1. Khái quát về thương mại điện tử và kinh tế số
Từ góc độ truyền thông, thương mại điện tử (TMĐT) là khả năng phân phối sản phẩm, dịch vụ, thông tin hoặc thanh toán qua một ứng dụng nào đó trên internet như world wide web (www - hay còn được gọi là web). Theo quan điểm của giao tiếp, TMĐT bao gồm nhiều hình thức trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp, giữa khách hàng với doanh nghiệp, giữa khách hàng với khách hàng. Dưới góc độ quy trình kinh doanh: TMĐT bao gồm các hoạt động được hỗ trợ trực tiếp bởi hệ thống mạng. Dưới góc độ môi trường kinh doanh: TMĐT là môi trường cho phép mua, bán các sản phẩm, dịch vụ và thông tin qua internet. Sản phẩm có thể hữu hình hoặc vô hình. Theo quan điểm cấu trúc, TMĐT liên quan đến các phương tiện truyền tải thông tin như: Văn bản, trang web, điện thoại internet và video internet.
Định nghĩa về TMĐT được đưa ra vào các thời điểm khác nhau, tùy thuộc vào sự phát triển của công nghệ thông tin. Đặc biệt, khi thế giới đã bước vào thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, việc đưa ra một khái niệm chính xác và đầy đủ về TMĐT càng khó khăn hơn. Do đó, các khái niệm TMĐT được đề cập trong bài viết này chỉ có ý nghĩa tương đối về mặt lý thuyết và có thể được sử dụng linh hoạt tùy theo hoàn cảnh và thời điểm.
Có rất nhiều khái niệm về TMĐT, nói một cách tổng quát, TMĐT là một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh được thực hiện thông qua các kênh điện tử, trong đó có internet hoặc ít nhất là các công nghệ và giao thức được sử dụng trên internet. Vai trò cơ bản và công nghệ thông tin được coi là điều kiện tiên quyết. TMĐT vẫn mang bản chất như các hoạt động kinh doanh truyền thống. Tuy nhiên, thông qua các phương tiện điện tử mới, các hoạt động kinh doanh được thực hiện nhanh hơn và hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí và mở rộng không gian kinh doanh.
Ở Việt Nam, TMĐT thường được hiểu theo nghĩa hẹp và nghĩa rộng. Nói một cách khái quát, TMĐT là hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong hoạt động quản lý và kinh doanh. TMĐT theo nghĩa hẹp là hoạt động mua, bán hàng hóa và dịch vụ thông qua các phương tiện điện tử và mạng viễn thông. Kể từ khi internet ra đời và phát triển, TMĐT ngày càng được biết đến rộng rãi như một phương thức kinh doanh hiệu quả.
Kinh tế số là một hệ thống kinh tế hoạt động chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử thực hiện qua internet. Đây là một khái niệm toàn diện, bao gồm tất cả các lĩnh vực và ngành kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistic, tài chính ngân hàng...) mà công nghệ số được áp dụng. Tính chất cơ bản của kinh tế số là sự sáng tạo và tích hợp công nghệ số vào các mô hình tổ chức và hoạt động kinh doanh. Công nghệ số không chỉ hiện diện trên các trang TMĐT và quảng cáo trực tuyến mà còn được tích hợp trong các ứng dụng hàng ngày như đặt đồ ăn, vận chuyển, giao hàng... nhằm đem lại sự thuận tiện cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, ở mức độ tổng thể, kinh tế số còn có vai trò quan trọng trong việc hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tạo ra các giá trị kinh tế lớn, thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Điều này cho thấy sức mạnh và tiềm năng của việc áp dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế và xã hội.
TMĐT đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế số. Đây là một phần không thể thiếu của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, tạo điều kiện cho việc mua, bán hàng hóa và dịch vụ thông qua internet. Trong một nền kinh tế số, TMĐT không chỉ là một kênh bán hàng trực tuyến mà còn là một công cụ quan trọng để tạo ra giá trị và thúc đẩy sự phát triển kinh tế.
2. Pháp luật về thuế đối với hoạt động thương mại điện tử
Các quy định pháp luật về thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử đã được điều chỉnh và bổ sung thông qua các văn bản pháp luật như Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 (Luật Quản lý thuế năm 2019); Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế (Nghị định số 126/2020/NĐ-CP); Thông tư số 100/2021/TT-BTC ngày 15/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (Thông tư số 100/2021/TT-BTC).
Luật Quản lý thuế năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, đã tạo nền tảng pháp lý cơ bản để quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT nói chung và hoạt động kinh doanh TMĐT của cá nhân nói riêng. Luật Quản lý thuế năm 2019 đã bổ sung quy định về nguyên tắc kê khai, nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.
Trên cơ sở các quy định của Luật Quản lý thuế năm 2019, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP đã quy định chi tiết một số nội dung cụ thể có liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT của cá nhân. Theo đó, trong trường hợp tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân (trong mọi lĩnh vực bao gồm cả TMĐT) thì cá nhân không trực tiếp khai thuế mà tổ chức có trách nhiệm kê khai thuế giá trị gia tăng đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế của tổ chức, không phân biệt hình thức phân chia kết quả hợp tác kinh doanh, đồng thời khai thay và nộp thay thuế thu nhập cá nhân cho cá nhân hợp tác kinh doanh.
Trường hợp tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo quy định tại khoản 5 Điều 51 Luật Quản lý thuế năm 2019 mà cá nhân có ngành nghề đang hoạt động cùng với ngành nghề hợp tác kinh doanh với tổ chức, thì tổ chức và cá nhân tự thực hiện kê khai thuế tương ứng với kết quả thực tế hợp tác kinh doanh theo quy định. Nghị định số 126/2020/NĐ-CP cũng quy định trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế thay nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số đối với ngân hàng thương mại, tổ chức trung gian thanh toán.
Bên cạnh đó, Thông tư số 100/2021/TT-BTC đã hướng dẫn chi tiết một số nội dung quan trọng liên quan đến quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh TMĐT. Từ hành lang pháp lý quan trọng đó, cơ quan thuế các cấp đã tổ chức thực hiện khá hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT.
Bên cạnh đó, những hành vi vi phạm cũng có chế tài xử lý theo quy định như: Hành vi vi phạm về thời hạn đăng ký thuế quá thời hạn quy định thì bị xử phạt từ 01 triệu đồng đến 10 triệu đồng (Điều 10 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn). Hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn thì bị xử phạt từ 02 triệu đồng đến 25 triệu đồng (Điều 13 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP). Trường hợp hộ, cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế thì bị phạt tiền từ 01 đến 03 lần số thuế trốn (Điều 17 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP). Trường hợp trốn thuế với số tiền từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế theo Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Những quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý và thu thuế đối với hoạt động TMĐT, đồng thời bảo đảm tính công bằng và minh bạch trong việc đóng góp vào ngân sách nhà nước.
3. Thực trạng pháp luật thuế liên quan đến hoạt động thương mại điện tử hiện nay
Nghiên cứu thực tiễn hoạt động quản lý thuế đối với TMĐT thời gian qua đã chỉ ra rằng, các quy định pháp luật về quản lý thuế TMĐT và quy định pháp luật liên quan còn một số bất cập cần điều chỉnh. Ví dụ: Thông tư số 100/2021/TT-BTC yêu cầu chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân dựa trên ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự. Tuy nhiên, khi cá nhân không tự nguyện ủy quyền, sàn giao dịch TMĐT không bắt buộc phải kê khai, nộp thuế thay mà chỉ cần cung cấp thông tin cho cơ quan thuế, tạo ra kẽ hở cho nhiều cá nhân kinh doanh trên các sàn TMĐT lợi dụng để trốn thuế. Thêm vào đó, Thông tư số 100/2021/TT-BTC cũng chưa quy định rõ về nội dung thông tin phải cung cấp, hình thức và tần suất cung cấp thông tin cho cơ quan thuế của các sàn giao dịch TMĐT. Luật Giao dịch điện tử năm 2023 và các văn bản dưới luật quy định về quản lý website cũng chưa có chế tài bắt buộc các công ty có trang web bán hàng, các trang mạng xã hội phải đăng ký trên sàn giao dịch điện tử và các trang mạng xã hội nếu không đăng ký với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương). Điều này tạo ra hệ quả là việc thiếu quy định pháp lý ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng, đặc biệt là hoạt động bán hàng qua mạng xã hội, có thể gây ra sự thất thu thuế cho ngân sách nhà nước.
Mặc dù, Luật An ninh mạng năm 2018 đã đưa ra yêu cầu về việc chịu trách nhiệm trong việc xác thực thông tin và cung cấp thông tin của người dùng cho lực lượng bảo vệ an ninh mạng, nhưng quy định về hợp đồng giao dịch điện tử vẫn còn một số bất cập, chưa có quy định cụ thể về cách thức thu thập chứng cứ điện tử, quy trình và quyền của các chủ thể liên quan trong quá trình thu thập. Điều này tạo ra một khoảng trống pháp lý lớn, đặc biệt là trong các lĩnh vực như Luật Thương mại, Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp… cũng chưa có quy định nào khẳng định các “tài sản số” là một loại tài sản và cũng chưa có hành lang pháp lý cụ thể đối với loại tài sản này, gây khó khăn cho việc thu thuế và áp dụng các quy định pháp luật trong các lĩnh vực khác nhau.
Hiện nay, ngày càng nhiều cá nhân đang kiếm thu nhập từ các nền tảng trực tuyến như youtube, google, facebook và các cửa hàng ứng dụng như playstore, appstore. Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh; hướng dẫn thực hiện một số nội dung sửa đổi, bổ sung về thuế thu nhập cá nhân quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13 và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về thuế thì: Các cá nhân cư trú tham gia kinh doanh và có thu nhập từ các hoạt động này, với doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên phải tuân thủ quy định về nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân. Điều này áp dụng cho những cá nhân nhận thu nhập từ các tổ chức như facebook, google, youtube... Tuy nhiên, việc thu thuế từ các chủ thể này chưa đạt được hiệu quả cao.
Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, đến cuối năm 2022, Việt Nam đã có 139 đơn vị quản lý các sàn giao dịch TMĐT, trong đó có 41 sàn bán hàng và 98 sàn cung cấp dịch vụ, cùng với 03 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài. Số lượng truy cập trung bình vào các sàn này mỗi ngày đạt khoảng 3,5 triệu lượt. Tổng thu từ hoạt động TMĐT thông qua các tổ chức tại Việt Nam từ năm 2018 đến cuối năm 2022 là trên 5.500 tỷ đồng (trung bình khoảng 1.200 tỷ đồng mỗi năm). Trong đó, facebook đóng góp 2.076 tỷ đồng, google là 2.040 tỷ đồng, microsoft là 699 tỷ đồng. Số thu thuế từ hoạt động kinh doanh dịch vụ trực tuyến của các tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như google, youtube, facebook... năm 2020 đạt 1.143 tỷ đồng. Con số này tăng 133 tỷ đồng so với năm 2019 và tăng 1.096,14 tỷ đồng so với năm 2016, tức là tăng gấp 24 lần trong vòng 4 năm.
Đối với các mô hình này, cơ quan thuế thực hiện quản lý thuế đối với thu nhập phát sinh thông qua các đối tác hoặc đại lý quảng cáo, hoặc các doanh nghiệp mua dịch vụ trực tiếp từ các công ty này tại Việt Nam.
Đối với các tổ chức và cá nhân trong nước có thu nhập từ hoạt động kinh doanh TMĐT, cung cấp dịch vụ số, tính đến cuối năm 2022, cơ quan thuế đã thu được khoảng 1.100 tỷ đồng từ việc xử lý vi phạm và chống thất thu. Ngoài ra, nhiều cá nhân tiến hành các giao dịch mua bán “tiền ảo”, chuyển nhượng các vật phẩm “ảo” trong game, hoặc cho thuê ứng dụng để đặt quảng cáo trực tuyến, nhưng không kê khai và nộp thuế đầy đủ.
Mô hình quản lý và thu thuế chung hiện nay bao gồm việc đăng ký thuế, xử lý tờ khai và chứng từ nộp thuế, quản lý thu nợ thuế, xét hoàn thuế, quyết toán thuế, cũng như miễn và giảm thuế. Tuy nhiên, trong trường hợp giao dịch TMĐT trên internet, các hóa đơn và sổ sách truyền thống ít được sử dụng, thay vào đó là sử dụng dữ liệu kỹ thuật số. Điều này đặt ra một số thách thức về việc thích nghi với sự thay đổi này và quy trình kiểm toán và thu thập thông tin truyền thống khó thực hiện trong các doanh nghiệp internet.
Theo Tổng cục Thuế, tính đến ngày 06/02/2023, đã có 258 sàn TMĐT cung cấp thông tin trên Cổng thông tin TMĐT của Tổng cục Thuế, bao gồm các sàn lớn như shopee, lazada, sendo... Dữ liệu từ Cổng thông tin TMĐT tại quý IV/2022 cho thấy: Tổng số tổ chức trong nước đăng ký bán hàng trên các sàn TMĐT là 14.875; tổng số tổ chức nước ngoài đăng ký bán hàng trên các sàn là 08; tổng số cá nhân trong nước đăng ký bán hàng trên các sàn là 53.208; tổng số cá nhân nước ngoài đăng ký bán hàng trên các sàn là 04. Như vậy, đã có hơn 68.000 tổ chức và cá nhân đăng ký bán hàng trên các sàn TMĐT, với số lượng giao dịch trên các sàn là 14.503.719, tổng giá trị giao dịch khoảng 4.500 tỷ đồng. Thách thức hiện tại là làm thế nào để các tổ chức và cá nhân có thu nhập từ hoạt động TMĐT thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của mình một cách đúng đắn.
Tựu chung lại, thực hiện pháp luật thuế đối với hoạt động thương mại điện tử đang đối mặt với nhiều khó khăn, phần lớn do những yếu tố chủ quan và khách quan, cụ thể:
Thứ nhất, TMĐT là một lĩnh vực kinh tế số, và các quy định luật pháp về quản lý và thu thuế chưa kịp điều chỉnh phù hợp. Điều này tạo ra một số hoạt động không được chấp thuận hoặc quản lý một cách hiệu quả.
Thứ hai, trong bối cảnh của nền kinh tế số, các tổ chức và cá nhân có thể tiến hành hoạt động kinh doanh xuyên biên giới mà không cần sự hiện diện vật chất của họ. Do đó, nguyên tắc quản lý thuế truyền thống không áp dụng, gây ra khó khăn trong việc xác định nguồn thuế.
Thứ ba, trong TMĐT, các hoạt động kinh doanh có thể diễn ra mọi lúc, thông qua các trang web trên không gian số. Điều này làm cho các cơ quan thuế khó khăn trong việc xác định căn cứ tính thuế cho các giao dịch thương mại.
Thứ tư, việc phân biệt rõ loại thu nhập để áp dụng thuế cũng là một thách thức. Cụ thể, các khoản thu nhập như phí bản quyền, phí dịch vụ hay doanh thu hàng hóa không dễ dàng xác định và áp dụng thuế.
Thứ năm, do chủ thể kinh doanh TMĐT không cần đến cửa hàng truyền thống, việc kiểm soát giao dịch và thu thập thuế trở nên phức tạp hơn.
Thứ sáu, hầu hết các giao dịch TMĐT vẫn sử dụng thanh toán tiền mặt khi giao hàng, gây khó khăn trong việc kiểm soát dòng tiền và thu thuế.
Với sự phát triển nhanh chóng của TMĐT ở Việt Nam, thực tế đang đặt ra nhiều thách thức đối với việc thực hiện pháp luật thuế, đặc biệt là quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử. Thách thức lớn nhất là khả năng quản lý đầy đủ các nguồn thu và đối tượng nộp thuế.
4. Giải pháp
Để thực hiện tốt công tác quản lý và thu thuế thương mại điện tử trong bối cảnh nền kinh tế số, tác giả đề xuất áp dụng một số biện pháp cụ thể như sau:
Một là, việc củng cố căn cứ pháp lý là vô cùng quan trọng. Điều này đòi hỏi cần sửa đổi và hoàn thiện các luật liên quan như Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Quản lý thuế… Cần có sự điều chỉnh rõ ràng và chi tiết để áp dụng nguyên tắc thu thuế giá trị gia tăng tại nguồn cho các hoạt động TMĐT. Việc này sẽ giúp tạo ra một khung pháp lý mạnh mẽ, cung cấp hướng dẫn rõ ràng cho các doanh nghiệp và người dùng về các nghĩa vụ thuế của họ khi tham gia vào TMĐT.
Hai là, để nâng cao hiệu quả quản lý thuế, ngành thuế cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa. Điều này bao gồm việc đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin để tạo ra một hệ thống kết nối thông tin mạnh mẽ và hiệu quả. Việc cải thiện hệ thống này sẽ giúp thu thập, lưu trữ và xử lý thông tin thuế một cách nhanh chóng và chính xác hơn. Đặc biệt, việc kết nối trực tiếp với người nộp thuế thông qua các kênh điện tử sẽ giúp tăng cường tính minh bạch và tính chính xác trong quá trình thu thuế.
Ba là, để giải quyết vấn đề dòng tiền giao dịch từ nước ngoài, cần có sự phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng này cần cung cấp thông tin liên quan đến dòng tiền giao dịch đến các tổ chức và cá nhân trong nước nhận thu nhập từ các tổ chức nước ngoài như google, apple, tiktok… Việc này sẽ giúp ngành thuế có cái nhìn toàn diện hơn về nguồn thu nhập và tiêu dùng của các cá nhân và tổ chức trong nước, từ đó tăng cường quản lý và thu thuế hiệu quả.
Bốn là, cần tạo ra các văn bản pháp lý cụ thể để yêu cầu các sàn giao dịch TMĐT chịu trách nhiệm cung cấp thông tin và phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan thuế. Đồng thời, ngành thuế cũng cần thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ mới như Big data và AI vào quản lý rủi ro thuế. Sử dụng những công nghệ này sẽ giúp xác định các rủi ro và vi phạm thuế một cách nhanh chóng và chính xác, từ đó giảm thiểu các khoản thuế trốn tránh và tăng cường thu ngân sách.
Năm là, tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan là điều cần thiết. Cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Cục An ninh mạng và Bộ Công an. Việc này sẽ giúp đảm bảo rằng thông tin về thu nhập và tiêu dùng từ các nền tảng TMĐT được rà soát và quản lý một cách hiệu quả, từ đó tăng cường thu ngân sách và ngăn chặn các hành vi trốn thuế.
Sáu là, để khuyến khích người nộp thuế tự giác, cần có các cơ chế khuyến khích phù hợp. Việc này có thể bao gồm ưu đãi thuế cho những người tự giác khai báo thuế đầy đủ và đúng hạn. Đồng thời, cần tạo ra các chiến dịch tuyên truyền và hướng dẫn để giúp người dân và doanh nghiệp hiểu rõ hơn về nghĩa vụ thuế của họ và lợi ích của việc tuân thủ pháp luật.
Tóm lại, việc áp dụng những biện pháp cụ thể và phù hợp với sự phát triển của hoạt động thương mại điện tử trong nền kinh tế số sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý và thu thuế TMĐT, từ đó đảm bảo sự công bằng và minh bạch trong thu thuế, tạo nguồn lực cho ngân sách nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế số./.
ThS. Hoàng Thị Hải Yến
Khoa Luật, Học viện Phụ nữ Việt Nam
(Nguồn: Ấn phẩm “Các vấn đề pháp lý mới trong bối cảnh chuyển đổi số” của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật)