Hiến pháp năm 2013 có sự thay đổi về chất trong việc ghi nhận quyền con người, trong đó có quyền tự do kinh doanh. Theo đó, Điều 33 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Những tư tưởng lớn, tiến bộ của thế giới hiện đại về quyền con người đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, do đó các luật, bộ luật cũng phải có sự thay đổi để phù hợp với quy định của Hiến pháp. Luật Doanh nghiệp năm 2014 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 26/11/2014 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2015), cùng một loạt các luật khác đã hoặc sẽ được ban hành là minh chứng cho sự nỗ lực, đổi mới mạnh mẽ của cơ quan lập pháp ở Việt Nam. Những tư tưởng lớn như: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm” hay “ngành, nghề kinh doanh là của dân, do dân sáng tạo” đã được thể hiện rõ nét qua quy định về ngành, nghề kinh doanh trong nội dung đăng ký doanh nghiệp. Như vậy, theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, ngành, nghề kinh doanh không còn là nội dung bắt buộc trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp thay đổi ngành, nghề kinh doanh (chẳng hạn, bổ sung ngành, nghề kinh doanh mới), không phải làm thủ tục đăng ký thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trong trường hợp này, doanh nghiệp chỉ phải làm thủ tục thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Đây được coi là điểm đổi mới có tính đột phá quan trọng của Luật Doanh nghiệp năm 2014 trong quản lý ngành, nghề kinh doanh, kéo theo sự thay đổi trong nhận thức và áp dụng pháp luật của một số lĩnh vực khác có liên quan.
Để hiểu rõ hơn về nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, kính mời độc giả đón đọc bài viết “Nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp - Đổi mới quan trọng của Luật Doanh nghiệp năm 2014” của tác giả Hoàng Minh Chiến đăng trên Số định kỳ 64 trang tháng 1/2016 của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.
Chu Yến