Abstract: The article concentrates on analyzing legal provisions on handling secured property as land use right in credit institutions in Vietnam currently. As a result, the article makes proposals, solutions for completing normative legal document system on handling secured assets in general and of household in particular.
1. Thực trạng pháp luật về xử lý tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất của hộ gia đình tại các tổ chức tín dụng ngân hàng ở nước ta hiện nay
Xử lý tài sản bảo đảm là hệ quả pháp lý của hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ của bên bảo đảm. Kết quả xử lý tài sản bảo đảm ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của bên bảo đảm (chủ sở hữu tài sản), bên nhận bảo đảm (bên hưởng lợi từ việc xử lý tài sản bảo đảm) và các chủ thể khác có lợi ích liên quan (cơ quan nhà nước, người mua, người nhận chuyển nhượng tài sản bảo đảm ngay tình). Do quá trình xử lý tài sản bảo đảm rất dễ xảy ra các tranh chấp, bất đồng về lợi ích giữa các bên liên quan đến tài sản bảo đảm nên cần phải thiết lập một hệ thống pháp luật về giao dịch bảo đảm, trong đó có quy định về xử lý tài sản bảo đảm thực sự đồng bộ, hoàn thiện.
Trong thời gian qua, pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm đã góp phần tạo lập một môi trường pháp lý an toàn, thuận lợi cho quá trình xử lý tài sản bảo đảm, giúp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, các quy định của pháp luật hiện hành vẫn chưa thực sự đáp ứng đầy đủ nhu cầu điều chỉnh của thực tiễn xử lý tài sản bảo đảm, nhất là xử lý tài sản bảo đảm của hộ gia đình, cụ thể như sau:
Thứ nhất, vấn đề về trách nhiệm trả nợ của hộ gia đình
Khi hộ gia đình vay vốn của ngân hàng, trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ trả nợ mà không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và lãi mà các bên có thỏa thuận về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ, thì ngân hàng sẽ tiến hành xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Tài sản bảo đảm được xử lý theo phương thức do các bên đã thỏa thuận hoặc được bán đấu giá theo quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ theo đúng quy định của Bộ luật Dân sự.
Trường hợp đã xử lý tài sản bảo đảm mà không đủ để trả hết nợ cho ngân hàng, thì hộ gia đình phải chịu trách nhiệm tiếp tục trả nợ bằng các tài sản chung của hộ. Nếu tài sản chung cũng không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung của hộ thì các thành viên phải chịu trách nhiệm liên đới bằng tài sản riêng của mình. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì hộ gia đình phải có trách nhiệm dùng tài sản chung của hộ trả nợ; nếu tài sản chung không đủ để trả nợ thì các thành viên phải chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng của mình.
Đối với nghĩa vụ phát sinh của hộ gia đình, vấn đề chưa rõ là các thành viên hộ gia đình phải chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ là những thành viên đã đủ 15 tuổi có năng lực hành vi dân sự hay bao gồm cả những thành viên chưa đủ 15 tuổi, thành viên đã đủ 15 tuổi nhưng không có khả năng nhận thức hành vi, có tài sản chung với cả gia đình vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới trả nợ với cả hộ gia đình? Nếu tài sản chung của hộ gia đình không đủ trả nợ thì thành viên dưới 15 tuổi, thành viên bị mất năng lực hành vi dân sự có tài sản riêng, có phải chịu trách nhiệm liên đới trả nợ không?
Bên cạnh đó, trường hợp một hay nhiều thành viên của hộ gia đình không sinh hoạt (không ở cùng nhà) với các thành viên của hộ gia đình như sinh sống, làm việc tại một nơi khác nhưng vẫn có tên trong sổ hộ khẩu gia đình, khi người đại diện của hộ gia đình xác lập quan hệ tín dụng (vay tiền) với ngân hàng thì liệu thành viên đang làm việc ở nơi khác đó có phải chịu trách nhiệm trả nợ liên đới với các thành viên khác hay không? Ngân hàng có quyền yêu cầu người đó thực hiện nghĩa vụ trả nợ không?
Đối với các vấn đề nói trên, pháp luật chưa quy định rõ, nên rất khó xác định trách nhiệm, khó vận dụng để giải quyết các tình huống xảy ra trong thực tế tại các ngân hàng. Do đó, cần quy định tất cả các thành viên của hộ gia đình đã thành niên hay chưa thành niên đều phải liên đới chịu trách nhiệm trả nợ bằng tài sản chung và tài sản riêng của mình theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Dân sự năm 2015. Trong trường hợp một hay nhiều thành viên khác của hộ gia đình sinh sống, làm việc ở địa phương khác (không cùng nhà) nhưng vẫn đứng tên trong sổ hộ khẩu gia đình thì sẽ không phải chịu trách nhiệm liên đới trả nợ với các thành viên khác của hộ gia đình, chỉ những thành viên của hộ gia đình có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định, mới tạo thành chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự với tư cách là hộ gia đình. Theo đó, ngân hàng có quyền yêu cầu một (hoặc một số) thành viên của hộ gia đình thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trả nợ của hộ gia đình trong các tổ chức tín dụng.
Một vấn đề nữa là, trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trả nợ cho cả hộ gia đình thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của hộ với mình. Nhưng trong Bộ luật Dân sự năm 2015 lại không có quy định về phần nghĩa vụ liên đới của các thành viên hộ gia đình nên trên thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp tranh chấp giữa các thành viên trong hộ gia đình.
Thứ hai, trường hợp tài sản bảo đảm thi hành án là nơi ở duy nhất của hộ gia đình
Theo quy định tại khoản 5 Điều 115 Luật Thi hành án dân sự năm 2014, thì trường hợp cưỡng chế giao nhà là nhà ở duy nhất của người phải thi hành án cho người mua được tài sản bán đấu giá, nếu xét thấy sau khi thi hành thanh toán các khoản nghĩa vụ thi hành án mà người phải thi hành án không còn đủ tiền để thuê nhà hoặc tạo lập nơi ở mới thì trước khi làm thủ tục chi trả cho người được thi hành án, chấp hành viên trích lại từ số tiền bán tài sản một khoản tiền để người phải thi hành án thuê nhà phù hợp với giá thuê nhà trung bình tại địa phương trong thời hạn 01 năm. Nghĩa vụ thi hành án còn lại được tiếp tục thực hiện theo Luật Thi hành án dân sự. Quy định này nhằm bảo đảm quyền có chỗ ở hợp pháp, cũng như trật tự - an toàn xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, pháp luật chưa quy định việc có trích tiền thuê nhà cho người thứ 3 đã dùng nhà ở duy nhất của mình để bảo đảm cho người phải thi hành án vay tài sản đã được Tòa án tuyên trong bản án, quyết định, nên không ít cơ quan thi hành án dân sự rơi vào tình trạng lúng túng, không biết áp dụng như thế nào.
Hiện có hai quan điểm đối với việc xử lý trước hay sau quyền lợi của bên thứ 3: (i) Quan điểm thứ nhất cho rằng, chấp hành viên ra quyết định kê biên tài sản trước (kê biên toàn bộ tài sản chung) rồi mới thông báo cho đồng sở hữu chung để thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án phân chia tài sản, thông báo cho người được thi hành án; hoặc chấp hành viên sẽ yêu cầu Tòa án phân chia tài sản, việc xử lý tài sản chỉ được thực hiện khi có quyết định của Tòa án; (ii) Quan điểm thứ hai cho rằng, chấp hành viên thực hiện việc thông báo cho đồng sở hữu chung để thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án phân chia tài sản, thông báo cho người được thi hành án hoặc chấp hành viên sẽ yêu cầu Tòa án phân chia tài sản. Chấp hành viên chỉ ra quyết định kê biên tài sản của người phải thi hành án khi có quyết định của Tòa án về việc xác định phần sở hữu của người phải thi hành án.
Có thể thấy, mỗi cách lý giải đều có những thuận lợi, vướng mắc riêng. Cụ thể, nếu chấp hành viên áp dụng việc kê biên tài sản trước thì sẽ bảo đảm được thứ tự ưu tiên thi hành thanh toán tiền thi hành án, đồng thời góp phần nâng cao trách nhiệm của người phải thi hành án trong việc thi hành án, tránh tình trạng các đương sự lợi dụng việc chưa xác định được phần tài sản của người phải thi hành trong khối tài sản chung để trốn tránh hoặc kéo dài thời gian thi hành án. Tuy nhiên, để thực hiện việc kê biên tài sản chung trước rồi mới thông báo cho các đồng sở hữu thì chấp hành viên phải thu hồi quyết định kê biên đã ban hành và ra quyết định kê biên mới tương ứng với phần tài sản còn lại của người phải thi hành án. Việc phải thu hồi quyết định kê biên có thể sẽ dẫn đến đơn thư khiếu nại phức tạp hoặc thậm chí yêu cầu bồi thường.
Hơn nữa, tại điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự đã quy định, phải xác định phần sở hữu của người phải thi hành án rồi mới thực hiện việc kê biên, xử lý tài sản. Tuy nhiên, nếu áp dụng theo cách này thì quyền lợi của bên thứ ba không được bảo đảm và thứ tự ưu tiên thanh toán trong thi hành án dân sự lại không thực hiện được.
Thứ ba, phương thức xử lý tài sản bảo đảm của hộ gia đình
Theo quy định của pháp luật hiện hành, có 04 phương thức xử lý tài sản bảo đảm gồm: Bán tài sản bảo đảm, bán đấu giá tài sản bảo đảm, nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế nghĩa vụ trả nợ, khởi kiện vụ án dân sự.
- Bán tài sản bảo đảm: Hiện nay, các quy định của pháp luật chưa làm rõ những trường hợp nào thì việc bán tài sản cần đặt dưới sự kiểm soát của Tòa án, trường hợp nào tổ chức tín dụng được chủ động tự bán tài sản bảo đảm. Nếu bên nhận tài sản là tổ chức tín dụng được quyền bán tài sản thì cần phải tuân thủ các nghĩa vụ gì, để tránh lạm quyền, xâm phạm đến lợi ích của bên bảo đảm hay của các chủ thể khác.
- Bán đấu giá tài sản bảo đảm: Đối với hình thức bán đấu giá tài sản bảo đảm, một trong những nhược điểm của phương thức này là chi phí tổ chức bán đấu giá tài sản khá cao, đặc biệt có hiện tượng thông đồng, ép giá giữa những người đăng ký mua tài sản đấu giá. Đây không phải là tình trạng hiếm xảy ra khi các tổ chức tín dụng tổ chức bán đấu giá tài sản bảo đảm.
- Nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế nghĩa vụ trả nợ: Theo quy định tại Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm, trường hợp giá trị của tài sản bảo đảm lớn hơn giá trị của nghĩa vụ được bảo đảm thì bên nhận bảo đảm phải thanh toán số tiền chênh lệch đó cho bên bảo đảm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dường như hai bên rất khó tìm được sự đồng thuận về giá trị của tài sản bảo đảm dùng để khấu trừ nghĩa vụ nợ, đặc biệt khi giá trị tài sản bảo đảm tại thời điểm xử lý thường thấp hơn giá trị khoản vay. Trong nhiều trường hợp, tổ chức tín dụng buộc phải chấp nhận giá trị của tài sản cao hơn so với giá trị thị trường để có thể thu hồi dứt điểm khoản nợ.
- Xử lý tài sản bảo đảm thông qua khởi kiện, thi hành án: Phương pháp xử lý tài sản bảo đảm bằng hình thức khởi kiện bên vay, bên bảo đảm ra Tòa án để yêu cầu giải quyết việc trả nợ thường là biện pháp cuối cùng vì thời gian giải quyết kéo dài cả năm, thậm chí vài năm với rất nhiều chi phí, bao gồm cả chi phí chính thức (tiền tạm ứng án phí, tiền thuê luật sư…) và chi phí không chính thức, thậm chí ngay cả khi có được bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án theo hướng tổ chức tín dụng được quyền xử lý tài sản bảo đảm nhưng việc xử lý tài sản bảo đảm của người phải thi hành án cũng không dễ dàng và gặp nhiều khó khăn, chi phí tốn kém. Mặc dù, phần lớn các tổ chức tín dụng không muốn lựa chọn xử lý tài sản bảo đảm theo phương thức khởi kiện nhưng trên thực tế, các tổ chức tín dụng buộc phải chọn phương thức này. Đây là phương thức xử lý tài sản bảo đảm phổ biến, được các tổ chức tín dụng lựa chọn nhiều nhất, nhưng những quy định pháp luật liên quan đến phương thức xử lý tài sản bảo đảm thông qua con đường Tòa án lại đang chứa đựng những bất cập và lỗ hổng pháp lý lớn, bởi Bộ luật Tố tụng dân sự và các quy định liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm chưa có quy định cụ thể, chặt chẽ về các bước của quá trình tố tụng, đó là: Thiếu quy định về định giá tài sản bảo đảm khi tiến hành xử lý; chưa có quy định về trình tự, thủ tục tố tụng dân sự rút gọn; chưa có quy định cụ thể về thời gian hòa giải; chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm phối hợp của các cơ quan chức năng trong việc thu giữ tài sản bảo đảm.
2. Kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất của hộ gia đình trong các quan hệ tín dụng ngân hàng
Thứ nhất: Trong năm 2017, với sự ra đời của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã góp phần không nhỏ trong nỗ lực xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Ngân hàng có xu hướng hạn chế chuyển nợ sang Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), đồng thời đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu qua các hình thức như bán nợ, phát mại tài sản, sử dụng dự phòng rủi ro và các hình thức khác. Đối với vấn đề xử lý tài sản bảo đảm của hộ gia đình theo hướng dẫn của Nghị quyết số 42/2017/QH14 còn nhiều bất cập và khó thực thi do chưa có quy định một cách chi tiết. Ngoài việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những quy định bất hợp lý hiện nay về xử lý tài sản bảo đảm (ví dụ quy định rõ trách nhiệm của cơ quan công an, Ủy ban nhân dân nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm trong việc phối hợp với các tổ chức tín dụng và VAMC thu giữ tài sản bảo đảm, bổ sung về thủ tục giải chấp từng phần đối với tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất…), thì Nghị quyết này cần quy định chi tiết trình tự, thủ tục xử lý tài sản bảo đảm của hộ gia đình nói riêng và tài sản bảo đảm của chủ thể khác nói chung.
Thứ hai: Bên cạnh những vướng mắc, bất cập nêu trên, việc quy định sự tham gia của hộ gia đình trong quan hệ dân sự như Bộ luật Dân sự đã gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động áp dụng pháp luật, đặc biệt là cho Tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến hộ gia đình. Thực tế chưa có vụ kiện nào được Tòa án thụ lý có người khởi kiện (nguyên đơn), người bị kiện (bị đơn), người có quyền lợi/nghĩa vụ liên quan nào là hộ gia đình. Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung quy định về hộ gia đình để khắc phục những vướng mắc trên thực tế.
Thứ ba: Tòa án nhân dân tối cao cần nghiên cứu xem xét ban hành nghị quyết hướng dẫn cụ thể về việc thụ lý xét xử vắng mặt bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đối với trường hợp các đương sự này mất tích, bỏ trốn, vắng mặt tại nơi cư trú, tại trụ sở công ty. Đồng thời, ban hành các án lệ đối với các vụ án có liên quan đến việc tổ chức tín dụng khởi kiện khách hàng để áp dụng thống nhất trong công tác xét xử, từ đó đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, tiến độ xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm.
Thứ tư: Nhằm khuyến khích các tổ chức tín dụng thực hiện xử lý nợ xấu và khuyến khích sự hợp tác của bên bảo đảm khi tham gia quá trình xử lý tài sản, pháp luật thi hành án dân sự cần sửa đổi, bổ sung như sau: (i) Số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp phải được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ được bảo đảm trước khi trừ các chi phí về thi hành án; (ii) Việc kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp chỉ được thực hiện khi nghĩa vụ được bảo đảm đến hạn, khoản tiền thu được từ việc bán tài sản bảo đảm phải ưu tiên thanh toán nghĩa vụ của bên bảo đảm; (iii) Quy định người phải thi hành án chịu toàn bộ phí thi hành án, đồng thời áp dụng thêm các chế tài đối với các trường hợp cố tình kéo dài thời gian thi hành án như buộc phải trả lãi suất trả chậm…
Ngoài ra, cần nâng cao hơn hiệu quả hoạt động thi hành án dân sự. Trong đó, cần tập trung tổ chức thi hành các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có điều kiện thi hành của các tổ chức tín dụng. Việc thi hành án có hiệu quả sẽ giúp làm giảm thực chất nợ xấu của tổ chức tín dụng.
Thứ năm: Cần hoàn thiện một số quy định theo hướng: Bổ sung các quy định về thủ tục tố tụng rút gọn để giải quyết tranh chấp tín dụng ngân hàng; ban hành nghị định hướng dẫn việc bên bảo đảm phải bàn giao tài sản bảo đảm theo hướng bên thế chấp hoặc người giữ tài sản bảo đảm có nghĩa vụ bàn giao tài sản bảo đảm vào bất kỳ thời điểm nào kể cả sau khi bên nhận tài sản bảo đảm xử lý tài sản, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản cho người nhận tài sản bảo đảm; cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần thống nhất đường lối xét xử theo hướng các bên có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu giao tài sản mà không cần giải quyết vụ kiện đòi nợ.
Đoàn Luật sư TP. Hải Phòng