Pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng không chỉ mang tính chính trị, kinh tế, xã hội mà còn mang tính nhân văn sâu sắc. Nó là sự thể hiện những truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, giáo dục cho thế hệ trẻ ý thức trách nhiệm, ý thức rèn luyện, phấn đấu vươn lên để cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp gìn giữ, xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ những giá trị tốt đẹp, những thành quả to lớn mà cha ông ta đã ra sức gìn giữ. Đồng thời thể hiện được trách nhiệm của toàn xã hội trong việc thực hiện “đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công với cách mạng. Vì vậy, chính sách đối với người có công là chính sách vô cùng quan trọng. Làm tốt chính sách đối với người có công sẽ góp phần vào sự ổn định xã hội, giữ vững thể chế và ngược lại.
Từ năm 1986 đến nay, trong vấn đề ưu đãi đối với người có công, hệ thống pháp luật nước ta đã có những thay đổi quan trọng để phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của thời kỳ đổi mới. Nhà nước đã đề ra nhiều văn bản luật ưu đãi xã hội đối với người có công, trong đó nổi bật nhất là việc ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng năm 1994 (Pháp lệnh ưu đãi năm 1994) và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” năm 1994. Đây là hai văn bản pháp luật nhằm thể chế hóa Hiến pháp năm 1992, đánh dấu sự tiến bộ trong hệ thống chính sách ưu đãi xã hội đối với người có công, cùng với các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành hai pháp lệnh này tạo thành hệ thống pháp luật về ưu đãi người có công.
Năm 1998 và năm 2000, Pháp lệnh ưu đãi năm 1994 lại được sửa đổi cho phù hợp với điều kiện mới và quá trình cải cách hành chính. Cơ quan hành chính với tư cách là cơ quan hành pháp đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết và tổ chức thực hiện đưa pháp luật vào đời sống xã hội.
Năm 2005, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng thay thế Pháp lệnh ưu đãi năm 1994 vì không còn phù hợp, chưa thực sự công bằng, Chính phủ và các bộ cũng đã ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn.
Năm 2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005. Ngày 09/4/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Uu đãi người có công với cách mạng. Ngày 15/5/2013, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân.
Như vậy, đối với pháp luật về ưu đãi người có công đã có khoảng trên 100 văn bản được ban hành của cơ quan hành chính nhà nước dưới các dạng nghị định, quyết định, thông tư...
Có thể thấy, hành lang pháp lý để thực hiện chính sách ưu đãi người có công đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện vẫn còn một hạn chế, bất cập như:
Thứ nhất, đối với đối tượng lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa cần thiết mở rộng thêm căn cứ xác nhận, đặc biệt là đối với người còn sống, vì theo quy định tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP thì người còn sống phải có lý lịch mới được xác nhận, trong khi người đã hy sinh, từ trần thì được sử dụng những căn cứ khác để công nhận như: Lịch sử đảng bộ địa phương, các giấy tờ, tài liệu lưu trữ...; đồng thời cần thiết thực hiện chế độ bảo hiểm y tế đối với thân nhân lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa còn sống.
Thứ hai, đối với liệt sỹ, thương binh chưa có hướng dẫn cụ thể về thủ tục, hồ sơ xác nhận liệt sỹ đối với trường hợp bị bắt, tra tấn. Trường hợp vợ liệt sĩ tái giá chỉ được hưởng trợ cấp hàng tháng, như vậy sẽ thiệt thòi cho họ.
Việc khám giám định vết thương còn sót cũng gặp nhiều trở ngại. Cần thiết phải quy định rõ ràng việc giám định vết thương còn sót, sót là do trước đây bản thân đối tượng người có công với cách mạng khai còn sót, hay vì lý do Hội đồng giám định y khoa giám định còn sót.
Thứ ba, chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học: Chưa có hướng dẫn với trường hợp thương binh đồng thời là bệnh binh và cũng đồng thời là người mất sức lao động mà bị mắc bệnh, hoặc sinh con dị dạng, dị tật thì có được xem xét giải quyết chế độ chất độc hóa học không và giải quyết hưởng chế độ như thế nào. Hiện tại chỉ có hướng dẫn chế độ đối với thương binh, bệnh binh đồng thời là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học (Điều 31 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP).
Chính sách đối với người nhiễm chất độc da cam/Đioxin, khi triển khai chính sách hiện hành đang rất vướng do sự thiếu đồng bộ trong các văn bản hướng dẫn, gây ách tắc trong khâu lập hồ sơ, như các giấy tờ chứng minh thời gian, các loại bệnh việc chuyển hồ sơ giám định y khoa để xác định mắc bệnh rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng đối, văn bản hướng dẫn thường xuyên thay đổi nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện, hiện chưa có cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn về bệnh, tật, dị dạng, dị tật do nhiễm chất độc hóa học sử dụng trong chiến tranh. Bên cạnh đó, do quy định của chính sách chưa thật cụ thể, khoa học, nên việc áp dụng, thực hiện rất khó.
Thứ tư, đối với người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày: Theo quy định tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP và Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH thì trường hợp hưởng chế độ tù đày được trả trợ cấp theo tháng kể từ ngày 01/9/2012 đối với trường hợp đã hưởng trợ cấp 1 lần (tức là truy nhận từ ngày 01/9/2012), nhưng có trường hợp vừa mới làm hồ sơ được hưởng thì không nhận được tiền truy lĩnh, trong khi có trường hợp làm hồ sơ trước thì được hưởng cả tiền theo tháng và truy lĩnh, dẫn đến sự bất công giữa các đối tượng, vì thực tế cho thấy công lao của họ vẫn giống nhau, thậm chí những người làm hồ sơ sau thời gian bị tù, đày lại nhiều hơn.
Thứ năm, việc ủy quyền về thờ cúng liệt sĩ, ký giấy xác nhận về phong tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng có một số trường hợp là anh em trong gia đình không chịu xác nhận nên việc lập hồ sơ gặp khó khăn. Đồng thời, số tiền phải chi trả cho các trường hợp này thì địa phương cũng lúng túng trong xử lý, vì không thể giao trực tiếp cho đối tượng khi còn vướng mắc mà cũng không thể giữ lại. Vì vậy, cần có hướng dẫn cụ thể trong trường hợp gia đình có tranh chấp.
Thứ sáu, trong trợ cấp một lần cho đối tượng hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, vẫn áp dụng mức trợ cấp 120.000 đồng/năm, mức trợ này ít và chậm thay đổi kể từ năm 1995. Trong khi mức trợ cấp của đối tượng khác thì thường xuyên được cải thiện nâng lên.
Thứ bảy, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005 (sửa đổi năm 2012) chưa phát huy được tiềm lực và sức mạnh của thế kiềng ba chân là Nhà nước, cộng đồng và cá nhân, nguồn kinh phí chi trả cho người có công với cách mạng mặc dù đã có nhiều sửa đổi, bổ sung, nhưng chủ yếu vẫn là từ ngân sách nhà nước. Trong khi đó, ngân sách nhà nước còn hạn chế, đối tượng có công lại khá lớn. Việc cấp kinh phí hàng năm vẫn trên cơ sở dự toán và cân đối ngân sách, do đó không ổn định. Vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để phát huy được nguồn lực của cả cộng đồng trên địa bàn trong việc chăm sóc, giúp đỡ người có công với cách mạng.
Thứ tám, việc triển khai thực hiện pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng ở một số địa phương còn chậm so với quy trình, điều này đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, lợi dụng sự thiếu hiếu biết thông tin của người có công nên cán bộ chi trả ở địa phương đã giữ lại tiền chi trả trợ cấp điều dưỡng phục hồi sức khỏe, tiền hương khói liệt sĩ, làm ảnh hưởng đến chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Một số đối tượng không phải là đối tượng người có công với cách mạng đã lợi dụng chính sách để “khai man” hồ sơ hưởng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng.
Phát huy những thành tựu đạt được, khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua về thực hiện pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng, để nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng trong thời gian tới, cần chú trọng bảo đảm một số nguyên tắc sau:
Một là, việc hoàn thiện pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng phải trên cơ sở quán triệt quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về người có công với cách mạng.
Hai là, xã hội hóa hoạt động ưu đãi người có công với cách mạng, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa ba chủ thể Nhà nước, đối tượng ưu đãi và cộng đồng, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
Ba là, pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng phải phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước.
Chính sách ưu đãi người có công vốn là chính sách mang tính nhạy cảm chính trị - xã hội. Tuy nhiên, cần có nhận thức hoàn thiện hệ thống chính sách bảo đảm chế độ phải phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội. Đặc điểm có tính chất quy luật cơ bản là giữa các chính sách và sự phát triển kinh tế, xã hội có biện chứng với nhau, phụ thuộc lẫn nhau. Việc nâng cao đời sống của dân cư nói chung và đời sống của các đối tượng người có công nói riêng và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao là mục tiêu cuối cùng của sự phát triển kinh tế.
Bốn là, pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng phải bảo đảm tính toàn diện.
Để thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi đối với người có công, đưa ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân trong việc “đền ơn đáp nghĩa” những người có công với nước, đòi hỏi Nhà nước phải ban hành đầy đủ các quy định của luật pháp liên quan đến người có công, nói cách khác là phải có sự đồng bộ các loại văn bản pháp luật về vấn đề này. Đồng thời, trong tổ chức triển khai thực hiện cũng phải cụ thể, bảo đảm đúng, đầy đủ đối tượng thuộc diện thụ hưởng, tránh hiện tượng bỏ sót đối tượng, chỉ khi đó mới thực hiện đầy đủ được sự công bằng xã hội.
Năm là, pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng phải bảo đảm tính kế thừa và tính hiện thực phù hợp với điều kiện và tình hình mới của đất nước.
Đổi mới không có nghĩa là phủ nhận mà phải trên cơ sở kế thừa những thành tựu đã đạt được, kế thừa những nội dung hợp lý, khoa học của pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng đã thể hiện trong thời gian qua. Bởi pháp pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng có ảnh hưởng lớn đến số lượng đối tượng đông, mức độ ảnh hưởng rộng, thời gian ảnh hưởng lâu dài, có những vấn đề là bản chất là không thay đổi. Nhưng có những vấn đề cần hoàn thiện, bổ sung như tiêu chuẩn xác nhận đối tượng thụ hưởng, phạm vi áp dụng, các biện pháp trợ cấp, chăm lo, giúp đỡ người có công. Đồng thời, pháp luật ưu đãi người có công phải khả thi, phát huy tác dụng đối với người có công với cách mạng.
Nhìn chung, pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân luôn được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ, tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn thì một số quy định trên vẫn chưa hoàn thiện, trở thành nguyên nhân ảnh hưởng hiệu quả ưu đãi người có công với cách mạng. Do vậy, Nhà nước cần có những giải pháp đồng bộ để hoàn thiện những quy định của pháp luật về hoạt động này. Cụ thể:
- Về đối tượng được hưởng ưu đãi
Hiện tại pháp luật hiện hành còn thiếu những quy định đối với đối tượng là thanh niên xung phong, những người chịu rất nhiều mất mát, hy sinh trong công cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Pháp luật vẫn chưa có những quy định về quyền được hưởng ưu đãi của những người có công với cách mạng đang sinh sống ở nước ngoài hay những quy định về người nước ngoài đã có công lao to lớn trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, góp phần vào thắng lợi, sự độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.
Quan niệm về người có công cần được hiểu theo nghĩa rộng. Những quy định về những đối tượng không phải là người có công với cách mạng sẽ đơn giản và linh hoạt hơn nhiều.
Trường hợp vợ liệt sĩ lấy chồng khác chỉ được hưởng trợ cấp hàng tháng là thiệt thòi cho họ, vì họ vẫn là vợ liệt sĩ, việc tái giá không làm thay đổi bản chất của sự hy sinh. Trong trường hợp này, người phụ nữ đã phải chịu quá nhiều đau đớn và thiệt thòi, Nhà nước phải ghi nhận sự hy sinh thầm lặng đó. Trong khi quy định tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định: “Thân nhân người có công là cha đẻ, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng; con (con đẻ, con nuôi)…”. Như vậy, khi vợ liệt sĩ đã tái giá thì họ không còn là thân nhân của liệt sĩ nữa. Để ghi nhận sự hy sinh, mất mát của họ, Nhà nước chỉ dành cho những người vợ (chồng) liệt sĩ tái giá hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng mà không được hưởng các ưu đãi khác với thân nhân liệt sĩ.
- Về mức trợ cấp
Cần tăng mức trợ cấp, phụ cấp cho phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước và nhu cầu của người có công. Các chế độ ưu đãi nhìn chung đã tương đối toàn diện và mức trợ cấp, phụ cấp đã tăng cao hơn so với trước. Thể hiện là mỗi lần điều chỉnh tăng lương tối thiểu thì mức trợ cấp và phụ cấp ưu đãi cũng tăng theo. Tuy nhiên, trong mối tương quan với nhu cầu chung của con người trong cuộc sống hiện đại thì mức trợ cấp, phụ cấp hiện nay vẫn còn thấp. Trong khi đó, thực tế đời sống của người có công vẫn còn nhiều khó khăn, vì nguồn thu nhập chủ yếu của đa số họ là từ trợ cấp ưu đãi. Bên cạnh nhu cầu chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày, họ còn phải bảo đảm tiền thuốc chữa bệnh, tiền học hành cho bản thân, con cái và các chi dùng khác cho gia đình. Đây là vấn đề Nhà nước cần xem xét và điều chỉnh mức chuẩn để tính trợ cấp là luôn phải cao hơn mức tiêu dùng bình quân toàn xã hội. Việc tăng mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi không nên phụ thuộc vào lộ trình tăng tiền lương tối thiểu như hiện nay.
Phân định rõ hơn chế độ ưu đãi người có công với chế độ tiền lương và bảo hiểm xã hội. Các chế độ ưu đãi hiện nay đã tách khỏi chế độ tiền lương. Thay vì tính trên cơ sở tiền lương tối thiểu chung như trước đây, mức trợ cấp, phụ cấp hàng tháng hiện nay được tính trên cơ sở mức tiêu dùng bình quân của toàn xã hội. Song, việc điều chỉnh mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi vẫn còn dựa trên cơ sở và lộ trình tăng lương tối thiểu là không hợp lý. Vì thế chế độ ưu đãi chưa đạt được mục đích là không chỉ đảm bảo đời sống cho người có công cao hơn mức sống trung bình của người dân mà còn nhằm tôn vinh công trạng của họ như Đảng và Nhà nước đề ra.
Ngoài ra, chế độ tiền mai táng đối với người có công vẫn áp dụng quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội là không thực sự hợp lý, nhất là trong trường hợp người có công không tham gia bảo hiểm xã hội. Các chế độ bảo hiểm xã hội được chi trả trên cơ sở đóng góp của người tham gia và quỹ bảo hiểm xã hội được hạch toán độc lập với ngân sách nhà nước, còn chế độ ưu đãi người có công với cách mạng được chi trả từ ngân sách nhà nước trên cơ sở bảo đảm tương ứng với mức tiêu dùng bình quân trong toàn xã hội. Cho nên, áp dụng những quy định của bảo hiểm xã hội để chi trả thì không hợp lý trong việc thể hiện ý nghĩa đối với người có công.
Đối với người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù, đày chưa hưởng trợ cấp một lần nay lập hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp hàng tháng thì nên cho họ hưởng trợ cấp tính từ ngày 01/9/2012 như các đối tượng người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù, đày đã hưởng trợ cấp 1 lần trước ngày 01/9/2012. Vì họ vẫn là cùng đối tượng và có cống hiến cho cách mạng như nhau, thậm chí có thể hơn về công trạng.
- Điều chỉnh chế độ ưu đãi về giáo dục đào tạo
Về chế độ miễn học phí, các quy định hiện hành chỉ miễn học phí cho các đối tượng ưu đãi khi học trong các trường công lập và hỗ trợ học phí cho các đối tượng học tại trường bán công, dân lập, tư thục; không miễn, giảm học phí trong trường hợp học tại các cơ sở giáo dục thường xuyên là không hợp lý. Để tạo sự bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo, góp phần thực hiện chính sách xã hội hoá giáo dục và đảm bảo công bằng cho người có công và thân nhân của họ, cần có chế độ miễn, giảm học phí cho các đối tượng ưu đãi học tại các cơ sở giáo dục thường xuyên. Đồng thời, nhằm khuyến khích các đối tượng ưu đãi có ý thức vươn lên, trường hợp học sinh, sinh viên thi trượt tốt nghiệp thì khi học lại không được hưởng ưu đãi như hiện nay.
Các chế độ khác như miễn các khoản đóng góp xây dựng trường, ưu tiên trong xét lên lớp, tuyển sinh cần quy định rõ ràng trong cùng một văn bản để thuận lợi trong tổ chức thực hiện.
- Xây dựng Luật Ưu đãi người có công với cách mạng
Cần phải sớm xây dựng Luật Ưu đãi người công với cách mạng để nhằm mục đích thực hiện tốt hơn chính sách đối với người có công, hoàn thiện hệ thống pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng, đánh giá đúng tầm quan trọng của pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng trong hệ thống pháp luật Việt Nam cũng như trong đời sống xã hội...
Có thể khẳng định rằng, những vấn đề liên quan đến người có công là những vấn đề rất nhạy cảm và phức tạp, do đó để xây dựng hệ thống pháp luật ưu đãi người có công phải tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng, cần phải được tiến hành từng bước, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước; đảm bảo công bằng xã hội. Trước hết cần phải hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi người có công; bổ sung, ban hành những quy định mới để giải quyết những điểm bất hợp lý, những thiếu sót của pháp luật ưu đãi người có công. Tập trung nguồn lực để giải quyết những nhu cầu cấp thiết của những người có công như vấn đề về tăng mức trợ cấp; quan tâm đến dạy nghề, tạo việc làm, giúp đỡ các gia đình chính sách khó khăn phát triển sản xuất, kinh doanh; tuyên truyền, cổ vũ những tấm gương thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công tiêu biểu trong lao động, học tập, trong sản xuất, kinh doanh và trong các hoạt động văn hóa, xã hội. Trên cơ sở sự hệ thống hóa, những sửa đổi, bổ sung pháp luật ưu đãi người có công, tổng kết việc thực hiện pháp luật ưu đãi người có công tiến tới xây dựng và ban hành Luật Ưu đãi người có công ở Việt Nam, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tế hiện nay.
Trường Trung cấp Luật Đồng Hới