1. Một số nội dung và kết quả nổi bật trong việc triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật tại lực lượng Công an nhân dân
Phát huy vai trò “nòng cốt” trong việc thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo vệ Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay, lực lượng công an nhân dân luôn chú trọng, đẩy mạnh thực hiện các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật dưới các hình thức phong phú, đa dạng, cụ thể:
- Lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và Công an cấp xã luôn đi đầu, xung kích trong việc thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” nhằm thực hiện mục tiêu đẩy mạnh phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia trên các phương tiện thông tin đại chúng về nội dung của Đề án, nhất là những tiện ích mang lại và kết quả thực hiện, tạo sự đồng thuận trong xã hội và nhân dân trong quá trình tham gia thực hiện.
- Lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm đã tổ chức phổ biến, quán triệt cho nhân dân các thông tin, kiến thức, tư vấn về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, tinh thần cộng tác cho nhân dân thông qua các trang mạng xã hội như: “Trị an viên”, “Góc cảnh giác”, “Loa làng”, “Bút xanh”, “Tre xanh”, “Cánh buồm đỏ”, “Diễn đàn pháp luật và nghiệp vụ”… bằng việc đăng tải, chia sẻ hàng nghìn tin, bài viết, hình ảnh tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao, cảnh báo “tín dụng đen” và các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật khác góp phần nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.
- Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã tổ chức phổ biến, quán triệt cho nhân dân các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy, những hành vi bị nghiêm cấm, tổ chức các đợt phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, phòng, chống tội phạm, vận động quần chúng nhân dân tham gia phát hiện, cung cấp thông tin, tố giác tội phạm về ma túy ở địa bàn nhằm phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả loại tội phạm này và các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy.
- Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã tăng cường công tác tham mưu, tư vấn giúp lãnh đạo công an và Ủy ban nhân dân các cấp ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại địa phương; tổ chức triển khai thực hiện tháng cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở để kết hợp sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cũng phối hợp với các đơn vị truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên các phương tiện truyền thông; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở. Ngoài ra, một số đơn vị còn đẩy mạnh việc thực hiện công tác dân vận, tập trung xây dựng, củng cố, phát triển phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn trên các địa bàn trọng điểm, khu dân cư, khu công nghiệp, điển hình như: Công an thành phố Hà Nội đã xây dựng và triển khai hiệu quả các chuyên mục: “Hồ sơ 114”, “An toàn phòng cháy, chữa cháy”, “Phòng cháy, chữa cháy”, “Alo! 114 Hà Nội xin nghe” nhằm giải đáp các quy định của pháp luật liên quan đến phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô; Công an tỉnh Quảng Ninh thường xuyên duy trì các bài viết đăng tải trên các trang mạng xã hội Facebook gồm “PCCC Quảng Ninh”, “Lửa ấm”, “PCCC Quảng Ninh 24/7” nhằm tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy cho người làm việc trên các tàu thủy vận chuyển khách du lịch; Công an tỉnh Thanh Hóa cũng triển khai một số mô hình phổ biến, giáo dục cho người dân như “Khu dân cư an toàn PCCC”, “Chợ, siêu thị, trung tâm thương mại đạt chuẩn về PCCC”, “Cụm doanh nghiệp điển hình về lực lượng PCCC cơ sở”…
Có thể thấy, nội dung công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật do lực lượng công an nhân dân thực hiện luôn bám sát các lĩnh vực của đời sống xã hội như hình sự, dân sự, vi phạm hành chính, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, quản lý căn cước công dân, an ninh trật tự, an toàn xã hội… với phạm vi triển khai rộng lớn. Chính vì vậy, công tác này đã bước đầu đạt được một số kết quả nổi bật như: Trong năm 2023 và 06 tháng đầu năm 2024, công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức được 175.720 cuộc phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp với 11.809.291 lượt người tham dự; tổ chức được 230 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với gần 176.510 lượt người thi; biên soạn, phát hành được 3.610.529 bản tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có hơn 80.000 tài liệu được đăng tải trên internet. Đối với các đối tượng đặc thù, trong năm 2023, các trại giam đã tổ chức giáo dục chung được 108.599 lần cho 3.827.814 lượt phạm nhân, giáo dục riêng được 264.158 lượt cho 194.778 phạm nhân; tổ chức được 2.047 lớp cho 1.222.462 lượt phạm nhân tham gia học tập thời sự, chính trị; tổ chức được 2.346 lớp cho 737.392 lượt phạm nhân học tập, giáo dục pháp luật, nội quy trại giam; 876 lớp cho 181.063 lượt phạm nhân học tập về phòng, chống tác hại của ma túy, phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS; 199 lớp cho 5.291 phạm nhân học văn hóa, xóa mù chữ, cấp chứng chỉ xóa mù chữ cho 957 phạm nhân… Trong 06 tháng đầu năm 2024, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục được đẩy mạnh, theo đó, các trại giam đã tổ chức 3.291 lớp tuyên truyền thời sự, chính trị cho 2.705.164 lượt phạm nhân; 2.376 lớp giáo dục pháp luật, nội quy cơ sở giam giữ cho 1.188.439 lượt phạm nhân; 730 lớp tuyên truyền phòng, chống tác hại của ma túy, phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS cho 309.200 lượt phạm nhân…
Ngoài ra, các lực lượng công an tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện công tác tuyên truyền về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông với nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả như phối hợp với các cơ quan báo, đài trung ương và địa phương trong hoạt động tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh; phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; tổ chức tuyên truyền lưu động bằng xe ô tô, xe mô tô trên các tuyến đường trọng điểm; duy trì tuyên truyền trên màn hình LED, panô, áp phích; chuyên trang, chuyên mục trên các báo, đài, truyền hình… đồng thời cũng tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký, quản lý phương tiện, xử lý vi phạm hành chính. Điển hình như: Công an tỉnh Bình Định đã triển khai, nhân rộng các mô hình “An toàn giao thông gắn với tập huấn nâng cao kỹ năng lái xe an toàn”, “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”, “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ”, “Doraemon với an toàn giao thông”; Công an tỉnh Phú Yên đã tích cực chia sẻ tin, bài trên Facebook và phối hợp với các trường học trên địa bàn tỉnh ký kết mô hình “Văn hóa giao thông trường học”; Công an tỉnh Điện Biên đã triển khai, nhân rộng có hiệu quả mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”; Công an tỉnh Nghệ An đã tổ chức lễ ký kết, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo cho ra mắt mô hình điểm “Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng sống trong các trường học”… nhằm đẩy mạnh truyền thông về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.
