1. Phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng Chính phủ
Khoản 2 Điều 67 Luật Đầu tư công năm 2019 quy định: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong trường hợp không thay đổi tổng mức vốn trung hạn và hằng năm đã được Quốc hội quyết định”. Theo quy định này, thẩm quyền quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thực tiễn triển khai cho thấy, thời gian để xử lý toàn bộ quy trình điều chỉnh mất nhiều thời gian (trung bình mất khoảng 06 - 07 tháng để thực hiện 11 bước), gây ảnh hưởng đến tính kịp thời trong việc phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn[1].
Để giải quyết tình trạng này, khoản 4 Điều 84 Luật Đầu tư công năm 2024 quy định, Thủ tướng Chính phủ: “Quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương trong nội bộ và giữa các ngành, lĩnh vực, chương trình của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong tổng mức vốn trung hạn của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã được Quốc hội quyết định”. Với quy định này, Luật Đầu tư công năm 2024 đã phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng Chính phủ, nhằm cắt giảm trình tự, thủ tục, thời gian điều chỉnh kế hoạch vốn, tạo sự chủ động cho Thủ tướng Chính phủ trong điều chỉnh kế hoạch vốn ngân sách trung ương trung hạn và hằng năm.
2. Phân cấp thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng chung vốn ngân sách trung ương, các khoản vốn ngân sách trung ương chưa phân bổ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn từ Quốc hội cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Luật Đầu tư công năm 2019 và các nghị quyết của Quốc hội quy định thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương và các khoản vốn ngân sách trung ương chưa phân bổ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm là của Quốc hội. Thời gian để thực hiện quy trình báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định mất từ 06 - 08 tháng, đồng thời phải chờ kỳ họp Quốc hội mới có thể báo cáo, ảnh hưởng đến tính kịp thời trong việc bố trí nguồn lực[2].
Nhằm nâng cao tính chủ động, sẵn sàng trong việc sử dụng các khoản vốn này, Luật Đầu tư công năm 2024 quy định phân cấp thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng chung vốn ngân sách trung ương, các khoản vốn ngân sách trung ương chưa phân bổ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm từ Quốc hội cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quy định này sẽ rút ngắn thời gian thực hiện, nâng cao tính sẵn sàng trong việc sử dụng các khoản vốn chưa phân bổ để kịp thời thực hiện các nhiệm vụ, dự án phát sinh, cần thiết trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn; đồng thời, đồng bộ thẩm quyền với quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước trong trường hợp sử dụng nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn tương ứng với nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương và cắt giảm thủ tục hành chính do không phải thực hiện các trình tự, thủ tục để báo cáo Quốc hội.
3. Nâng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia từ 30.000 tỷ đồng trở lên; của dự án nhóm A, nhóm B và nhóm C với quy mô gấp 2 lần so với các quy định hiện hành
Tại Luật Đầu tư công năm 2019 quy định một trong các tiêu chí của dự án quan trọng quốc gia là sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên (khoản 1 Điều 7). Tuy nhiên, quy mô này được quy định từ Luật Đầu tư công năm 2014, đến nay đã duy trì gần 10 năm và không còn phù hợp với thực tế do: (i) quy mô GDP năm 2024 gấp khoảng 2,1 lần so với năm 2014[3]; (ii) Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực, dự báo thời gian tới, tổng vốn đầu tư các dự án có thể tăng cao do chi phí giải phóng mặt bằng tăng; (iii) các yếu tố trượt giá. Đồng thời, trong giai đoạn 2021 - 2025 triển khai 09 dự án quan trọng quốc gia thì có đến 08 dự án có quy mô tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng, chỉ có dự án Hồ Ka Pét có yếu tố dự án quan trọng quốc gia do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng[4].
Luật Đầu tư công năm 2024 nâng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia từ 30.000 tỷ đồng trở lên; nâng quy mô vốn đầu tư công của dự án nhóm A, nhóm B và nhóm C với quy mô gấp 02 lần so với các quy định hiện hành, tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp thực tiễn của đời sống kinh tế xã hội.
4. Phân cấp thẩm quyền cho người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do cơ quan, tổ chức mình quản lý với quy mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng
Luật Đầu tư công năm 2024 phân cấp thẩm quyền cho người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do cơ quan, tổ chức mình quản lý với quy mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng. Quy định này nâng cao sự linh hoạt, chủ động của các ngành, cơ quan trung ương trong quản lý, thực hiện kế hoạch đầu tư công.
5. Phân cấp thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do cấp mình quản lý
Luật Đầu tư công năm 2019 quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A; Hội đồng nhân dân các cấp quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương, bao gồm cả vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên, các nguồn vốn hợp pháp của địa phương thuộc cấp mình quản lý (trừ dự án quy định tại khoản 4 Điều 17 là những chương trình dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư). Quy định này có thể dẫn đến không đáp ứng tiến độ, yêu cầu hoàn thiện thủ tục đầu tư để đưa dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm[5]. Trongkhi đó, Ủy ban nhân dân các cấp quản lý các bộ máy có chuyên môn, có năng lực để quyết định chủ trương đầu tư các dự án này.
