Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và tổng kết tình hình thực tiễn, nhu cầu hoàn thiện pháp luật về trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở nước ta hiện nay được xác định bao gồm các vấn đề chủ yếu sau đây:
1. Thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước
Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp phát triển đất nước, trong đó trẻ em là hạnh phúc của mọi gia đình và tương lai của đất nước, của dân tộc. Các hệ thống quan điểm đó được thể hiện tập trung trong các văn kiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII, VIII, IX, X, XI và XII là: “Bảo đảm các quyền cơ bản của trẻ em, tạo môi trường để trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ. Chú trọng bảo vệ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em gia đình nghèo, trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều khó khăn; ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ xâm hại trẻ em. Nhân rộng các mô hình làm tốt việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em dựa vào cộng đồng... Tạo bước tiến rõ rệt về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm tỉ lệ hộ nghèo; cải thiện điều kiện chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân”[1]. Để chăm lo đời sống các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có trẻ em, góp phần ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội bền vững, cần “thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân. Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững”[2]. Các chủ trương, đường lối của Đảng là cơ sở cho việc nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật về trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở Việt Nam. Vì vậy, việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta là nhu cầu, đòi hỏi khách quan đối với việc đổi mới, hoàn thiện pháp luật về trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
2. Thực hiện các cam kết pháp lý quốc tế
Việt Nam đã tham gia, phê chuẩn và công nhận nhiều văn bản pháp lý quốc tế quan trọng như: Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của trẻ em, Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật, Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người, Công ước về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa... Các văn bản pháp lý quốc tế này đã ghi nhận quyền an sinh xã hội của trẻ em rất cụ thể. Mọi người đều có quyền được hưởng tất cả các quyền và tự do nêu ra trong các văn kiện đó mà không bị bất cứ một sự phân biệt đối xử nào như chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hay xã hội, tài sản, xuất thân gia đình hoặc các mối tương quan khác. Nhu cầu chăm sóc đặc biệt trẻ em đã được khẳng định trong Tuyên ngôn Giơnevơ về quyền trẻ em, trong Tuyên ngôn về quyền trẻ em do Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 20/11/1959 và đã được thừa nhận trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, trong Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, trong những điều lệ và văn kiện có liên quan khác của các cơ quan chuyên môn, các tổ chức quốc tế liên quan đến phúc lợi của trẻ em... Điều 9 Công ước Quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa của Liên Hiệp Quốc ghi nhận: “Mọi người đều có quyền được hưởng an sinh xã hội”. Điều đó có nghĩa là Việt Nam đã cam kết với các quốc gia tham gia công ước này, trách nhiệm pháp lý quốc tế của mình trong việc đảm bảo quyền hưởng an sinh xã hội, quyền trợ giúp xã hội của công dân và trẻ em Việt Nam. Các văn bản pháp lý nêu trên đã chỉ ra rằng, do còn non nớt về thể chất và trí tuệ, trẻ em cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, kể cả sự bảo vệ thích hợp về mặt pháp lý trước cũng như sau khi ra đời.
Việc bảo trợ xã hội, nuôi con nuôi trong nước và nước ngoài cũng đã được quy định rất rõ ở Tuyên bố về các nguyên tắc xã hội và pháp lý liên quan đến việc bảo vệ và phúc lợi trẻ em, Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của Liên Hợp Quốc về quản lý tư pháp người chưa thành niên (Quy tắc Bắc Kinh) và Tuyên ngôn về bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong trường hợp khẩn cấp hoặc xung đột vũ trang. Lời mở đầu của Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em quy định: “Trẻ em có quyền được chăm sóc và giúp đỡ đặc biệt... Ở tất cả các quốc gia trên thế giới có những trẻ em sống trong các điều kiện đặc biệt khó khăn và những trẻ em như vậy cần được quan tâm đặc biệt”. Như vậy, các văn bản pháp lý của quốc tế liên quan đến trẻ em đều thống nhất quan niệm, nhận thức về sự cần thiết bảo vệ, chăm sóc, trợ giúp cho các nhóm trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vì cả những lý do khách quan và chủ quan. Để khẳng định và đảm bảo thực thi trên thực tiễn quyền trợ giúp xã hội của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đúng như nghĩa vụ pháp lý quốc tế mà Nhà nước ta đã cam kết thì việc hoàn thiện pháp luật về trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở Việt Nam hiện nay là đòi hỏi khách quan trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa.
3. Khắc phục những hạn chế của hệ thống pháp luật trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Pháp luật về trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở Việt Nam hiện nay gồm ba bộ phận cấu thành: Pháp luật về trợ giúp xã hội thường xuyên; pháp luật về trợ giúp xã hội đột xuất và pháp luật về chăm sóc xã hội. Thực tế cho thấy, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở Việt Nam còn bộc lộ nhiều hạn chế đòi hỏi phải được hoàn thiện, bổ sung như:
Về kỹ thuật lập pháp, còn thiếu tính đồng bộ, số lượng văn bản ban hành nhiều, nhưng hiệu lực pháp lý có giá trị cao nhất là Nghị định quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành mang tính chắp vá, thiếu tính dự báo, chưa xây dựng được chương trình tổng thể về hệ thống trợ giúp xã hội ở Việt Nam. Phạm vi đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được thụ hưởng chế độ trợ giúp xã hội còn hạn chế. Nhiều nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa được trợ giúp phù hợp với nhu cầu và đặc điểm về thể chất, tinh thần, điều kiện sống. Các chế độ trợ giúp xã hội còn ở mức thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của đối tượng, chưa phù hợp với điều kiện giá cả sinh hoạt.
Về thực tiễn thực hiện, số nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng chế độ trợ giúp xã hội còn thấp. Theo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, thì trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt bao gồm trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi; trẻ em khuyết tật, tàn tật; trẻ em là nạn nhân của chất độc hoá học; trẻ em nhiễm HIV/AIDS; trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại; trẻ em phải làm việc xa gia đình; trẻ em lang thang; trẻ em bị xâm hại tình dục; trẻ em nghiện ma tuý; trẻ em vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội thì chỉ một nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, bao gồm: Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng, gồm trẻ em bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi; mồ côi cả cha và mẹ; mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại mất tích theo quy định của pháp luật; trẻ em bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo; trẻ em khuyết tật nặng, đặc biệt nặng là đối tượng bảo trợ xã hội mới được hưởng chế độ trợ giúp xã hội. Như vậy, các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng chế độ trợ giúp xã hội có phạm vi rất hẹp so với khái niệm các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quy định tại Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Bên cạnh đó, nguồn lực dành cho trợ giúp xã hội còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu trợ giúp cho các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Cơ chế trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt hiện nay đã trở nên bất cập, không huy động được sự tham gia của khu vực tư nhân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội dân sự, không tạo môi trường bình đẳng cạnh tranh giữa cơ sở cung cấp dịch vụ công lập và ngoài công lập, phù hợp với điều kiện nền kinh tế thị trường. Công tác quản lý, tổ chức thực hiện vừa lỏng lẻo, vừa chồng chéo. Hệ thống cơ sở dữ liệu về trợ giúp xã hội vừa nghèo nàn, vừa không cập nhật...
Những bất cập ở trên cũng chính là nhu cầu hoàn thiện pháp luật về trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở Việt Nam trong thời gian tới.
4. Cần luật hóa các nội dung trợ giúp xã hội và công tác xã hội
a. Đối với các nội dung trợ giúp xã hội
Đất nước ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi hậu quả của thiên tai và biến đổi khí hậu, hiện tại đang trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh nên hiện nay số người cần trợ giúp xã hội rất lớn, chiếm hơn 20% dân số cả nước, trong đó có hàng triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em là nạn nhân bị bạo lực, bạo hành, bị xâm hại, bị ngược đãi, bị buôn bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố... Trong giai đoạn vừa qua, nhiều văn bản quy phạm pháp luật về trợ giúp xã hội đã được ban hành như Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội; Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27/02/2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP; Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội; Nghị định số 81/2012/NĐ-CP ngày 08/10/2012 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2008/NĐ-CP... Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật về trợ giúp xã hội mới chỉ dừng ở mức độ Nghị định, với tầm hiệu lực điều chỉnh hạn chế. Hệ thống quy phạm pháp luật tản mát ở nhiều văn bản khác nhau, điều chỉnh nhiều nội dung, thậm chí chồng chéo, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện, dẫn đến hiệu quả thực thi còn thấp. Luật hóa trợ giúp xã hội đang trở thành nhu cầu bức xúc nhằm tạo ra hành lang pháp lý ổn định, góp phần mở rộng đối tượng hưởng trợ giúp xã hội, nâng cao chất lượng và hiệu quả trợ giúp xã hội, góp phần xây dựng nền an sinh tiên tiến. Luật hóa trợ giúp xã hội cần tập trung vào các nội dung về trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng, trợ giúp khẩn cấp, chăm sóc xã hội, quản lý, quy hoạch các cơ sở trợ giúp xã hội.
b. Đối với các nội dung công tác xã hội
Công tác xã hội là một nghề, một hoạt động chuyên nghiệp nhằm trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu và tăng cường chức năng xã hội, đồng thời thúc đẩy môi trường xã hội về chính sách, nguồn lực và dịch vụ nhằm giúp cá nhân, gia đình và cộng đồng giải quyết và phòng ngừa các vấn đề xã hội góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Công tác xã hội can thiệp vào cuộc sống của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật, trẻ em thuộc hộ nghèo và cận nghèo, cá nhân, nhóm đối tượng xã hội, cộng đồng và các thành phần xã hội nhằm hỗ trợ họ thay đổi, giải quyết các vấn đề và nâng cao an sinh xã hội. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020. Đây là văn bản đặt nền móng cho quá trình xây dựng khuôn khổ pháp lý thúc đẩy các hoạt động công tác xã hội chuyên nghiệp. Đến nay, nhiều văn bản quy phạm pháp luật về công tác xã hội đã được ban hành quy định chức danh, mã số, tiêu chuẩn các chức danh nghề nghiệp viên chức công tác xã hội; tiêu chuẩn chăm sóc trợ giúp đối tượng tại các cơ sở bảo trợ xã hội; tiêu chuẩn cộng tác viên công tác xã hội cấp xã; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của trung tâm công tác xã hội; quản lý trường hợp.
Vì công tác xã hội mới bước đầu hình thành ở Việt Nam trong một thời gian ngắn, những nội dung pháp luật quy định về công tác xã hội còn chung chung, chưa cụ thể, chưa rõ ràng (đặc biệt là liên quan đến vị trí, vai trò, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và các chính sách bảo đảm, hỗ trợ cho việc thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội, dịch vụ công tác xã hội), nhiều nội dung chưa được quy định. Hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật quy định có liên quan về công tác xã hội có hình thức cao nhất là Nghị định, các nội dung về công tác xã hội chưa được luật hóa. Do vậy, các hành lang, khuôn khổ pháp lý thiếu hụt không đảm bảo các điều kiện, cơ chế cần thiết để thúc đẩy công tác xã hội chuyên nghiệp ở nước ta hiện nay.
Ở Việt Nam, ước tính có khoảng 30% dân số có nhu cầu sử dụng dịch vụ công tác xã hội, trong đó gồm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật, trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo, trẻ em nhiễm HIV, người nghiện ma tuý, đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hưởng trợ cấp hàng tháng, trẻ em là nạn nhân bạo lực, bị bạo hành; trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em bị sao nhãng. Trẻ em ở các vùng nghèo, vùng khó khăn, hay xảy ra thiên tai bão lụt, điều kiện sống rất khó khăn và hàng ngàn xã đặc biệt khó khăn, có vấn đề xã hội (tệ nạn xã hội, cuộc sống nghèo khổ); hàng triệu cá nhân, gia đình, nhóm xã hội nảy sinh các vấn đề xã hội (ly thân, ly hôn, sao nhãng việc chăm sóc, giáo dục con cái, căng thẳng vì nghèo khổ, bị xâm hại tình dục, bỏ nhà đi lang thang, tệ cờ bạc, trộm cắp, tội phạm...). Ở nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Canada, Newzealand, Philipine..., công tác xã hội có luật riêng để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực này; có nhiều điều luật nằm xen kẽ trong các đạo luật hoặc luật chuyên ngành. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn ở Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế, việc luật hóa các nội dung công tác xã hội là nhu cầu hết sức cần thiết.
5. Đổi mới cơ chế trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt phù hợp với nền kinh tế thị trường
Trong giai đoạn vừa qua, cơ chế trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở nước ta được xây dựng theo cách tiếp cận bảo trợ xã hội, trên cơ sở cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp. Cơ chế trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được xây dựng trên nền tảng cơ chế này đã không tạo được động lực thúc đẩy sự tham gia của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và khu vực tư nhân tham gia các hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc xã hội.
Hiện nay, trong điều kiện kinh tế thị trường, vai trò của Nhà nước, tổ chức, cộng đồng và cá nhân đã có những thay đổi căn bản trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ cho các nhóm người dân yếu thế và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Với vai trò mới, Nhà nước có trách nhiệm tạo lập thể chế, cơ sở hạ tầng và an ninh, còn cộng đồng, các tổ chức, cá nhân mới là chủ thể trực tiếp tham gia các chương trình, hoạt động cung cấp dịch vụ và trợ giúp xã hội cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt bằng sự tích cực và chủ động của mình. Thông qua những cơ chế phù hợp, Nhà nước có thể tạo động lực cho cộng đồng, tổ chức, cá nhân phát huy tiềm năng, năng lực và huy động mọi nguồn lực xã hội vào các chương trình cung cấp dịch vụ và trợ giúp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Vì vậy, việc đổi mới cơ chế trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở nước ta theo cách tiếp cận quyền con người, quyền của trẻ em phù hợp với nền kinh tế thị trường trở thành nhu cầu cần thiết và cấp bách.
Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội
[1]. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
[2]. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Các tin khác
Bàn về trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản gây ra thiệt hại Hiệu quả của văn bản quy phạm pháp luật Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm mua bán người trong bối cảnh hội nhập quốc tế Một số vấn đề về quản lý và sử dụng đất ở Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào hiện nay Đưa Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” vào cuộc sống theo lời Bác Hồ Một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong Dự thảo Luật Hợp tác xã Những vấn đề cần chứng minh trong tố tụng hành chính Công tác phòng, chống tình trạng người Việt Nam sang Căm-Pu-Chia đánh bạc thực trạng và giải pháp