Tóm tắt: Bài viết nêu khái quát về tổ chức xã hội - nghề nghiệp và tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên; phân tích quy định của pháp luật về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên và đưa ra một số đề xuất hoàn thiện pháp luật về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên.
Abstract: The article gives an overview of social-professional organizations and social-professional organizations of notaries; analyzes the legal provisions on social-professional organizations of notaries and makes some proposals to improve the law on social-professional organizations of notaries.
1. Khái quát về tổ chức xã hội - nghề nghiệp và tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên
Có thể khẳng định rằng, Luật Công chứng năm 2006 ra đời là dấu mốc quan trọng, chính thức khẳng định công chứng là một nghề bằng cách pháp điển hóa chủ trương “xã hội hóa” hoạt động bổ trợ tư pháp này. Ở giai đoạn đó, do nhiều nguyên nhân khác nhau, vấn đề thành lập tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên chưa được các nhà làm luật công chứng đặt ra. Tuy nhiên, căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực hội cũng như tiến trình “xã hội hóa” hoạt động công chứng tại địa phương, Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã cho phép thành lập Hội Công chứng viên tại địa phương nhằm bước đầu xây dựng cơ chế tự quản bên cạnh cơ chế quản lý nhà nước vốn có đối với hoạt động bổ trợ tư pháp này. Theo tác giả, đây chính là những kinh nghiệm thực tế quý báu để tại Luật Công chứng năm 2014, được sửa đổi, bổ sung năm 2018 (Luật Công chứng) và các văn bản hướng dẫn thi hành, vị trí, vai trò của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên đã được pháp luật điều chỉnh lĩnh vực công chứng chính thức thừa nhận.
Theo Từ điển Luật học do Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa - Nhà xuất bản Tư pháp ấn hành năm 2006, tổ chức xã hội là tổ chức được thành lập trên cơ sở ý chí tự nguyện của các thành viên nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của các thành viên và tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
Tổ chức xã hội có các đặc điểm như: (i) Tổ chức xã hội được hình thành trên nguyên tắc tự nguyện của những thành viên cùng chung lợi ích hay cùng giai cấp, cùng nghề nghiệp, cùng sở thích. (ii) Tổ chức xã hội nhân danh chính tổ chức mình để tham gia hoạt động quản lý nhà nước. Trong trường hợp đặc biệt do pháp luật quy định, tổ chức xã hội mới hoạt động nhân danh Nhà nước. (iii) Tổ chức xã hội hoạt động theo điều lệ do các thành viên trong tổ chức xây dựng hoặc theo quy định của Nhà nước. (iv) Tổ chức xã hội hoạt động nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của các thành viên và tham gia vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
Tổ chức xã hội có nhiều loại khác nhau như tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức được thành lập theo dấu hiệu nghề nghiệp, sở thích hoặc dấu hiệu khác. Các tổ chức xã hội khác nhau thì có quyền và nghĩa vụ khác nhau. Sự khác biệt đó bắt nguồn từ vị trí, vai trò, phạm vi hoạt động của các tổ chức xã hội là khác nhau. Pháp luật quy định quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý của tổ chức xã hội, đồng thời đề ra những bảo đảm pháp lý nhằm ngăn ngừa những hành vi cản trở hoạt động của tổ chức xã hội. Những người có hành vi vi phạm pháp luật, cản trở các tổ chức xã hội cũng như các thành viên của tổ chức xã hội tiến hành các hoạt động hợp pháp của mình thì tùy theo mức độ của vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Như vậy, trên phương diện khoa học pháp lý, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên chính là một loại tổ chức xã hội, được thành lập dựa trên yếu tố “cùng nghề nghiệp” của các thành viên. Điều 2 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ (Nghị định số 45/2010/NĐ-CP) quy định: Hội được hiểu là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được tổ chức và hoạt động theo Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Hội có các tên gọi khác nhau như: Hội, liên hiệp hội, tổng hội, liên đoàn, hiệp hội, câu lạc bộ có tư cách pháp nhân và các tên gọi khác theo quy định của pháp luật. Phạm vi hoạt động của hội (theo lãnh thổ) gồm: (i) Hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh; (ii) Hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; (iii) Hội có phạm vi hoạt động trong huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; (iv) Hội có phạm vi hoạt động trong xã, phường, thị trấn. Tổ chức, hoạt động của hội được thực hiện theo các nguyên tắc: Tự nguyện, tự quản; dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch; tự bảo đảm kinh phí hoạt động; không vì mục đích lợi nhuận; tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ hội (Điều 3). Bên cạnh đó, tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, các nhà lập quy cũng dành toàn bộ nội dung Chương VI, bao gồm 03 điều luật (từ Điều 33 đến Điều 35) để đưa ra một số quy định áp dụng đối với các hội có tính chất đặc thù. Hiện nay, theo “Danh sách Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước” được ban hành kèm theo Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày 01/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định hội có tính chất đặc thù không có tên tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên, có thể thấy, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên không được hưởng cơ chế “đặc thù” mà đang được tổ chức và hoạt động như các hội có tính chất thông thường khác.
2. Quy định của pháp luật về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên
Khi Luật Công chứng ra đời, vị trí, vai trò của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên mới chính thức được thừa nhận. Điều 39 Luật Công chứng quy định: Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên là tổ chức tự quản được thành lập ở cấp trung ương và cấp tỉnh để đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các công chứng viên; ban hành quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; giám sát việc tuân thủ quy định của pháp luật về công chứng, quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; tham gia cùng cơ quan nhà nước trong việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập sự hành nghề công chứng; tham gia ý kiến với cơ quan có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm công chứng viên, thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng, chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng và thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến hoạt động công chứng theo quy định của Chính phủ; Chính phủ quy định chi tiết về việc thành lập, cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên. Có thể thấy rằng, quy định về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên tại Luật Công chứng là một nội dung hoàn toàn mới so với các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực công chứng trước đây. Theo đó, tác giả có một số nhận xét như sau:
- Khoản 1 Điều 39 Luật Công chứng quy định một số nội dung về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên, cụ thể như: (i) Bản chất pháp lý cũng như mục đích thành lập (được khẳng định là tổ chức tự quản để đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các công chứng viên); (ii) Mô hình tổ chức của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên (được tổ chức theo mô hình 02 cấp, bao gồm cấp trung ương và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương); (iii) Xác định một số nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên (như ban hành quy tắc đạo đức hành nghề công chứng, giám sát việc tuân thủ quy định của pháp luật về công chứng, quy tắc đạo đức hành nghề công chứng...).
- Để phù hợp với nội dung của Điều 6 Luật Tổ chức chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), khoản 5 Điều 4 và Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), khoản 2 Điều 39 Luật Công chứng giao cho Chính phủ quy định một số nội dung liên quan đến tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên, bao gồm trình tự, thủ tục thành lập, cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn.
Thực hiện nhiệm vụ nêu trên, Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng (Nghị định số 29/2015/NĐ-CP) đã dành toàn văn nội dung Chương IV, bao gồm 09 điều (từ Điều 23 đến Điều 31) để quy định về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên, theo đó:
+ Mục 1, bao gồm 04 điều (từ Điều 23 đến Điều 26) quy định về tổ chức xã hội - nghề nghiệp cấp tỉnh của công chứng viên, cụ thể là: Hội công chứng viên (Điều 23); trình tự, thủ tục thành lập Hội công chứng viên (Điều 24); các cơ quan của Hội công chứng viên (Điều 25); nhiệm vụ và quyền hạn của Hội công chứng viên (Điều 26).
+ Mục 2, bao gồm 05 điều (từ Điều 27 đến Điều 31) quy định về tổ chức xã hội - nghề nghiệp toàn quốc của công chứng viên, cụ thể là: Hiệp hội công chứng viên Việt Nam (Điều 27); trình tự, thủ tục thành lập Hiệp hội công chứng viên Việt Nam (Điều 28); các cơ quan của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam (Điều 29); nhiệm vụ và quyền hạn của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam (Điều 30); Điều lệ Hiệp hội công chứng viên Việt Nam (Điều 31).
Như vậy, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên tại Việt Nam đang được xây dựng theo mô hình 02 cấp là cấp trung ương (Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam) và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Hội Công chứng viên). Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên được quy định trong một số văn bản cụ thể như: Thông tư số 01/2021/TT-BTP ngày 03/02/2021 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng, Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng được ban hành kèm theo Thông tư số 11/2012/TT-BTP ngày 30/10/2012 của Bộ Tư pháp, Thông tư số 04/2015/TT-BTP ngày 15/04/2015 của Bộ Tư pháp hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng, Điều lệ Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam được phê duyệt tại Quyết định số 1621/QĐ-BTP ngày 19/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp... Ngoài ra, tùy vào đặc điểm riêng có của từng địa phương, một số quy định có liên quan đến hội nói chung (bao gồm cả Hội Công chứng viên) được ghi nhận tại các văn bản do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành (ví dụ như: Quy định về tổ chức, hoạt động của hội và nhiệm vụ quản lý nhà nước về hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội được ban hành kèm theo Quyết định số 34/2013/QĐ-UBND ngày 30/8/2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Quyết định số 17/2021/QĐ-UBND ngày 19/10/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội).
Điểm đáng lưu ý nhất khi chúng ta tiến hành đối chiếu các quy định của pháp luật công chứng với các quy định của pháp luật về hội chính là nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hội. Cụ thể, khoản 1 Điều 3 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP khẳng định, “tự nguyện” là một trong những nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hội, trong khi đó, theo điểm h khoản 2 Điều 17 Luật Công chứng, tham gia tổ chức xã hội - nghề nghiệp lại là “nghĩa vụ” của công chứng viên.
Tìm hiểu nội dung một số văn bản liên quan đến mô hình tổ chức cũng như cơ chế vận hành của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên nêu trên, có thể rút ra một số nhận xét như sau:
- Nhìn một cách khái quát nhất, ngoại trừ Điều lệ Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam được phê duyệt tại Quyết định số 1621/QĐ-BTP ngày 19/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên đang được điều chỉnh, chi phối bởi hai hệ thống văn bản quy phạm pháp luật là các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực công chứng và các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực hội. Ngoài ra, còn có các văn bản khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành để điều chỉnh một số vấn đề cụ thể có liên quan đến hoạt động của hội nói chung hay tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên nói riêng. Có một thực tế rằng, không phải trong mọi trường hợp, quy định tại các văn bản nêu trên đều tương thích, phù hợp với nhau (đơn cử như Điều 10 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP trong tương quan so sánh với khoản 3 Điều 24 Nghị định số 29/2015/NĐ-CP).
- Đúng như tôn chỉ và mục đích, có thể khẳng định, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên ở cả 02 cấp là cấp trung ương (Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam) và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Hội Công chứng viên) đều hướng đến mục tiêu tối thượng là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên và liên quan một số nội dung như: (i) Quản lý hội viên (như kết nạp, khai trừ hội viên; khen thưởng, xử lý kỷ luật hội viên; giải quyết khiếu nại, tố cáo; giám sát hội viên trong việc tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan...); (ii) Trợ giúp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hội viên khi bắt đầu đăng ký cũng như trong suốt quá trình hành nghề (như tham gia ý kiến với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm công chứng viên, thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng, chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm cho công chứng viên hay thành lập và quản lý Quỹ bồi thường thiệt hại để hỗ trợ việc bồi thường thiệt hại do lỗi của hội viên khi hành nghề công chứng trong trường hợp bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của hội viên không đủ bồi thường...).
Ngoài ra, để hỗ trợ cho tôn chỉ và mục đích chủ đạo nêu trên, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên còn có một số quyền và nghĩa vụ khác như: Chấp hành sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước, tham gia hoạt động hợp tác về công chứng ở trong nước và quốc tế, báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền các vấn đề liên quan…
3. Đề xuất hoàn thiện pháp luật về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên
Nhìn một cách tổng thể, các quy định có liên quan đến địa vị pháp lý cũng như mô hình tổ chức, cơ chế vận hành của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên như hiện tại tương đối phù hợp, trước mắt đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi khách quan. Tuy nhiên, để có thể hoàn thiện quy định của pháp luật, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, phù hợp cho hoạt động của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên, trong thời gian tới, cần sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan theo hướng sau:
Một là, có sự kết nối, bảo đảm sự tương thích giữa pháp luật điều chỉnh lĩnh vực hội nói chung với các quy định có liên quan đến tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên được ghi nhận tại các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực công chứng nói riêng.
Hai là, xây dựng cơ chế phối hợp hữu hiệu, chặt chẽ có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng giữa cơ chế quản lý nhà nước và cơ chế tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên.
Ba là, khẳng định, nâng cao vai trò của cơ chế tự quản trong lĩnh vực công chứng của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên theo đúng tinh thần chỉ đạo đã được ghi nhận tại Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng.
Trước mắt, cần sớm bổ sung một số nội dung mang tính cụ thể vào các quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên, cụ thể như: (i) Bổ sung tổ chức hành nghề công chứng cũng là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên; (ii) Khẳng định vai trò của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên trong việc kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng; (iii) Khẳng định vai trò của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên trong công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động công chứng; (iv) Khẳng định vai trò đại diện của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên cho hội viên trước các cơ quan tài phán; (v) Khẳng định vai trò của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên trong việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên.
TS. Tuấn Đạo Thanh
Trưởng Phòng Công chứng số 1 Thành phố Hà Nội