 14 (căn cứ xác định có quốc tịch Việt Nam). Bởi lẽ, mỗi loại giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam khi được cấp cho một người sẽ tương ứng với một căn cứ để xác định quốc tịch Việt Nam của người đó. Ví dụ: Nếu căn cứ xác định quốc tịch Việt Nam là do sinh ra theo quy định tại các Điều 15, 16 và 17 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 thì giấy tờ phát sinh đầu tiên và tương ứng để chứng minh người đó có quốc tịch Việt Nam là giấy khai sinh trong đó ghi quốc tịch Việt Nam (trường hợp giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch Việt Nam thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ). Trên cơ sở giấy khai sinh, Cơ quan công an sẽ cấp hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân/căn cước công dân cho người đó... Có thể nói, đây là những giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam phổ biến nhất của công dân Việt Nam. Hoặc, một người nước ngoài sẽ chỉ có quốc tịch Việt Nam nếu họ đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Luật Quốc tịch và được Chủ tịch nước quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; để chứng minh quốc tịch thì trường hợp này phải xuất trình được quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam của Chủ tịch nước.
Triển khai thực hiện những quy định này trên thực tế cũng đã phát sinh những vướng mắc, bất cập nhất định như: Có khá nhiều trường hợp có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam nhưng hiện họ không còn là công dân Việt Nam; hay mặc dù có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam nhưng lại không thuộc một trong những căn cứ được xác định có quốc tịch Việt Nam. Vấn đề này đã gây ra không ít khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước, cũng như ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người có liên quan.
Một là, do hiện nay pháp luật về quốc tịch chưa có quy định về biện pháp hiệu quả để thu hồi, hủy bỏ hoặc chấm dứt giá trị các giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của người đã được thôi quốc tịch, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, dẫn đến có những người đã thôi quốc tịch Việt Nam, nhưng vẫn sử dụng chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu Việt Nam… để chứng minh tư cách công dân Việt Nam khi quan hệ với cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam. Thực tế, nhiều trường hợp đã lợi dụng kẽ hở này để sử dụng các giấy tờ đã không còn giá trị pháp lý để thực hiện các giao dịch, gây ra những hệ quả phức tạp cho công tác quản lý nhà nước.
Hai là, do lịch sử để lại, hiện nay có khá nhiều người nước ngoài (chủ yếu là người gốc Campuchia, Trung Quốc, Lào) chưa nhập quốc tịch Việt Nam nhưng họ đã được đăng ký hộ khẩu thường trú và cấp chứng minh nhân cho họ (như công dân Việt Nam). Từ thực tế này, hiện nay, đang có hàng ngàn người nước ngoài sử dụng giấy tờ của công dân Việt Nam để chứng minh quốc tịch Việt Nam (như Giấy chứng minh nhân dân), thậm chí họ đã và đang đứng tên trên các giấy tờ pháp lý khác như công dân Việt Nam (như Giấy phép lái xe, giấy tờ sở hữu nhà, sử dụng đất…); tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về quốc tịch thì những trường hợp này không có quốc tịch Việt Nam (vì họ không thuộc một trong những căn cứ được xác định có quốc tịch Việt Nam). Như vậy, nếu chỉ dựa vào những giấy tờ như chứng minh nhân dân/căn cước công dân thì vô tình đã “hợp thức hóa” quốc tịch Việt Nam cho họ (thay vì phải làm hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam như theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008).
Ba là, khoản 2 Điều 16 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định: “Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con”. Căn cứ quy định này, trẻ em có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì vào thời điểm đăng ký khai sinh cha mẹ phải có thỏa thuận lựa chọn quốc tịch cho con. Trường hợp trẻ em đã được đăng ký khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài và xác định quốc tịch nước ngoài thì trẻ em đó sẽ không được đăng ký khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và lựa chọn thêm quốc tịch Việt Nam cho con nữa. Tuy nhiên, hiện nay một số Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vẫn thực hiện ghi chú vào Sổ hộ tịch việc đăng ký khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, đồng thời, bổ sung quốc tịch Việt Nam cho những trẻ em là con lai. Trong số những trẻ em này, có trẻ đã được bố/mẹ đưa về Việt Nam sinh sống và mang bản trích lục khai sinh (trong đó có ghi quốc tịch Việt Nam của trẻ) đến cơ quan công an địa phương để làm thủ tục đăng ký thường trú cho con.