2. Một số khó khăn, bất cập
Trong thời gian qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho mọi tầng lớp nhân dân đã được các lực lượng công an nhân dân triển khai một cách nghiêm túc, bài bản, hiệu quả. Tuy nhiên, từ thực tiễn cho thấy một số khó khăn, bất cập khi thực hiện công tác này, cụ thể:
Một là, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật tuy có nhiều đổi mới nhưng tại một số đơn vị vẫn chưa theo kịp tình hình thực tiễn, đôi lúc còn nặng nề về hình thức, chưa chú trọng tới hiệu quả, thiếu linh hoạt trong việc lựa chọn hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với trình độ của người dân và đặc thù của địa bàn, từ đó chưa thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân. Mặt khác, các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật mới, hiệu quả đôi khi còn chưa được nhân rộng; công tác phối hợp tại một số đơn vị có lúc còn hạn chế, dẫn đến chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đạt yêu cầu.
Hai là, đội ngũ báo cáo viên pháp luật và cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn thiếu về số lượng, chủ yếu là kiêm nhiệm, chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số cán bộ thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa sử dụng thành thạo tiếng dân tộc nên gặp khó khăn trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng là người dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, phương tiện dành cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là những địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật mặc dù đã được tăng cường triển khai nhưng vẫn còn chưa được phổ biến rộng.
Ba là, một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng công an lại nằm trong nhóm bí mật nhà nước, vì vậy, các nội dung tuyên truyền luôn phải được chọn lọc, lựa chọn một cách kỹ càng, cẩn thận. Điều này làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gặp phải một số khó khăn khi muốn tuyên truyền các nội dung này đầy đủ, rộng rãi, dẫn đến có những trường hợp người dân không hiểu và nắm bắt được đầy đủ các quy định, từ đó hiểu sai, thực hiện không đúng hoặc thực hiện các hành vi trái pháp luật. Do vậy, việc thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương đối với một số nội dung chưa đạt hiệu quả.
3. Kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Thứ nhất, cần đẩy mạnh hơn nữa vai trò của các đơn vị lực lượng Công an nhân dân trong việc phối hợp thực hiện các hoạt động, tạo sự liên kết trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ giao nói riêng và các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung nhằm động viên, phát huy tối đa mọi nguồn lực thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Mặt khác, lãnh đạo các đơn vị cần nghiên cứu tăng cường kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu pháp luật điện tử nhằm đáp ứng yêu cầu công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong tình hình mới.
Thứ hai, một trong những nhân tố quan trọng quyết định đến chất lượng, hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là con người. Điều này đặt ra vấn đề về việc tăng cường xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật vững mạnh cả về số lượng và chất lượng, có phẩm chất chính trị tốt, trình độ chuyên môn vững vàng, có kỹ năng truyền đạt, am hiểu pháp luật và kiến thức xã hội, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Theo đó, lãnh đạo các đơn vị cần ban hành các cơ chế, chính sách trong việc mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; cần có các hình thức khen thưởng, động viên kịp thời đối với những cá nhân, tổ chức có nhiều thành tích trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân tích cực thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần tăng cường hiệu quả của công tác này.
Thứ ba, mục đích của của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là giúp các tổ chức, cá nhân nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, do đó, nội dung liên quan đến quy định của pháp luật điều chỉnh các vấn đề của đời sống - xã hội cần phải được phổ biến rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, lãnh đạo các đơn vị cần nghiên cứu ban hành các văn bản hướng dẫn cách thức thực hiện tuyên truyền đối với các văn bản quy phạm pháp luật thuộc nhóm bí mật nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng công an trong việc triển khai nội dung này, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật./.
Thùy Dung
Ảnh: Internet
[1]. Bài viết sử dụng tài liệu phục vụ buổi làm việc của đoàn kiểm tra của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tại Bộ Công an ngày 21/8/2024.