Trải qua quá trình xây dựng và phát triển với bao thăng trầm, từ khi là Tập san Pháp chế xã hội chủ nghĩa (năm 1977) ra số đầu tiên (vào tháng 2/1978), đến nay, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã trở thành một thương hiệu, giữ vị thế là tạp chí đầu ngành trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp; đáp ứng tốt yêu cầu là cơ quan ngôn luận, cơ quan thông tin khoa học pháp lý của Bộ Tư pháp, xứng đáng là diễn đàn trao đổi khoa học pháp lý hàng đầu của đất nước. Chặng đường 45 năm qua, với sự nỗ lực của các thế hệ cán bộ, viên chức, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã vượt qua những khó khăn, thử thách tạo được chỗ đứng trong lòng bạn đọc; thực hiện tốt chức năng thông tin, tuyên truyền, trở thành cầu nối giữa Bộ, Ngành Tư pháp với nhân dân và toàn xã hội, trong đó có công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở.
Trong những năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã và đang khẳng định vai trò là một bộ phận không thể tách rời của quá trình xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện pháp luật. Hoạt động PBGDPL được thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau, trong đó, các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí được coi là một trong những kênh truyền tải thông tin pháp luật quan trọng. Một trong những kênh thông tin thực hiện hiệu quả công tác PBGDPL trong thời gian qua, phải kể đến Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.
Theo quy định tại Quyết định số 1244/QĐ-BTP ngày 09/6/2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Tạp chí được xác định là: Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phản ánh, hướng dẫn dư luận xã hội về xây dựng, thực hiện pháp luật và hoạt động tư pháp thông qua hoạt động của Tạp chí.
Có thể nói, trong suốt 45 năm qua, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật không chỉ là diễn đàn nghiên cứu, trao đổi về khoa học pháp lý, thông tin lý luận, nghiệp vụ và thực tiễn trong xây dựng, thực hiện pháp luật và hoạt động tư pháp, mà còn tham gia tích cực, có hiệu quả vào việc thông tin tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, định hướng chiến lược của Ngành Tư pháp trong từng thời kỳ; góp phần phổ biến pháp luật, đáp ứng nhu cầu của nhân dân về nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật, tăng cường pháp chế, phát huy dân chủ, thực hiện công bằng xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Để có được kết quả đó, trong những năm qua, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật đã thường xuyên phối hợp với Tạp chí Dân chủ và Pháp luật xây dựng, xuất bản nhiều ấn phẩm truyền thông nhiệm vụ công tác của đơn vị về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, tiếp cận pháp luật. Số lượng ấn phẩm của Tạp chí về công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, tiếp cận pháp luật được tăng lên hàng năm và trở thành nguồn tài liệu khoa học pháp lý quan trọng được các cơ quan nhà nước và các cơ sở nghiên cứu, đào tạo luật đánh giá rất cao. Các ấn phẩm tạp chí đã thể hiện khá toàn diện các lĩnh vực công tác và nhiệm vụ trọng tâm do Vụ tham mưu Lãnh đạo Bộ Tư pháp thực hiện, đồng thời, các ấn phẩm cũng được thể hiện đa dạng về hình thức như ấn phẩm đặc san, chuyên đề hàng tháng, số đặc biệt của năm, các ấn phẩm chuyên đề 200 trang...
Trong lĩnh vực PBGDPL, số chuyên đề “Thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (200 trang, xuất bản tháng 11/2016) đã phản ánh những thành tựu sau 03 năm đưa Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 vào đời sống xã hội; phân tích sâu sắc về những hạn chế, bất cập và nguyên nhân, từ đó, đưa ra những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL ở nước ta trong thời gian tới. Số chuyên đề “Các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả” (xuất bản quý IV/2018) đã trở thành nguồn tài liệu hữu ích cho công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và nhân rộng các mô hình PBGDPL hiệu quả, chất lượng, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng đơn vị, địa phương trong giai đoạn tiếp theo. Để cung cấp thông tin khoa học cho hoạt động nghiên cứu nói chung, công tác quản lý nhà nước về PBGDPL nói riêng và đặc biệt là hoạt động tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã phối hợp với Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật biên soạn và phát hành ấn phẩm “Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân”.
Để tăng cường truyền thông về Ngày Pháp luật Việt Nam (09/11) hằng năm nhằm tôn vinh tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã tích cực, chủ động phối hợp với Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật xây dựng và xuất bản nhiều ấn phẩm tạp chí như: Số chuyên đề “Ngày Pháp luật Việt Nam” (32 trang, xuất bản tháng 11/2013); Số chuyên đề “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (32 trang, xuất bản tháng 11/2020); đặc biệt, số Tạp chí đặc san “Các mô hình triển khai Ngày Pháp luật thiết thực và hiệu quả” (200 trang, xuất bản tháng 10/2017) đã giới thiệu và đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện các mô hình hưởng ứng và triển khai Ngày Pháp luật có hiệu quả trong thực tiễn thời gian qua, từ đó định hướng nhân rộng triển khai các mô hình trong thời gian tới. Đây là tài liệu có ý nghĩa tổng kết thực tiễn, giúp các bộ, ngành, địa phương có thêm thông tin, tư liệu tham khảo hữu ích trong quá trình triển khai thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam.
Trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở, số chuyên đề “Pháp luật về hòa giải” (200 trang, xuất bản quý III/2012) đã cung cấp những thông tin khoa học về lịch sử, lý luận và thực tiễn pháp lý cần hoàn thiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở, tạo nguồn tham khảo khoa học pháp lý trong quá trình xây dựng dự án Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2012; số chuyên đề “Thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở” (32 trang, xuất bản tháng 7/2014); số chuyên đề “Tổng kết 5 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở” (200 trang, xuất bản quý IV/2019) và số đặc san “Sáu năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở” (200 trang, xuất bản tháng 6/2020) đã đánh giá tổng quan về tình hình triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, từ đó, gợi mở những giải pháp thiết thực nâng cao hiệu quả thực hiện công tác này trong những năm tiếp theo.
Trong lĩnh vực tiếp cận pháp luật, số chuyên đề “Tiếp cận pháp luật” (100 trang, xuất bản tháng 7/2015) đã bàn luận về một số vấn đề cơ bản liên quan đến khái niệm, vị trí, vai trò, nội dung, hình thức tiếp cận pháp luật; các yếu tố ảnh hưởng đến tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở; đồng thời, phản ánh kết quả một năm triển khai đánh giá địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, từ đó, rút ra kinh nghiệm và giải pháp thực hiện cho những năm tiếp theo. Nhằm truyền thông rộng rãi đến bạn đọc những quy định mới về nhiệm vụ đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, qua đó, góp phần nâng cao trách nhiệm thực thi pháp luật ở cấp cơ sở, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật đã phối hợp với Tạp chí Dân chủ và Pháp luật xây dựng, xuất bản chuyên đề “Quy định mới về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật” (32 trang, xuất bản tháng 5/2022).
Bên cạnh đó, Trang thông tin điện tử của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật vẫn được triển khai bài bản, đăng tải kịp thời các sự kiện chính trị - pháp lý của đất nước và Bộ, Ngành Tư pháp; các thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nhiều bài viết nghiên cứu khoa học pháp lý đã được đăng tải thường xuyên hơn, tạo diễn đàn trao đổi khoa học sôi động, làm nền tảng cho sự phát triển Tạp chí điện tử vững chắc sau này.
Những kết quả trong công tác phối hợp nêu trên giữa Tạp chí và Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật là do có được sự chỉ đạo kịp thời, sâu sát, đúng hướng của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, sự bài bản trong điều hành của Lãnh đạo Tạp chí, Lãnh đạo Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật cùng với sự nỗ lực vượt qua khó khăn, thi đua lập thành tích của tập thể cán bộ, viên chức cả hai đơn vị nhằm chung tay xây dựng đơn vị vững mạnh.
Ôn lại lịch sử 45 năm, thời kỳ nào, Tạp chí cũng luôn là nơi hội tụ tri thức, tổng kết thực tiễn và phát triển lý luận về công tác tư pháp và pháp luật, kịp thời phản ánh những diễn biến trong nhận thức, tư duy về pháp luật, phản biện và tham mưu cho công tác hoạch định chính sách của đất nước. Trong công tác PBGDPL, Tạp chí luôn bảo đảm đúng yêu cầu, định hướng của Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2022 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân (Kết luận số 80-KL/TW); Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2022 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân (Quyết định số 1521/QĐ-TTg) về đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL bảo đảm phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng, địa bàn. Nhờ vậy, Tạp chí đã luôn đồng hành cùng bạn đọc và việc “đem đến cho bạn đọc những gì họ cần chứ không phải là những gì mà Tòa soạn có” luôn là phương châm mà Tạp chí Dân chủ và Pháp nỗ lực thực hiện.