Bên cạnh đó, do pháp luật hiện nay lồng ghép việc xác định quốc tịch Việt Nam cho cá nhân với thủ tục đăng ký khai sinh (bao gồm đăng ký khai sinh trẻ mới sinh, đăng ký khai sinh quá hạn và đăng ký lại việc sinh), hay cho phép bổ sung quốc tịch trong giấy khai sinh đối với những biểu mẫu giấy khai sinh và sổ khai sinh không có mục ghi về quốc tịch nên đã dẫn đến những trường hợp công chức tư pháp - hộ tịch do không nắm chắc quy định của pháp luật về quốc tịch đã xác định sai quốc tịch và ghi quốc tịch Việt Nam vào giấy khai sinh cho trẻ; hoặc khi làm thủ tục bổ sung quốc tịch thì không có sự phối hợp với cơ quan công an hay không đề nghị Bộ Tư pháp tra cứu quốc tịch nên đã ghi bổ sung quốc tịch Việt Nam cho người chưa có quốc tịch Việt Nam hoặc đã có quốc tịch Việt Nam nhưng đã thôi quốc tịch Việt Nam. Như vậy, những trường hợp này có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam (giấy khai sinh) nhưng cũng không thuộc một trong những căn cứ để được xác định có quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 14 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008.
Từ những phân tích nêu trên có thể thấy rằng, không thể thực hiện quy định tại Điều 11 Luật Quốc tịch một cách máy móc (người dân cứ xuất trình những giấy tờ quy định tại điều này là khẳng định họ có quốc tịch Việt Nam), mà việc thực hiện quy định này cần phải có mối liên hệ chặt chẽ với quy định tại Điều 14 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 nhằm khẳng định một cách chắc chắn rằng người đang sử dụng những giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam là được cấp trên cơ sở căn cứ xác định người đó có quốc tịch Việt Nam. Trường hợp có nghi ngờ cần phải phối hợp với các cơ quan có liên quan (đặc biệt là cơ quan công an) để thực hiện việc xác minh. Chỉ có như vậy mới đảm bảo tính chặt chẽ của pháp luật.
4. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước liên quan đến giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam
Thứ nhất, nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về quốc tịch theo hướng bổ sung quy định nhằm hủy bỏ giá trị của giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam (Điều 11) của những người đã được thôi quốc tịch, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam. Đồng thời, cần có cơ chế thông tin giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an để thực hiện việc xóa đăng ký thường trú; thu hồi hộ chiếu Việt Nam, chứng minh nhân dân, căn cước công dân của người đã được thôi quốc tịch, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
Thứ hai, cần khẩn trương thực hiện việc rà soát, thống kê và có biện pháp xử lý đối với các trường hợp cấp chưa đúng giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam cho người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam, bảo đảm việc xác định quốc tịch Việt Nam cho đúng đối tượng; thực hiện nghiêm việc xóa đăng ký thường trú, thu hồi giấy chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân đã cấp cho người đã được thôi quốc tịch Việt Nam.
Thứ ba, quan tâm hơn nữa đến công tác tập huấn chuyên sâu pháp luật về quốc tịch cho công chức tư pháp - hộ tịch; người có trách nhiệm cấp giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về quốc tịch để người dân nâng cao nhận thức trong việc sử dụng giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam.
1. Quy định về giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam
Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định một trong các giấy tờ sau đây có giá trị chứng minh người có quốc tịch Việt Nam: (i). Giấy khai sinh; trường hợp Giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch Việt Nam thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ; (ii). Giấy chứng minh nhân dân; (iii). Hộ chiếu Việt Nam; (iv). Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam, quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài, quyết định cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi.
