Các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập theo quy định của pháp luật, hoạt động theo pháp luật và điều lệ của tổ chức mình. Những năm qua, nhiều tổ chức đại diện cho doanh nghiệp được thành lập và hoạt động tương đối hiệu quả như: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), Hội doanh nghiệp trẻ, Hội nữ doanh nhân, Hiệp hội đầu tư nước ngoài, Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp, Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng, Hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa các địa phương,… Mỗi tổ chức có tôn chỉ, mục đích, địa vị pháp lý riêng, nhưng nhìn chung các tổ chức này đều có quyền hạn và trách nhiệm đại diện cho hội viên trong các quan hệ đối nội, đối ngoại, trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, trong hỗ trợ phát triển doanh nghiệp hội viên, trong đó có nhiệm vụ rất quan trọng là hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nói riêng.
Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp được thành lập năm 1999, là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, có chức năng chính là hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và làm cầu nối giữa cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trong xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật kinh tế.
Hơn 20 năm thành lập và phát triển, Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp luôn hoạt động theo tôn chỉ, mục đích được quy định trong Điều lệ, giới thiệu kịp thời, thường xuyên, có hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế, xã hội, thu thập ý kiến của các hội viên để kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc hoàn thiện pháp luật; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, cung cấp ý kiến pháp lý theo yêu cầu của các hội viên; tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm về hoạt động kinh doanh, công tác pháp chế và những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm. Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp đã giúp và hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên giải quyết những vướng mắc, phòng tránh rủi ro về mặt pháp lý trong sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, từ năm 2010, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 585/QĐ-TTg ngày 05/05/2010 phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 - 2014 (Chương trình 585), Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp có cơ sở pháp lý và sự hỗ trợ của Chương trình 585 tiếp tục thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và thu được nhiều kết quả.
1. Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa xuất phát từ vị trí, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa
Hiện nay, ở nước ta, số DNNVV chiếm hơn 97% trong tổng số doanh nghiệp, có vị trí quan trọng trong nền kinh tế, giữ vai trò ổn định nền kinh tế. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế coi DNNVV như các nhà thầu phụ cho các doanh nghiệp lớn, là “thanh giảm xóc” cho nền kinh tế. DNNVV góp phần làm cho nền kinh tế năng động, với quy mô nhỏ nên dễ điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu phát triển. Các DNNVV trong thực tế đã tạo nên ngành công nghiệp và dịch vụ phụ trợ (lắp ráp, gia công...); hỗ trợ DNNVV cũng chính là việc làm để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ (sản xuất ô tô, xe máy, các sản phẩm cơ khí chế tạo, điện, điện tử, điện lạnh...). Hàng năm, DNNVV đóng góp hơn 40% GDP của quốc gia, DNNVV là trụ cột của nền kinh tế địa phương (đóng góp ngân sách, giải quyết việc làm). DNNVV cả nước hàng năm tạo thêm hơn nửa triệu lao động mới, sử dụng khoảng 51% lao động xã hội.
Thời kỳ mới, theo phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia đặt ra nhiều yêu cầu mới. Từ vị trí, vai trò quan trọng của cộng đồng DNNVV, Đảng và Nhà nước đã đề ra chủ trương tăng cường trợ giúp để phát triển DNNVV và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV. Trong hàng loạt chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với DNNVV, chính sách hỗ trợ pháp lý là rất cần thiết. Đối với DNNVV, pháp luật ngày càng có vai trò quan trọng, pháp luật không chỉ được coi là một điều kiện của hoạt động sản xuất, kinh doanh, mà còn là một yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của các doanh nghiệp trên thương trường. Về thực trạng, DNNVV không chỉ yếu kém về năng lực tài chính, năng lực quản trị, năng lực khoa học - công nghệ mà còn cả kiến thức pháp lý. Sự hiểu biết về pháp luật và kỹ năng vận dụng pháp luật trong sản xuất, kinh doanh còn hạn chế. Vì vậy, Nhà nước đã có chính sách, pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp như Điều 14 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định “Hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý” và ngày 24/6/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
2. Vai trò của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trong thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thời gian qua
2.1. Những kết quả đạt được nhìn từ góc độ của Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp
Sau gần 05 năm thực hiện Chương trình 585, ngày 28/11/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2139/QĐ-TTg về việc tiếp tục thực hiện và điều chỉnh nội dung các dự án của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 - 2014. Chương trình có mục tiêu nhằm triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là các DNNVV, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, phòng, chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, bên cạnh các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, trong đó có Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp có vai trò quan trọng. Qua hơn 10 năm thực hiện Chương trình 585, Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp đã chủ động hoặc phối hợp với địa phương (Ủy ban nhân dân, các sở, ngành, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội DNNVV) tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thông qua hàng trăm hội thảo, tọa đàm, hội nghị đối thoại, lớp bồi dưỡng về các chuyên đề pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; về kỹ năng, nghiệp vụ công tác pháp chế, kỹ năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên khắp mọi miền Tổ quốc (khoảng gần 30 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thụ hưởng sự hỗ trợ của Chương trình 585 do Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp tổ chức). Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp thường xuyên tư vấn pháp luật, cung cấp ý kiến pháp lý, thông tin pháp luật mới cho doanh nghiệp; biên soạn tài liệu pháp luật và hướng dẫn kỹ năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Thông qua các hoạt động, kiến thức pháp luật của người quản lý, cán bộ phòng, ban, người sử dụng lao động, người lao động được nâng lên một bước; nhận thức về vai trò quan trọng và ý nghĩa của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh rõ hơn; người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp có phương pháp, kỹ năng công tác phù hợp, hiệu quả.
Từ khi triển khai thực hiện Chương trình 585, Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp đã thể hiện được vai trò của tổ chức mình, hỗ trợ trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp; tham gia góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện và thực thi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến sản xuất - kinh doanh; tham gia xây dựng, phản biện, triển khai cơ chế, chính sách liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp. Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp đã tham gia góp ý xây dựng chính sách khi các bộ, ngành chức năng xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về:
- Cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh (thủ tục đăng ký doanh nghiệp, điều kiện kinh doanh, đăng ký kinh doanh…);
- Lĩnh vực thuế, như: Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; cải cách trình tự, thủ tục về thuế;
- Tiêu thụ hàng hóa, giúp doanh nghiệp tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm mới, sản phẩm chủ lực; hỗ trợ xuất khẩu;
- Ưu đãi tiếp cận đất công nghiệp ở các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế;
- Hỗ trợ tiếp cận tín dụng, giảm lãi suất tín dụng;
- Hỗ trợ cải thiện môi trường pháp lý, giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật, phòng tránh rủi ro pháp lý, sản xuất - kinh doanh có hiệu quả.
Có thể khẳng định, từ khi có Chương trình 585, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung, DNNVV nói riêng đã thu nhiều kết quả, được các cơ quan, tổ chức, cán bộ quản lý, cán bộ pháp chế, người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động đánh giá cao; giúp cho các cán bộ quản lý, cán bộ pháp chế doanh nghiệp và những người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp có những hiểu biết mới về pháp luật, có kỹ năng công tác, cũng như giải đáp được những thắc mắc trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh để tháo gỡ cho doanh nghiệp; đã tác động đến nhận thức của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các cán bộ quản lý, người lãnh đạo doanh nghiệp, nâng cao kiến thức pháp luật cho người sử dụng lao động và người lao động; giúp cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thuận lợi, đóng góp ngân sách cho quốc gia, cho địa phương và giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
2.2. Một số hạn chế, bất cập trong việc thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp
- Việc lựa chọn chủ đề lớp bồi dưỡng, hội nghị đối thoại, tọa đàm... để đáp ứng được nhu cầu của tất cả các doanh nghiệp là rất khó khăn; nội dung đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp này nhưng có thể không đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp khác và ngược lại. Các chủ đề về hợp đồng thương mại, pháp luật lao động, pháp luật về các loại hình doanh nghiệp, pháp luật về đất đai, pháp luật về thuế… được nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp quan tâm bồi dưỡng nhưng không được tổ chức cùng một chủ đề ở nhiều địa phương, dẫn đến tình trạng phải tổ chức hoạt động với chủ đề mà địa phương đó không muốn lựa chọn. Như vậy, ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả của Chương trình 585 trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
- Phương pháp, hình thức thực hiện hoạt động còn chưa kết hợp hài hòa giữa phương pháp, hình thức truyền thống với hình thức hiện đại. Các hoạt động cung cấp thông tin pháp lý, bồi dưỡng kiến thức pháp luật chưa tận dụng tối đa và phát huy thế mạnh của công nghệ thông tin, công nghệ số.
- Việc mời chuyên gia có trình độ, kiến thức chuyên môn sâu, nhiều kinh nghiệm, có phương pháp, kỹ năng hỗ trợ pháp lý rất khó, do nhiều chuyên gia không sắp xếp được công việc, thời gian, do kinh phí thù lao thấp so với công sức bỏ ra.
- Trình độ, năng lực của đội ngũ những người làm công tác pháp chế ở doanh nghiệp chưa đồng đều, còn cán bộ chưa có trình độ cử nhân luật; nhiều cán bộ pháp chế chỉ được đào tạo kiến thức pháp luật mà không được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, sở hữu trí tuệ, khoa học công nghệ…; thiếu kỹ năng trong thực hiện công tác pháp chế, hỗ trợ pháp lý, tư vấn pháp luật. Chính sách, chế độ đối với cán bộ làm công tác pháp chế, hỗ trợ pháp lý chưa được quan tâm đúng mức.
- Doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm nâng cao kiến thức pháp luật, sử dụng dịch vụ hỗ trợ pháp lý nên không biết có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, quyền được thụ hưởng chính sách hỗ trợ pháp lý của các cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp phục vụ sản xuất, kinh doanh của mình.
- Một số cơ quan, tổ chức ở địa phương chưa thấy hết trách nhiệm của mình trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, không sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ và phối hợp với cơ quan, tổ chức được Ban Quản lý Chương trình 585 giao tổ chức hoạt động.
- Kinh phí dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn hạn chế, định mức còn thấp, nhất là kinh phí chi trả thù lao cho chuyên gia.
Thực tiễn triển khai thực hiện các hoạt động của Chương trình 585 hơn 10 năm qua đặt ra yêu cầu cần có các giải pháp để thực hiện Chương trình mới - Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025 có chất lượng, hiệu quả hơn.
3. Phát huy vai trò của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và một số đề xuất, kiến nghị triển khai hiệu quả Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025
3.1. Phát huy vai trò của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trong việc thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình 585, bên cạnh các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp có vai trò quan trọng. Thực tiễn 10 năm thực hiện Chương trình 585 (giai đoạn 2010 - 2020) đã chứng minh rõ vai trò của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trong việc tổ chức, hướng dẫn, trực tiếp thực hiện các hoạt động của Chương trình 585, góp phần quan trọng vào thành công của chương trình, giúp cho người quản lý, cán bộ các phòng, ban, người sử dụng lao động, người lao động trong doanh nghiệp nâng cao hiểu biết, có kiến thức pháp luật; nhận thức rõ hơn về vai trò của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh; chấp hành và vận dụng pháp luật vào các hoạt động của doanh nghiệp; góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian tới, việc thực hiện Chương trình 585, các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương cần phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp để các tổ chức này làm tốt trách nhiệm của mình, được tham gia hoặc trực tiếp thực hiện các hoạt động:
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về pháp luật, chủ trì, tham gia xây dựng, thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho DNNVV;
- Đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của DNNVV; huy động các nguồn lực để hỗ trợ pháp lý cho DNNVV hội viên;
- Xây dựng, phản biện, triển khai chính sách liên quan đến hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV;
- Đánh giá cơ sở dữ liệu về pháp luật và chương trình hỗ trợ pháp lý cho DNNVV;
- Cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho DNNVV theo quy định của pháp luật và điều lệ của tổ chức mình.
Mỗi tổ chức đại diện cho doanh nghiệp có tôn chỉ, mục đích hoạt động, có chức năng, nhiệm vụ của mình, các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương, chính quyền các cấp ở địa phương tôn trọng và phát huy thế mạnh của mỗi tổ chức, tạo điều kiện để các hội, hiệp hội, câu lạc bộ hoạt động phù hợp với quy định của pháp luật và điều lệ của tổ chức hội, hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
3.2. Một số đề xuất, kiến nghị triển khai hiệu quả Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025
Ngày 19/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 81/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DNNVV giai đoạn 2021 - 2025. Để Chương trình được thực hiện có hiệu quả, ngày 09/02/2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 222/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch triển khai các hoạt động năm 2021 của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DNNVV giai đoạn 2021 - 2025. Kế hoạch được ban hành kịp thời sẽ tạo điều kiện cho Chương trình 585 được triển khai thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước.
Với góc độ của Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp - một tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, xin đề xuất, kiến nghị cụ thể về việc triển khai thực hiện Chương trình 585 như sau:
- Quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc khoản 3 Điều 14 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện các hoạt động sau đây để hỗ trợ pháp lý cho DNNVV:
+ Xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về pháp luật,
+ Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý để cung cấp thông tin, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tư vấn pháp luật.
- Thực hiện có hiệu quả Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV; Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 15/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;
- Quán triệt và tổ chức thực hiện Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 19/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DNNVV giai đoạn 2021 - 2025. Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, có tài liệu giới thiệu Chương trình 585 và hướng dẫn thực hiện để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện thống nhất.
Về cách thức tổ chức thực hiện Chương trình 585, xin kiến nghị:
+ Cung cấp thông tin pháp lý: Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong cung cấp thông tin pháp lý; đăng các văn bản pháp luật mới để doanh nghiệp cập nhật, tham khảo; các bài báo chuyên ngành về các vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp được giải quyết; cung cấp văn bản theo nhu cầu của doanh nghiệp…
+ Tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng công tác pháp chế, kỹ năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, hội nghị đối thoại về các chủ đề pháp luật mà doanh nghiệp quan tâm, thu thập ý kiến của doanh nghiệp trong xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật.
+ Tư vấn pháp luật: Bên cạnh hình thức tư vấn trực tiếp, bằng văn bản, tư vấn các vụ việc cho doanh nghiệp bằng các hình thức có ứng dụng công nghệ thông tin cho doanh nghiệp tham khảo để phù hợp nhu cầu nhanh chóng, tinh giảm thủ tục hành chính như tư vấn qua trang web, facebook của trang thông tin điện tử hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hoặc qua thư điện tử.
- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tạo điều kiện để DNNVV được tham gia góp ý xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến doanh nghiệp; tập hợp ý kiến của DNNVV phản ánh với cơ quan xây dựng chính sách, pháp luật, góp phần hoàn thiện và thực thi pháp luật.
- Tổ chức pháp chế các bộ, ngành giúp đỡ, phối hợp cùng Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp tổ chức các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, cử chuyên gia giới thiệu chính sách, pháp luật về lĩnh vực phụ trách cho doanh nghiệp.
- Chính phủ, bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần xác định doanh nghiệp là trung tâm, ưu tiên bố trí ngân sách thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho DNNVV; cơ quan tài chính hướng dẫn chi tiết việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ pháp lý cho DNNVV.
- Các DNNVV chủ động tìm hiểu, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng vận dụng pháp luật vào sản xuất, kinh doanh; đồng thời tham gia có trách nhiệm vào các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp sẽ triển khai nghiên túc, có trách nhiệm các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV, góp phần nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của pháp luật, ý thức tìm hiểu pháp luật, sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật của doanh nghiệp, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp tiếp tục tổ chức các hoạt động làm cầu nối giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp