Tóm tắt: Sự tàn phá của đại dịch ảnh hưởng đến nhiều nền kinh tế, khiến cho nhiều nền kinh tế rơi vào tình trạng khó khăn: Kinh tế suy giảm, thất nghiệp tràn lan, nghèo đói, làm cho nhiều ngành, nghề, nhiều lĩnh vực và nhiều đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề. Trong đó, đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất là người lao động. Bài viết nêu ra các chính sách của Nhà nước nhằm hỗ trợ, bảo vệ người lao động và người sử dụng lao động trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19.
Abstract: The devastation of the pandemic affects many economies, causing many economies to fall into difficult situations: economic decline, widespread unemployment, poverty, making many industries, occupations, and fields and many subjects are directly and severely affected. In which, the subjects most affected are employees. The article outlines the government's policies to support and protect employees and employers during the Covid-19 epidemic.
Diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 thời gian qua đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và đời sống của người lao động, Trước bối cảnh đó, Nhà nước ta đã có những chính sách nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người lao động gặp khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh, cụ thể:
Thứ nhất, đối với doanh nghiệp, Nhà nước đã ban hành một số chính sách nhằm giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi do dịch bệnh, giúp người sử dụng lao động giảm bớt khó khăn, từ đó tạo việc làm cho người lao động. Cụ thể, Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 (Nghị định số 92/2021/NĐ-CP), trong đó, hướng dẫn chính sách miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19. Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tại Điều 1 của Nghị định này áp dụng đối với người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế (sau đây gọi chung là doanh nghiệp), bao gồm: (i) Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; (ii) Tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã; (iii) Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; (iv) Tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.
Theo đó, giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 đối với trường hợp doanh nghiệp nêu ở trên, có doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2021 giảm so với doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2019.
Bên cạnh đó, còn có các chính sách về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được đề cập tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình (Nghị quyết số 11/NQ-CP) như:
- Trong năm 2022, một số hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% sẽ được giảm xuống 8%, đối với cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ và giảm 20% mức tỷ lệ phần trăm khi thực hiện xuất hóa đơn đối với cơ sở kinh doanh, hộ, cá nhân kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ phần trăm trên doanh thu.
- Giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung tiểu mục 2 mục I Biểu thuế bảo vệ môi trường quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế bảo vệ môi trường đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14.
- Giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định hoặc hợp đồng hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức thuê đất trả tiền hàng năm phải ngừng sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
- Áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế suất thuế nhập khẩu theo Nghị định số 101/2021/NĐ-CP ngày 15/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ và Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP và các văn bản có liên quan.
- Giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước theo Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26/11/2021 của Chính phủ quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
- Tiếp tục rà soát, giảm các loại phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
- Gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022.
- Hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 02 năm 2022 và 2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong các ngành, lĩnh vực: Hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo (đã bao gồm máy móc, trang thiết bị, thuốc, hóa dược, dược liệu); xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua. Điều kiện hỗ trợ là thuộc đối tượng thụ hưởng đã được vay vốn hoặc đáp ứng các điều kiện vay vốn, được ngân hàng thương mại chấp thuận.
- Nghiên cứu giữ ổn định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, tính toán hợp lý tỷ lệ dự trữ bắt buộc, thực hiện nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong 02 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.
- Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, theo dõi sát diễn biến kinh tế, thị trường tiền tệ để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp, đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.
- Tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021 - 2023 cho các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và từ nguồn ngân sách nhà nước đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Rà soát, sửa đổi quy định tháo gỡ vướng mắc trong quy định về nội dung chi và quản lý Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp để đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; giải mã công nghệ; mua thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu cho đổi mới công nghệ, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ hai, đối với người lao động, đây là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những tác động do dịch bệnh gây ra, chính vì vậy, những chính sách an sinh xã hội hay những chính sách cụ thể trực tiếp hỗ trợ người lao động là vô cùng cần thiết. Chính vì vậy, Chính phủ đã kịp thời ban hành những văn bản quy phạm pháp luật nhằm đối phó với dịch bệnh và hỗ trợ người lao động trước tình hình dịch bệnh như hiện nay. Cụ thể:
- Ngày 06/11/2021, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký ban hành Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg ngày 06/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, qua đó, Nhà nước sẽ thống kê và hỗ trợ người lao động bị nghỉ việc do người sử dụng lao động bị tạm dừng hoạt động toàn bộ hoặc một phần theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 hoặc có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg hoặc áp dụng các biện pháp không hoạt động/ngừng hoạt động. Bên cạnh đó, theo Quyết định số 3749/QĐ-TLĐ ngày 15/12/2021 của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam quy định về việc chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, đoàn viên, người lao động là F0 được hỗ trợ từ 1,5 - 3 triệu đồng.
- Ngoài ra, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có Công văn số 3535/LĐTBXH-VL ngày 11/10/2021 về việc xác định đối tượng hưởng hỗ trợ theo Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg, trong đó hướng dẫn việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp;
- Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp, theo đó, cơ quan bảo hiểm hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, cụ thể là:
(i) Đối tượng áp dụng: Là người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021 (không bao gồm người lao động đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên).
Người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 30/9/2021 có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng.
(ii) Mức hỗ trợ: Dựa trên cơ sở thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động, cụ thể: Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp dưới 12 tháng: Hỗ trợ 1.800.000 đồng/người; thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng đến dưới 60 tháng: Hỗ trợ 2.100.000 đồng/người; thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 60 tháng đến dưới 84 tháng: Hỗ trợ 2.400.000 đồng/người; thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 84 tháng đến dưới 108 tháng: Hỗ trợ 2.650.000 đồng/người; thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 108 tháng đến dưới 132 tháng: Hỗ trợ 2.900.000 đồng/người; thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 132 tháng trở lên: Hỗ trợ 3.300.000 đồng/người.
(iii) Nguồn kinh phí: Khoảng 30.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2020.
(iv) Thời gian thực hiện: Việc hỗ trợ người lao động từ ngày 01/10/2021 và hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12/2021.
Đây là những chính sách cấp thiết, kịp thời nhằm hỗ trợ và giúp đỡ người lao động khi họ là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp do tác động của đại dịch, của các chính sách phòng, chống dịch trong thời gian vừa qua. Đây là những chính sách đầy nhân văn để bảo đảm đời sống kinh tế của người lao động cũng là bảo đảm nguồn cung lao động, sức lao động cho thị trường lao động, từ đó giúp phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Đại học Công nghiệp Hà Nội