1. Dẫn nhập
Rửa tiền là hành vi nguy hiểm cho xã hội đã xuất hiện từ lâu trên thế giới, nhưng trong thời gian gần đây, mức độ phạm tội này trong thực tế tăng rất nhanh. Theo thống kê của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, số lượng các vụ án về tội phạm có rủi ro rửa tiền là rất lớn (bình quân trên 11.000 vụ/năm), nhiều vụ án mà số tiền chiếm đoạt lên tới hàng ngàn tỷ đồng[1]. Luật Phòng, chống rửa tiền ra đời là văn bản pháp lý toàn diện quy định về phòng chống rửa tiền (PCRT) tạo bước tiến quan trọng cho hành lang pháp lý. Tuy nhiên, ở góc độ thực tế, Luật này đã và đang bộc lộ những hạn chế nhất định, chưa theo kịp và đáp ứng thực tiễn xã hội dẫn đến việc chồng chéo, bất cập trong quá trình triển khai và thực hiện. Trước những vướng mắc từ thực tiễn áp dụng đòi hỏi phải có sự điều chỉnh phù hợp với hệ thống các quy định của pháp luật về rửa tiền.
2. Khái quát chung về rửa tiền và phòng, chống rửa tiền
2.1. Khái niệm về rửa tiền
Khái niệm rửa tiền đã xuất hiện rất lâu trong lịch sử phát triển nói chung. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại còn tồn tại nhiều quan điểm và cách nhìn nhận khác nhau khi bàn về khái niệm này. Theo đó, khái niệm rửa tiền được đưa ra như sau:
Thứ nhất, dựa vào định nghĩa trong các từ điển: Theo Từ điển Luật học, rửa tiền còn được gọi là tẩy sạch đồng tiền và được hiểu là quá trình biến những đồng tiền bẩn (tiền thu được từ những hoạt động bất hợp pháp) thành những đồng tiền sạch (tiền hợp pháp)[2]. Theo Từ điển tiếng Việt thì rửa tiền là hợp pháp hóa những khoản tiền bất chính[3]. Theo từ điển tiếng Anh, “money laundering” được hiểu là chuyển tiền kiếm được bất hợp pháp thông qua các ngân hàng và doanh nghiệp khác để làm cho tiền có vẻ như kiếm được một cách có hợp pháp[4] (“the crime of moving money that has been obtained illegally through banks and other businesses to make it seem as if the money has been obtained legally” - Tạm dịch). Hầu hết, các từ điển này đều đưa ra phần nào cách thức rửa tiền của các tội phạm.
Thứ hai, dựa vào sự xuất hiện khi có sự chuyển biến của chế độ chính trị hay khi mất ổn định về kinh tế, xã hội. Cụ thể, khi có sự chuyển biến trên thì rửa tiền được gọi bằng thuật ngữ “chuyển trốn tư bản” hay còn gọi là “vốn bay” (flight capital). Theo đó, đây là hành vi mà vốn được rút một cách cấp tốc khỏi một nước do sự mất lòng tin vào chính phủ khi tại nước đó xảy ra những biến động về kinh tế, chính trị[5]. Hơn nữa, còn được hiểu rửa tiền là “tiền nóng”, tiền được chuyển từ một địa điểm này đến một địa điểm khác do sự lo ngại về các chính sách của chính phủ hoặc do sự mất lòng tin vào chính phủ khi tại nước đó xảy ra những biến động về kinh tế, chính trị.
Dựa vào các công ước và một số tổ chức lớn trên thế giới: Quy định ở Công ước Viên năm 1988 về chống buôn bán bất hợp pháp ma túy và các chất hướng thần. Theo đó, rửa tiền là “hành vi chuyển đổi hoặc chuyển giao tài sản khi biết rằng tài sản đó thu được từ buôn bán ma túy hoặc từ việc tham gia vào hoạt động phạm tội với mục đích che giấu nguồn gốc tài sản hoặc giúp người thực hiện các hành vi trên trốn tránh trách nhiệm pháp lý các hành vi của mình; hành vi che giấu hoặc ngụy trang hình thái tự nhiên, nguồn gốc, địa điểm, việc định đoạt, chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản hoặc các quyền liên quan đến tài sản mà biết rõ tài sản do phạm tội buôn bán ma túy mà có; hành vi mua, tàng trữ hoặc sử dụng tài sản khi biết rõ tài sản do phạm tội mà có”. Tuy nhiên, Công ước quốc tế này bộc lộ hạn chế nhất định đó là chỉ giới hạn tội phạm rửa tiền trong phạm vi liên quan đến buôn lậu ma túy và các chất hướng thần mà không xem xét và mở rộng ở các tội hiện diện có dấu hiệu để tội phạm rửa tiền hoạt động.
Năm 2000, Liên Hợp quốc đã mở rộng định nghĩa về tội phạm rửa tiền trong Công ước Palermo. Rửa tiền được quy định là hành vi: “(i) Chuyển đổi hay chuyển nhượng tài sản, cho dù biết đó là tài sản do phạm tội mà có, nhằm che giấu hay ngụy trang nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản đó hoặc nhằm giúp đỡ bất kì ai có liên quan đến việc thực hiện tội phạm gốc để lẩn tránh trách nhiệm pháp lý do hành vi của người này mang lại; (ii) Che giấu hoặc ngụy trang bản chất thật sự, nguồn gốc, địa điểm sự chuyển nhượng, sự vận chuyển hoặc sự sở hữu hoặc các quyền liên quan đến tài sản, dù biết tài sản đó do phạm tội mà có; (iii) Nhận, sở hữu hoặc sử dụng tài sản, mà tại thời điểm nhận đã biết rằng tài sản đó do phạm tội mà có; (iv) Tham gia, phối hợp hoặc có âm mưu thực hiện hành vi, cố gắng thực hiện hành vi hay giúp sức, xúi giục, tạo điều kiện thuận lợi hay lập kế hoạch để thực hiện bất kỳ một tội phạm nào tương ứng với quy định tại điều này khi biết rõ là tài sản do phạm tội buôn bán ma túy mà có”. Công ước này đã mở rộng hành vi tội phạm rửa tiền hoạt động, khắc phục những hạn chế của Công ước Viên năm 1988 mắc phải. Nhìn chung, hai công ước này đều được nhiều quốc gia thừa nhận và coi rửa tiền là việc sử dụng bất cứ tài sản nào được cho là có nguồn gốc từ hoạt động hoàn toàn hay một phần của phạm tội mà có (nghĩa là với bất kỳ hình thức nào của các hành động cho và nhận) hoặc từ hoạt động che đậy, trá hình nhằm giúp đỡ người phạm tội thoát khỏi pháp luật.
Theo Lực lượng đặc nhiệm Tài chính (FATF), khái niệm về rửa tiền súc tích, ngắn gọn hơn: “Rửa tiền là toàn bộ những hoạt động được tiến hành nhằm cố ý hợp thức hóa những khoản tiền, tài sản có nguồn gốc từ các hành vi phạm tội[6]”. Ngoài ra, một số tác giả còn tiếp cận khái niệm này bằng việc nêu lên bản chất của hoạt động rửa tiền, cụ thể, về góc độ pháp lý, Việt Nam đã giải thích khái niệm rửa tiền tại khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 như sau: “rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có”. Đồng thời, quy định hình sự hóa tội rửa tiền tại Điều 324 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Dưới cách nhìn nhận và đánh giá riêng, các khái niệm nêu trên được đưa ra có điểm khác nhau nhưng nhìn chung có sự thống nhất khi cho rằng rửa tiền là hoạt động chuyển nguồn tiền phi pháp đã kiếm được sau đó thông qua các giao dịch hay bằng cách thức nào đó chuyển thành nguồn tiền hợp pháp nhằm lưu thông và sử dụng. Tóm lại, dưới nhiều góc độ, khía cạnh và liệt kê hành vi rửa tiền bằng các cách thức khác nhau nhưng khái niệm rửa tiền phải có những dấu hiệu cơ bản sau:
Một là, đáp ứng về chủ thể của rửa tiền gồm: Cá nhân và pháp nhân thương mại. Thế nhưng, chủ thể của rửa tiền không nhất thiết phải là chủ thể tội phạm gốc mà chỉ cần là người nào đó tham gia vào quá trình rửa tiền thì đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật (đáp ứng Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Hai là, rửa tiền phải có mục đích: làm cho đồng tiền “bẩn” (bất hợp pháp) trở nên sạch hơn hay nói cách khác là tạo ra nguồn tài sản hợp pháp giúp chủ sở hữu những tài sản đó ngang nhiên công khai tham gia thực hiện các giao dịch. Thông thường, hình thức biểu hiện ban đầu là “tiền”, nhưng sau ở các giai đoạn “rửa” thì có sự thay đổi hình thức, biểu hiện dưới dạng khác như: Ngân phiếu, thẻ tín dụng, bất động sản... nhằm trốn tránh sự kiểm tra, giám sát, phát hiện của các cơ quan chức năng.
