1. Khái quát về quyền riêng tư và sự cần thiết phải bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân trong bối cảnh chuyển đổi số
Quyền riêng tư (right to privacy) là một quyền con người cơ bản đã được quy định trong nhiều văn kiện pháp lý trên thế giới, khu vực và các quốc gia. Quyền riêng tư là quyền của cá nhân được tự quyết đối với đời sống của mình mà không chịu bất kỳ sự can thiệp nào từ những người xung quanh khác. Theo nhà luật học Ruth Gavison, sự riêng tư chứa đựng ba yếu tố: Bí mật (secrecy), vô danh (anonimity) và yên tĩnh (solitute)[1]. “Sự riêng tư trao cho mỗi cá nhân một không gian để là chính mình mà không bị người khác phán xét một cách vô cớ, cho phép mỗi người suy nghĩ một cách tự do mà không bị kỳ thị hoặc phân biệt đối xử, cũng như khả năng kiểm soát ai được biết gì về bản thân mình”[2]. Quyền riêng tư đại diện cho giá trị con người, thể hiện nhu cầu tự nhiên của con người trong mối quan hệ với xã hội và cần được bảo vệ khỏi sự can thiệp tùy tiện hoặc trái pháp luật. Ở phạm vi quốc tế, quyền riêng tư được đề cập và quy định trong các điều ước quốc tế, khu vực và là một quyền hiến định được quy định trong hiến pháp mỗi quốc gia. Quyền riêng tư là một quyền dân sự cơ bản, gắn liền với mỗi con người, dành cho tất cả mọi người, không thể phân chia, không thể chuyển nhượng, được pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia công nhận, tôn trọng, bảo vệ và đảm bảo; được các cơ quan có thẩm quyền bảo vệ các thông tin, dữ liệu riêng tư liên quan tới đời tư, gia đình, nơi ở, thư tín, danh dự, uy tín… mà các cá nhân, tổ chức khác không được phép xâm nhập hay công bố thông tin khi chưa được sự đồng ý của cá nhân đó[3]. Tuy nhiên, quyền riêng tư không phải là quyền tuyệt đối. Trong một số trường hợp, nhà nước có thể thu thập hoặc yêu cầu công dân cung cấp các thông tin về đời tư nhằm bảo vệ những lợi ích chính đáng của quốc gia, cộng đồng và của người khác[4].
Chuyển đổi số có các đặc điểm mới, với tính chất, mức độ tác động rộng khắp tới mọi lĩnh vực trong đời sống, trong đó có tác động trực tiếp tới lĩnh vực pháp luật về quyền riêng tư cá nhân. Bên cạnh những mặt tích cực, chuyển đổi số đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức đối với toàn thế giới và từng quốc gia. Cùng với chuyển đổi số là sự phát triển của khoa học công nghệ trong nhiều tình huống không lường trước được, có thể vượt quá khả năng bảo vệ quyền con người. Bên cạnh đó, việc dữ liệu cá nhân ngày nay đã trở thành một loại “hàng hóa đặc biệt”, được các tổ chức, cá nhân tìm kiếm, sử dụng để khai thác cho những mục đích khác nhau, đồng thời cũng được các nhà nước sử dụng với mục đích quản lý người dân. Điều này có thể sẽ xâm phạm nghiêm trọng đến quyền riêng tư của các cá nhân.
2. Pháp luật quốc tế và khu vực về bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân
2.1. Pháp luật quốc tế về bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân
Quyền riêng tư được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế về quyền con người như: Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (UDHR) năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966, Hiến chương Liên Hợp quốc năm 1945… đánh dấu sự phát triển và thắng lợi của cuộc đấu tranh bảo vệ quyền riêng tư trong hệ thống quyền con người cơ bản. Các văn kiện cơ bản trên khẳng định mạnh mẽ quyền riêng tư là thuộc về quyền và tự do cá nhân và phải được pháp luật bảo vệ.
- Hiến chương Liên Hợp quốc (1945): Được các quốc gia trên toàn thế giới xem như là nền tảng của các công cụ quốc tế hiện đại về quyền con người. Hiến chương Liên Hợp quốc năm 1945 tái khẳng định niềm tin vào các quyền cơ bản của con người, vào phẩm giá và giá trị của con người, vào các quyền bình đẳng của nam giới và phụ nữ và của các quốc gia lớn và nhỏ[5].
- Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền (UDHR) năm 1948: Về bảo vệ quyền riêng tư, UDHR ghi nhận không ai phải chịu sự can thiệp một cách tùy tiện vào cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hoặc thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự hoặc uy tín cá nhân. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp và xâm phạm như vậy[6]. UDHR đã nêu lên tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền riêng tư trong bối cảnh quốc tế hiện đại thông qua việc nhấn mạnh sự bất khả xâm phạm một cách độc đoán về thông tin cá nhân hay xúc phạm đến danh dự của cá nhân. Theo UDHR, quyền riêng tư bao trùm và liên quan đến nhiều quyền khác như quyền về gia đình, nhà ở, danh dự, uy tín… và những quyền này được các quốc gia trên thế giới tôn trọng và triển khai thực hiện trong hệ thống pháp luật quốc gia của mình.
- Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966: Quy định trong Điều 12 UDHR tiếp tục được tái khẳng định tại Điều 17 ICCPR: Không ai bị can thiệp một cách tùy tiện hoặc bất hợp pháp vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hoặc bị xâm phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những can thiệp hoặc xâm phạm như vậy[7]. ICCPR quy định rất cụ thể về bảo vệ quyền riêng tư: Tính toàn vẹn và bảo mật của thư tín phải được bảo đảm cả về mặt pháp lý và thực tế. Bình luận chung số 16 của Ủy ban Nhân quyền thông qua tại phiên họp lần thứ 31 năm 1988 gồm 11 đoạn đã làm rõ thêm các nội dung của điều 17 ICCPR[8] như sau:
(i) Điều 17 nhằm ngăn chặn những hành vi xâm phạm tùy tiện và bất hợp pháp vào đời tư, gia đình, nhà ở, thư tín, danh dự, uy tín của mọi người mà có thể do các quan chức nhà nước hay do các thể nhân và pháp nhân khác gây ra. Các quốc gia thành viên có nghĩa vụ ngăn chặn cả các quan chức nhà nước và các thể nhân hay pháp nhân khác có những hành động xâm phạm tùy tiện và bất hợp pháp.
(ii) Thuật ngữ can thiệp “bất hợp pháp” (unlawful) dùng trong Điều 17 hàm nghĩa bất kỳ sự can thiệp nào vào đời tư, gia đình, nhà ở, thư tín, danh dự, uy tín của mọi người mà không được quy định trong pháp luật. Những can thiệp hợp pháp vào đời tư phải được quy định trong pháp luật và phù hợp với các quy định khác của ICCPR.
(iii) Thuật ngữ “can thiệp tùy tiện” (arbitrary interference) dùng trong Điều 17 bao gồm cả những can thiệp bất hợp pháp và những can thiệp được quy định trong pháp luật nhưng không phù hợp với các quy định khác của ICCPR.
(iv) Quyền riêng tư không phải là quyền tuyệt đối. Các quốc gia chỉ nên thu thập thông tin về đời tư cá nhân nếu như những thông tin đó là thiết yếu để bảo đảm lợi ích chung của xã hội. Theo quy định ở Điều 17, tính toàn vẹn và bảo mật của thư tín phải được bảo đảm cả về mặt pháp lý và thực tế. Thư từ phải được giao tận tay người nhận mà không bị chặn lại, mở ra hay nói cách khác là xem trước. Việc theo dõi, bất kể bằng biện pháp điện tử hay các biện pháp khác đều bị nghiêm cấm. Việc lục soát nhà cửa phải bị giới hạn chỉ được sử dụng trong trường hợp để tìm chứng cứ cần thiết và không được phép gây phiền nhiễu cho chủ nhà. Việc khám xét thân thể phải theo cách thức phù hợp để bảo đảm nhân phẩm của người bị khám xét; người khám xét phải cùng giới tính với người bị khám xét. Việc thu thập và lưu giữ các thông tin cá nhân trong máy tính, các ngân hàng dữ liệu và các thiết bị khác, cho dù là bởi các quan chức nhà nước hay các thể nhân, pháp nhân khác, đều phải được quy định trong pháp luật. Nhà nước phải có những biện pháp hiệu quả để bảo đảm rằng, những thông tin cá nhân đó không rơi vào tay những người không được pháp luật cho phép và không bị sử dụng vào các mục đích trái với Công ước…
(v) Đặt ra trách nhiệm với các quốc gia thành viên trong việc ban hành các quy định pháp luật cần thiết để bảo vệ danh dự và uy tín của các cá nhân, bao gồm những quy định cho phép mọi người có khả năng tự bảo vệ trước những sự can thiệp hoặc xâm hại bất hợp pháp hay tùy tiện vào danh dự, uy tín của mình.
Bên cạnh đó, đối với một số nhóm đối tượng đặc biệt như lao động di trú, trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật… pháp luật quốc tế đều có những văn bản, quy định riêng nhằm bảo vệ quyền riêng tư cho họ như: Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật năm 2007; Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989; Hướng dẫn về HIV/AIDS và quyền con người năm 1996; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ 1979; Công ước quốc tế về bảo vệ quyền của tất cả những người lao động di trú và các thành viên gia đình họ 1990…
2.2. Pháp luật các khu vực về bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân
Mỗi khu vực sẽ có những quy định quy định riêng về quyền riêng tư để phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội… của mỗi khu vực nhưng đảm bảo không trái với luật nhân quyền quốc tế.
2.2.1. Khu vực châu Âu
Điều 8 Công ước nhân quyền châu Âu năm 1950 (ECHR) quy định quyền riêng tư bao gồm: Quyền được tôn trọng đời sống riêng tư và gia đình, nhà cửa và thư từ của mình; cơ quan công quyền sẽ không can thiệp vào việc thực hiện quyền này trừ trường hợp tuân theo luật định và cần thiết trong một xã hội dân chủ vì lợi ích của an ninh quốc gia, an toàn công cộng hoặc phúc lợi kinh tế của đất nước, để ngăn ngừa rối loạn hoặc tội phạm, để bảo vệ sức khỏe hoặc đạo đức hoặc để bảo vệ các quyền và tự do của người khác. Theo ECHR “đời sống riêng tư” được xác định bởi các yếu tố: Bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về thể chất và tinh thần của cá nhân cũng như quyền tự do về đạo đức và trí tuệ của một người; bảo vệ chống lại các cuộc tấn công vào danh dự hoặc danh tiếng của một cá nhân; bảo vệ tên, danh tính hoặc hình ảnh của một cá nhân chống lại việc sử dụng trái phép; bảo vệ cá nhân khỏi bị theo dõi hoặc quấy rối và bảo vệ chống lại việc tiết lộ thông tin thuộc nhiệm vụ giữ bí mật nghề nghiệp.
Quy chế chung về Bảo vệ Dữ liệu của Liên hiệp châu Âu (GDPR) năm 2019 cho rằng bảo vệ riêng tư là quyền tự nhiên và cơ bản của mỗi cá nhân và cá nhân luôn có quyền kiểm soát việc dữ liệu, thông tin cá nhân của mình được sử dụng như thế nào sau khi cung cấp cho doanh nghiệp. GDPR khẳng định quyền riêng tư của người dùng gồm: Quyền được biết về mục đích sử dụng dữ liệu cá nhân; quyền được tiếp cận thông tin cá nhân sau xử lý dữ liệu; quyền được bảo đảm rằng thông tin cá nhân luôn luôn được sửa đổi với các dữ liệu cập nhật; quyền yêu cầu hạn chế xử lý dữ liệu và thông tin cá nhân; quyền được truy vấn thông tin cá nhân của mình đã được thu thập trong toàn bộ môi trường mạng; quyền từ chối thu thập và xử lý thông tin cá nhân cho bất cứ mục đích nào và quyền yêu cầu doanh nghiệp xóa bỏ toàn bộ các thông tin đã được thu thập về mình không giới hạn thời gian. Bên cạnh đó, các hệ thống lưu trữ thông tin và các trang mạng phải được xây dựng trên nguyên tắc đảm bảo quyền riêng tư lên hàng đầu.
Ví dụ, Đạo luật Bảo vệ dữ liệu năm 1998 của Vương quốc Anh nhằm thực hiện Chỉ thị số 95/46/EC của châu Âu về bảo vệ dữ liệu đã cung cấp cơ sở pháp lý và cho phép bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân ở Vương quốc Anh. Mục đích của Đạo luật là quy định cách lấy, ghi, sử dụng hoặc tiết lộ dữ liệu cá nhân có trong dữ liệu. Đạo luật đưa ra 08 nguyên tắc mà mọi người kiểm soát dữ liệu phải tuân thủ. Ngoài ra, Đạo luật cũng đặt ra trách nhiệm pháp lý cho bất kỳ ai không tuân thủ đó là khi một người không tuân thủ Đạo luật sẽ bị phạm tội và phải chịu hình phạt tù có thời hạn lên đến 02 năm hoặc phạt tiền hoặc cả hai. Bên cạnh đó còn có một số đạo luật khác bảo vệ quyền riêng tư trong những lĩnh vực cụ thể như Đạo luật Tiếp cận báo cáo y tế năm 1988, Đạo luật Tiếp cận hồ sơ y tế năm 1990, Đạo luật Chăm sóc sức khỏe và xã hội năm 2001, Đạo luật Tín dụng người tiêu dùng năm 1974, Đạo luật Cảnh sát năm 1997, Đạo luật Phát thanh - Truyền hình năm 1996 và Đạo luật Bảo vệ khỏi quấy rối năm 1997…
2.2.2. Khu vực châu Mỹ
Công ước châu Mỹ về nhân quyền (ACHR) cũng quy định quyền riêng tư với nội dung tương tự Điều 11 UDHR. ACHR quy định quyền riêng tư bao gồm: Mọi người có quyền được tôn trọng danh dự và nhân phẩm của mình; không ai có thể là đối tượng của sự can thiệp tùy tiện hoặc lạm dụng vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà cửa, thư từ hoặc tấn công bất hợp pháp vào danh dự hoặc uy tín và mọi người đều có quyền được luật pháp bảo vệ chống lại những hành vi ngang ngược hoặc tấn công như vậy[9].
Ví dụ trong pháp luật của Hoa Kỳ, Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787 không có quy định nào về quyền riêng tư nhưng các tu chính án của Hiến pháp đã quy định cụ thể rõ ràng về quyền riêng tư, khắc phục hạn chế đó của Hiến pháp[10]: Các tu chính án quy định cụ thể việc bảo vệ quyền riêng tư trong các nội dung: Tự do tôn giáo; bất khả xâm phạm về nhà ở của cá nhân chống lại sự tùy tiện của quân đội; quyền riêng tư của cá nhân, nhà cửa, giấy tờ và tài sản; quyền con người liên quan đến tư pháp hình sự… Những tu chính án nêu trên của Hiến pháp là cơ sở để hệ thống Tòa án Hoa Kỳ bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong đó có quyền riêng tư trong thực tế.
2.2.3. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần IX (2014), các quốc gia là thành viên của diễn đàn đã thông qua Hiệp định khung về tính riêng tư của các thông tin cá nhân trong các nền kinh tế thành viên. Trước đó, Tuyên bố Nhân quyền ASEAN (AHRD) - là văn bản tuyên bố chung về nhân quyền của các nước ASEAN được thông qua trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 21 (2012) với sự chấp thuận và ký kết của lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN), cũng đã quy định rõ quyền riêng tư.
Khuôn khổ quyền riêng tư của APEC áp dụng cho những người hoặc tổ chức trong khu vực công và tư nhân kiểm soát việc thu thập, nắm giữ, xử lý, sử dụng, chuyển giao hoặc tiết lộ thông tin cá nhân. Chín nguyên tắc bảo vệ quyền riêng tư của khuôn khổ quyền riêng tư APEC bao gồm: Ngăn ngừa tổn hại; để ý; giới hạn thu thập; sử dụng thông tin cá nhân; sự lựa chọn; tính toàn vẹn của thông tin cá nhân; các biện pháp bảo vệ an ninh; truy cập và sửa chữa; trách nhiệm giải trình, tương ứng.
Ví dụ, với một cường quốc của khu vực châu Á là Trung Quốc. Hiện nay quyền riêng tư trong pháp luật Trung Quốc chưa được bảo vệ như là một quyền độc lập mà chỉ được quy định gián tiếp thông qua việc bảo vệ các quyền khác. Pháp luật Trung Quốc áp đặt các biện pháp hạn chế đối với việc tiết lộ thông tin như dữ liệu thu thập được từ các cuộc điều tra sẽ không được tiết lộ nếu không có sự đồng ý của các đối tượng dữ liệu (Luật Thống kê). Các doanh nghiệp bưu chính và nhân viên bưu chính không được cung cấp thông tin cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào về giao dịch của người sử dụng với dịch vụ bưu chính trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (Luật Bưu chính)…
2.2.4. Khu vực châu Phi
Tại khu vực châu Phi, quy định pháp luật về quyền riêng tư cũng được nêu khá cụ thể tại Hiến chương châu Phi về quyền con người và quyền dân tộc (hay còn gọi là Hiến chương Banjul). Đây là nền tảng của cơ chế nhân quyền của lục địa châu Phi. Điều 10 Hiến chương châu Phi quy định về quyền và phúc lợi trẻ em, Điều 4 quy định về các nguyên tắc của Liên đoàn châu Phi về tự do biểu đạt.
3. Những vấn đề đặt ra và khuyến nghị hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền riêng tư cho Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số
3.1. Pháp luật về bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân tại Việt Nam
Quyền riêng tư là một quyền con người cơ bản đã được quy định trong nhiều văn kiện pháp lý của Liên Hợp quốc và của các khu vực, trong đó Việt Nam đã tham gia một số văn kiện như UDHR, ICCPR... Với tư cách quốc gia thành viên, Việt Nam có nghĩa vụ nội luật hóa các nội dung đã ký kết vào pháp luật quốc gia và đề ra những biện pháp đảm bảo thực hiện.
Tại Việt Nam, quyền riêng tư được ghi nhận tại đạo luật gốc là Hiến pháp. Hiến pháp năm 2013 đã kế thừa các quy định của các bản Hiến pháp trước đây, khẳng định quyền riêng tư của cá nhân là bất khả xâm phạm, đồng thời phát triển mở rộng phạm vi quyền riêng tư không chỉ là quyền bất khả xâm phạm về thân thể, nhà ở, thư tín mà còn bao gồm quyền bảo vệ bí mật cá nhân, trong đó có thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Chương 2 Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân đã xác định khá đầy đủ và hoàn chỉnh các quyền riêng tư của con người. Điều 21 Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Điều 22 quy định công dân có quyền có nơi ở hợp pháp; mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý trừ trường hợp theo luật định…
Để cụ thể quy định của Hiến pháp, quyền riêng tư được thể chế hóa tại Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật khác. Theo Điều 25 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác...”. Bất kỳ cá nhân nào cũng được pháp luật bảo hộ quyền riêng tư. Bộ luật Dân sự năm 2015 dành riêng một mục với 15 điều quy định chi tiết về những quyền nhân thân. Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền riêng tư ở các điều như: Điều 32 quy định quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình; Điều 33 về quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể; Điều 35 quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; Điều 38 quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình; Điều 39 quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình… Liên quan đến lĩnh vực y tế, pháp luật đã có quy định nhằm bảo vệ quyền riêng tư như bảo vệ thông tin người bệnh, nghiêm cấm các hành vi phát tán tiết lộ thông tin người bệnh. Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định nghiêm cấm hành vi công khai tên, địa chỉ, hình ảnh của người nhiễm HIV hoặc tiết lộ cho người khác biết việc một người nhiễm HIV khi chưa được sự đồng ý của người đó, trừ trường hợp có quy định. Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 nghiêm cấm hành vi tiết lộ thông tin, bí mật về người hiến và người được ghép trái với quy định của pháp luật. Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định trách nhiệm của thầy thuốc và nhân viên y tế trong phòng lây bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám chữa bệnh là giữ bí mật thông tin liên quan tới người bệnh. Luật Khám chữa bệnh năm 2023 có nhiều điều khoản quy định về việc bảo vệ quyền riêng tư của bệnh nhân cũng như trách nhiệm của người hành nghề y tế trong việc giữ bí mật cá nhân thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án của người bệnh…
Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân. Theo đó, tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân có trách nhiệm tiến hành thu thập thông tin cá nhân sau khi có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó; chỉ sử dụng thông tin cá nhân đã thu thập vào mục đích khác mục đích ban đầu sau khi có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân... Đồng thời, cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm bảo mật, lưu trữ thông tin cá nhân do mình thu thập và chính chủ thể thông tin cá nhân có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân cung cấp thông tin cá nhân của mình mà tổ chức, cá nhân đó đã thu thập, lưu trữ. Luật Viễn thông năm 2023 cũng quy định về việc bảo mật thông tin tại Điều 6, quy định cụ thể thông tin riêng chuyển qua mạng viễn thông công cộng của mọi tổ chức, cá nhân được bảo đảm bí mật; doanh nghiệp viễn thông không được tiết lộ thông tin riêng mà người sử dụng đã cung cấp khi giao kết hợp đồng với doanh nghiệp, trừ các trường hợp theo luật định.
Trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, Luật Báo chí năm 2016 có những quy định nhằm bảo vệ quyền riêng tư thông qua việc cấm tiết lộ thông tin về bí mật đời tư của cá nhân, cấm thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Luật nghiêm cấm việc đăng, phát thông tin tiết lộ đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật. Đối với những hành vi vi phạm quyền riêng tư khi khai thác bí mật hoặc hình ảnh cá nhân trên các tác phẩm báo chí, Luật Báo chí năm 2016 quy định việc phải đăng, phát lời cải chính, xin lỗi trên báo chí và thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đó, gỡ bỏ thông tin sai sự thật đã đăng, phát nhưng phải lưu giữ nội dung thông tin trên máy chủ để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định... Luật Xuất bản năm 2012 cũng quy định việc nghiêm cấm hành vi tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định. Trong lĩnh vực này cũng quy định một số nguyên tắc của người có trách nhiệm phải tuân theo như không được xâm phạm bí mật đời tư của cá nhân, các xuất bản không chứa nội dung tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân.
3.2. Những vấn đề pháp lý đặt ra về bảo vệ quyền riêng tư tại Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số
Quyền riêng tư là quyền con người, gắn với mỗi cá nhân con người, được pháp luật quốc tế và Việt Nam quy định và bảo vệ. Tuy nhiên, trên thực tế, quyền riêng tư đã và đang bị vi phạm trong tất cả các lĩnh vực. Mặc dù đã được quy định tương đối đầy đủ và tương thích với các tiêu chuẩn cơ bản của pháp luật quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, ký kết, nhưng theo tác giả vẫn còn đó những vấn đề đặt ra về bảo vệ quyền riêng tư cá nhân trong bối cảnh chuyển đổi số cần lưu ý:
Thứ nhất, việc thực hiện quyền riêng tư trong thực tế vẫn đang còn nhiều vấn đề, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghệ hiện đại. Ví dụ, các nhà mạng di động “tung” ra dịch vụ cho phép các thuê bao của mạng này biết được vị trí người khác cùng thuê bao qua tin nhắn SMS; vụ án hình sự Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng, sử dụng 12 kênh mạng xã hội livestream xâm phạm bí mật đời tư, ảnh hưởng uy tín, danh dự của các cá nhân; các cặp đôi đăng tải clip trái thuần phong mỹ tục về đời tư của nhau lên mạng xã hội sau khi chia tay…
Thứ hai, yêu cầu đặt ra đối Việt Nam trong việc xây dựng hành lang pháp lý về bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân để bảo đảm hài hòa với thông lệ quốc tế nhưng cũng phải tạo môi trường bình đẳng, thượng tôn pháp luật của quốc gia. Bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân là vấn đề được các tổ chức và nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm và đi trước nước ta trong thời gian khá dài, có nhiều kinh nghiệm pháp lý và thực tiễn triển khai thi hành để tiếp thu[11]. Hầu hết các điều ước quốc tế về quyền riêng tư đều tuân thủ nguyên tắc bảo mật của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế. Hiện nay, đã có hơn 80 quốc gia ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân, trong đó có các văn bản có quy định áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam.
Thứ ba, thông tin, dữ liệu cá nhân đang bị mua bán, lộ, mất tràn lan, nhiều hành vi vi phạm pháp luật thiếu quy định xử lý. Tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân hiện đang diễn ra phổ biến, công khai, với các dữ liệu thô và dữ liệu cá nhân đã qua xử lý, nhiều hành vi chưa được xử lý vì thiếu quy định của pháp luật. Pháp luật bảo vệ dữ liệu cá nhân nước ta đã có một số quy định về chế tài xử phạt với những hành vi vi phạm bảo vệ thông tin cá nhân, chưa có quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Để đồng bộ, thống nhất và bảo đảm quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, một số nội dung mang tính cơ bản cho công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân cần được kịp thời bổ sung.
Thứ tư, pháp luật quốc tế cũng như Việt Nam chưa đưa ra một khái niệm thống nhất về quyền riêng tư. Theo thống kê của Bộ Công an, có tổng số 68 văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam, trong đó có: Hiến pháp; 04 bộ luật; 39 buật, 01 pháp lệnh; 18 nghị định; 04 thông tư/thông tư liên tịch; 01 quyết định của Bộ trưởng[12]. Tuy nhiên, dù có tới 68 văn bản nhưng tất cả đều không thống nhất về khái niệm. Thuật ngữ “quyền riêng tư” ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa được sử dụng thống nhất trong các văn bản luật dẫn đến việc áp dụng trên thực tế còn những bất cập. Điều này đặt ra khó khăn lớn đối với công tác xây dựng nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với toàn bộ nội dung các văn bản pháp luật hiện có. Ngoài ra, những trường hợp quyền riêng tư bị giới hạn theo luật định cho đến nay vẫn chưa có văn bản quy định cụ thể, mặc dù luật vẫn dự liệu trường hợp dự phòng “trừ trường hợp luật có quy định khác”.
3.3. Giải pháp tăng cường bảo vệ quyền riêng tư cá nhân
Thông qua việc tìm hiểu pháp luật quốc tế, theo tác giả, Việt Nam có thể thực hiện những giải pháp dưới đây:
Một là, kinh nghiệm lập pháp ở nhiều nước trên thế giới cho thấy, luật bảo vệ quyền riêng tư có thể được ban hành với tư cách một luật độc lập, hoặc có các luật cụ thể gắn với từng lĩnh vực, chuyên ngành, chẳng hạn luật riêng tư về tài chính; luật riêng tư về y tế; luật riêng tư trong giao tiếp; luật riêng tư trên không gian mạng; luật riêng tư thông tin; bảo vệ riêng tư tại gia đình… tùy theo nhận thức pháp lý và tính đặc thù cao ở mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, các nội dung về quyền riêng tư đã được ghi nhận trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật, có sự tương thích căn bản với nhận thức chung trong các văn kiện pháp luật quốc tế. Do đó, việc nghiên cứu ban hành Luật về bảo vệ quyền riêng tư là cần thiết và phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Hai là, hoàn chỉnh và cụ thể hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền riêng tư của cá nhân: Bổ sung khái niệm cụ thể và phạm vi của quyền riêng tư cá nhân, bổ sung những chế tài xử lý vi phạm phù hợp, bổ sung thêm các quy định của pháp luật về bảo vệ thông tin cá nhân trên internet, môi trường số, báo chí truyền thông; ban hành các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành bảo vệ quyền riêng tư trong các lĩnh vực y tế, giáo dục… Hoàn thiện, sửa đổi các quy định trong văn bản pháp luật chuyên ngành có liên quan đến vấn đề riêng tư, ví dụ như trách nhiệm của bên sử dụng lao động trong việc bảo mật thông tin liên quan đến người lao động, người thi tuyển trong Bộ luật Lao động.
Ba là, tham khảo kinh nghiệm của các khu vực, các quốc gia trên thế giới trong việc xây dựng hành lang pháp lý về bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy quyền riêng tư của cá nhân. Căn cứ vào sự đa dạng về kinh tế, chính trị, văn hóa… mỗi khu vực, mỗi quốc gia sẽ có những cách thức, cơ chế bảo vệ quyền riêng tư riêng. Việc học tập kinh nghiệm của bạn bè quốc tế một cách có chọn lọc giúp Việt Nam vừa đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế mà Việt Nam đã cam kết, vừa hài hòa được an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội với quyền riêng tư./.
ThS. Đào Mai Linh
Khoa Luật, Học viện Phụ nữ Việt Nam
[1]. Ruth Gavison, Privacy and Limit of law, The Yale Law Journal, 1980.
[2]. Nguyễn Thị Quế Anh, Vũ Công Giao, Ngô Minh Hương, Lã Khánh Tùng (2018), Sách tham khảo Quyền về sự riêng tư, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, tr. 13.
[3]. Nguyễn Thị Thanh Nga (2023), Tác động cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến quyền riêng tư,Tạp chí Quản lý nhà nước - Số 325 (2/2023), tr. 67.
[4]. Nguyễn Thị Quế Anh, Vũ Công Giao, Ngô Minh Hương, Lã Khánh Tùng (2018), Sách tham khảo Quyền về sự riêng tư, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, tr. 14.
[5]. Phần mở đầu Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền.
[6]. Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao, Lã Khánh Tùng (2015), Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, tr. 181.
[7]. Điều 17 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.
[8].https://moj.gov.vn/tttp/thongbao/Lists/ThongBao/Attachments/15/2.%20Binh%20 luan%20chung%20-%20VN.pdf.
[9]. Điều 11 Công ước châu Mỹ về nhân quyền.
[10]. Nguyễn Thị Quế Anh, Vũ Công Giao, Ngô Minh Hương, Lã Khánh Tùng (2018), Sách tham khảo Quyền về sự riêng tư, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật.
[11]. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn /nghi-dinh- so -13 -2023 -nd- cp - bao-ve-quyen-du-lieu-ca-nhan-ngan-chan-cac-hanh-vi-xam-pham-du-lieu-canhan-119230513100359528.htm.
[12]. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/nghi-dinh- so -13 -2023 -nd- cp - bao-ve-quyen-du-lieu-ca-nhan-ngan-chan-cac-hanh-vi-xam-pham-du-lieu-canhan-119230513100359528.htm.
(Nguồn: Ấn phẩm “Các vấn đề pháp lý mới trong bối cảnh chuyển đổi số” của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật)