Mặc dù đây là nhiệm vụ mới, phức tạp và chưa có kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện, nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp giữa các sở, ngành của tỉnh (đặc biệt là vai trò của cán bộ pháp chế), công tác theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Sau khi Thông tư số 03/2010/TT-BTP ngày 03/3/2010 của Bộ Tư pháp được ban hành, Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 115/KH-UBND ngày 28/9/2010 về việc thực hiện Thông tư số 03/2010/TT-BTP trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch liên ngành số 18/KHLN-VPUBND-STP ngày 27/9/2010 về tập huấn công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Để công tác theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được thực hiện kịp thời, đồng bộ, mang lại kết quả cao, Sở Tư pháp xác định vai trò phối hợp với các sở, ngành là rất quan trọng (trong đó lực lượng cán bộ pháp chế giữ vai trò then chốt, là cầu nối không thể thiếu trong phối hợp thực hiện). Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kiện toàn lại đội ngũ cán bộ pháp chế của các sở, ngành của tỉnh với 45 đồng chí (trong đó có 03 thạc sĩ luật, 20 cử nhân luật, còn lại là trình độ đại học khác) có nhiều kinh nghiệm trong công tác soạn thảo văn bản, có kiến thức và trình độ chuyên môn phù hợp và thực hiện tập huấn công tác theo dõi thi hành pháp luật đối với lực lượng này.
Ngày 04/7/2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế. Có thể nói, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP có ý nghĩa hết sức quan trọng, vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức pháp chế đối với công tác theo dõi thi hành pháp luật đã được khẳng định, là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức pháp chế thực hiện hoặc phối hợp thực hiện trong công tác theo dõi thi hành pháp luật.
Thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP và nhằm củng cố về cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động pháp chế trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 3709/QĐ-UBND ngày 29/11/2011 phê duyệt Đề án “Thành lập tổ chức pháp chế và nâng cao chất lượng hoạt động pháp chế” trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Thông tư số 03/2010/TT-BTP và Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, trong năm 2011 cán bộ pháp chế các sở, ngành tham mưu lãnh đạo Sở thực hiện theo dõi thi hành pháp luật trên các lĩnh vực do ngành mình phụ trách như:
- Hàng năm, cán bộ pháp chế các sở, ngành tham mưu, đề xuất lãnh đạo đơn vị dự kiến các văn bản quy phạm pháp luật của ngành mình ban hành trong năm để đưa vào chương trình xây dựng văn bản của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh. Việc đề xuất của cán bộ pháp chế đã đem lại hiệu quả tích cực, các văn bản do cán bộ pháp chế đề xuất được Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành đạt 80 đến 85%, qua đó góp phần có hiệu quả vào công tác quản lý nhà nước của từng ngành, từng lĩnh vực ở địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Trong công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, cán bộ pháp chế các sở, ngành giữ vai trò trung tâm, các phòng ban của đơn vị giữ vai trò phối hợp. Bên cạnh đó, trong quá trình soạn thảo văn bản nếu gặp khó khăn, vướng mắc, cán bộ pháp chế kịp thời phối hợp với cán bộ pháp chế các sở, ngành có liên quan hoặc Sở Tư pháp để trao đổi, tháo gỡ. Do đó, công tác ban hành văn bản đảm bảo đúng tiến độ, đúng pháp luật, chất lượng không ngừng được nâng lên, phục vụ kịp thời công tác quản lý nhà nước ở địa phương.
- Trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (đặc biệt là thực hiện “Ngày pháp luật”), vai trò của cán bộ pháp chế ngày càng được khẳng định. Hàng tháng, cán bộ pháp chế sở, ngành tham mưu, đề xuất lãnh đạo đơn vị triển khai các văn bản pháp luật mới ban hành hoặc các văn bản pháp luật có liên quan mật thiết đến quyền và lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức... Bên cạnh đó, cán bộ pháp chế còn tham mưu lãnh đạo đơn vị phối hợp với các sở, ngành có liên quan thực hiện việc tuyên truyền pháp luật trong nhân dân...
- Trong công tác rà soát văn bản pháp luật cũng được cán bộ pháp chế quan tâm thực hiện thường xuyên. Do vậy, các quy định pháp luật liên quan đến ngành mình mà không còn phù hợp hoặc mâu thuẫn, chồng chéo được cán bộ pháp chế kịp thời tham mưu lãnh đạo Sở phối hợp với Sở Tư pháp kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới.
Bên cạnh đó, cán bộ pháp chế còn tham mưu lãnh đạo Sở trong việc ban hành các văn bản để hướng dẫn hoặc thực hiện chức năng quản lý trong lĩnh vực ngành tại địa phương như: Trong các quyết định xử phạt vi phạm hành chính và các văn bản khác của các sở, ngành, cán bộ pháp chế tham gia xem xét về mặt pháp lý trước khi cơ quan, người có thẩm quyền ban hành. Do vậy, việc ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và các văn bản khác đảm bảo đúng quy định, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, nội dung theo quy định của pháp luật. Đồng thời, trong thời gian qua, cán bộ pháp chế cũng tham mưu lãnh đạo Sở trong việc tổ chức thực hiện theo dõi thi hành pháp luật theo lĩnh vực chuyên ngành như: Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, quản lý thị trường và giao thông. Qua kết quả theo dõi thi hành pháp luật, cán bộ pháp chế tham mưu cho lãnh đạo báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tư pháp làm đầu mối tổng hợp các kiến nghị, đề xuất và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh) có văn bản kiến nghị cấp có thẩm quyền ở Trung ương đối với những khiếm khuyết của các văn bản quy định về xử phạt vi phạm hành chính như: Một số văn bản chưa có văn bản hướng dẫn hoặc có văn bản hướng dẫn thi hành nhưng chưa cụ thể, rõ ràng, gây nhiều khó khăn khi áp dụng, cụ thể như: Nghị định số 08/2011/NĐ-CP, Nghị định số 15/2010/NĐ-CP, Thông tư số 24/2009/TT-BKHCN, Thông tư số 36/2010/TT-BNNPTNT; nhiều Nghị định xử phạt vi phạm hành chính quy định hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả nhưng không quy định thẩm quyền của Quản lý thị trường theo quy định tại Điều 12 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (đã được sửa đổi, bổ sung).
Đặc biệt, năm 2011, Ủy ban nhân dân tỉnh chọn lĩnh vực bán đấu giá tài sản là lĩnh vực chuyên đề để thực hiện theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Sở Tư pháp phối hợp cùng với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện triển khai thực hiện. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp phối hợp cùng với các sở (lực lượng pháp chế) Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng và Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện theo dõi thi hành pháp luật trên lĩnh vực bán đấu giá tài sản. Qua kết quả theo dõi, cán bộ pháp chế tham mưu lãnh đạo Sở báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tư pháp tổng hợp các ý kiến đóng góp, các kiến nghị, đề xuất và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh) có văn bản kiến nghị Bộ Tư pháp kiến nghị Chính phủ sửa đổi, khắc phục những khiếm khuyết của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, Nghị định số 60/2009/NĐ-CP, Thông tư số 23/2010/TT-BTP như: Cho phép Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện được quyền bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất đối với đất có diện tích và giá trị tài sản nhỏ (ban hành khung giới hạn về diện tích và giá trị tài sản được quyền bán); Khoản 2 Điều 49 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP quy định rút ngắn về thời gian đối với lần bán đấu giá từ lần thứ 02 trở đi; đề nghị bổ sung Điều 32 của Nghị định số 60/2009/NĐ-CP ngày 23/7/2009 của Chính phủ quy định xử phạt đối với hành vi không thông báo cơ quan có thẩm quyền nơi đặt Chi nhánh (theo Nghị định số 17/2010/NĐ-CP phải thông báo cho Sở Tư pháp nơi đặt Chi nhánh)..., nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong công tác quản lý nhà nước về bán đấu giá tài sản.
Năm 2012, Ủy ban nhân dân tỉnh chọn lĩnh vực ưu đãi đầu tư để thực hiện theo dõi thi hành pháp luật chuyên đề và giao cho Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan thực hiện. Thực hiện ý kiến chỉ đạo, Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ngành (lực lượng cán bộ pháp chế) có liên quan như: Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường; Công thương; Khoa học và Công nghệ; Tài chính; Lao động, Thương binh và Xã hội; Cục Thuế; Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh đang triển khai công tác theo dõi.
Có thể nói, trong những năm qua, công tác theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Tiền Giang bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định và có những chuyển biến tích cực; các ngành, các cấp đã ý thức được vai trò, trách nhiệm trong công tác này. Vai trò của cán bộ pháp chế đối với công tác theo dõi thi hành pháp luật ngày càng được thể hiện và phát huy tính hiệu quả; giữa Ngành Tư pháp với cán bộ pháp chế của sở, ngành có mối quan hệ phối hợp tốt trong công tác; nội dung và phương thức theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh ngày càng phong phú, đa dạng được thể hiện trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của các ngành, các cấp. Từ đó, kịp thời phát hiện những khiếm khuyết, những mâu thuẫn, chồng chéo, lạc hậu của quy định pháp luật để kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung; bãi bỏ hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, qua đó, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình áp dụng văn bản, tránh gây khó khăn, phiền hà cho cán bộ, công chức và đặc biệt là nhân dân, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của cả nước. Tuy nhiên, vai trò của cán bộ pháp chế ở một vài đơn vị chưa được phát huy tích cực, trong công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa có cán bộ pháp chế tham gia nên việc soạn thảo còn sơ sài, chất lượng chưa cao; công tác rà soát văn bản đôi lúc chưa kịp thời nên gây khó khăn trong thực hiện văn bản; việc thực hiện chế độ báo cáo về công tác theo dõi thi hành pháp luật đôi lúc chưa được quan tâm nên gặp khó khăn trong việc nắm bắt thông tin về tình hình thực hiện công tác này.
Từ những mặt tích cực và hạn chế trên, thấy rằng, nơi nào lãnh đạo quan tâm, cán bộ pháp chế nhiệt tình với nghề thì vai trò của cán bộ pháp chế được phát huy và tham mưu thực hiện tốt công tác theo dõi thi hành pháp luật theo quy định và ngược lại, nếu lãnh đạo không quan tâm, cán bộ pháp chế không yêu nghề, thì vai trò cán bộ pháp chế mờ nhạt và công tác nơi đó không hiệu quả.
Để phát huy tối đa vai trò tích cực của cán bộ pháp chế trong thời gian tới, Sở Tư pháp phối hợp Sở Nội vụ tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh thành lập Phòng Pháp chế thuộc các sở, ngành của tỉnh; tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ pháp chế; hướng dẫn kịp thời về nghiệp vụ theo dõi thi hành pháp luật, tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh tăng cường, đôn đốc. Đồng thời, xin kiến nghị một số nội dung sau:
- Đề nghị các Bộ, ngành Trung ương tham mưu ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bàn hướng dẫn thi hành phải kịp thời và đồng bộ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình áp dụng văn bản.
- Đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với cán bộ pháp chế theo Điều 12 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP.
Sở Tư Pháp Tiền Giang