Thời gian qua, Tạp chí đã có những đổi mới đáng ghi nhận, thể hiện rõ nét nhất trong việc đề xuất và cho ra đời nhiều số chuyên đề chuyên sâu đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc, thể hiện sự đồng hành, sát cánh cùng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật trong việc phản ánh đa dạng các lĩnh vực hoạt động của đơn vị. Với những kết quả đó, Tạp chí đã và đang đóng góp tích cực, hiệu quả cho công tác PBGDPL nói chung và Bộ, Ngành Tư pháp nói riêng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, đồng thời, góp phần tạo dựng một vị trí xứng đáng trong làng báo chí cách mạng Việt Nam.
Trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền, bảo đảm gắn kết chặt chẽ công tác xây dựng pháp luật với thi hành pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới hiện nay, nhiệm vụ của Ngành Tư pháp ngày càng được mở rộng và khó khăn, phức tạp. Thực hiện yêu cầu tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, tiếp cận pháp luật; để phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, xuất bản, các phương tiện thông tin đại chúng tham gia PBGDPL và truyền thông dự thảo chính sách pháp luật theo yêu cầu tại Kết luận số 80/KL-TW; Quyết định số 1521/QĐ-TTg; Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” và Thông báo số 45/TB-VPCP ngày 18/02/2022 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương, Bộ Tư pháp - Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương đã luôn quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn để công tác truyền thông thực sự là cầu nối quan trọng, hỗ trợ hiệu quả nhiệm vụ PBGDPL cũng như việc thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Bộ, Ngành Tư pháp.
Vì vậy, trong thời gian tới, để phát huy tinh thần hợp tác, phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị chuyên môn với các cơ quan thông tin, báo chí thuộc Bộ trong công tác truyền thông, bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin pháp luật cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật và Tạp chí Dân chủ và Pháp luật sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp nhằm tạo ra nhiều ấn phẩm ấn tượng và hiệu quả trong truyền thông PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, tiếp cận pháp luật, thu hút đông đảo bạn đọc nghiên cứu, tìm hiểu và tiếp nhận thông tin pháp luật.
Về phía Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, để trở thành Tạp chí chuyên ngành hàng đầu, có bản sắc và diện mạo riêng so với một số tờ tạp chí cùng nghiên cứu về pháp luật và tư pháp, trong thời gian tới, Tạp chí cần tiếp tục có sự nỗ lực, đổi mới theo hướng nghiên cứu mở rộng đối tượng bạn đọc; phát triển nội dung, hình thức vừa mang màu sắc của Tạp chí chuyên ngành trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, vừa là kênh thông tin, truyền thông chính sách pháp luật hiệu quả đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, không chỉ đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, các nhà nghiên cứu khoa học, giảng dạy mà cả người dân tại cơ sở, nhất là những “vũng trũng” pháp luật hay những nơi cần “xóa nghèo pháp luật” trên cả nước. Để thực hiện được điều đó, Tạp chí cần tập trung nghiên cứu để có cơ chế thu hút đội ngũ cộng tác viên hoạt động hiệu quả, có chất lượng và đông đảo, nhất là đội ngũ cộng tác viên là người dân tộc thiểu số hoặc người biết tiếng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, việc cụ thể hóa thêm các kênh để cung cấp thông tin, bao gồm cả việc mở rộng, triển khai hiệu quả Tạp chí Dân chủ và Pháp luật điện tử; xây dựng mạng lưới phát hành rộng rãi, các cơ quan đại diện thường trú tại các vùng miền… cũng đang là những yêu cầu, đòi hỏi đặt ra đối với Tạp chí trong bối cảnh hiện tại.
Và cuối cùng, để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới, xin chúc Tạp chí Dân chủ và Pháp luật trở thành đơn vị đi đầu phục vụ công cuộc cải cách tư pháp, cải cách pháp luật, đóng góp tích cực phục vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, xứng đáng với niềm tin yêu của bạn đọc, sự tin tưởng của Lãnh đạo Bộ Tư pháp về một sự khởi sắc thành công trong giai đoạn mới.
Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật