Việc thực hiện tương trợ tư pháp (TTTP) về dân sự được thực hiện trên cơ sở các quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế về TTTP mà Việt Nam là thành viên. Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 được Quốc hội ban hành tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XII. Sau gần 10 năm thực hiện, pháp luật về TTTP trong lĩnh vực dân sự tiếp tục được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu hội nhập toàn cầu và khu vực, nhất là trong bối cảnh Việt Nam gia nhập Công ước năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước Tống đạt). Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này gồm Nghị định số 92/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Tương trợ tư pháp, Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 19/10/2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao quy định về trình tự, thủ tục tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự (Thông tư liên tịch số 12)[1]. Bài viết này sẽ tập trung đánh giá những bước phát triển mới, đồng thời phân tích những điểm còn vướng mắc về pháp luật TTTP trong lĩnh vực dân sự, từ đó, đưa ra một số đề xuất góp phần tiếp tục hoàn thiện pháp luật trong thời gian tới.
1.1. Tiếp nhận và chuyển yêu cầu tương trợ tư pháp
a. Về việc gửi hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự ra nước ngoài
Cơ quan có thẩm quyền[2] của Việt Nam trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thực hiện TTTP tại Điều 13 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007. Theo đó, trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, Bộ Tư pháp nếu thấy hồ sơ đã đầy đủ và hợp lệ[3] sẽ có văn bản chuyển các yêu cầu này đến Bộ Ngoại giao (trường hợp yêu cầu được gửi đến các nước chưa có hiệp định TTTP với Việt Nam) hoặc cơ quan trung ương hay cơ quan khác được chỉ định (trong trường hợp yêu cầu được gửi đến các nước đã có điều ước quốc tế về TTTP với Việt Nam).
Đối với các yêu cầu gửi đến các nước chưa có hiệp định với Việt Nam, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm chuyển hồ sơ cho cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ ủy thác tư pháp do Bộ Tư pháp chuyển đến. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm chuyển hồ sơ ủy thác tư pháp cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ ủy thác tư pháp.
Khi nhận được phản hồi từ phía cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, các phản hồi đó sẽ được chuyển ngược lại cho cơ quan có thẩm quyền trong nước theo quy trình ngược lại trên đây.
b. Về việc thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài
Yêu cầu TTTP từ phía cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài được tiếp nhận qua 02 kênh là Bộ Ngoại giao (từ các nước chưa có điều ước quốc tế về TTTP với Việt Nam) hoặc trực tiếp từ Bộ Tư pháp (từ các nước có điều ước quốc tế về TTTP với Việt Nam).
Khi nhận được yêu cầu từ nước ngoài, trong thời hạn 05 ngày, Bộ Ngoại giao sẽ chuyển yêu cầu cho Bộ Tư pháp để thực hiện. Bộ Tư pháp sau khi nhận được hồ sơ của Bộ Ngoại giao (hoặc các yêu cầu tự mình tiếp nhận), trong thời hạn 10 ngày làm việc sẽ xem xét và chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam để thực hiện[4]. Pháp luật cũng quy định chặt chẽ thời hạn để ràng buộc trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền thực hiện yêu cầu của phía nước ngoài[5].
Việc chuyển trả kết quả thực hiện từ cơ quan có thẩm quyền trong nước cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài được thực hiện theo quy trình ngược lại.
Mặc dù quy định một quy trình chặt chẽ như trên nhưng thực tế, đa số các yêu cầu không đảm bảo về mặt thời gian và cơ quan có thẩm quyền trong nước cũng chưa thực sự nghiêm túc thực hiện, dẫn đến giảm hiệu quả công tác TTTP và ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế. Chẳng hạn, tổng hợp số liệu thống kê các yêu cầu TTTP với Đài Loan cho thấy, phía Việt Nam thực hiện cho Đài Loan đạt xấp xỉ 60% tỷ lệ có kết quả, trong khi phía Đài Loan thực hiện có kết quả cho Việt Nam đạt khoảng 90%.
Báo cáo công tác TTTP trong những năm gần đây đã chỉ ra nhiều nguyên nhân của thực trạng này. Trước hết, đó là sự đầu tư, quan tâm và nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của TTTP ở các bộ, ngành và địa phương còn chưa đồng đều. Đội ngũ cán bộ làm công tác TTTP còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Trình độ của một bộ phận cán bộ thực hiện hoạt động TTTP chưa đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng xử lý công việc, chưa nhận thức đầy đủ về yêu cầu, nhiệm vụ của hoạt động TTTP. Ngoài ra, việc bố trí cán bộ, kinh phí và các điều kiện cần thiết cho hoạt động này còn chưa tương xứng. Kể từ khi Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 được ban hành, số lượng đội ngũ cán bộ ở các cơ quan trung ương hầu như không được bổ sung, trong khi hoạt động TTTP ngày càng phức tạp về nội dung, gia tăng về khối lượng với yêu cầu ngày càng cao, cơ sở vật chất, kỹ thuật bố trí cho công tác TTTP vẫn chưa có sự phát triển theo kịp với yêu cầu phát triển của hoạt động này.
1.2. Nguyên tắc có đi có lại đã không “bó” các cơ quan có thẩm quyền trong nước
Trong trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế về TTTP trong cùng lĩnh vực thì việc thực hiện TTTP có thể được thực hiện dựa trên nguyên tắc có đi có lại nhưng không được trái pháp luật Việt Nam và tập quán quốc tế.
Trước đây, Điều 4 Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 15/9/2011 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 có quy định trình tự, thủ tục việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại. Tuy nhiên, quy định này khi đi vào thực tế lại vấp phải nhiều khó khăn, các Tòa án hầu như không nhận được trả lời chính thức về việc áp dụng nguyên tắc này dẫn đến ảnh hưởng công tác xét xử của Tòa án. Để khắc phục vướng mắc này, Thông tư liên tịch số 12 đã có những tháo gỡ nhất định, theo đó, cơ quan có thẩm quyền Việt Nam có thể từ chối thực hiện TTTP về dân sự cho nước ngoài trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại trong TTTP về dân sự giữa Việt Nam và nước ngoài theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007. Thông tư liên tịch số 12 cũng quy định cụ thể thẩm quyền quyết định việc áp dụng có đi có lại.
1.3. Pháp luật tương trợ tư pháp đã tách được quy trình gửi hồ sơ tống đạt cho công dân Việt Nam ở nước ngoài ra khỏi quy trình tương trợ tư pháp về dân sự
Trước khi ban hành Thông tư liên tịch số 12, việc thực hiện tống đạt giấy tờ cho công dân Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện như quy trình thực hiện ủy thác tư pháp đối với công dân nước ngoài ở nước sở tại và phải qua nhiều khâu trung gian. Quy trình này mất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng trong nước. Trong khi đó, về bản chất, việc tống đạt cho công dân Việt Nam ở nước ngoài hoàn toàn do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam thực hiện, không thông qua kênh TTTP của nước sở tại.
Hiện nay, quy trình này đã được cải thiện, theo đó, việc tống đạt văn bản tố tụng cho công dân Việt Nam ở nước ngoài sẽ do cơ quan có thẩm quyền trong nước gửi thẳng đến cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Văn bản quy định về trình tự, thủ tục, lập và gửi yêu cầu này sẽ do Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Ngoại giao hướng dẫn riêng.
1.4. Quy trình nộp chi phí cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài đã được quy định rõ ràng
Pháp luật Việt Nam đã quy định rõ 02 nhóm chi phí thực tế bao gồm: Chi phí trong nước và chi phí tại nước ngoài. Chi phí trong nước như: Dịch thuật, công chứng, giám định thì đương sự tự thanh toán trực tiếp theo thực tế phát sinh. Chi phí tại nước ngoài là chi phí phát sinh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài như: Phí thực hiện ủy thác tư pháp cho Việt Nam (theo quy định pháp luật của nước đó) và các chi phí phát sinh khác (khi thực hiện ủy thác tư pháp theo phương thức đặc biệt) thì tùy vào các trường hợp cụ thể.
Trường hợp chi phí thực tế đã xác định được theo quy định của phía nước ngoài tại thời điểm cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam lập hồ sơ như: Hoa Kỳ (95 đô la Hoa Kỳ), Canada (100 đô la Canada)…, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam thông báo người có nghĩa vụ nộp chi phí thực hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam thanh toán chi phí này với cơ quan có thẩm quyền nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc gia liên quan.
Trường hợp chi phí thực tế chưa xác định được tại thời điểm cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam lập hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam thông báo cho người có nghĩa vụ nộp chi phí thực hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam phải nộp tạm ứng 03 triệu đồng tại cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh nơi cơ quan có thẩm quyền ủy thác tư pháp về dân sự của Việt Nam có trụ sở. Số tiền tạm ứng này được thanh toán cho chi phí thực tế theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài và các chi phí phục vụ việc chuyển tiền ra nước ngoài do cơ quan thi hành án dân sự thực hiện.
Việc thu nộp các chi phí thực tế là một nội dung quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện ủy thác tư pháp. Do không có cơ chế đóng chi phí theo yêu cầu của phía nước ngoài nên nhiều hồ sơ ủy thác tư pháp của phía Việt Nam gửi đi không được thực hiện. Do đó, quy định này đã khắc phục được các khó khăn, vướng mắc trước đây khi chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về việc thu chi phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự.
Tuy nhiên, với quy định này, các cơ quan có thẩm quyền ở trong nước khi lập hồ sơ yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp cần nắm được thông tin về chi phí theo yêu cầu của nước đó, nhất là từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Công ước Tống đạt. Thông tin về chi phí của hơn 70 quốc gia là thành viên của Công ước được đăng tải trên trang thông tin của Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế và bằng tiếng nước ngoài. Điều này tạo ta các khó khăn nhất định đối với các cơ quan lập hồ sơ. Thực tế, trong 6 tháng đầu năm 2017, tỷ lệ hồ sơ được Bộ Tư pháp gửi trả lại các cơ quan có thẩm quyền để hoàn thiện là 210/550 yêu cầu (chiếm 38%).
Bên cạnh đó, công tác theo dõi thi hành pháp luật mới được thực hiện một phần, chủ yếu tập trung vào công tác xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, tiến độ của hoạt động này cũng chưa đúng kế hoạch. Công tác báo cáo, kiểm điểm, đánh giá, rút kinh nghiệm còn chưa được các bộ, ngành đầu tư tương xứng với yêu cầu. Công tác tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra việc thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự tại các Tòa án nhân dân và cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, một trong những nhiệm vụ quản lý nhà nước về TTTP mới chỉ được triển khai bước đầu và chưa thường xuyên.
2. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về tương trợ tư pháp
Để công tác TTTP tiếp tục được cải thiện và đáp ứng yêu cầu hội nhập cần tổng hợp nhiều biện pháp, bao gồm cả công tác quản lý nhà nước, xây dựng và hoàn thiện pháp luật, đàm phán ký kết các điều ước quốc tế, nâng cao nhận thức của các cơ quan có thẩm quyền trong công tác TTTP. Trong đó, trước mắt cần chú trọng thực hiện các giải pháp sau:
Một là, cần đơn giản hóa hơn nữa việc tiếp nhận và xử lý các yêu cầu TTTP của Việt Nam gửi ra nước ngoài, giúp giảm tải công việc cho các cán bộ làm công tác TTTP ở trung ương và địa phương trong bối cảnh biên chế không tăng. Để làm được việc này, một mặt, các cơ quan cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý hồ sơ, có phần mềm khai thác và sử dụng tại mỗi cơ quan, sau đó mã số hóa và liên thông các phần mềm. Điều này giúp cắt giảm số lần cập nhật thông tin về hồ sơ, thuận tiện trong tra cứu và tiết kiệm cho ngân sách.
Hai là, đối với nguyên tắc có đi có lại, trong khi liên Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao chưa thể cùng công khai thông tin làm căn cứ cho cơ quan có thẩm quyền quyết định việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại, Bộ Ngoại giao nên có hướng dẫn tạm thời. Theo đó, Bộ Ngoại giao có thể phối hợp với các cơ quan có liên quan, xây dựng văn bản hướng dẫn các cơ quan có thẩm quyền trong nước tự động áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong việc thực hiện và gửi các yêu cầu TTTP về dân sự, trừ khi Bộ Ngoại giao có thông báo khác. Giải pháp này làm cho cơ quan có thẩm quyền trong nước không phải lúng túng trong khi lập hồ sơ, đồng thời, tránh việc Bộ Ngoại giao thường xuyên phải trả lời các cơ quan đối với từng vụ việc về một vấn đề tương tự.
Ba là, đối với việc tiếp nhận và xử lý các yêu cầu tống đạt văn bản của nước ngoài, cần sớm ban hành quy định về cơ chế tống đạt thông qua thừa phát lại để giảm bớt gánh nặng cho cơ quan nhà nước. Như đã phân tích ở trên, hiện nay, nguồn nhân lực cho công tác TTTP ở cả trung ương và địa phương còn mỏng, yêu cầu TTTP kể từ khi gia nhập Công ước Tống đạt sẽ tiếp tục tăng (trong vòng 08 tháng, kể từ khi Công ước có hiệu lực, Bộ Tư pháp đã tiếp nhận khoảng 200 yêu cầu), trong khi đó, xu thế của các nước thường thực hiện thông qua đơn vị ngoài Nhà nước. Công ước cho phép việc thực hiện qua đơn vị ngoài Nhà nước được phép thu phí của nước ngoài. Do đó, việc Việt Nam cho phép tống đạt văn bản của nước ngoài thông qua thừa phát lại như tống đạt văn bản tố tụng trong nước như hiện nay sẽ làm giảm công việc cho cơ quan nhà nước, đồng thời, tăng nguồn thu cho các cơ quan thừa phát lại.
Bốn là, việc tuyên truyền, phổ biến các quy định về TTTP trong lĩnh vực dân sự nói chung và quy trình thực hiện theo quy định mới của Công ước Tống đạt và Thông tư liên tịch số 12 nói riêng cần được chú trọng và bảo đảm kinh phí. Theo các quy định này, cơ quan có thẩm quyền trong nước cần quan tâm nhiều vấn đề khi thực hiện lập và chuyển hồ sơ ra nước ngoài như: Thu chi phí, nộp tạm ứng, chuyển tiền ra nước ngoài, việc xác định ngôn ngữ, xác định địa chỉ của cơ quan tiếp nhận của nước ngoài... Đây là các vấn đề hoàn toàn mới, nếu chưa được hướng dẫn sẽ làm cho các cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ lúng túng và dễ sai sót trong thực hiện.
Năm là, liên ngành ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao cần sớm ban hành quy định về tống đạt văn bản cho công dân Việt Nam ở nước ngoài để hướng dẫn cơ quan có thẩm quyền trong nước thực hiện thống nhất.
Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp
[1]. Thay thế Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 15/9/2011 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của Luật Tương trợ tư pháp.
[2]. Là các cơ quan theo quy định tại Điều 10 Thông tư liên tịch số 12.
[3]. Hồ sơ không đầy đủ và hợp lệ theo quy định sẽ được trả lại cho cơ quan đã lập hồ sơ để hoàn thiện theo quy định tại Điều 14 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007.
[4]. Danh sách các cơ quan có thẩm quyền được quy định tại Điều 17 Thông tư liên tịch số 12.
[5]. Khoản 3 Điều 20 Thông tư liên tịch số 12.