Các quy định về điều kiện được hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên cho người nhiễm chất độc da cam/dioxin không chỉ nằm trong một văn bản pháp luật, mà nó nằm trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Bài viết phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật về trợ giúp xã hội thường xuyên cho người nhiễm chất độc da cam/dioxin và đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về trợ giúp xã hội thường xuyên cho người nhiễm chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam hiện nay.
Người nhiễm chất độc da cam/dioxin (NNCĐDC) là người bị phơi nhiễm chất độc da cam do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, bị suy giảm khả năng lao động, vô sinh, sinh con dị dạng, dị tật và thế hệ con, cháu, chắt của họ chịu hậu quả của sự phơi nhiễm đó, bị bệnh, bị suy giảm khả năng lao động, dị dạng, dị tật[1]... Theo con số thống kê, hiện cả nước có 150.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2; 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3; 2.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 4[2]. Đa số NNCĐDC đều có đời sống vật chất, tinh thần khó khăn, sức khỏe yếu, mức sống thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Vì vậy, họ rất cần sự sẻ chia, quan tâm của xã hội, cộng đồng.
1. Thực trạng pháp luật Việt Nam về trợ giúp xã hội thường xuyên cho người nhiễm chất độc da cam/dioxin
Trợ giúp xã hội thường xuyên (TGXHTX) là sự trợ giúp của Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, cộng đồng về vật chất và tinh thần cho những đối tượng xã hội có hoàn cảnh khó khăn không tự lo được cuộc sống để họ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng và phát triển. Trợ giúp xã hội (TGXH) nói chung và TGXHTX không phải là sự phát chẩn, từ thiện, cứu đói…, mà đó là sự đảm bảo có tính ổn định hơn cho những người có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn. Có thể nói, TGXHTX đã trở thành chính sách quan trọng của quốc gia, tuy nhiên, pháp luật về TGXHTX cho các đối tượng yếu thế nói chung và NNCĐDC nói riêng còn tồn tại một số những hạn chế nhất định, như sau:
(i) Về đối tượng trợ giúp xã hội thường xuyên
Trong những năm qua nhiều văn bản quy phạm pháp luật ra đời và không ngừng mở rộng diện bao phủ đến các nhóm yếu thế trong xã hội, trong đó có NNCĐDC. Cụ thể, năm 2000, Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2000/NĐ-CP ngày 10/3/2000 về chính sách cứu trợ xã hội (Nghị định số 07/2000/NĐ-CP); Nghị định số 168/2004/NĐ-CP ngày 20/9/2004 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 07/2002/NĐ-CP; Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội (Nghị định số 67/2007/NĐ-CP); Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27/02/2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP (Nghị định số 13/2010/NĐ-CP); Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội (Nghị định số 136/2013/NĐ-CP). Sau đó, Thông tư liên tịch số 20/2016/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 30/6/2016 của liên Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ra đời hướng dẫn khám giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ được hưởng chính sách trợ giúp xã hội. Tuy nhiên, Thông tư này chưa có quy định nào cho thấy cháu, chắt của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam được thụ hưởng chính sách trợ giúp này.
Nếu như ở Nghị định số 07/2000/NĐ-CP chỉ quy định có 04 nhóm đối tượng thụ hưởng là trẻ mồ côi, người già cô đơn, người tàn tật nặng, người mắc bệnh tâm thần, thì đến Nghị định số 67/2007/NĐ-CP đã mở rộng lên đến 09 nhóm đối tượng, trong đó nhiều nhóm đối tượng mới được bổ sung. Nhưng các văn bản trên chưa hề đề cập đến đối tượng đặc thù là NNCĐDC, đây chính là đối tượng rất cần được trợ giúp, chia sẻ của cộng đồng bởi hơn hết, họ là những người nghèo khổ nhất trong xã hội. Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP xác định đối tượng được hưởng TGXHTX là người khuyết tật thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của Luật Người khuyết tật năm 2010. Theo đó, Điều 2 Luật Người khuyết tật quy định những người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới những dạng tật khiến lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. Từ đó cho thấy, đối tượng được hưởng TGXHTX đã được mở rộng hơn không chỉ các đối tượng khiếm khuyết, có công với cách mạng, đối tượng cô đơn tàn tật mà mở rộng ra là người khuyết tật. Tuy nhiên, vẫn cần một cơ chế đặc thù hơn để đối tượng được hưởng TGXHTX là con, cháu, chắt của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam hoặc là những người sinh sống tại các vùng bị rải chất độc, những vùng trước đây là kho chứa chất độc da cam nay những người sinh sống tại đó bị nhiễm độc.
(ii) Về điều kiện hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên
Trong mỗi quốc gia bao giờ cũng tồn tại một bộ phận cần được trợ giúp, bất kể quốc gia đó có điều kiện phát triển đến đâu. NNCĐDC là đối tượng có nhu cầu cần được TGXHTX. Pháp luật hiện hành quy định phạm vi cũng như điều kiện được hưởng trợ giúp xã hội dựa trên các tiêu chí xác định đối tượng cụ thể, chú trọng đến các điều kiện về kinh tế, tình trạng sức khỏe, thân nhân của các đối tượng được hưởng chính sách. Do đó, các quy định về điều kiện được hưởng TGXHTX cho NNCĐDC không chỉ nằm trong một văn bản pháp luật, mà nó nằm trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Luật Người khuyết tật năm 2010, Luật Trẻ em năm 2018, Pháp lệnh Người có công năm 2012, Nghị định số 31/2012/NĐ-CP, Nghị định số 136/2013/NĐ-CP… Để được hưởng chính sách người bị nhiễm chất độc da cam phải bị dị dạng, dị tật nằm trong danh mục 17 bệnh do Bộ Y tế quy định và trường hợp là con, cháu, chắt của họ thì cha, ông người tham gia kháng chiến phải có đủ các loại giấy tờ chứng minh có thời gian công tác, chiến đấu trong giai đoạn từ ngày 01/8/1961 đến ngày 30/4/1975[3]. Mặt khác, người bị nhiễm chất độc da cam còn phải là người bị suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên. Song hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn về việc xác định điều kiện được hưởng TGXHTX cho đối tượng này và cần thiết phải ban hành các văn bản hướng dẫn để NNCĐDC có thể được hưởng và được hưởng một cách đầy đủ, trọn vẹn chính sách xã hội này.
(iii) Về mức trợ giúp xã hội thường xuyên
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP, các đối tượng được hưởng TGXHTX được hưởng trợ cấp được tính theo mức chuẩn xã hội. Tùy thuộc vào độ tuổi, đối tượng được hưởng, mức độ khuyết tật đối tượng sẽ được hưởng mức trợ cấp là khác nhau. Theo đó, mức trợ cấp được tính bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội nhân với hệ số tương ứng theo quy định tại Điều 16 Nghị định 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Người khuyết tật (Nghị định số 28/2012/NĐ-CP). Trong đó mức chuẩn TGXH được điều chỉnh liên tục trong các Nghị định. Chẳng hạn như mức trợ cấp tối thiểu là 45.000 đồng/tháng/người[4] tăng lên 120.000 đồng/tháng/người[5] sau tăng lên 180.000 đồng/tháng/người[6], hiện nay là 270.000 đồng/tháng/người[7] và con số này sẽ thay đổi tùy thuộc vào mức sống tối thiểu của dân cư. Mức trợ cấp trên đã phần nào giảm bớt những khó khăn và cải thiện đời sống cho những người khiếm khuyết, trong đó có NNCĐDC. Tuy nhiên, mức trợ cấp trên còn mang tính bình quân chưa có sự phân định theo tỉ lệ khuyết tật, tỉ lệ nhiễm chất độc hóa học. Mặt khác việc điều chỉnh mức trợ cấp chưa kịp thời so với các yếu tố đi liền như tiền lương, biến động của giá cả thị trường… Cụ thể, mức trợ cấp xã hội được điều chỉnh 05 lần từ 45.000 đồng/tháng/người lên 270.000 đồng/tháng/người, trong khi tiền lương tối thiểu điều chỉnh đến 15 lần. Cụ thể tiền lương tối thiểu từ 144.000 đồng/tháng/người và nay là 1.490.000 đồng/tháng/người. Có thể nói, mức trợ cấp này thay đổi quá chậm trong khi Luật quy định khi mức sống tối thiểu của dân cư thay đổi thì mức chuẩn trợ cấp xã hội cũng được điều chỉnh cho phù hợp[8]. Bất cập này ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của NNCĐDC. Bởi họ là những người nghèo khổ nhất trong những người nghèo khổ và cần thiết phải được TGXHTX một cách phù hợp để đảm bảo mức sống tối thiểu nhất cho họ và người thân của họ.
(iv) Về nguồn kinh phí trợ giúp xã hội thường xuyên
Kinh phí TGXHTX được thực hiện thông qua hoạt động hỗ trợ về chăm sóc sức khỏe hàng tháng cho chính NNCĐDC, cho người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc; người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng người nhiễm chất độc da cam. Qua các văn bản hiện hành cho thấy, nguồn kinh phí để thực hiện TGXHTX liên tục được điều chỉnh. Nghị định số 07/2000/NĐ-CP quy định nguồn kinh phí TGXHTX do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định sao cho phù hợp với tình hình kinh tế địa phương. Nghị định số 67/2007/NĐ-CP quy định nguồn kinh phí trợ cấp xã hội tại cộng đồng (gồm các khoản kinh phí nuôi dưỡng, kinh phí bảo trợ xã hội, xây dựng nhà xã hội…) thuộc cấp nào thì do ngân sách cấp đó tiếp nhận, sử dụng và quản lý. Cũng tại Điều 16 Nghị định này quy định các nguồn kinh phí có thể do các cá nhân đóng góp hoặc thông qua sự hỗ trợ, ủng hộ, giúp đỡ từ thiện của các tổ chức trong và ngoài nước. Cho đến Nghị định số 28/2012/NĐ-CP tại khoản 2 Điều 15 quy định căn cứ vào điều kiện cụ thể Chủ tịch UNBD cấp tỉnh quy định mức trợ cấp xã hội, mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng, mức trợ cấp nuôi dưỡng, mức cấp kinh phí nuôi dưỡng người khuyết tật trong các cơ sở bảo trợ xã hội thuộc thẩm quyền quản lý cho phù hợp, nhưng không thấp hơn các mức tương ứng quy định tại Nghị định này. Đến nay, thẩm quyền quyết định mức TGXH vẫn thuộc Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, mỗi địa phương khác nhau số lượng NNCĐDC cũng khác nhau bởi số lượng đối tượng TGXH nhiều hay ít là do hậu quả của chiến tranh, do vùng bị nhiễm độc kể cả vùng nhiễm độc nặng hay nhiễm độc nhẹ thì số lượng NNCĐDC cũng có sự khác nhau khá rõ ràng… Thực tế, những vùng nhiễm độc lớn thì số lượng NNCĐDC nhiều, trong khi ngân sách địa phương chỉ được cấp như vậy, dẫn đến vùng có nhiều NNCĐDC hơn, thì mức TGXHTX cho mỗi đối tượng trợ giúp lại thấp hơn, trong khi tại vùng này, các đối tượng bị nhiễm CĐDC di chứng để lại nặng nề hơn, cuộc sống đói nghèo hơn.
(v) Về điều kiện chăm sóc, cơ sở hạ tầng và quản lý chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên
Pháp luật hiện hành quy định khi đối tượng không đủ khả năng sống tại cộng đồng, hoàn cảnh sống vô cùng khó khăn, không có sự chăm sóc, hỗ trợ và tính mạng bị đe dọa mới được xem xét để tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ nuôi dưỡng. Về thủ tục, yêu cầu các đối tượng phải đủ hồ sơ và điều kiện thì mới được tiếp nhận. Tại các cơ sở bảo trợ xã hội, NNCĐDC được hưởng trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng, chi phí mua sắm tư trang, vật dụng sinh hoạt hàng ngày, chi phí mua thẻ bảo hiểm y tế, chi phí mua dụng cụ, phương tiện hỗ trợ phục hồi chức năng, chi phí cho vệ sinh cá nhân… Mức trợ cấp nuôi dưỡng được tính theo mức chuẩn trợ giúp nhân hệ số hưởng theo Điều 18 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP. Thực tế cho thấy, các văn bản trên vẫn còn điểm hạn chế khi quy định về điều kiện chăm sóc, xây dựng cơ sở hạ tầng cho nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, trong đó có NNCĐDC. Mặt khác, công tác quản lý cũng đang gặp nhiều bất cập do cơ chế quản lý kiểu cũ, điều này tác động không nhỏ đến hiệu quả của hoạt động TGXHTX. Vấn đề này đặt ra nhiều thách thức đối với công tác TGXHTX ở nước ta hiện nay.
(vi) Về sự tham gia của các chủ thể khác vào hoạt động trợ giúp xã hội thường xuyên
Sự tham gia của các chủ thể khác vào hoạt động TGXHTX là một khía cạnh quan trọng được đề cập trong các Nghị định. Cả hai Nghị định số 07/2000/NĐ-CP và Nghị định số 67/2007/NĐ-CP đều quy định trách nhiệm TGXHTX của Nhà nước mà đặc biệt là trách nhiệm của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương. Những quy định này được điều chỉnh đáng kể cho phù hợp với điều kiện kinh tế, cách thức hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước. Cụ thể ở Nghị định số 07/2000/NĐ-CP, các quy định về các chủ thể khác tham gia vào hoạt động TGXHTX còn khá chung chung, chưa cụ thể, chính xác đối tượng là đối tác trong quan hệ TGXH. Nghị định số 67/2007/NĐ-CP được quy định rõ ràng hơn, Điều 21 Nghị định này quy định các cơ quan thông tấn báo chí, phát thanh, truyền hình tích cực thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách TGXH các đối tượng bảo trợ xã hội; đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tuyên truyền, vận động nhân dân, hội viên, đoàn viên quyên góp, giúp đỡ các đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có NNCĐDC. Cho đến Nghị định số 28/2012/NĐ-CP và các nghị định sau này xác định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về TGXH; trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc tổ chức, thực hiện chế độ, chính sách TGXH cho đối tượng được trợ giúp trong đó có NNCĐDC.
Có thể nói, pháp luật hiện hành về TGXH nói chung và TGXHTX nói riêng đã đạt hiệu quả cao trong việc hỗ trợ, giúp đỡ NNCĐDC và thân nhân của họ, các quy định đó đảm bảo cho NNCĐDC có cuộc sống đầy đủ hơn, tự tin hơn và hòa nhập xã hội. Tuy nhiên những quy định đó vẫn còn một số hạn chế nhất định cần phải được khắc phục, hoàn thiện.
2. Giải pháp hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện trợ giúp xã hội cho người nhiễm chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam hiện nay
2.1. Hoàn thiện quy định pháp luật về trợ giúp xã hội thường xuyên cho người nhiễm chất độc da cam/dioxin
Một là, về đối tượng hưởng TGXHTX. Cần mở rộng phạm vi đối tượng thụ hưởng trên cơ sở điều kiện kinh tế địa phương và tiến hành theo lộ trình. Khi NNCĐDC chứng minh có đủ điều kiện và hoàn thiện hồ sơ đúng quy định thì được giải quyết ngay để đảm bảo quyền TGXHTX cho họ. Trong quá trình mở rộng đối tượng hưởng TGXHTX, cần đảm bảo tính công bằng, bình đẳng, tránh làm sai, làm “khống” dẫn đến đối tượng TGXHTX sẽ thiếu niềm tin vào Nhà nước. Mặt khác, cần ban hành cơ chế, chính sách riêng trong việc quy định điều kiện được hưởng; ban hành các văn bản hướng dẫn xác định tiêu chí đối tượng là NNCĐDC và mức được hưởng; ban hành các chế độ chính sách TGXHTX cho thế hệ thứ ba, thứ tư là cháu, chắt của người kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin khi đáp ứng các điều kiện và được công nhận nạn nhân chất độc da cam.
Hai là, về chế độ và mức hưởng trợ cấp. Hiện nay, mức hưởng TGXHTX cho NNCĐDC còn quá thấp so với mức sống tối thiểu và có tính bình quân chủ nghĩa. Vì vậy, cần quy định tăng mức chuẩn để tính TGXHTX cho phù hợp. Có thể quy định việc tăng mức chuẩn để tính TGXH nói chung TGXHTX nói riêng là khi có sự điều chỉnh mức lương tối thiểu chung của Chính phủ nhằm đảm bảo quyền, lợi ích cho NNCĐDC ở Việt Nam.
Ba là, về hình thức trợ cấp cho NNCĐDC. Pháp luật Việt Nam cần quy định các hình thức thực hiện TGXHTX theo hướng linh hoạt, đa dạng, phong phú. Mỗi NNCĐDC có tỉ lệ nhiễm độc khác nhau thì hình thức hỗ trợ cũng sẽ khác nhau, không nhất thiết phải thực hiện bằng tiền mặt, mà có thể thông qua các hình thức khác như chăm sóc sức khỏe, đào tạo nghề, dạy nghề hay đào tạo kỹ năng hòa nhập. Việc linh hoạt các hình thức TGXHTX sẽ giúp NNCĐDC đón nhận được nhiều sự giúp đỡ hơn, cải thiện các điều kiện sống trên nhiều phương diện của xã hội.
Bốn là, về điều kiện đối với các cơ sở thực hiện TGXHTX. Pháp luật hiện hành cần hoàn thiện quy định về điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, trình độ và các tiêu chí về trình độ, năng lực, đạo đức của cán bộ, nhân viên làm công tác thực hiện TGXHTX. Hiện nay, trước tình trạng quá tải của các cơ sở bảo trợ xã hội, cần khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập các cơ sở bảo trợ phi chính phủ, thành lập cơ sở bảo trợ xã hội chuyên biệt giúp NNCĐDC cải thiện được sức khỏe, hoàn thiện bản thân và nhanh chóng vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Năm là, việc tập hợp, thống kê, rà soát NNCĐDC được hưởng chính sách TGXHTX. Để bảo đảm quyền TGXHTX cho NNCĐDC, pháp luật cần bổ sung thêm quy định về việc thống kê, rà soát lại đối tượng được hưởng. Việc làm này phải được thực hiện thường xuyên và là trách nhiệm của cán bộ, nhân viên làm công tác thực hiện TGXH. Đây là chủ thể trực tiếp thực hiện công tác xét duyệt hồ sơ, thẩm định thương tật, xác định người đó có bị nhiễm và tỉ lệ nhiễm chất độc da cam/dioxin để đối tượng được hưởng chính sách TGXHTX theo đúng quy định. Cần đơn giản hóa thủ tục hồ sơ để công nhận đối tượng được hưởng chính sách TGXH một cách thuận lợi và dễ dàng.
Sáu là, về công tác thanh tra, kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật công tác thực hiện TGXHTX. Để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra tránh tình trạng tùy tiện, chồng chéo trong việc thực hiện chế độ, chính sách cho NNCĐDC, cần bổ sung thêm quy chế khen thưởng, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức thực hiện công tác này, quy định rõ chế tài xử phạt đặc biệt là đối với các hành vi ngược đãi, kì thị và phân biệt đối xử hoặc không thực hiện quy định pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích của NNCĐDC. Mặt khác, cần có cơ chế khen thưởng phù hợp cho những người có đóng góp lớn cho công tác TGXH.
2.2. Nâng cao hiệu quả thực hiện trợ giúp xã hội thường xuyên cho người nhiễm chất độc da cam/dioxin
Một là, nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách về TGXHTX đối với NNCĐDC và gia đình họ nhằm giúp họ và gia đình hiểu được quyền lợi của mình để tự bảo vệ bản thân. Việc tuyên truyền cần được thực hiện với nhiều hình thức khác nhau thông qua các phương tiện truyền thông, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Việc lựa chọn hình thức tuyên truyền cũng cần dựa vào điều kiện kinh tế của vùng miền hay địa phương, phụ thuộc vào đối tượng tuyên truyền hay mục đích tuyên truyền góp phần đảm bảo nâng cao sự hiểu biết của nhân dân nói chung và NNCĐDC nói riêng.
Hai là, thúc đẩy nhanh việc xã hội hóa các cơ sở bảo trợ xã hội để đối tượng được đảm bảo chính sách TGXH bởi TGXHTX là trách nhiệm chung của cộng đồng. Vì vậy, Nhà nước cần ban hành cơ chế, chính sách hợp lý để kêu gọi sự tham gia của đông đảo nhân dân trong việc thực hiện công tác TGXH, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập để khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia vào hoạt động chăm sóc NNCĐDC.
Ba là, tăng cường bồi dưỡng và nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác TGXH bằng việc mở các lớp đào tạo về nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác TGXH, chú trọng tới các kỹ năng về chăm sóc sức khỏe, thể chất và tinh thần, cũng như đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ chuyên trách và cả cộng tác viên tự nguyện làm công tác TGXH.
Bốn là, tranh thủ nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, từ các dự án dành cho người khuyết tật, các quỹ hỗ trợ dạy nghề, học nghề động viên NNCĐDC và nhân thân họ tìm việc làm, tạo việc làm và giải quyết việc làm để họ tự vươn lên hoàn thiện bản thân, nhanh chóng hòa nhập cộng đồng.
Tóm lại, đã 59 năm kể từ ngày Mỹ sử dụng chất độc da cam/dioxin trên chiến trường Việt Nam trong cuộc chiến tranh phi nghĩa, nhưng nỗi đau da cam vẫn còn đó. Việc xoa dịu nỗi đau da cam không còn là trách nhiệm của riêng ai, mà là trách nhiệm của toàn xã hội, là lương tâm, đạo lý của cả dân tộc. Vì vậy, các giải pháp về TGXHTX cho NNCĐDC ở Việt Nam cần được tiến hành nhanh chóng, kịp thời, đồng bộ và đúng lộ trình, giúp NNCĐDC cải thiện cuộc sống, tự tin hòa nhập cộng đồng.
Trường Đại học Thủ đô Hà Nội
[1]. Nguyễn Thế Lực, Tình hình thực hiện chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam – các vướng mắc và kiến nghị bổ sung, hoàn thiện, trong Kỷ yếu Hội thảo “Một số kết quả nghiên cứu mới về hậu quả chất da cam/dioxin, Hà Nội, 2014.
[2]. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Thảm họa da cam ở Việt Nam, Tài liệu lưu hành nội bộ, Hà Nội, 2016.
[3]. Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/04/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
[4]. Nghị định số 07/2000/NĐ-CP.
[5]. Nghị định số 67/2007/NĐ-CP.
[6]. Nghị định số 13/2010/NĐ-CP.
[7]. Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP.
[8]. Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 13/2010/NĐ-CP.