1. Về quan niệm giám định tư pháp
Nhìn chung, pháp luật của các nước đều có quan niệm giám định tư pháp là việc giám định được thực hiện bởi nhà chuyên môn để làm sáng tỏ vấn đề có liên quan đến vụ án dưới góc độ chuyên môn theo trưng cầu của cơ quan điều tra, truy tố và xét xử hoặc cả theo yêu cầu của người tham gia tố tụng (nước theo cơ chế tranh tụng) nhằm phục vụ cho việc giải quyết vụ án. Chẳng hạn như, Pháp quy định việc giám định chỉ được thực hiện theo trưng cầu của thẩm phán (có thẩm phán điều tra, thẩm phán xét xử và thẩm phán thi hành án) thì mới được coi là giám định tư pháp.
Tuy nhiên, Thụy Điển lại không căn cứ vào chủ thể trưng cầu, yêu cầu giám định là tổ chức, cá nhân nào mà quan trọng là việc giám định đó có được đánh giá và sử dụng làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án hay không, nếu kết luận giám định nào phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án và được hội đồng xét xử chấp nhận làm căn cứ để giải quyết vụ án thì được coi là giám định tư pháp. Trong trường hợp kết luận giám định do người tham gia tố tụng tự mình yêu cầu và được chấp nhận làm căn cứ cho việc xét xử vụ án thì sẽ được Nhà nước hoàn trả chi phí cho việc thực hiện vụ việc giám định đó.
2. Về người giám định
- Quan niệm về người giám định
Nhìn chung, các nước sử dụng thuật ngữ “chuyên gia” để chỉ người giám định ở các lĩnh vực giám định và bất kỳ một chuyên gia nào (không phân biệt là công chức hay người hành nghề tự do) đều có thể là người giám định nếu như người đó thực sự am hiểu, tinh thông trong lĩnh vực cần giám định và được các cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định. Vì vậy, người giám định có thể là công chức thuộc các cơ quan chuyên môn của nhà nước hoặc cũng có thể là nhà chuyên môn ở ngành nghề, lĩnh vực khác nhau thuộc quyền quản lý của các hiệp hội ngành nghề hoặc hành nghề tự do. Với cách thức như vậy, các nước này có thể huy động được đông đảo đội ngũ các nhà chuyên môn giỏi ở tất cả các lĩnh vực vào hoạt động giám định tư pháp.
Hầu hết, các nước đều phân loại người giám định thành người giám định được cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc công nhận, ghi danh trong danh sách người giám định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và người giám định vụ việc là chuyên gia ở bất kỳ cơ quan, tổ chức của nhà nước hoặc hành nghề tự do miễn là người đó giỏi, tinh thông nghề nghiệp, có thể kết luận về vấn đề chuyên môn có liên quan trong vụ án.
- Căn cứ bổ nhiệm, công nhận giám định viên và tiêu chuẩn giám định viên
Việc bổ nhiệm, công nhận giám định viên của các nước đều phải căn cứ vào nhu cầu thực tế của hoạt động tố tụng. Vì vậy, hàng năm, các cơ quan tiến hành tố tụng phải có đánh giá và dự báo về nhu cầu giám định ở từng lĩnh vực giám định. Trên cơ sở đó, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc công nhận giám định viên sẽ xác định số lượng giám định viên cần bổ nhiệm hoặc công nhận và tiến hành các công việc cần thiết cho việc tìm kiếm, lựa chọn các nhà chuyên môn để có thể bổ nhiệm hoặc công nhận. Trình tự, thủ tục bổ nhiệm hoặc công nhận giám định viên được tiến hành rất chặt chẽ nhằm bảo đảm chất lượng giám định viên.
Mặc dù, có sự khác nhau về cách thức, thủ tục bổ nhiệm hoặc công nhận, ghi danh giám định viên giữa các nước nhưng các tiêu chí, điều kiện để trở thành người giám định của các nước về cơ bản là giống nhau. Cụ thể đó là những tiêu chí về chuyên môn, kinh nghiệm thực tế, điều kiện về sức khỏe, thời gian và những điều kiện cần thiết cho việc tham gia hoạt động giám định tư pháp; điều kiện về phẩm chất, tư cách..., thậm chí một số nước còn có đặt điều kiện về tình hình kinh tế, tài chính phải ổn định, nề nếp, không phải là người bị phá sản, nợ nần.
- Danh sách giám định viên và việc lựa chọn người giám định của cơ quan tiến hành tố tụng
Hầu hết, các nước đều lập danh sách người giám định hoặc các nhà chuyên môn ở các lĩnh vực và phổ biến cho các cơ quan tiến hành tố tụng biết để trưng cầu giám định. Chẳng hạn như, ở Đức, ngoài lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự có giám định viên là các cán bộ chuyên môn nhà nước, còn ở các lĩnh vực khác thì các tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp như Phòng Thủ công nghiệp, Phòng Thương mại, Phòng Xây dựng,... lựa chọn người để lập, công bố danh sách giám định viên ở các lĩnh vực ngành nghề đó để phổ biến cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Ở Pháp, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền lựa chọn và công nhận, lập danh sách giám định viên ở tất cả các lĩnh vực chuyên môn, ngành nghề. Mỗi Tòa phúc thẩm và Tòa phá án có một danh sách giám định viên. Danh sách giám định viên của Tòa sơ thẩm lớn hơn danh sách của Tòa phúc thẩm, Tòa phá án nhưng giám định viên của Tòa phúc thẩm được lựa chọn từ danh sách giám định viên của Tòa sơ thẩm. Tương tự như vậy, giám định viên của Tòa phá án được lựa chọn từ danh sách giám định viên của Tòa phúc thẩm và phải là những chuyên gia hàng đầu và có uy tín nghề nghiệp.
Nhìn chung, pháp luật các nước không bắt buộc các cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu giám định viên được bổ nhiệm hoặc công nhận nhưng một số nước đã có quy định trong pháp luật tố tụng mang tính khuyến nghị cơ quan tiến hành tố tụng ưu tiên trưng cầu các giám định viên đã có trong danh sách. Vì vậy, trên thực tế, các cơ quan tiến hành tố tụng thường ưu tiên trưng cầu giám định viên trước. Trong trường hợp lĩnh vực cần giám định không có giám định viên hoặc nếu có nhưng không đáp ứng được yêu cầu giám định thì khi ấy cơ quan tiến hành tố tụng mới trưng cầu người giám định tự do hoặc theo vụ việc nhưng phải lý giải, nêu rõ lý do về việc lựa chọn người ngoài danh sách đó.
3. Về tổ chức giám định tư pháp
Tổ chức giám định tư pháp của các nước trên thế giới rất đa dạng, không có một mô hình chung bắt buộc, tùy theo thiết chế tổ chức bộ máy nhà nước và điều kiện cụ thể ở mỗi quốc gia. Nhìn chung, ở hầu hết các nước trên thế giới, giám định pháp y và pháp y tâm thần được giao cho ngành Y tế đảm trách, giám định kỹ thuật hình sự được giao cho ngành Công an. Các lĩnh vực giám định này thường có các cơ quan chuyên trách và có giám định viên được bổ nhiệm hoặc được công nhận làm việc chuyên trách hoặc luôn phải có bộ phận chuyên trách, vì thường xuyên có yêu cầu giám định của các cơ quan tố tụng. Giám định tư pháp ở các lĩnh vực khác như xây dựng, tài chính, ngân hàng, văn hóa, giao thông, môi trường, khoa học công nghệ... đều do các cơ sở khoa học, tổ chức chuyên môn như các viện nghiên cứu khoa học, các đơn vị chuyên môn ở các ngành, lĩnh vực thực hiện giám định với hình thức kiêm nhiệm, làm giám định theo vụ việc khi có trưng cầu của các cơ quan tố tụng, hoặc chỉ bổ nhiệm hoặc công nhận và lập danh sách giám định viên. Cụ thể về tổ chức giám định pháp y và kỹ thuật hình sự của một số nước như sau:
- Ở Đức: Có 35 Viện Pháp y thuộc các trường đại học tổng hợp trong toàn Liên bang đảm nhiệm việc giám định pháp y tử thi. Tất cả các tử thi cần phải tiến hành giám định pháp y đều được đưa về các Viện Pháp y để giám định. Còn giám định thương tích thì bất kỳ bác sỹ nào thuộc đoàn bác sỹ - Hiệp hội nghề y dược của Đức đều có thể thực hiện. Quân đội Đức cũng có những đơn vị y tế được giao nhiệm vụ thực hiện giám định pháp y. Về lĩnh vực kỹ thuật hình sự, tất cả các cơ quan cảnh sát các cấp (huyện, thành phố, bang, liên bang) đều có Phòng hoặc Trung tâm kỹ thuật hình sự làm công tác giám định tư pháp kỹ thuật hình sự. Cơ quan điều tra liên bang Đức (BKA) có Viện Kỹ thuật hình sự mới được xây dựng lại và đưa vào hoạt động tháng 3/2008, là cơ quan kỹ thuật hình sự vào loại hiện đại nhất thế giới.
- Ở Pháp: Về giám định pháp y, Pháp không duy trì hệ thống tổ chức giám định pháp y ở trung ương và địa phương mà có trung tâm pháp y nằm ở một số thành phố lớn của Pháp như Pa-ri, Li-ông... Đây là những cơ quan nhà nước có chức năng đào tạo nghề pháp y và thực hiện giám định pháp y của nước Pháp. Đội ngũ giám định viên pháp y của Cộng hòa Pháp rất đông đảo, bao gồm các cán bộ chuyên môn thuộc các trung tâm pháp y và đông đảo các bác sỹ thuộc các chuyên khoa ở tất cả các cơ sở y tế (cả nhà nước và tư nhân) trên toàn lãnh thổ Pháp. Tuy nhiên, để được là giám định viên pháp y thì phải được Tòa án lựa chọn, công nhận và đưa vào danh sách giám định viên với điều kiện phải qua đào tạo pháp y 02 năm ở Trung tâm pháp y nêu trên. Đối với giám định pháp y tâm thần, các bệnh viện tâm thần của nhà nước mới đảm nhiệm việc thực hiện giám định theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.
Về kỹ thuật hình sự, Pháp có Trung tâm kỹ thuật hình sự ở công an cấp tỉnh, mà không có cơ quan quốc gia về kỹ thuật hình sự. Các Trung tâm này có chức năng chính là nghiên cứu, thực hiện giám định kỹ thuật hình sự.
- Ở Nhật Bản: Có Cơ quan nghiên cứu Quốc gia khoa học cảnh sát ở trung ương và cơ quan giám định nằm ở 47 Viện nghiên cứu khoa học hình sự ở địa phương, có chức năng như Viện Khoa học hình sự và Phòng Kỹ thuật hình sự ở Việt Nam. Nhiệm vụ chính của các cơ quan này là thực hiện giám định tư pháp ở cả hai lĩnh vực kỹ thuật hình sự và pháp y.
- Ở Hoa Kỳ: Trong cơ quan điều tra của Hoa Kỳ (FBI) thuộc Bộ Tư pháp có cơ quan kỹ thuật hình sự làm chức năng giám định tư pháp kỹ thuật hình sự khi có trưng cầu của các cơ quan tố tụng. Còn giám định pháp y và pháp y tâm thần thì thuộc chức năng của ngành Y tế.
4. Về hoạt động giám định tư pháp
- Trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp
Theo quy định của pháp luật một số nước, chỉ có cơ quan tiến hành tố tụng (cơ quan điều tra, truy tố và xét xử) mới có quyền trưng cầu giám định tư pháp cả trong tố tụng hình sự và tố tụng dân sự. Thông thường, trong án hình sự thì việc trưng cầu giám định chủ yếu do cơ quan điều tra thực hiện, còn trong tố tụng dân sự thì các bên có quyền tự do lựa chọn giám định viên và có thể yêu cầu Tòa án đứng ra trưng cầu giám định hoặc tự họ thỏa thuận với nhau về việc mời tổ chức, cá nhân nào đó thực hiện giám định. Tuy nhiên, Đức, Thụy Điển, Trung Quốc cho phép người tham gia tố tụng (cả trong tố tụng hình sự và tố tụng dân sự) có quyền tự mình yêu cầu các tổ chức giám định pháp y, kỹ thuật hình sự cũng như tổ chức, cá nhân chuyên môn bất kỳ thực hiện giám định như là một cách thức tìm kiếm chứng cứ phục vụ việc tranh tụng của họ. Các kết luận giám định đó được người tham gia tố tụng sử dụng như là một chứng cứ để xuất trình, cung cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan này có trách nhiệm xem xét, đánh giá kết luận giám định đó như các chứng cứ khác.
Ngoài ra, người tham gia tố tụng vẫn có thể yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định, kể cả trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại và bản thân người tham gia tố tụng vẫn có thể tự mình yêu cầu tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định để tìm kiếm chứng cứ bảo đảm cho việc thực hiện quyền, nghĩa vụ chứng minh của mình, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp trong quá trình tham gia tố tụng. Người giám định thực hiện giám định theo yêu cầu của người tham gia tố tụng có thể xuất hiện tại phiên tòa với tư cách là người làm chứng về chuyên môn cho người tham gia tố tụng đó. Dù thực hiện giám định theo yêu cầu của người tham gia tố tụng hay thực hiện giám định theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, thì người giám định đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn chuyên môn trong quá trình thực hiện giám định.
Cơ quan tiến hành tố tụng có thể trưng cầu giám định viên hay bất cứ một chuyên gia về một lĩnh vực nhất định để thực hiện giám định. Thông thường, cơ quan tiến hành tố tụng ưu tiên trưng cầu giám định viên được bổ nhiệm có tên trong danh sách hay giám định viên công, trừ một số trường hợp đặc biệt mới trưng cầu các chuyên gia không phải là giám định viên thực hiện giám định và phải nêu rõ lý do vì sao trưng cầu người giám định ngoài danh sách.
- Đánh giá, sử dụng kết luận giám định và giải quyết mâu thuẫn kết luận giám định
Cũng giống như Việt Nam, pháp luật của các nước quy định kết luận giám định là một nguồn chứng cứ. Việc đánh giá và sử dụng chứng cứ thuộc thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng. Vì thế, việc đánh giá và sử dụng kết luận giám định thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng.
Một số nước có quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức, người giám định phải giao kết luận giám định cho tổ chức, cá nhân trưng cầu, yêu cầu giám định cùng với toàn bộ các tài liệu được hình thành trong quá trình thực hiện giám định để bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin, tài liệu phản ánh trung thực, đầy đủ quá trình triển khai, thực hiện giám định, giúp cho các cơ quan tố tụng dễ dàng hơn trong việc xem xét, đánh giá kết luận giám định.
Nếu có sự khác nhau, thậm chí mâu thuẫn giữa các kết luận giám định về cùng một vấn đề thì cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm xem xét, đánh giá độ tin cậy của các kết luận giám định đó. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan tiến hành tố tụng có thể trưng cầu một cơ quan, tổ chức chuyên môn thứ ba có khả năng chuyên môn tốt hơn và trang thiết bị giám định hiện đại hơn hoặc cũng có thể trưng cầu những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực cần giám định để thực hiện giám định. Thậm chí, trong những trường hợp đặc biệt, có thể trưng cầu tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện giám định.
Pháp luật của các nước không quy định về giám định cuối cùng, bởi vì việc có cần trưng cầu giám định hay không là tùy thuộc sự cần thiết trong quá trình giải quyết vụ án.
5. Chi phí, phí giám định tư pháp
Tất cả các nước đều quan niệm chi phí giám định là những chi phí cần thiết và hợp lý cho việc thực hiện giám định. Chi phí giám định có thể bao gồm thù lao giám định và các chi phí cần thiết khác như hóa chất, chi phí máy móc...
Có một điểm chung của nhiều nước là hoạt động giám định pháp y (tử thi), pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự do Nhà nước bảo đảm, đầu tư nên chi phí giám định ở các hoạt động này là phí vì thường chỉ là sự bù đắp một phần chi phí thực tế cho việc thực hiện giám định. Còn ở những lĩnh vực khác, hoạt động giám định được thực hiện bởi những tổ chức hoặc cá nhân không phải do nhà nước bảo đảm, đầu tư nên thường thì chi phí giám định được tính toàn bộ, đầy đủ chi phí thực tế cần thiết, hợp lý cho việc thực hiện giám định - thu đủ chi. Ở một số ngành nghề, lĩnh vực đặc thù thì có thể có cơ chế tính đến yếu tố mặt bằng của thị trường dịch vụ chuyên môn - cơ chế giá dịch vụ chuyên môn. Tùy từng chủ thể thực hiện giám định mà cơ chế tính thu chi phí sẽ có cơ cấu tính toán, thu và quản lý, sử dụng khác nhau.
- Về chủ thể chịu phí giám định tư pháp
Hầu hết, các nước đều áp dụng nguyên tắc phí giám định trong vụ án hình sự do các cơ quan tiến hành tố tụng trả và lấy từ ngân sách nhà nước theo dự toán hàng năm của các cơ quan đó. Phí giám định trong án dân sự do đương sự chịu, cụ thể là bên thua kiện phải chịu. Tuy nhiên, Thụy Điển và Nhật Bản lại áp dụng nguyên tắc bên thua kiện hoặc bên bị kết tội phải chịu phí giám định. Trong tất cả các bản án đều có phần quy định rõ trách nhiệm chịu phí giám định là bao nhiêu. Tuy nhiên, trong trường hợp người bị kết tội thuộc diện nghèo hoặc thuộc diện cần được Nhà nước trợ giúp thì tùy từng mức độ mà Tòa án có thể quyết định miễn hoặc giảm một phần phí giám định.
Trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu các tổ chức, cơ quan thực hiện giám định do Nhà nước bảo đảm, đầu tư để phục vụ cho việc giải quyết án thì không phải trả tiền vì số tiền thu ấy cũng chính là khoản tiền thuộc ngân sách của nhà nước.
- Định mức chi phí/phí giám định tư pháp
Đối với phí giám định mà cơ quan tiến hành tố tụng trả thì tuân theo thang bảng định mức phí giám định do Nhà nước ấn định. Phí giám định có thể được trả trên cơ sở tính theo giờ làm việc hoặc theo vụ việc giám định. Còn đối với chi phí giám định do người tham gia tố tụng tự yêu cầu thì nhà nước không điều chỉnh cụ thể mà tùy thuộc vào sự thỏa thuận giữa người, tổ chức thực hiện giám định với người yêu cầu. Tuy nhiên, đối với những lĩnh vực giám định do Nhà nước bảo đảm, đầu tư thì phí giám định thường được áp dụng theo hệ thống thang bảng định mức do cơ quan có thẩm quyền hoặc tổ chức đó ấn định trước cho mỗi loại việc giám định - giống như phí giám định tư pháp ở một số lĩnh vực do Bộ Tài chính đã ban hành trước đây.
6. Về quản lý công tác giám định tư pháp
Đa số các nước không có văn bản luật riêng quy định về vấn đề giám định tư pháp mà các quy định về vấn đề này nằm ở nhiều văn bản luật khác nhau như Luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng dân sự, Luật về thù lao... Đồng thời, hầu hết các nước cũng không có cơ quan nhà nước nào làm nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về giám định tư pháp ở tất cả các lĩnh vực như ở Việt Nam, vì họ cho rằng, bản chất của hoạt động giám định là một bộ phận hoạt động chuyên môn nhưng phục vụ tố tụng. Các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc công nhận giám định viên (các hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp hoặc Tòa án hoặc các Viện Khoa học hình sự, pháp y...) có trách nhiệm tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ giám định và phối hợp với các cơ quan hữu quan để bồi dưỡng kiến thức pháp lý cần thiết cho các giám định viên; giám sát hoạt động giám định của giám định viên; xử lý vi phạm của giám định viên bằng cách miễn nhiệm, chấm dứt hoạt động của giám định viên. Tuy nhiên, ở Kazacxtan, Bộ Tư pháp lại thống nhất quản lý nhà nước về giám định tư pháp (gần giống với Việt Nam), thậm chí Bộ này còn có Viện Pháp y, Viện Khoa học hình sự trực thuộc và trực tiếp tổ chức việc tiếp nhận, triển khai thực hiện giám định tư pháp ở các lĩnh vực theo trưng cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng theo cơ chế huy động, điều phối các tổ chức, nhà chuyên môn vào hoạt động giám định tư pháp.
Như vậy, có thể thấy, mặc dù có những điểm khác nhau về những quy định chi tiết, nhưng cơ bản, hệ thống pháp luật về giám định tư pháp của Việt Nam hiện nay đã tiệm cận với pháp luật về giám định tư pháp của các nước trên thế giới.
Pháp luật về giám định tư pháp của một số nước và mức độ phù hợp của pháp luật Việt Nam
Để xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về giám định tư pháp ở Việt Nam, bên cạnh việc khảo sát, tổng kết, đánh giá thực trạng tổ chức, hoạt động giám định tư pháp ở nước ta trong những năm qua, thì việc tiến hành khảo sát, nghiên cứu về giám định tư pháp của một số nước là rất cần thiết và hữu ích, đồng thời thông qua đó đánh giá mức độ tương thích của pháp luật Việt Nam với pháp luật các nước khác về giám định tư pháp.
Hải Đăng