Ở Việt Nam có nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm dịch vụ công như: “Dịch vụ công là những hoạt động phục vụ các lợi ích chung thiết yếu, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và tổ chức, do Nhà nước trực tiếp đảm nhận hoặc ủy nhiệm cho các cơ sở ngoài nhà nước thực hiện, nhằm đảm bảo trật tự và công bằng xã hội”. Quan điểm tiếp cận từ tính chất phục vụ lại cho rằng “Dịch vụ công là những dịch vụ đáp ứng các nhu cầu cơ bản, thiết yếu của người dân và cộng đồng, bảo đảm ổn định và công bằng xã hội (…) hoạt động không vì mục đích lợi nhuận”. Có thể nhận thấy, điểm giống nhau cơ bản của các quan điểm đều cho là bản chất của dịch vụ công khác biệt với các dịch vụ khác ở chỗ dịch vụ công do Nhà nước cung cấp hoặc chủ trì, tổ chức cung cấp nhằm phục vụ cho nhu cầu và lợi ích chung của xã hội, không vì mục tiêu lợi nhuận. Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa cần tiếp cận quan niệm về dịch vụ công từ góc độ của quản lý công quốc tế để xác định thêm những hàm nghĩa mới. Có thể nói, phạm vi của dịch vụ công rất rộng, xác định các vụ công nào phụ thuộc vào pháp luật của từng quốc gia và từng giai đoạn phát triển.
Với bài viết “Pháp luật về hợp đồng đối tác công tư trong cung ứng dịch vụ công - Kinh nghiệm của một số quốc gia và định hướng hoàn thiện ở Việt Nam” tác giả Hà Thị Út sẽ khái quát về dịch vụ công và hợp đồng đối tác công tư trong cung ứng dịch vụ công, sơ lược hợp đồng đối tác công tư trong cung ứng dịch vụ công theo pháp luật của một số quốc gia trên thế giới, từ đó, tác giả đưa ra một só kiến nghị hoàn thiện pháp luật về vấn đề này ở Việt Nam.
Bài viết này được đăng tải trên ấn phẩm 200 trang “Pháp luật về hợp đồng dưới góc độ luật học so sánh” của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật năm 2021.