Ba là, nguồn gốc của tiền “bẩn”: Có được từ những hành vi vi phạm pháp luật, thường là các hành vi như buôn lậu, buôn bán ma túy và vũ khí, mại dâm và các loại hàng hóa bị cấm mua bán, trao đổi; tiền của các tổ chức tội phạm có được do làm tiền giả, tống tiền, tổ chức đánh bạc; tiền tham nhũng; trốn thuế...
Như vậy, trên cơ sở tiếp thu những quan điểm nêu trên cũng như từ kết quả của việc nghiên cứu tài liệu, theo quy định của pháp luật hiện hành, nhóm tác giả bổ sung khái niệm rửa tiền như sau: “Rửa tiền là việc thực hiện một trong các hành vi như nhận, chuyển đổi, chuyển nhượng, tham gia, phối hợp hoặc giúp đỡ để ngụy trang, che giấu trái pháp luật nguồn gốc bất hợp pháp của nguồn tiền phi pháp thông qua các cách thức nhằm biến đổi trở thành nguồn tiền hợp pháp lưu thông trên thị trường”.
2.2. Về phòng chống rửa tiền
Như đã đề cập ở trên, bản chất của hành vi rửa tiền là hành vi bất hợp pháp do tổ chức, cá nhân thực hiện nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có. Hiện nay, một số nghiên cứu có sự nhầm lẫn, hiểu chưa đúng hoặc đúng nhưng chưa đầy đủ về cụm từ “phòng ngừa”, “phòng chống”; ngầm định “phòng ngừa” tức là “phòng chống” và ngược lại nên phần lớn chỉ thấy đề cập đến khái niệm “phòng ngừa”. Cụ thể:
Hiểu dưới dạng các từ điển: Theo Từ điển Việt - Việt thì “phòng ngừa” tức là phòng trước, không để cho cái xấu, cái không hay có thể xảy ra[7]. Hoạt động phòng ngừa là “hành động nhằm loại bỏ nguyên nhân của sự không phù hợp tiềm ẩn hoặc các tình huống không mong muốn tiềm ẩn khác”[8]. Từ điển Luật học định nghĩa: “Phòng ngừa tội phạm là ngăn ngừa tội phạm và loại trừ các nguyên nhân phát sinh tội phạm bằng toàn bộ những biện pháp liên quan với nhau do cơ quan Nhà nước và tổ chức xã hội tiến hành…”[9]. Theo Đại từ điển tiếng Việt thì “phòng ngừa là phòng không cho điều bất lợi, tác hại xảy ra”; “Phòng là cách tìm ngăn ngừa, đối phó với điều không hay có thể xảy ra, gây tác hại cho mình”35. Cùng với đó, Từ điển Việt - Việt: Phòng chống là sự phòng bị trước và sẵn sàng chống lại36. TheoTừ điển Anh - Việtthì phòng chống (prevention) là sự ngăn cản, sự ngăn trở, phòng ngừa (“Obstruction, hindrance, prevention” - Tạm dịch)[10]. Điểm giống nhau của các từ điển này là coi cụm từ “phòng chống” đồng nghĩa với “phòng ngừa”. Tức có nghĩa là, hai cụm từ này thuộc nhóm từ mang ý nghĩa gần giống nhau hoặc giống nhau. Không những thế, các từ điển trên đều chỉ nêu lên cách giải nghĩa cụm từ “phòng ngừa” ở mức độ nghĩa hẹp mà chưa có sự giải thích sâu hơn, khiến cho người tra cứu mơ hồ và tự ngầm định “phòng ngừa” và “phòng chống” là một, nghĩa của chúng như nhau và có thể dùng một trong hai cụm từ ấy thay thế nhau khi truyền tải nội dung hay khi giao tiếp là hoàn toàn bình thường, không có vấn đề gì xảy ra. Nếu chỉ nhìn nhận theo nghĩa hẹp hay chỉ chú trọng ở một lĩnh vực thì sẽ dẫn đến việc hiểu chưa đầy đủ, việc dùng sai... thậm chí bỏ lọt tội phạm.
Tại một số giáo trình và sách chuyên khảo: Khái niệm của cụm từ “phòng ngừa” theo hai cấp bậc rộng và hẹp như sau:
Theo quan điểm trong khoa học và sách, báo pháp lý, một số nước đều thống nhất cho rằng: “Phòng ngừa tội phạm là không để cho tội phạm xảy ra, thủ tiêu các nguyên nhân và điều kiện của tội phạm…” hay “không để cho tội phạm gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, thủ tiêu nguyên nhân và kiểm soát được tội phạm, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật, cũng như có các biện pháp cải tạo, giáo dục người phạm tội, đưa họ trở thành những công dân có ích cho xã hội và cho cộng đồng”.
Giáo trình Tội phạm học của Đại học Luật Hà Nội thì định nghĩa phòng ngừa tội phạm “là hoạt động có tính chủ động và tổng hợp của Nhà nước, của xã hội và của mọi công dân hướng tới việc hạn chế, ngăn ngừa sự hình thành các thành tố tạo thành nguyên nhân của tội phạm hoặc làm cho các thành tố này không phát huy được tác dụng để loại trừ dần nguyên nhân của tội phạm, ngăn ngừa tội phạm xảy ra”[11].
Sách chuyên khảo Tội phạm học đại cương định nghĩa “phòng ngừa tội phạm là tổng thể các biện pháp khác nhau do chủ thể phòng ngừa tội phạm tiến hành nhằm hạn chế hoặc loại trừ nguyên nhân làm phát sinh tội phạm, từ đó, làm giảm tội phạm hoặc không để cho tội phạm xảy ra trong địa bàn nhất định”[12].
Trong hệ thống khoa học về tội phạm học của Liên Xô trước đây, quan niệm về phòng ngừa tội phạm được GS.TS. Nguyễn Xuân Yên dẫn ra như sau: “Phòng ngừa tội phạm là tổng hợp các biện pháp có quan hệ tác động lẫn nhau, được tiến hành bởi cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội nhằm mục đích ngăn chặn tội phạm và hạn chế, loại trừ những nguyên nhân sinh ra tội phạm” (Giáo trình Tội phạm học năm 1966) hay còn được hiểu là “một phương tiện điều chỉnh sự phát triển các quan hệ xã hội nhằm mục đích hạn chế, loại trừ các nguyên nhân tội phạm, như là sự tác động lẫn nhau của các biện pháp kinh tế - xã hội, giáo dục - sư phạm, tổ chức và pháp luật, như là một tổ hợp các biện pháp khác nhau của phòng ngừa tội phạm”[13].
Theo nhóm tác giả, với cách hiểu như trên thì phòng ngừa, cụ thể là phòng ngừa tội phạm hoàn toàn khác với phòng chống hay phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, phòng chống tội phạm không phải độc lập hoàn toàn với phòng ngừa tội phạm bởi mục đích của chúng thống nhất với nhau, đều hướng đến kiểm soát, đẩy lùi và phòng ngừa tội phạm trong phạm vi nhất định. Nếu chỉ hiểu phòng ngừa tội phạm theo nghĩa hẹp, nghĩa là chỉ tập trung vào việc ngăn cản, ngăn ngừa tội phạm xảy ra, khắc phục loại bỏ nguyên nhân điều kiện phát sinh thì lúc này là cách hiểu đúng nhưng chưa đủ. Còn cần phải hiểu theo nghĩa rộng, ngoài việc ngăn cản tội phạm xảy ra còn sử dụng các biện pháp “ngăn chặn” để phát hiện, xử lý, chống tội phạm kịp thời. Tính chất của phòng chống tội phạm ở một mức độ nào đó luôn mạnh hơn phòng ngừa. Phòng ngừa tội phạm có tính chủ động rõ hơn tính bị động trong việc ngăn ngừa tội phạm xảy ra, khi tội phạm chưa xảy ra thì đã có biện pháp ngăn ngừa. Hay hiểu ngắn gọn, phòng ngừa tội phạm không phải là hoạt động hướng tới tội phạm đã xảy ra - tội phạm hiện thực mà là nhằm không cho tội phạm xảy ra. Phòng chống tội phạm thì vừa có tính chủ động vừa có tính bị động nhưng phần lớn thể hiện rõ ở tính bị động. Tức là việc phòng chống tội phạm thường bị động hơn, khi tội phạm đã thực hiện hành vi phạm tội của mình, sau đó mới chống, ngăn chặn. Cụ thể hơn, phòng chống tội phạm thể hiện gián tiếp, ngăn ngừa tội phạm chỉ sau khi đã áp dụng các biện pháp xử lý tội phạm xảy ra.
Do đó, cụm từ “phòng ngừa” hay “phòng ngừa tội phạm” và “phòng chống” hay “phòng chống tội phạm” chỉ đồng nghĩa với nhau nếu hiểu đầy đủ ở cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Tuy nhiên, phải cẩn trọng trong cách dùng hai cụm từ này, mặc dù đồng nghĩa nhưng không phải được thay thế cho nhau trong mọi trường hợp vì chúng là hai cụm từ đồng nghĩa nhưng không hoàn toàn. Hiểu một cách đơn giản, giữa chúng có sự đồng nghĩa tương đối, có nghĩa giống nhau nhưng có sự khác nhau về cách thức hành động nên khi sử dụng khó có thể đúng nếu thay thế cho nhau.
Dựa trên sự nghiên cứu tài liệu, kế thừa khái niệm của các tác giả từ nhiều góc độ, khía cạnh và lĩnh vực khác nhau, nhóm tác giả đưa ra khái niệm như sau: Phòng chống rửa tiền là cách thức của các chủ thể có liên quan (cơ quan nhà nước, cơ quan tài chính…), trong việc xây dựng “hệ thống phòng vệ” có khả năng phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi rửa tiền theo quy định pháp luật giảm thiểu và phòng ngừa các rủi ro có thể sinh ra. Không tồn tại độc lập mà song hành với việc phòng chống các loại hình tội phạm khác.
3. Pháp luật về rửa tiền và phòng chống rửa tiền ở Singapore
3.1. Khái quát chung
Singapore là quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Là nước có nền kinh tế mở và có sự phụ thuộc khá lớn vào thương mại quốc tế, thị trường tài chính ở Singapore rất dễ tổn thương bởi những tác động từ tội phạm kinh tế, nhất là tội phạm rửa tiền xuyên quốc gia. Nhận thức được rủi ro từ tội phạm kinh tế, Singapore đã xây dựng hệ thống pháp luật khá toàn diện, nghiêm ngặt bậc nhất trong khu vực.
Nhằm hạn chế mức thấp nhất việc tội phạm lợi dụng làm nơi chuyển hóa những khoản tiền bất hợp pháp, nước này còn tích cực tham gia hợp tác với các quốc gia khác trong lĩnh vực PCRT. Singapore đã ký kết và gia nhập nhiều điều ước quốc tế và khu vực. Cụ thể, Singapore là thành viên của Công ước của Liên Hợp quốc về chống tài trợ khủng bố, Công ước về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và chất hướng thần năm 1988, Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng, Công ước của Liên Hợp quốc về chống lại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Hơn thế nữa, Singapore cũng tham gia FATF và là một thành viên tích cực có trách nhiệm tuân thủ các quy chuẩn quốc tế về rửa tiền.
Ở góc độ khu vực, Singapore còn là thành viên của các nhóm: Châu Á/Thái Bình Dương (APG) về chống rửa tiền, Nhóm các đơn vị tình báo tài chính (Egmont), giám sát các ngân hàng nước ngoài. Tham gia Hiệp ước ASEAN về tương trợ tư pháp trong vấn đề hình sự cùng với Malaysia, Việt Nam, Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Philippines và Thái Lan.
3.2. Pháp luật và áp dụng pháp luật về PCRT ở Singapore
Quy định về rửa tiền ở Singapore bắt đầu hình thành từ năm 1989 với Đạo luật tham nhũng (Tịch thu lợi ích) (CA), cho phép cơ quan có thẩm quyền tịch thu những lợi ích từ tội phạm tham nhũng. Bên cạnh đó, để phòng ngừa rửa tiền từ hoạt động buôn bán ma túy, năm 1992 Singapore ban hành Đạo luật buôn bán ma túy (Tịch thu lợi ích) (DTA) để hình sự hóa các hoạt động thu lợi nhuận từ tội phạm ma túy. Hai đạo luật này được thông qua là công cụ hiệu quả giúp Singapore ngăn chặn mối nguy hại từ hành vi buôn bán ma túy và tham nhũng sử dụng những khoản tiền bất hợp pháp đưa vào nền kinh tế quốc gia.
Sau một thời gian thực hiện các quy định này trên thực tế, các nhà lập pháp thấy rằng các văn bản trên chỉ hình sự hóa các hành vi liên quan đến tội phạm ma túy và tham nhũng, nhiều tội phạm khác chưa được luật pháp điều chỉnh. Vì vậy, tháng 7/1999, Singapore ban hành Đạo luật tham nhũng, buôn bán ma túy và tội phạm nghiêm trọng khác (Tịch thu lợi ích) (CDSA). Thực chất, đây không phải là một chế định pháp luật mới, mà nó bắt nguồn từ CA 1989 và DTA 1992 và chỉ mở rộng thêm phạm vi các tội phạm nguồn của rửa tiền ngoài tội phạm ma túy và tham nhũng. Sự thay đổi này phù hợp vì tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế sẽ tạo cơ hội cho tội phạm ma túy, tham nhũng và xuất hiện nhiều loại tội phạm nghiêm trọng khác liên quan đến rửa tiền. Đến nay, CDSA là đạo luật quan trọng nhất về chống rửa tiền trong hệ thống pháp luật của Singapore hiện hành.
Tội phạm nguồn của tội rửa tiền: CDSA hướng dẫn rất cụ thể về tội phạm nguồn của tội rửa tiền. Tội phạm nguồn được gọi là “Tội phạm nghiêm trọng” và “Tội phạm nghiêm trọng của nước ngoài” (gọi chung là “Hành vi phạm tội”). Hành vi phạm tội (criminal conduct) theo Điều 2 CDSA bao gồm các tội phạm nghiêm trọng đã hoặc đang được thực hiện trong lãnh thổ Singapore hoặc ngoài lãnh thổ theo pháp luật quốc gia khác (hành vi này có thể không cấu thành tội phạm nghiêm trọng ở Singapore nhưng pháp luật nước ngoài quy định thuộc loại tội phạm nghiêm trọng). Trong lĩnh vực thuế, pháp luật Singapore cũng điều chỉnh khá nghiêm khắc. Một hành vi phạm tội cố ý theo pháp luật nước ngoài (trong đó có các hành vi quy định tại Điều 2 CDSA) với ý định trốn tránh hoặc hỗ trợ bất kỳ người nào khác trốn tránh các khoản thuế tại quốc gia đó thì sẽ được coi là “vi phạm nghiêm trọng về thuế nước ngoài”, không quy định cụ thể loại thuế nào (kể cả loại thuế mà nước ngoài quy định nhưng Singapore không quy định) đều thuộc phạm vi điều chỉnh của CDSA. Như vậy, tội phạm nguồn của tội rửa tiền được quy định rất rộng, bao gồm ma túy, tham nhũng và hành vi phạm tội khác mà cấu thành “hành vi phạm tội nghiêm trọng” hoặc “hành vi phạm tội nghiêm trọng nước ngoài”dù bất kể đó là hành vi phạm tội nào. Các hành vi phạm tội nghiêm trọng được sửa đổi, bổ sung liên tục để theo kịp sự phát triển của tội phạm trong đời sống xã hội.
Về nghĩa vụ báo cáo giao dịch đáng ngờ trong CDSA: Cũng giống như Anh, CDSA yêu cầu quốc gia này phải có một Văn phòng Báo cáo giao dịch đáng ngờ chịu trách nhiệm tiếp nhận các báo cáo khi phát hiện có nghi ngờ liên quan đến rửa tiền. Tại phần V, mục 3 về nghĩa vụ lưu giữ hồ sơ và báo cáo các giao dịch đáng ngờ, CDSA yêu cầu các tổ chức tài chính phải lưu giữ (có thể là bản sao) của chứng từ giao dịch tài chính trong một khoảng thời gian tối thiểu (5 năm kể từ ngày đóng tài khoản hoặc ngày thực hiện giao dịch giúp cho việc truy xuất các tài liệu được thực hiện một cách hợp lý nếu cần thiết). Khi một tổ chức tài chính vi phạm quy định này sẽ bị coi là phạm tội và phải chịu trách nhiệm khi bị kết án với mức phạt không quá 10.000 đô la (Điều 40 (3) CDSA). Việc báo cáo giao dịch này phải được tiết lộ ngay cho nhân viên báo cáo giao dịch đáng ngờ bất kể giao dịch đó đã hoàn thành hay chưa. Như vậy, sẽ tránh khỏi những rủi ro pháp lý có thể xảy ra liên quan đến tội phạm rửa tiền sau này. Đây được coi là một biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm hiệu quả và kịp thời, có thể phát hiện ra tội phạm rửa tiền một cách sớm nhất khi mới chỉ ở giai đoạn một hoặc hai của quy trình rửa tiền. Khi không thực hiện những quy định về báo cáo giao dịch đáng ngờ, dù là vô ý hay cố ý thì bất kỳ ai vi phạm đều sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý. Mục 45 (3) CDSA đưa ra mức phạt cho cá nhân là không quá 250.000 đô la hoặc phạt tù không quá 03 năm (hoặc cả 2) và nếu không phải là cá nhân phạm tội thì bị phạt tiền không quá 500.000 đô la. Bên cạnh đó, Điều 47 của CDSA như một biện pháp bảo vệ cho những người cung cấp thông tin về giao dịch đáng ngờ, về nguyên tắc thông tin của họ sẽ không được thừa nhận làm bằng chứng trong bất kỳ thủ tục tố tụng dân sự hay hình sự nào và không có nhân chứng nào bị bắt buộc tiết lộ tên và địa chỉ của người cung cấp thông tin hoặc trả lời câu hỏi để lộ ra tên hoặc địa chỉ của người cung cấp thông tin. Như vậy, thông tin của người thực hiện báo cáo giao dịch sẽ hoàn toàn là bí mật, trừ trường hợp Tòa án cho phép điều tra và yêu cầu tiết lộ đầy đủ liên quan đến người cung cấp thông tin theo tiểu mục 3 Điều 47 CDSA.
Các tội rửa tiền được hình sự hóa trong CDSA: Đạo luật này dành riêng phần VI để hướng dẫn các tội về rửa tiền. Trước hết, theo quy định từ Điều 50 đến Điều 55 của CDSA, rửa tiền bao gồm 4 hành vi chính:
Thứ nhất, hành vi hỗ trợ người khác giữ lại lợi ích từ buôn bán ma túy hoặc hành vi phạm tội khác (Điều 50, Điều 51 CDSA). Khi một người tham gia hoặc có liên quan đến một thỏa thuận, biết hoặc có cơ sở hợp lý để tin rằng, theo thỏa thuận duy trì, kiểm soát hoặc thay mặt cho người khác giữ lại những lợi ích từ việc buôn bán ma túy hoặc hành vi phạm tội khác. Bất kỳ người nào phạm tội theo Điều này sẽ bị phạt tiền không quá 500.000 đô la hoặc phạt tù không quá 10 năm hoặc cả hai. Nếu không phải là cá nhân thì bị phạt tiền không quá 1 triệu đô la hoặc gấp đôi giá trị lợi ích của việc buôn bán ma túy đối với hành vi phạm tội đã được thực hiện, tùy theo mức nào cao hơn Điều 50 (5);
Thứ hai, hành vi rửa tiền của chính người phạm tội nguồn (Điều 53 (1), Điều 54 (1) CDSA): Bất kỳ người nào che giấu, ngụy trang, chuyển đổi, chuyển giao hoặc loại bỏ tài sản đó khỏi khu vực tài phán, mua, sở hữu, sử dụng tài sản mà tài sản đó - toàn bộ hoặc một phần, trực tiếp hoặc gián tiếp - là lợi ích mà cá nhân đó có được từ buôn bán ma tuý hoặc từ hành vi phạm tội thì sẽ cấu thành tội phạm. Đây là hành vi rửa tiền của chính chủ thể phạm tội ban đầu tiếp tục che giấu lợi ích có được từ hành vi phạm tội trước đó đã thực hiện, chủ thể của tội phạm rửa tiền cũng chính là chủ thể của tội phạm nguồn.
Thứ ba, hành vi tiếp tay cho tội phạm để rửa tiền: Mục 53(2) và 54(2) CDSA hình sự hóa hành vi rửa tiền “thứ cấp” (rửa tiền cho người phạm tội). Bất kỳ người nào che giấu, ngụy trang, chuyển đổi, chuyển nhượng, loại bỏ tài sản đó ra khỏi khu vực tài phán, hoặc có được, sở hữu hay sử dụng tài sản đó - toàn bộ hoặc một phần, trực tiếp hoặc gián tiếp - biết hoặc có cơ sở pháp lý để tin rằng tài sản đó là lợi ích của người khác trong việc buôn bán ma túy hoặc thực hiện hành vi phạm tội khác thì cũng phạm tội này. Các điều khoản này hình sự hóa hành vi rửa tiền liên quan đến lợi ích do phạm tội mà có của người khác và chủ thể của tội phạm nguồn không phải chủ thể của tội rửa tiền. Đạo luật này đặt ra một trách nhiệm pháp lý khá nặng nề, cũng giống như hai tội phạm trước đó, khi cá nhân phạm tội sẽ bị phạt tiền không quá 500.000 đô la hoặc phạt tù với thời hạn không quá 10 năm hoặc cả hai. Nếu không phải cá nhân thì bị phạt tiền không quá 1 triệu đô la hoặc gấp đôi giá trị tài sản liên quan đến hành vi phạm tội, tùy theo mức nào cao hơn.
Thứ tư, hành vi hưởng lợi từ việc rửa tiền của người khác[14] (Điều 55 CDSA): Khác với các hành vi trước, tội này quy định bất kỳ ai mua, sở hữu hoặc sử dụng bất kỳ tài sản nào có thể bị nghi ngờ một cách hợp lý là tài sản có được từ việc buôn bán ma túy hoặc lợi ích từ hành vi phạm tội mà không giải trình thỏa đáng về nguồn gốc của tài sản thì bị coi là phạm tội. Với tội này, người phạm tội là cá nhân sẽ bị phạt tiền không quá 150.000 đô la hoặc phạt tù không quá 3 năm hoặc cả hai, nếu không phải là cá nhân thì bị phạt tiền không quá 300.000 đô la.
Giới hạn chuyển tiền mặt qua biên giới Singapore: Phù hợp với Khuyến nghị số 32 của FATF, CDSA đã rành riêng một phần (phần VIA) để quy định về chuyển tiền mặt và các công cụ chuyển nhượng (như Séc, lệnh chuyển tiền...) nhằm mục đích phát hiện, điều tra, truy tố tội phạm ma túy và các tội phạm nghiêm trọng khác. Đạo luật này sẽ đưa ra một mức giá trị tiền mặt cụ thể mà các cá nhân khi vận chuyển ra hoặc vào Singapore phải thực hiện báo cáo theo quy định. Kể từ ngày 01/9/2014, du khách nước ngoài và cư dân Singapore được yêu cầu khai báo nếu số tiền họ mang vào hoặc ra khỏi nước này vượt quá 20.000 SGD (Theo luật sửa đổi năm 2014, mà trước đó mức giá trị quy định là 30.000 SGD). Trường hợp một người cố gắng di chuyển vượt mức giá trị tiền mặt quy định mà không đưa ra báo cáo về việc di chuyển này sẽ bị coi là phạm tội và phải chịu mức phạt tiền không quá 50.000 USD và/hoặc phạt tù có thời hạn không quá 03 năm. Tuy nhiên, nếu người đó chứng minh được rằng người đó không biết và không có cơ sở hợp lý để tin rằng ngăn chứa tiền mặt được chuyển hoặc cố gắng chuyển có chứa tiền mặt (Điều 60 (3)). Bên cạnh đó, người nhận tiền mặt có tổng giá trị vượt quá số tiền quy định được chuyển từ bên ngoài Singapore cũng phải lập biên bản về việc nhận tiền trước khi kết thúc thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được (Điều 62(1)). Vi phạm báo cáo này sẽ bị coi là phạm tội và phải chịu mức phạt tiền không quá 50.000 USD, phạt tù có thời hạn không quá 03 năm hoặc cả hai, trừ trường hợp người đó không biết và không có cơ sở hợp lý để tin rằng số tiền đó được chuyển từ bên ngoài Singapore. Những quy định về báo cáo hoạt động vận chuyển tiền mặt qua biên giới của Singapore rất chặt chẽ, kiểm soát lượng tiền mặt chảy vào quốc gia khá ổn định, hạn chế được rủi ro rửa tiền xuyên biên giới bằng tiền mặt.
Tiếp theo, nghĩa vụ thẩm định khách hàng và báo cáo giao dịch đáng ngờ cũng được quy định rất đầy đủ trong CDSA. Cũng tương tự như các cường quốc như Anh, Mỹ... các đối tượng được quy định phải thực hiện đầy đủ các biện pháp thẩm định khách hàng và kiểm soát nội bộ theo quy định khi tham gia vào: Một giao dịch tiền mặt với một khách hàng có giá trị vượt quá số tiền quy định (hoặc tương đương bằng ngoại tệ); hai giao dịch tiền mặt trở lên trong một ngày với cùng một khách hàng hoặc với những khách hàng mà người được chỉ định biết hành động thay mặt cho cùng một người, tổng giá trị của các giao dịch đó vượt quá số tiền quy định (hoặc số tiền tương đương bằng ngoại tệ)[15]. Những người được yêu cầu thực hiện các biện pháp cập nhật thông tin khách hàng (CDD) phải có bản ghi của từng giao dịch tiền mặt được đề cập ở Điều 67 (7) có chứa thông tin về giao dịch đó, một bản ghi lại tất cả thông tin của khách hàng có được thông qua các biện pháp thẩm định khách hàng trong giao dịch đó hoặc một bản sao của mỗi tài liệu để hỗ trợ khi cần thiết. Tương tự, nếu không tuân thủ đầy đủ các biện pháp thẩm định khách hàng thì sẽ phạm tội và phải chịu trách nhiệm hình sự với mức phạt không quá 20.000 đô la hoặc phạt tù với thời hạn không quá 02 năm hoặc cả hai. Trước đây, người vi phạm các biện pháp thẩm định khách hàng không cố ý chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự tài chính mà không quy định hình phạt tù, tuy nhiên, theo luật sửa đổi, bổ sung của CDSA năm 2020, bên cạnh quy định về hình phạt tiền, quốc gia này đã bổ sung thêm mức phạt tù không quá 02 năm cho những ai vi phạm các quy định thẩm định khách hàng một cách không cố ý.
Ngoài ra, khi thực hiện các giao dịch trong mục 67(1), không chỉ phải thực hiện các biện pháp thẩm định khách hàng mà người liên quan phải nộp cho nhân viên báo cáo giao dịch đáng ngờ trong thời gian quy định liên quan đến giao dịch tiền mặt đó. Nếu không tuân thủ cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý như quy định thẩm định khách hàng. Những người này cũng phải thực hiện lưu giữ hồ sơ liên quan đến giao dịch tiền mặt, thông tin thu được thông qua các biện pháp thẩm định khách hàng đã thực hiện cho giao dịch đó và mỗi bản sao của tài liệu hỗ trợ liên quan đến thông tin đó, trong khoảng thời gian 05 năm sau ngày báo cáo giao dịch tiền mặt liên quan đến giao dịch đó.
Biện pháp trừng phạt dân sự khi không tuân thủ các quy định PCRT: Đạo luật MAS quy định khá rõ ràng các quy định về rửa tiền và quyền của Cơ quan tiền tệ quốc gia (MAS) xử lý các vi phạm này. MAS có quyền rút giấy phép hoạt động của định chế tài chính nào do không tuân thủ chỉ đạo hoặc hướng dẫn (Mục 28(5)) và có quyền cấm các định chế tài chính này tiếp tục hoạt động kinh doanh (Mục 30 AAO(1))[16].
Trong hoạt động phòng chống khủng bố: Do ảnh hưởng của sự kiện ngày 11/9 tại Mỹ, chủ nghĩa khủng bố ngày càng được quan tâm nhiều hơn trên thế giới, Singapore đã cho ra đời Đạo luật chống khủng bố (ngăn chặn tài chính) - TSOFA năm 2002[17], phản ánh tầm quan trọng của chống khủng bố bên cạnh những quy định PCRT thông thường. Điều này cho thấy rằng, Singapore nhận ra được nguy cơ rửa tiền nhằm tài trợ cho khủng bố ngày càng gia tăng và nếu không có sự điều chỉnh phù hợp thì hoạt động này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh chính trị của quốc gia này. TSOFA không chỉ hình sự hóa hành vi hỗ trợ cho các tổ chức khủng bố mà còn áp đặt nghĩa vụ phải cung cấp thông tin liên quan đến tài trợ khủng bố cho cơ quan thực thi pháp luật nếu không sẽ có thể cấu thành một tội phạm hình sự. Theo đạo luật này, bất kỳ người nào cũng phải nộp báo cáo giao dịch đáng ngờ (STR) nếu họ có sở hữu, giam giữ hoặc kiểm soát bất kỳ tài sản nào thuộc về bất kỳ kẻ khủng bố nào hoặc nếu họ có thông tin về bất kỳ giao dịch/tài sản nào thuộc về bất kỳ tổ chức khủng bố nào[18].
Biện pháp ngăn chặn rửa tiền qua sòng bạc và các lĩnh vực khác: Năm 2005, Singapore tiến hành hợp pháp hóa cờ bạc và cho phép mở các sòng bạc để phát triển ngành công nghiệp sòng bạc. Điều này gây ra nhiều quan ngại về các tệ nạn xã hội nảy sinh từ sòng bạc, và rửa tiền là mối nguy hại lớn nhất. Quốc gia này đã triển khai Luật Quản lý Casino năm 2006 quy định về cách thức quản lý và kiểm soát thủ tục khai thác các casino, bao gồm yêu cầu báo cáo về tiền mặt. Bên cạnh đó, cấm các hoạt động cờ bạc qua Internet nhằm giúp cho cơ quan chức năng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán qua Internet khi họ cố ý hỗ trợ các hoạt động của một trang web cờ bạc. Ngân hàng cũng như tổ chức tài chính khác ở Singapore hoàn toàn có thể ngăn chặn những khoản thanh toán cho các hoạt động cờ bạc qua mạng. Năm 2009, các nhà lập pháp Singapore đã thông qua Đạo luật Kiểm soát sòng bạc và sau đó đưa vào quy định kiểm soát sòng bạc (ngăn ngừa rửa tiền và tài trợ khủng bố)[19]. Theo đó, các nhà quản lý sòng bạc phải nộp cho những người có quyền nhận Báo cáo giao dịch đáng ngờ những báo cáo về tiền mặt đối với mọi giao dịch tiền mặt với người có liên quan từ 10.000 đô la trở lên (trong một giao dịch) hoặc nhiều giao dịch tiền mặt mà khi cộng lại vượt quá hoặc bằng 10.000 đô la.
Trong các hoạt động từ thiện, trước tình trạng tội phạm lợi dụng các quỹ từ thiện để “núp bóng” cho hoạt động rửa tiền, pháp luật Singapore giám sát hoạt động này rất chặt. Từ quá trình thành lập đến khi hoạt động, tất cả các tổ chức này phải thực hiện các yêu cầu báo cáo và giới hạn số lượng kinh phí chuyển ra ngoài Singapore. Các tổ chức từ thiện phải tuân thủ đầy đủ các quy định như phác thảo mục tiêu hoạt động cũng như đặc điểm của tất cả các nguồn tài trợ nhằm phát hiện các cá nhân, tổ chức lợi dụng để trục lợi. Đồng thời, tổ chức từ thiện phải giữ hồ sơ kế toán chi tiết và giữ trong ít nhất là 07 năm.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực bất động sản, cơ quan Thuế Singapore ban hành hướng dẫn PCRT và tài trợ khủng bố (AML/CTF) năm 2007 cho các đại lý kinh doanh bất động sản. Đến năm 2010, Đạo luật Đại lý bất động sản (sửa đổi) năm 2020 ra đời giúp ngăn chặn những nhân viên bất động sản và đại lý bất động sản sai phạm, vô tình hoặc cố ý trở thành công cụ giúp đỡ cho hoạt động rửa tiền. Hội luật gia ban hành Quy tắc nghề nghiệp pháp lý (PCRT và tài trợ khủng bố) năm 2015[20] hướng dẫn các biện pháp thẩm định khách hàng và lưu trữ hồ sơ cho những người hành nghề luật tại Singapore để tăng cường hoạt động PCRT trong lĩnh vực này. Đạo luật về Đá quý và Kim loại quý (PCRT và Tài trợ Khủng bố) năm 2019 điều chỉnh hoạt động của người kinh doanh đá quý và kim loại, Đạo luật người môi giới cầm đồ năm 2015 hướng dẫn PCRT trong lĩnh vực môi giới cầm đồ... Có thể nói, pháp luật Singapore điều chỉnh từng lĩnh vực rất cụ thể, chi tiết và đưa ra những hình thức xử phạt thích đáng để răn đe, phòng ngừa các tổ chức, cá nhân lợi dụng lĩnh vực, ngành nghề hoạt động của mình tiếp tay cho tội phạm rửa tiền.
Ngoài ra, trong lĩnh vực giao dịch tiền điện tử: Đạo luật Dịch vụ Thanh toán (Payment Services Act) cho phép một số nền tảng giao dịch tiền điện tử được hoạt động tại Singapore. Theo đó, tất cả các nhà cung cấp dịch vụ, bao gồm cả các sàn giao dịch tiền điện tử phải được đăng ký và cấp phép của MAS. Quy định của MAS theo Đạo luật này tập trung vào rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố cũng như những rủi ro công nghệ mang lại. Đạo luật này đã mở rộng phạm vi giám sát của MAS, không chỉ bao gồm những giao dịch tiền tệ thông thường mà bao gồm các dịch vụ thanh toán mới như dịch vụ thanh toán kỹ thuật số và sàng lọc các cơ chế bảo vệ khách hàng, cơ cấu giao dịch và tuân thủ.. để đảm bảo rằng các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán tuân thủ chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Khi muốn được cấp phép thì các doanh nghiệp cung cấp tài sản ảo phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các biện pháp thẩm định phù hợp và công bố rủi ro. Singapore đã tạo một môi trường pháp lý tương đối thân thiện cho các sàn giao dịch tiền điện tử, nhưng cũng chịu một áp lực không nhỏ với những rủi ro tiềm ẩn do ngành này mang lại. Là một trong những quốc gia chấp thuận và xây dựng khung pháp lý cho tiền điện tử và các tài sản kỹ thuật số khác, tìm hiểu những quy định về tiền điện tử tại quốc gia này sẽ mang lại những hiểu biết hữu ích cho các quốc gia đang còn băn khoăn về quy chế pháp lý dành cho loại tiền này.
4. Thực trạng pháp luật và áp dụng pháp luật trong hoạt động rửa tiền và phòng chống rửa tiền ở Việt Nam
Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành hệ thống pháp luật về rửa tiền và PCRT nhằm hạn chế tối đa hành vi vi phạm của tội phạm này. Đến nay, ở Việt Nam chưa ấn định hành vi rửa tiền xuất hiện vào thời gian nào. Tuy nhiên, Việt Nam đã áp dụng pháp luật về rửa tiền và PCRT khá linh hoạt, có hiệu quả đáng kể trong việc phát hiện và xử lý kịp thời các vụ án rửa tiền lớn gây chấn động dư luận, tịch thu khá nhiều các khoản tiền phi pháp. Điển hình phải kể đến một số vụ án rửa tiền ‘khủng’ gây xôn xao tại Việt Nam trong thời gian gần đây[21]. Hầu hết các vụ án này, đều bị cơ quan nhà nước phát hiện với số tiền rửa lớn, thủ đoạn tinh vi và tiến hành xử lý khi tội phạm đã thực hiện xong các giai đoạn, quay vòng vốn, đem nguồn tiền bất hợp pháp lớn chuyển thành hợp pháp và đưa vào lưu thông trên thị trường dẫn đến việc thu hồi số lượng lớn nguồn tiền phi pháp không được. Có một số đối tượng sau khi thực hiện xong hành vi vi phạm của mình thì bỏ trốn dẫn đến nhiều vụ án chưa được đưa ra xét xử, tồn đọng.
Ngoài ra, Nhà nước ta đã tiếp thu có chọn lọc những quy định về PCRT của các Tổ chức quốc tế, điển hình là Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF), đẩy mạnh việc hợp tác sâu rộng giữa các cơ quan trong việc xử lý tội phạm rửa tiền cũng như các tội có liên quan, tăng cường hiệu quả trong công cuộc đấu tranh PCRT… Trong thời kỳ hội nhập, Việt Nam đã và đang liên tục ký kết các Điều ước quốc tế để tham gia sâu rộng vào trường quốc tế. Đây là một cơ hội lớn để nước ta học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia. Để xử lý được tội phạm rửa tiền là điều không hề dễ, nó đòi hỏi các cơ quan chuyên trách, cơ quan có thẩm quyền và các cơ quan khác phải tích cực hợp tác với nhau. Ví dụ như: Việt Nam đã ký Công ước Palermo cùng thời điểm 124 nước thành viên vào tháng 12/2000 tại Palermo (Italia) và chính thức trở thành thành viên của Công ước này vào ngày 08/6/2012; Năm 2003, Việt Nam đã ký Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) và chính thức phê chuẩn, tổ chức thực thi Công ước này từ năm 2009. Song song với các hoạt động PCRT trong nước, Việt Nam đã từng bước chủ động hội nhập quốc tế về lĩnh vực này và trở thành thành viên thứ 34 của nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) vào tháng 5/2007. Là thành viên của APG, Việt Nam có trách nhiệm tuân thủ các khuyến nghị của FATF và thực hiện các quy định tại “Điều khoản tham chiếu của APG”.
Việc áp dụng pháp luật trong rửa tiền và PCRT có thể coi đó là một sự khởi sắc. Dù còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế khi thủ đoạn của tội phạm này luôn thay đổi linh hoạt, không theo một trình tự, thủ tục nào là một thách thức lớn không chỉ đối với cơ quan chức năng mà còn với các nhà làm luật. Để dự liệu trước và phát hiện sớm đòi hỏi pháp luật phải quy định chặt chẽ, thống nhất và có sự phối hợp giữa nhà nước, ngân hàng với người dân; nói rộng hơn là cần có sự hợp tác quốc tế.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã xây dựng hệ thống pháp luật về rửa tiền, PCRT nhưng trước xu thế toàn cầu hóa, công nghệ phát triển đặc biệt là sự xuất hiện tiền ảo, bitcoin... thì các quy định đó đã và đang bộc lộ hạn chế, cần phải khắc phục cũng như có sự sửa đổi hợp lý. Bên cạnh, những thành tựu đạt được thông qua việc áp dụng pháp luật thì nhóm tác giả đưa ra một số hạn chế còn tồn tại như sau:
Thứ nhất, tình trạng không thống nhất trong áp dụng pháp luật.
Hiện nay, có rất nhiều quy định có liên quan đến vấn đề rửa tiền và PCRT. Đơn cử, Điều 324 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã sử dụng các từ “tiền, tài sản” để quy định là không hợp lý nên cần có sự điều chỉnh. Cụ thể, việc quy định vừa tiền vừa tài sản trong một điều luật là chưa phù hợp cũng như chưa có sự thống nhất với các văn bản pháp luật quốc gia và quốc tế, có thể kể đến như: Công ước quốc tế, Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2015, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014. Ví dụ như: Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản...” điều đó có nghĩa là “tài sản” đã bao gồm “tiền”, do đó, chỉ cần dùng “tài sản”. Đồng thời, cần sự thống nhất khi quy định giữa các văn bản khác điển hình như: Tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 03/2019/NQHĐTP ngày 24/05/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật Hình sự về tội rửa tiền (Nghị quyết số 03/2019/NQHĐTP) thì giải thích thuật ngữ tài sản không bao gồm tiền và có một khoản định nghĩa về tiền. Việc quy định như vậy là chưa rõ ràng, thiếu tính thống nhất và khoa học, vô hình trung dẫn đến sự thiếu đồng nhất trong áp dụng pháp luật, phụ thuộc phần lớn vào ý chí chủ quan của các cơ quan có thẩm quyền.
Thứ hai, chưa có các văn bản hướng dẫn hoặc giải đáp cụ thể về vấn đề phân biệt dấu hiệu và hành vi của tội rửa tiền và tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Mặc dù tại khoản 4 Điều 3 Nghị quyết số 03/2019/NQHĐTP đã giải thích như thế nào là trường hợp “biết hay có cơ sở để biết người khác phạm tội mà có”. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn sự nhầm lẫn khi chưa có sự hướng dẫn riêng giữa Điều 323 và Điều 324 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) khi liên quan đến chứng minh, xác định chủ thể, tội danh. Đồng thời, trong một số trường hợp, tội phạm đã hết hiệu lực truy cứu trách nhiệm hình sự đã chết thì cơ quan điều tra không thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can nên không thể chứng minh nguồn gốc tài sản do đâu mà có được.
Thứ ba, vấn đề về thu hồi tài sản, cụ thể là tiền rất khó khăn.
Trong các đại án về tội rửa tiền và tội phạm nguồn thì việc xác định hành vi rửa tiền là một thách thức lớn đặt ra với các cơ quan có thẩm quyền. Việc chứng minh tài sản từ đâu mà có, chuyển hóa, rửa sạch bằng cách nào, thông qua ai là những vấn đề khó khăn và bất cập trong quá trình áp dụng pháp luật. Chỉ khi làm rõ được các vấn đề đó thì mới có hình thức phong tỏa tài sản phù hợp để thu hồi. Tuy nhiên, trên thực tế, cụ thể là những vụ án lớn mà nhóm tác giả đã nêu ra ở phần trên, hầu hết vẫn chưa thể thu hồi.
5. Bài học kinh nghiệm từ Singapore
Không thể phủ nhận Singapore có một hệ thống pháp luật mạnh mẽ về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Nhờ vậy, các vụ án rửa tiền ở Singapore thường rất ít và được quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia có nền tài chính “sạch” nhất thế giới. Hệ thống tài chính hoạt động hiệu quả tại Singapore chính là môi trường mà Việt Nam luôn hướng tới:
Thứ nhất, Singapore có một hệ thống pháp luật ngăn chặn vấn nạn tham nhũng, ma túy rất đầy đủ thông qua CDSA, nhờ vậy, tỷ lệ tội phạm rửa tiền liên quan đến ma túy và tham nhũng tại quốc gia này tương đối thấp và hầu hết chỉ có tội phạm nước ngoài. Hành động trừng trị tội phạm quyết liệt và nhanh chóng đã giúp cho quốc gia này làm gián đoạn quá trình quay vòng tiền từ tội phạm và phát hiện sớm về tội phạm rửa tiền. Hiện nay, ở Việt Nam, tệ nạn tham nhũng, ma túy đang là vấn đề gây nhức nhối trong dư luận, làm khó các cơ quan chức năng trong phát hiện và phòng chống tội phạm rửa tiền. Như vậy, Việt Nam cần ban hành quy định toàn diện về phòng, chống tội phạm ma túy và tham nhũng, đảm bảo tuân thủ đầy đủ theo Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Phòng, chống ma túy cùng những văn bản hướng dẫn liên quan, nhằm ngăn ngừa những nguồn thu bất hợp pháp từ tội phạm này.
Thứ hai, Singapore quy định chặt chẽ vấn đề vận chuyển tiền qua biên giới, giám sát hoạt động vận chuyển tiền mặt và thực hiện các giao dịch qua thanh toán trực tuyến quốc tế.Trước đây pháp luật Việt Nam quy định giới hạn để chuyển tiền ra nước ngoài theo Quyết định số 1473/2001/QĐ-NHNN là không quá 5.000 USD. Tuy nhiên, Nghị định số 70/2014/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện pháp lệnh ngoại hối (sửa đổi, bổ sung) lại không còn quy định giới hạn chuyển tiền ra nước ngoài nhằm mục đích làm cho các giao dịch được thuận tiện hơn. Điều này, vô tình tạo kẽ hở để các đối tượng lợi dụng chuyển tiền ra nước ngoài thông qua các giao dịch trực tiếp, dưới vỏ bọc chuyển tiền để đi du lịch, tham gia tổ chức từ thiện nước ngoài, chuyển tiền cho người thân. Tại Điều 2 Thông tư số 15/2011/TT-NHNN ngày 12/8/2011 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định khi cá nhân xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam bằng hộ chiếu mang theo ngoại tệ tiền mặt từ 5.000 USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương, đồng Việt Nam từ 15.000.000 VNĐ trở lên phải khai báo Hải quan cửa khẩu khi xuất cảnh, nhập cảnh. Như vậy, Việt Nam quy định khá nghiêm ngặt trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, mức giá trị phải khai báo cũng như chế tài xử phạt vi phạm khá nặng. Tuy nhiên, cơ chế giám sát, phát hiện những vi phạm ở lĩnh vực này còn yếu, tồn tại nhiều bất cập trong công tác quản lý tuân thủ, vẫn có nhiều đường dây vận chuyển tiền mặt qua biên giới trái phép với số tiền lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Trước thực trạng đó, nhóm tác giả kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tài chính, nhất là hệ thống ngân hàng trong việc thực hiện các giao dịch và tuân thủ quy định về thẩm định khách hàng, báo cáo giao dịch, lưu trữ hồ sơ… nhất là những giao dịch chuyển tiền quốc tế. Với những giao dịch chuyển tiền lớn đáng ngờ thì phải có những biện pháp tạm ngừng giao dịch kịp thời trước khi có kết quả điều tra của cơ quan chức năng để tránh tội phạm chuyển tiền trót lọt ra nước ngoài. Khi có sai phạm, cán bộ hoặc nhân viên ngân hàng dù là vô tình hay cố ý tiếp tay cho tội phạm chuyển tiền qua biên giới, xác lập các giao dịch thanh toán quốc tế cho tội phạm mà không có những biện pháp phòng ngừa cần thiết thì phải chịu trách nhiệm pháp lý tương ứng, có thể là trách nhiệm hành chính hoặc hình sự. Đồng thời, để ngăn chặn rửa tiền thông qua hình thức vận chuyển tiền mặt qua biên giới, cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền quản lý trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu cần giám sát chặt chẽ, kiểm tra đầy đủ từng cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu, hải quan.
Thứ ba, Singapore có một cơ chế giám sát toàn diện và hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội như hoạt động của các sòng bạc, ngân hàng, kinh doanh bất động sản, thành lập các quỹ từ thiện.
Trong ngành công nghiệp sòng bạc, Singapore đã kiểm soát, giám sát cũng như có các biện pháp trừng phạt nặng nề khi vi phạm về báo cáo và thẩm định khách hàng của những cá nhân tham gia lĩnh vực trò chơi có thưởng này. Điều này giúp Singapore vừa phát triển được ngành công nghiệp sòng bạc đồng thời cũng tránh được những rủi ro liên quan đến rửa tiền trong lĩnh vực này. Tại Việt Nam, hoạt động kinh doanh casino đã được hợp pháp hóa đầu năm 2017 với Nghị định số 03/2017/NĐ-CP ngày 16/01/2017 của Chính phủ về kinh doanh casino. Đây là một lĩnh vực có tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt cao, không cần chứng minh nguồn gốc của tài sản sau khi thắng bạc... Việc cho phép kinh doanh casino gây ra nhiều thách thức lớn với cơ quan quản lý. Hiện nay, nhiều chiêu thức vận hành của tội phạm là thông qua hệ thống ngân hàng để nhận tiền, đổi thưởng, rút tiền đánh bạc, lập hàng chục tài khoản trong một thời gian dài hay thuê người đứng tên mở tài khoản để phục vụ hoạt động đánh bạc mà không bị phát hiện. Điều này cho thấy rằng, cơ chế giám sát và báo cáo những giao dịch bất thường vẫn chưa hoạt động hiệu quả, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Trong hoạt động từ thiện, các tổ chức từ thiện tại Singapore phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan thực thi pháp luật từ quá trình thành lập đến khi hoạt động, có nghĩa vụ báo cáo hoạt động tài chính và nguồn hoạt động của quỹ. Tại Việt Nam, việc thành lập các tổ chức, quỹ từ thiện rất dễ dàng và chưa có cơ chế giám sát hợp lý. Những năm gần đây, tình trạng các cá nhân tự kêu gọi, lập tài khoản để nhận và tổ chức các hoạt động từ thiện ngày càng nhiều, mà không nằm trong sự quản lý của bất kỳ cơ quan nào. Nếu có hoạt động trái pháp luật để trục lợi, thực hiện rửa tiền thì rất khó để phát hiện và điều tra.
Trong đầu tư, kinh doanh bất động sản, hầu hết những vụ án rửa tiền với số tiền, tài sản lớn liên quan đến tham nhũng, ma túy, buôn lậu... đều được tội phạm rửa tiền qua hoạt động này. Thấy được lỗ hổng pháp lý đó, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 vừa có hiệu lực đã quy định những cá nhân có hoạt động kinh doanh bất động sản (trừ hoạt động cho thuê, cho thuê lại bất động sản và dịch vụ tư vấn bất động sản) là một trong những đối tượng phải thực hiện báo cáo giao dịch đáng ngờ và hướng dẫn 04 dấu hiệu đáng ngờ riêng trong lĩnh vực bất động sản. Như vậy, pháp luật phòng, chống rửa tiền tạiViệt Nam đã điều chỉnh trong hoạt động kinh doanh bất động sản, tuy nhiên, hiện nay, khi Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 có hiệu lực, chưa có văn bản hướng dẫn nội bộ về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực này.
Nhóm tác giả kiến nghị cần ban hành một quy định nội bộ hướng dẫn các đối tượng báo cáo nhận biết những dấu hiệu bất thường trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là những ngành nghề có mức độ rủi ro rửa tiền cao để thực hiện báo cáo giao dịch, nhận biết khách hàng kịp thời. Đặc biệt, Việt Nam có thể tham khảo quy định Singapore về bảo vệ danh tính cho các đối tượng báo cáo giao dịch đáng ngờ, nhằm khuyến khích đối tượng báo cáo tuân thủ cơ chế này.
Thứ tư, Singapore đã xây dựng được một khung pháp lý khá hoàn chỉnh cho các sàn giao dịch tiền điện tử, yêu cầu tất cả các nhà cung ứng dịch vụ thanh toán qua loại tiền này phải tuân thủ đầy đủ quy định về chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố. MAS được chỉ định là cơ quan giám sát hoạt động tuân thủ và có những biện pháp trừng phạt thích hợp với vi phạm trong các giao dịch tiền điện tử.
Khác với Singapore, cho đến hiện tại, pháp luật Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể nào điều chỉnh, giám sát hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền, tài sản ảo cũng như chưa có đơn vị quản lý việc phát hành và giao dịch loại hình dịch vụ này. Mặc dù, thời gian qua hoạt động kinh doanh, giao dịch tiền ảo, tài sản ảo diễn ra hết sức sôi nổi trên thị trường và tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về rửa tiền. Chính vì hoạt động này nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, chưa chịu sự quản lý của cơ quan nào nên rất dễ bị tội phạm lợi dụng để thực hiện các giao dịch rửa tiền. Theo nhóm tác giả, để hình thành nên một sàn giao dịch tiền ảo tại Việt Nam thì các cơ quan Nhà nước cần sớm đưa ra một văn bản cụ thể để điều chỉnh trong lĩnh vực này. Trong đó, phải quy định rõ ràng về các tổ chức có quyền phát hành tiền, tài sản ảo, cách thức thực hiện các giao dịch, có cơ quan quản lý, giám sát giao dịch...
Thứ năm, Singapore thực hiện đầy đủ các khuyến nghị, tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có khuyến nghị về các biện pháp thẩm định khách hàng (CDD) và báo cáo giao dịch tiền mặt đáng ngờ của FATF. Đây là khuyến nghị mà hầu hết các quốc gia tham gia cuộc chiến đấu tranh PCRT trên thế giới đều cụ thể hóa trong pháp luật quốc gia mình. Việt Nam cần tích cực hợp tác quốc tế trong PCRT, tuân thủ đầy đủ và đưa những chuẩn mực quốc tế về PCRT như những hướng dẫn của Liên Hợp quốc trong Công ước Viên 1988, Công ước Palermo, các khuyến nghị của FATF, hướng dẫn của APG về PCRT... vào hệ thống pháp luật Việt Nam. Trong vấn đề rửa tiền xuyên quốc gia, cần hướng dẫn làm rõ quy định về chia sẻ thông tin để phục vụ công tác điều tra về rửa tiền, phối hợp cùng các quốc gia khác ngăn chặn rửa tiền tại quốc gia mình.
Lương Thị Hồng Hương, Nông Thị Lý & ThS. Nguyễn Anh Thư
Học viện Tòa án
[1] Tâm Đức (2019), “Phiên tòa vụ Mobifone - AVG và những chi tiết chưa từng diễn ra”, Xã hội và Pháp luật, xem tại: https://vietgiaitri.com/phien-toa-vu-mobifone-avg-va-nhung-chi-tiet-chua-tung-dien-ra-20191226i455866, truy cập ngày 20/10/2023.
[2] Từ điển Luật học, tr. 426, xem tại: “rửa tiền là gì? Nghĩa của từ rửa tiền trong tiếng Việt. Từ điển Việt - Việt (vtudien.com), truy cập ngày 20/10/2023.
[3] Từ điển tiếng Việt, xem tại: http://tratu.soha.vn/dict/vn_vn/R%E1%BB%ADa_ti%E1%BB%81n, truy cập ngày10/12/2022.
[4] Từ điển Cambridge, xem tại: MONEY LAUNDERING | Định nghĩa trong Từ điển tiếng Anh Cambridge, truy cập ngày 20/10/2023.
[5] Lê Thị Mận, Nguyễn Thanh Giang (2015), “Phòng chống rửa tiền: Những vấn đề còn nan giải”, Tạp chí Phát triển và Hội nhập, số 25, tr. 78 - 83.
[6] Hải Quỳnh (2015), “Rửa tiền và tài trợ khủng bố có mối quan hệ như thế nào?”, xem tại: https://infonet.vietnamnet.vn/rua-tien-va-tai-tro-khung-bo-co-moi-quan-he-nhu-the-nao-88203.html, truy cập ngày 20/10/2023.
[7] Từ điển Việt - Việt, xem tại: Phòng ngừa là gì, Nghĩa của từ Phòng ngừa | Từ điển Việt - Việt - Rung.vn, truy cập ngày 20/10/2023.
[8] Thuật ngữ - Định nghĩa, xem tại: Hành động phòng ngừa là gì? (vinacert.vn), truy cập ngày 20/10/2023.
[9]https://luatvietnam.vn/thuat-ngu-phap-ly.html?LawTerminGroupId=0&TerName=ph%C3%B2ng+ng%E1%BB%ABa+t%E1%BB%99i+ph%E1%BA%A1m, truy cập ngày 20/10/2023; Đại từ điển tiếng Việt, Nguyễn Như Ý chủ biên (Nxb. Văn hóa thông tin Hà Nội, năm 1999), tr. 1339, 20/10/2023; Từ điển Việt - Việt, xem tại: Phòng chống là gì, nghĩa của từ Phòng chống Từ điển Việt - Việt - Rung.vn, truy cập ngày 20/10/2023.
[10] Từ điển Anh - Việt, xem tại: http://tratu.soha.vn/dict/en_vn/Prevention, truy cập ngày 20/10/2023.
[11] Lê Thị Sơn (chủ biên, 2016), Giáo trình Tội phạm học, Đại học Luật Hà Nội, Nxb Công an nhân dân, tr. 188, 189.
[12] Dương Tuyết Miên (2019), Sách chuyên khảo “Tội phạm học đại cương”, Nxb Tư pháp, tr.248.
[13] Nguyễn Văn Dương (2022), “Biện pháp phòng ngừa tội phạm là gì? Các biện pháp phòng ngừa tội phạm”, xem tại: Biện pháp phòng ngừa tội phạm là gì? Các biện pháp phòng ngừa tội phạm? (luatduonggia.vn), truy cập 20/10/2023.
[14] Một ví dụ là, nếu một người cố ý mua vàng (trị giá 150.000 đô la) với giá 50.000 đô la từ một kẻ buôn bán ma túy trong khi nghi ngờ rằng số vàng đó là một phần tiền thu được từ hoạt động buôn bán ma túy của mình, anh ta có thể bị buộc tội.
[15] Điều 67 (1) CDSA bản sửa đổi, bổ sung năm 2020.
[16] Veltrice Tan (2018), "The art of deterrence: Singapore’s anti-money laundering regimes", Journal of Financial Crime, 2018, vol. 25, issue 2, page 467-498, xem tại: https://www.emerald.com/insight/content/doi/10.1108/JFC01-2018-0001/full/html, 01/02/2023.
[17] Terrorism (Suppression of Financing) Act 2002 (phiên bản sửa đổi năm 2020), xem tại: https://sso.agc.gov.sg/Act/TSFA2002#:~:text=An%20Act%20to%20suppress%20the,and%20for%20matters%2 0connected%20therewith.&text=1.Suppression%20of%20Financing, truy cập ngày 01/02/2023.
[18] Protecting your your society against money laundering & terrorist financing (2022), xem tại: https://www.ros.mha.gov.sg/egp/process/SYSTEM/CM_GuidanceNote, truy cập ngày 01/02/2023.
[19] A Comparative Study of Anti-Money Laundering Laws in the United States, Macau, and Singapore (2016), tr.182.
[20] Legal Profession (Prevention of Money Laundering and Financing of Terrorism) Rules 2015, xem tại: https://sso.agc.gov.sg/SL/LPA1966-S307-2015?DocDate=20170914&ProvIds=P12-#top, truy cập ngày 01/02/2023.
[21] Những vụ án rửa tiền ‘khủng’ gây xôn xao tại Việt Nam gần đây, https://nhadautu.vn/nhung-vu-an-rua-tien-khung-gay-xon-xao-tai-viet-nam-gan-day-d46511.html, truy cập ngày 01/11/2023.