Hợp đồng dịch vụ trước nhất phải mang đầy đủ đặc tính của một hợp đồng, tức là phải là sự thỏa thuận, thống nhất ý chí của các bên và làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể. Tính chất riêng của hợp đồng dịch vụ so với các hợp đồng khác chính là đối tượng hợp đồng, tức là các dịch vụ. Thế nên, hợp đồng dịch vụ có đối tượng là công việc do một bên chủ thể thực hiện một cách chuyên môn hóa, thậm chí có những dịch vụ phải đáp ứng điều kiện về chứng chỉ, bằng cấp mới được phép cung ứng, là một dạng hàng hóa nên có sự trao đổi theo giá trị. Chính vì thế, hợp đồng dịch vụ thường nhấn mạnh nghĩa vụ liên quan đến tính chuyên nghiệp của bên cung ứng dịch vụ và việc thanh toán tiền công thực hiện dịch vụ của bên sử dụng dịch vụ.
Bài viết “Pháp luật Việt Nam về hợp đồng dịch vụ dưới góc nhìn so sánh với nguyên tắc chung của Liên minh châu Âu về hợp đồng dịch vụ (PEL SC)” của TS. Kiều Thị Thùy Linh sẽ khái quát chung về dịch vụ và hợp đồng dịch vụ, quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật châu Âu về hợp đồng dịch vụ, trên cơ sở đó, có một số đề xuất hoàn thiện pháp luật về hợp đồng dịch vụ Việt Nam.
Bài viết này được đăng tải trên ấn phẩm 200 trang “Pháp luật về hợp đồng dưới góc độ luật học so sánh” của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật năm 2021.