Để khắc phục tình trạng trên, Luật Đầu tư công năm 2024 phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C cho Ủy ban nhân dân các cấp nhằm đáp ứng tiến độ, yêu cầu hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án. Quy định này tạo sự chủ động cho Ủy ban nhân dân các cấp trong việc quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C thuộc cấp mình quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thủ tục đầu tư, xây dựng kế hoạch đầu tư công, đồng thời, quy định cắt giảm thủ tục hành chính do không phải thực hiện các trình tự, thủ tục để tổng hợp báo cáo Hội đồng nhân dân các cấp phê duyệt chủ trương đầu tư.
6. Phân cấp thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân các cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương do cấp mình quản lý
Luật Đầu tư công năm 2024 phân cấp thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân các cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương do cấp mình quản lý. Quy định này tạo sự chủ động cho Ủy ban nhân dân các cấp trong quá trình chỉ đạo, điều hành hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn, kịp thời điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương do cấp mình quản lý.
7. Phân cấp thẩm quyền gia hạn thời gian bố trí vốn ngân sách trung ương từ Thủ tướng Chính phủ cho cấp quyết định chủ trương đầu tư; vốn ngân sách địa phương từ Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp
Luật Đầu tư công năm 2019 quy định thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm A không quá 06 năm, nhóm B không quá 04 năm, nhóm C không quá 03 năm. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc kéo dài thời gian bố trí vốn ngân sách trung ương nếu dự án đã quá thời gian bố trí vốn. Tuy nhiên, Luật không quy định cụ thể trình tự, thủ tục, chỉ quy định thẩm quyền kéo dài thời gian bố trí vốn ngân sách trung ương của Thủ tướng Chính phủ. Trên thực tế quy trình này thường kéo dài, trải qua nhiều bước, việc bố trí vốn cho các dự án trong kế hoạch hằng năm chỉ được thực hiện sau khi có ý kiến đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, làm giảm thời gian thực hiện và giải ngân vốn[6].
Để tăng tính chủ động cho các bộ, cơ quan, địa phương ương việc quyết định thời gian bố trí vốn ngân sách trung ương đối với các dự án thuộc thẩm quyền quản lý, tạo điều kiện để bố trí vốn và giải ngân ngay trong kế hoạch hằng năm nhưng vẫn bảo đảm kỷ cương, kỷ luật trong việc quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công năm 2024 đã phân cấp thẩm quyền gia hạn thời gian bố trí vốn ngân sách trung ương từ Thủ tướng Chính phủ cho cấp quyết định chủ trương đầu tư. Quy định này tăng tính chủ động cho các bộ, cơ quan, địa phương ương việc quyết định thời gian bố trí vốn ngân sách trung ương đối với các dự án thuộc thẩm quyền quản lý, đồng thời, giảm thủ tục hành chính do không cần phải thực hiện các trình tự, thủ tục tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, ngân sách địa phương được phân cấp quản lý thành 03 cấp (tỉnh, huyện, xã), Hội đồng nhân dân các cấp quyết định việc phân bổ, sử dụng ngân sách địa phương do cấp mình quản lý. Luật Đầu tư công năm 2019 quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc kéo dài thời gian bố trí vốn, kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn ngân sách địa phương do cả 03 cấp quản lý. Quy định này chưa tạo sự chủ động cho Ủy ban nhân dân các cấp trong quá trình chỉ đạo điều hành hoạt động kinh tế xã hội trên địa bàn. Do đó, Luật Đầu tư công năm 2024 đã phân cấp thẩm quyền gia hạn thời gian bố trí vốn ngân sách địa phương từ Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp. Quy định này đã tạo sự chủ động cho Ủy ban nhân dân các cấp trong quá trình chỉ đạo, điều hành hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn.
8. Phân cấp thẩm quyền kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ngân sách địa phương từ Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cho Chủ tịch Ủy ban để nhân dân các cấp
Quy định này nhằm tạo sự chủ động cho Ủy ban nhân dân các cấp trong quá trình chỉ đạo điều hành, kịp thời bố trí và giải ngân các nguồn vốn của địa phương do cấp mình quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn này.
Minh Trí
[1] Báo cáo số 6663/BC-BKHĐT ngày 20/8/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá tác động chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi).
[2] Tlđd.
[3] Ước GDP năm 2024 theo giá hiện hành là khoảng 10.363 nghìn tỷ đồng, năm 2014 là 4.937 nghìn tỷ đồng.
[4] Báo cáo số 6663/BC-BKHĐT ngày 20/8/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá tác động chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi).
[5] Tlđd.
[6] Tlđd.