1. Tình trạng khẩn cấp và trường hợp áp dụng theo pháp luật Liên bang Nga
Tình trạng khẩn cấp là một tình huống đặc biệt thường được ghi nhận khi xảy ra thiên tai, các thảm họa thiên nhiên, dịch bệnh, chiến tranh, xung đột sắc tộc, tôn giáo…, những sự kiện này có thể ảnh hưởng trực tiếp, đặc nghiêm trọng và gây ảnh hưởng ngay lập tức tới tính mạng, sức khỏe của nhân dân, an ninh quốc gia. Đồng thời, việc loại bỏ những tình huống nguy cấp trên sẽ không thể thực hiện nếu như Nhà nước không áp dụng các biện pháp khẩn cấp.
Theo pháp luật Liên bang Nga, tình trạng khẩn cấp là một chế độ pháp lý đặc biệt được áp dụng theo Hiến pháp Liên bang Nga và Luật về tình trạng khẩn cấp trên toàn bộ hoặc một phần lãnh thổ Liên bang Nga đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, các cơ quan, tổ chức tự quản địa phương, công chức nhà nước, các tổ chức (không phụ thuộc vào hình thức pháp lý và hình thức sở hữu), các hiệp hội xã hội cho phép hạn chế một số quyền và tự do của công dân Liên bang Nga, công dân nước ngoài, người không quốc tịch, quyền của các tổ chức và hiệp hội xã hội cũng như áp đặt thêm trách nhiệm đối với họ[1]. Từ quy định trên có thể thấy một số đặc điểm sau:
- Phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp có thể là toàn bộ hoặc một phần lãnh thổ Liên bang Nga. Thực tế, Liên bang Nga chưa áp dụng tình trạng khẩn cấp trên phạm vi toàn lãnh thổ, tình trạng khẩn cấp chỉ được áp dụng rất hạn chế tại một vài thời điểm liền kề sau khi Liên Xô tan rã.
- Tình trạng khẩn cấp chỉ được áp dụng theo những quy định được ghi nhận trong Hiến pháp liên bang và Luật liên bang về tình trạng khẩn cấp.
- Tình trạng khẩn cấp điều chỉnh đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, các cơ quan, tổ chức tự quản địa phương, công chức nhà nước, các tổ chức (không phụ thuộc vào hình thức pháp lý và hình thức sở hữu), các hiệp hội xã hội.
- Khi áp dụng tình trạng khẩn cấp, Nhà nước cho phép hạn chế một số quyền và tự do của công dân Liên bang Nga, công dân nước ngoài, người không quốc tịch, quyền của các tổ chức và hiệp hội xã hội cũng như áp đặt thêm trách nhiệm đối với họ.
Khi áp dụng các biện pháp khẩn cấp, đặc biệt để đối phó với các tình huống trên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quyền con người và quyền công dân. Vì vậy, luật pháp Liên bang Nga đã đưa ra những quy định rất nghiêm ngặt về điều kiện, căn cứ để công bố tình trạng khẩn cấp. Theo đó, Luật về tình trạng khẩn cấp của Liên bang Nga ghi nhận hai nhóm trường hợp cụ thể làm căn cứ để công bố tình trạng khẩn cấp như sau:
Một là, cố gắng thay đổi một cách thô bạo hệ thống hiến pháp của Liên bang Nga, chiếm đoạt quyền lực, nổi dậy vũ trang, bạo loạn hàng loạt, tiến hành hoạt động khủng bố, ngăn chặn hoặc chiếm giữ các mục tiêu đặc biệt quan trọng hoặc một số khu vực nhất định, đào tạo và hoạt động của các nhóm vũ trang bất hợp pháp, xung đột giữa các dân tộc, tôn giáo và khu vực, kèm theo đó là bạo lực, các hành động đe dọa ngay lập tức đến tính mạng và sự an toàn của công dân, các hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương.
Hai là, các trường hợp khẩn cấp do tự nhiên và nhân tạo, các trường hợp khẩn cấp về môi trường, bao gồm cả dịch bệnh và dịch bệnh ở động vật, thiên tai, các hiện tượng tự nhiên nguy hiểm và các thảm họa khác kéo theo (có thể dẫn đến) thương vong cho con người, thiệt hại cho sức khỏe con người và môi trường tự nhiên, thiệt hại đáng kể về vật chất và làm gián đoạn điều kiện sống của dân cư và yêu cầu cứu hộ quy mô lớn và các công việc khẩn cấp khác.
2. Các biện pháp hạn chế tạm thời ảnh hưởng tới quyền con người, quyền công dân được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp
Để giải quyết những yêu cầu cấp thiết được đặt ra trong thời gian, phạm vi lãnh thổ đã được ban bố tình trạng khẩn cấp, các lực lượng, cơ quan chuyên môn có thể thực hiện các biện pháp đặc biệt, hạn chế tạm thời được quy định tại Chương 3 “Các biện pháp hạn chế tạm thời được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp”, Luật về tình trạng khẩn cấp của Liên bang Nga, cụ thể là:
- Thiết lập các hạn chế đối với quyền tự do đi lại trong lãnh thổ mà tình trạng khẩn cấp đã được áp dụng, cũng như việc áp dụng một chế độ ra vào lãnh thổ cụ thể đặc biệt, bao gồm việc thiết lập các hạn chế đối với việc nhập cảnh vào lãnh thổ cụ thể và việc lưu trú trên lãnh thổ đó của công dân nước ngoài và người không quốc tịch;
- Thiết lập các hạn chế đối với việc thực hiện một số loại hoạt động kinh tế tài chính, bao gồm cả việc di chuyển hàng hóa, dịch vụ và các nguồn tài chính;
- Thiết lập một thủ tục đặc biệt để bán, mua và phân phối thực phẩm, nhu yếu phẩm;
- Cấm hoặc hạn chế tổ chức các cuộc mít tinh và biểu tình, các cuộc diễu hành, tuần hành, cũng như các sự kiện tập trung đông người khác;
- Cấm tổ chức đình công, tạm dừng hoạt động hoặc cấm hoạt động của các tổ chức này;
- Hạn chế sự di chuyển của các phương tiện giao thông và thực hiện việc kiểm tra chúng;
- Đình chỉ hoạt động của các ngành công nghiệp nguy hiểm và các tổ chức sử dụng chất nổ, phóng xạ, cũng như các chất độc hại về mặt hóa học và sinh học;
- Di tản các giá trị vật chất và văn hóa đến các khu vực an toàn trong trường hợp có nguy cơ thực sự bị phá hủy hoặc thiệt hại liên quan đến các tình huống khẩn cấp;
- Hạn chế hoặc cấm buôn bán vũ khí, đạn dược, chất nổ, phương tiện đặc biệt, chất độc, thiết lập chế độ lưu hành đặc biệt đối với thuốc và chế phẩm có chứa chất gây nghiện, chất hướng thần, chất mạnh, rượu etylic, đồ uống có cồn, sản phẩm có chứa cồn;
- Ban hành lệnh giới nghiêm, nghĩa là cấm ra đường và ở những nơi công cộng khác vào một thời điểm cụ thể trong ngày mà không có giấy tờ tùy thân và thẻ được cấp đặc biệt của công dân;
- Hạn chế quyền tự do báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng khác bằng cách áp dụng biện pháp kiểm duyệt sơ bộ, quy định các điều kiện và thủ tục thực hiện, cũng như thu giữ các tài liệu in, truyền dẫn vô tuyến, thiết bị kỹ thuật khuếch đại âm thanh, thiết bị nhân bản, thiết lập một thủ tục đặc biệt để công nhận nhà báo;
- Đình chỉ hoạt động của các đảng phái chính trị và các hiệp hội xã hội khác cản trở việc loại bỏ các trường hợp làm cơ sở cho việc đưa ra tình trạng khẩn cấp;
- Kiểm tra giấy tờ tùy thân của công dân, khám người, kiểm tra đồ đạc, nơi ở và phương tiện của họ;
- Kéo dài thời hạn giam giữ những người bị giam giữ theo Bộ luật Tố tụng hình sự của Liên bang Nga do bị tình nghi phạm tội khủng bố và các tội đặc biệt nghiêm trọng khác trong toàn bộ thời gian của tình trạng khẩn cấp, nhưng không quá ba tháng;
- Trục xuất những người vi phạm tình trạng khẩn cấp và không cư trú trên lãnh thổ mà tình trạng khẩn cấp đã được ban bố bằng chi phí của họ, và trong trường hợp không có kinh phí, với chi phí được trích từ ngân sách liên bang, sau đó được hoàn trả theo phán quyết của tòa;
- Tái định cư tạm thời cho người dân đến các khu vực an toàn với việc bắt buộc phải cung cấp nơi ở thường xuyên hoặc tạm thời cho người dân;
- Tiến hành việc kiểm dịch, thực hiện các biện pháp vệ sinh và chống dịch, thú y và các biện pháp khác;
- Thu hút dự trữ vật chất của nhà nước, huy động nguồn lực của các tổ chức để sản xuất các sản phẩm cần thiết trong tình trạng khẩn cấp và các thay đổi khác trong sản xuất và hoạt động kinh tế cần thiết trong tình trạng khẩn cấp;
- Đình chỉ công tác trong thời gian tình trạng khẩn cấp đối với người đứng đầu các tổ chức phi chính phủ;
- Trong các trường hợp ngoại lệ liên quan đến nhu cầu thực hiện và đảm bảo công việc cứu hộ và các công việc khẩn cấp khác, huy động lực lượng dân cư có đủ năng lực và sự tham gia của phương tiện công dân để thực hiện các công việc này, với sự tuân thủ bắt buộc các yêu cầu về bảo hộ lao động;
- Hạn chế quyền tham gia bầu cử và trưng cầu dân ý của công dân Liên bang Nga trong tình trạng khẩn cấp.
Như vậy, có thể thấy rằng, trong tình trạng khẩn cấp, các cơ quan có thẩm quyền có thể sử dụng rất nhiều biện pháp đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp tới các quyền cơ bản của con người, quyền công dân như: Quyền tự do đi lại, tự do cư trú, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền hội họp, quyền tự do báo chí, quyền bầu cử… Điều này giúp cho việc tổ chức hoạt động của các cơ quan nhà nước có hiệu quả do có sự mở rộng quyền hạn của các cơ quan nhà nước và tăng hiệu quả điều tiết và quản lý của Chính phủ trong thời kỳ tình trạng khẩn cấp[2].
3. Quy định của pháp luật Liên bang Nga về đảm bảo quyền con người, quyền công dân khi áp dụng tình trạng khẩn cấp
Đồng thời với những quy định về các biện pháp đặc biệt, những hạn chế tạm thời được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp, pháp luật Liên bang Nga cũng có những quy định cụ thể nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tình trạng khẩn cấp.
Một là, khi sử dụng các biện pháp đặc biệt và những hạn chế tạm thời trong tình trạng khẩn cấp phải tuyệt đối tuân theo Hiến pháp, Luật liên bang và các công ước, điều ước có liên quan mà Liên bang Nga là thành viên. Theo Điều 4 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR năm 1966), trong thời gian tình trạng khẩn cấp, các quốc gia thành viên Công ước có quyền áp dụng những biện pháp hạn chế các quyền dân sự và chính trị được quy định trong Công ước. Tuy nhiên, các biện pháp này phải “không chứa đựng bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo hoặc nguồn gốc xã hội”[3]. Bên cạnh đó, một số quyền con người đặc biệt, như quyền sống, quyền không bị tra tấn, đối xử và trừng phạt tàn ác, quyền không bị bắt làm nô lệ hoặc bắt nô dịch là bất khả xâm phạm và không được vi phạm dù bất kỳ trường hợp nào, kể cả trường hợp khẩn cấp. Pháp luật Liên bang Nga cũng khẳng định: “Các biện pháp đặc biệt được sử dụng trong tình trạng khẩn cấp phải tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế của Liên bang Nga phát sinh từ các điều ước quốc tế của Liên bang Nga trong lĩnh vực nhân quyền và không được gây ra bất kỳ sự phân biệt đối xử nào đối với các cá nhân hoặc nhóm dân cư dựa trên cơ sở giới tính, chủng tộc, quốc tịch, ngôn ngữ, nguồn gốc, tài sản và địa vị xã hội, nơi cư trú, thái độ đối với tôn giáo, tín ngưỡng, tư cách thành viên của các hiệp hội xã hội, cũng như các hoàn cảnh khác”[4].
Đồng thời, quy định về các biện pháp đặc biệt, những hạn chế tạm thời trong tình trạng khẩn cấp được quy định trong Hiến pháp và Luật liên bang. Điều này khẳng định tính pháp lý cao nhất của các văn bản quy phạm pháp luật đó và đề cao tính pháp chế trong việc tổ chức thực hiện các biện pháp trên, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tình trạng khẩn cấp.
Hai là, bảo đảm tài sản và các quyền của công dân, tổ chức trong tình trạng khẩn cấp. Những người được huy động để thực hiện, cứu nạn khẩn cấp và các công việc khẩn cấp phải tuân thủ bắt buộc các yêu cầu về bảo hộ lao động và sẽ được bảo đảm thù lao theo quy định của pháp luật Liên bang Nga về lao động. Những người bị thiệt hại do hoàn cảnh làm cơ sở đưa ra tình trạng khẩn cấp hoặc liên quan đến việc áp dụng các biện pháp nhằm loại trừ hoàn cảnh đó hoặc loại bỏ hậu quả của nó, được bố trí nơi ở, được bồi thường thiệt hại về vật chất, được hỗ trợ về việc làm và được hỗ trợ cần thiết khác theo quy định của Chính phủ liên bang. Bên cạnh đó, các tổ chức có tài sản và nguồn lực được được Nhà nước huy động để sản xuất các sản phẩm cần thiết trong tình trạng khẩn cấp và các thay đổi khác trong sản xuất và hoạt động kinh tế cần thiết trong tình trạng khẩn cấp sẽ có quyền bồi thường thiệt hại gây ra theo cách thức và số tiền theo quy định của pháp luật.
Ba là, thủ tục và điều kiện sử dụng vũ lực, phương tiện, thiết bị đặc biệt, vũ khí, quân dụng được quy định bởi luật liên bang và các quy định pháp luật khác của Liên bang Nga không thể thay đổi trong tình trạng khẩn cấp. Đồng thời, hành vi sử dụng bất hợp pháp vũ lực, phương tiện đặc biệt, vũ khí, quân trang và thiết bị đặc biệt của nhân viên cơ quan nội chính, hệ thống hình sự, cơ quan an ninh liên bang, quân nhân của lực lượng vũ trang Liên bang Nga, quân của Vệ binh quốc gia Liên bang Nga, các đơn vị và cơ quan quân đội, cũng như việc vượt quá quyền hạn chính thức của các quan chức của lực lượng đảm bảo tình trạng khẩn cấp, bao gồm cả việc vi phạm các bảo đảm về quyền con người và quyền công dân sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý theo luật của Liên bang Nga. Ngoài ra, quy định về tạm giữ, giam giữ, trục xuất trong tình trạng khẩn cấp cũng được quy định rõ về thời gian, hiệu lực và trình tự, thủ tục tiến hành.
Bốn là, việc chấm dứt thời hạn tình trạng khẩn cấp đồng nghĩa với việc chấm dứt tố tụng hành chính đối với trường hợp vi phạm tình trạng khẩn cấp và trả tự do ngay cho người bị tạm giữ, bắt giữ hành chính mà không cần một văn bản pháp lý nào khác.
4. Kiến nghị đối với Việt Nam
Thông qua những phân tích, nghiên cứu về quy định của pháp luật Liên bang Nga về bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong trình trạng khẩn cấp, tác giả đề xuất một số giải pháp góp phần hoàn thiện pháp luật về tình trạng khẩn cấp của Việt Nam như sau:
Một là, cần nhanh chóng xây dựng Luật về tình trạng khẩn cấp để phù hợp với các quy định về bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013
Hiện nay, quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp được quy định trong Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp năm 2000. Tuy nhiên, Hiến pháp năm 2013 lại khẳng định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”[5]. Do vậy, để đảm bảo tính hợp hiến của pháp luật về tình trạng khẩn cấp và bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân cần sớm xây dựng Luật về tình trạng khẩn cấp tuân thủ theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013.
Hai là, bổ sung chương quy định về bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong Luật về tình trạng khẩn cấp
Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp đang có hiệu lực thi hành bao gồm 06 chương và 22 điều. Tuy nhiên, trong nội dung Pháp lệnh này không quy định về các biện pháp bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tình trạng khẩn cấp. Do vậy, khi tiến hành xây dựng Luật về tình trạng khẩn cấp cần bổ sung nội dung quy định trên làm cơ sở thực hiện và bảo đảm các quyền cơ bản của con người, quyền công dân.
Học viện An ninh nhân dân
[1]. Khoản 1 Điều 1 Luật về tình trạng khẩn cấp của Liên bang Nga.
[2]. Гонтарь Владимир Николаевич, Егоров Андрей Владимирович, Корнилов Артем Эдуардович, Oбеспечение прав и свобод человека и гражданина при возникновении чрезвычайных обстоятельств (Gontar V.N., Egorov A.V., Kornilov A.E., Ensuring the rights and freedoms of man and citizen in case of emergency/ Bảo đảm các quyền và tự do của con người và công dân trong trường hợp khẩn cấp) (https://schoolfut.ru/wp-content/uploads/0jlri9c0yprgdc60lg/2019/20194-journal.pdf#page=14).
[3]. Điều 4 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR năm 1966).
[4]. Điều 28 Luật về tình trạng khẩn cấp của Liên bang Nga.
[5]. Điều 14 Hiến pháp năm 2013.