Căn cứ vào quy định này thì các giấy tờ nêu trên có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam của một cá nhân. Do đó, để chứng minh quốc tịch Việt Nam của mình trong các quan hệ, giao dịch thì họ có thể xuất trình một trong những giấy tờ này.
2. Căn cứ xác định người có quốc tịch Việt Nam
Điều 14 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định người được xác định có quốc tịch Việt Nam, nếu có một trong những căn cứ sau đây:
Thứ nhất, do sinh ra theo quy định tại các Điều 15, 16 và 17 của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, cụ thể là:
- Đối với trẻ em sinh ra có cha mẹ là công dân Việt Nam: Trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha mẹ đều là công dân Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam (Điều 15 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008). Theo đó, đối với trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam và có cha mẹ là công dân Việt Nam thì trẻ em đó đương nhiên có quốc tịch Việt Nam. Đối với những trẻ em sinh ra tại nước ngoài thì trẻ em đó vẫn có quốc tịch Việt Nam ngay cả khi đã được nhận quốc tịch nước ngoài theo nơi sinh hoặc được nhận quốc tịch theo quốc tịch của cha mẹ (trong trường hợp cha mẹ trẻ có thêm quốc tịch khác ngoài quốc tịch Việt Nam).
- Đối với trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam: Trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người không quốc tịch hoặc có mẹ là công dân Việt Nam còn cha không rõ là ai thì có quốc tịch Việt Nam. Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thoả thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con. Trường hợp trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà cha mẹ không thoả thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con thì trẻ em đó có quốc tịch Việt Nam (Điều 16 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008).
- Đối với trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là người không quốc tịch: Trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha mẹ đều là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam. Trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có mẹ là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam, còn cha không rõ là ai thì có quốc tịch Việt Nam (Điều 17 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008).
Thứ hai, do được nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam. Đây là trường hợp một người có quốc tịch nước ngoài hoặc người không quốc tịch được Chủ tịch nước quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; người đã mất quốc tịch Việt Nam được Chủ tịch nước cho trở lại quốc tịch Việt Nam.
Thứ ba, căn cứ theo quy định tại các điều 18, 35 và 37 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, đây là những trường hợp xác định quốc tịch đối với trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam (Điều 18); quốc tịch của con chưa thành niên khi cha mẹ được nhập, trở lại hoặc thôi quốc tịch Việt Nam (Điều 35) và xác định quốc tịch của con nuôi chưa thành niên (Điều 37).
Trên cơ sở những căn cứ nêu trên, việc xác định quốc tịch cho một cá nhân dựa trên cả hai nguyên tắc huyết thống và nơi sinh. Tuy nhiên, nguyên tắc huyết thống là nguyên tắc ưu tiên trong Luật Quốc tịch (phù hợp với luật pháp quốc tế). Nguyên tắc nơi sinh được áp dụng khi không xác định được quốc tịch của một cá nhân theo nguyên tắc huyết thống. Ngoài ra, trong một số trường hợp, Luật Quốc tịch còn cho phép cá nhân có quyền lựa chọn quốc tịch của bản thân (xin thôi quốc tịch Việt Nam, xin trở lại quốc tịch Việt Nam) hoặc quốc tịch của con cái họ (thỏa thuận lựa chọn quốc tịch cho con tại thời điểm đăng ký khai sinh khi cha và mẹ không cùng quốc tịch).
3. Mối quan hệ giữa giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam với căn cứ xác định người có quốc tịch Việt Nam và vấn đề đặt ra từ quy định về giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam
Theo Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 thì những giấy tờ được quy định tại Điều này có giá trị chứng minh một người có quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, cần hiểu quy định này theo hướng, những giấy tờ theo quy định tại Điều 11 chỉ có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam của một người, không phải khẳng định người đó có quốc tịch Việt Nam. Về nguyên tắc, quy định này phải đặt trong mối liên hệ với quy định tại Điều 14 (căn cứ xác định có quốc tịch Việt Nam). Bởi lẽ, mỗi loại giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam khi được cấp cho một người sẽ tương ứng với một căn cứ để xác định quốc tịch Việt Nam của người đó. Ví dụ: Nếu căn cứ xác định quốc tịch Việt Nam là do sinh ra theo quy định tại các Điều 15, 16 và 17 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 thì giấy tờ phát sinh đầu tiên và tương ứng để chứng minh người đó có quốc tịch Việt Nam là giấy khai sinh trong đó ghi quốc tịch Việt Nam (trường hợp giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch Việt Nam thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ). Trên cơ sở giấy khai sinh, Cơ quan công an sẽ cấp hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân/căn cước công dân cho người đó... Có thể nói, đây là những giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam phổ biến nhất của công dân Việt Nam. Hoặc, một người nước ngoài sẽ chỉ có quốc tịch Việt Nam nếu họ đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Luật Quốc tịch và được Chủ tịch nước quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; để chứng minh quốc tịch thì trường hợp này phải xuất trình được quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam của Chủ tịch nước.
Triển khai thực hiện những quy định này trên thực tế cũng đã phát sinh những vướng mắc, bất cập nhất định như: Có khá nhiều trường hợp có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam nhưng hiện họ không còn là công dân Việt Nam; hay mặc dù có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam nhưng lại không thuộc một trong những căn cứ được xác định có quốc tịch Việt Nam. Vấn đề này đã gây ra không ít khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước, cũng như ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người có liên quan.
Một là, do hiện nay pháp luật về quốc tịch chưa có quy định về biện pháp hiệu quả để thu hồi, hủy bỏ hoặc chấm dứt giá trị các giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của người đã được thôi quốc tịch, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, dẫn đến có những người đã thôi quốc tịch Việt Nam, nhưng vẫn sử dụng chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu Việt Nam… để chứng minh tư cách công dân Việt Nam khi quan hệ với cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam. Thực tế, nhiều trường hợp đã lợi dụng kẽ hở này để sử dụng các giấy tờ đã không còn giá trị pháp lý để thực hiện các giao dịch, gây ra những hệ quả phức tạp cho công tác quản lý nhà nước.
Hai là, do lịch sử để lại, hiện nay có khá nhiều người nước ngoài (chủ yếu là người gốc Campuchia, Trung Quốc, Lào) chưa nhập quốc tịch Việt Nam nhưng họ đã được đăng ký hộ khẩu thường trú và cấp chứng minh nhân cho họ (như công dân Việt Nam). Từ thực tế này, hiện nay, đang có hàng ngàn người nước ngoài sử dụng giấy tờ của công dân Việt Nam để chứng minh quốc tịch Việt Nam (như Giấy chứng minh nhân dân), thậm chí họ đã và đang đứng tên trên các giấy tờ pháp lý khác như công dân Việt Nam (như Giấy phép lái xe, giấy tờ sở hữu nhà, sử dụng đất…); tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về quốc tịch thì những trường hợp này không có quốc tịch Việt Nam (vì họ không thuộc một trong những căn cứ được xác định có quốc tịch Việt Nam). Như vậy, nếu chỉ dựa vào những giấy tờ như chứng minh nhân dân/căn cước công dân thì vô tình đã “hợp thức hóa” quốc tịch Việt Nam cho họ (thay vì phải làm hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam như theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008).
Ba là, khoản 2 Điều 16 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định: “Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con”. Căn cứ quy định này, trẻ em có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì vào thời điểm đăng ký khai sinh cha mẹ phải có thỏa thuận lựa chọn quốc tịch cho con. Trường hợp trẻ em đã được đăng ký khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài và xác định quốc tịch nước ngoài thì trẻ em đó sẽ không được đăng ký khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và lựa chọn thêm quốc tịch Việt Nam cho con nữa. Tuy nhiên, hiện nay một số Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vẫn thực hiện ghi chú vào Sổ hộ tịch việc đăng ký khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, đồng thời, bổ sung quốc tịch Việt Nam cho những trẻ em là con lai. Trong số những trẻ em này, có trẻ đã được bố/mẹ đưa về Việt Nam sinh sống và mang bản trích lục khai sinh (trong đó có ghi quốc tịch Việt Nam của trẻ) đến cơ quan công an địa phương để làm thủ tục đăng ký thường trú cho con.
Bên cạnh đó, do pháp luật hiện nay lồng ghép việc xác định quốc tịch Việt Nam cho cá nhân với thủ tục đăng ký khai sinh (bao gồm đăng ký khai sinh trẻ mới sinh, đăng ký khai sinh quá hạn và đăng ký lại việc sinh), hay cho phép bổ sung quốc tịch trong giấy khai sinh đối với những biểu mẫu giấy khai sinh và sổ khai sinh không có mục ghi về quốc tịch nên đã dẫn đến những trường hợp công chức tư pháp - hộ tịch do không nắm chắc quy định của pháp luật về quốc tịch đã xác định sai quốc tịch và ghi quốc tịch Việt Nam vào giấy khai sinh cho trẻ; hoặc khi làm thủ tục bổ sung quốc tịch thì không có sự phối hợp với cơ quan công an hay không đề nghị Bộ Tư pháp tra cứu quốc tịch nên đã ghi bổ sung quốc tịch Việt Nam cho người chưa có quốc tịch Việt Nam hoặc đã có quốc tịch Việt Nam nhưng đã thôi quốc tịch Việt Nam. Như vậy, những trường hợp này có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam (giấy khai sinh) nhưng cũng không thuộc một trong những căn cứ để được xác định có quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 14 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008.
Từ những phân tích nêu trên có thể thấy rằng, không thể thực hiện quy định tại Điều 11 Luật Quốc tịch một cách máy móc (người dân cứ xuất trình những giấy tờ quy định tại điều này là khẳng định họ có quốc tịch Việt Nam), mà việc thực hiện quy định này cần phải có mối liên hệ chặt chẽ với quy định tại Điều 14 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 nhằm khẳng định một cách chắc chắn rằng người đang sử dụng những giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam là được cấp trên cơ sở căn cứ xác định người đó có quốc tịch Việt Nam. Trường hợp có nghi ngờ cần phải phối hợp với các cơ quan có liên quan (đặc biệt là cơ quan công an) để thực hiện việc xác minh. Chỉ có như vậy mới đảm bảo tính chặt chẽ của pháp luật.
4. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước liên quan đến giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam
Thứ nhất, nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về quốc tịch theo hướng bổ sung quy định nhằm hủy bỏ giá trị của giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam (Điều 11) của những người đã được thôi quốc tịch, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam. Đồng thời, cần có cơ chế thông tin giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an để thực hiện việc xóa đăng ký thường trú; thu hồi hộ chiếu Việt Nam, chứng minh nhân dân, căn cước công dân của người đã được thôi quốc tịch, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
Thứ hai, cần khẩn trương thực hiện việc rà soát, thống kê và có biện pháp xử lý đối với các trường hợp cấp chưa đúng giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam cho người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam, bảo đảm việc xác định quốc tịch Việt Nam cho đúng đối tượng; thực hiện nghiêm việc xóa đăng ký thường trú, thu hồi giấy chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân đã cấp cho người đã được thôi quốc tịch Việt Nam.
Thứ ba, quan tâm hơn nữa đến công tác tập huấn chuyên sâu pháp luật về quốc tịch cho công chức tư pháp - hộ tịch; người có trách nhiệm cấp giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về quốc tịch để người dân nâng cao nhận thức trong việc sử dụng giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam.
ThS. Vũ Thị Thảo
ThS. Trần Cẩm An
Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp
ThS. Trần Cẩm An
Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp