Hợp đồng hợp tác được hiểu là hợp đồng dân sự có đối tượng là hoạt động hợp tác. Với tư cách là một hợp đồng dân sự, học thuyết chính chi phối đến quá trình xem xét bản chất hợp đồng hợp tác là thuyết tự do ý chí. Khi có tự do ý chí, các chủ thể được thực hiện theo mong muốn của mình, không bị sự áp đặt ý chí của bất kỳ chủ thể nào khác nên nó sẽ đảm bảo “sự công bằng” cho chính chủ thể đó. Chính sự tự do ý chí cho thấy hợp đồng hợp tác cũng như các hợp đồng dân sự khác hoàn toàn là sự tự nguyện, mong muốn của các chủ thể khi tham gia giao kết, thực hiện hợp đồng. Do đó, hợp đồng hợp tác trước hết hình thành trên cơ sở sự đồng thuận, thống nhất ý chí của các bên trong hợp đồng. Tiếp đến, các chủ thể cùng nhau thực hiện chung một công việc nhất định. Các chủ thể sẽ bàn bạc, thỏa thuận để cùng thực hiện công việc hợp tác hướng đến mục tiêu đạt được kết quả theo mong muốn, dự liệu của mình. Hợp đồng hợp tác cũng thể hiện rõ nét yếu tố kinh tế trong đời sống kinh tế - xã hội vì các hoạt động hợp tác đa phần đều hướng đến các lợi ích vật chất. Với các đặc điểm này thì hợp đồng hợp tác được hiểu là sự thỏa thuận của các bên hợp tác mà theo đó các bên có thể đóng góp công sức, tài sản để thực hiện công việc nhất định và cùng hưởng lợi ích hoặc cùng chịu trách nhiệm trong phạm vi thỏa thuận.
Bài viết “Pháp luật về hợp đồng hợp tác - Nhìn từ góc độ so sánh quy định của Việt Nam với các quốc gia khác” của PGS.TS. Nguyễn Hiền Phương & TS. Kiều Thị Thuỳ Linh sẽ giúp bạn đọc nhận diện hoạt động hợp tác và hợp đồng hợp tác, những quy định của pháp luật Việt Nam về hợp đồng hợp tác dưới góc nhìn đối sánh với các quốc gia khác, từ đó, tác giả đưa ra những đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật về hợp đồng hợp tác cho Việt Nam.
Bài viết này được đăng tải trên ấn phẩm 200 trang “Pháp luật về hợp đồng dưới góc độ luật học so sánh” của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật năm 2021.