Bản chất của nợ xấu của hệ thống ngân hàng là những tài sản không sinh lời của nền kinh tế được tài trợ bởi các khoản tín dụng của hệ thống ngân hàng. Do đó, xử lý nợ xấu là yêu cầu cấp bách và nhiệm vụ chính trị quan trọng của Ngành Ngân hàng, đồng thời cần có sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và xã hội nhằm khơi thông trở lại dòng vốn trong nền kinh tế đang bị đóng băng trong các khoản nợ xấu và lành mạnh hóa tài chính cho các tổ chức tín dụng. Có thể nói, vấn đề nợ xấu luôn tiềm ẩn đối với hệ thống ngân hàng mỗi quốc gia, vì vậy, việc nghiên cứu các vấn đề về nợ xấu và tìm ra các giải pháp hoàn thiện mô hình về xử lý nợ xấu ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là có tính cấp thiết.
Trong bài viết "Nợ xấu và mô hình xử lý nợ xấu của ngân hàng thương mại ở Việt Nam", tác giả Nguyễn Hoài Phương đã nêu lên thực trạng mô hình xử lý nợ xấu ở Việt Nam (theo đó bao gồm mô hình xử lý nợ xấu theo hướng phân quyền và mô hình xử lý nợ xấu tập trung) và đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện mô hình và pháp luật về xử lý nợ xấu, cụ thể liên quan đến những vấn đề như: Về khuôn khổ pháp lý cho hoạt động xử lý nợ xấu; về mô hình xử lý nợ phân quyền (thành lập Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc ngân hàng thương mại - AMC); về mô hình xử lý nợ tập trung (thành lập Công ty Quản lý tài sản của tổ chức tín dụng - VAMC); đối với các ngân hàng thương mại; về nguyên tắc “công khai hóa” trong xử lý nợ xấu.
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề nợ xấu và xử lý nợ xấu, kính mời độc giả đón đọc bài viết này trên Số định kỳ 64 trang tháng 3/2016 của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.