Trong giai đoạn 2011 - 2015, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố tăng bình quân 9,6%/năm, gấp 1,63 lần bình quân cả nước, cao hơn chỉ tiêu Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020 đề ra (1,5 lần); thu nhập bình quân đầu người đạt 5.122 USD/người, gấp 2,37 lần bình quân cả nước; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 1,19 triệu tỉ đồng, gấp 02 lần giai đoạn 2006 - 2010. Thành phố đóng góp bình quân 27% tổng thu ngân sách quốc gia và gần 21% GDP toàn quốc[1]. Để có thể duy trì tốc độ phát triển nêu trên, một trong những yếu tố quan trọng là năng suất lao động của thành phố, trong đó có năng suất lao động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải cao. Theo thống kê của trung ương và thành phố, năm 2017, năng suất lao động của thành phố cao gấp 2,7 lần năng suất lao động bình quân cả nước, trong đó, năng suất lao động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố gấp 1,5 lần năng suất lao động bình quân cả nước[2].
Khái quát những đặc điểm nêu trên để thấy rằng, việc phát huy được vai trò, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố trong thực thi nhiệm vụ là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của thành phố. Trong đó, không thể không kể đến vai trò, sự đóng góp của đội ngũ công chức, viên chức trẻ đang công tác tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, các cấp chính quyền thành phố đã quan tâm, đề ra nhiều giải pháp để phát triển đội ngũ công chức, viên chức trẻ. Trong phạm vi bài viết này, dưới góc nhìn của một công chức trẻ, tác giả chia sẻ những vấn đề thực tiễn qua quá trình phát huy vai trò, năng lực của công chức, viên chức trẻ đang công tác tại các cơ quan tư pháp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh với mong muốn sẽ góp một phần nhỏ nhằm tìm ra những giải pháp tổng thể chung để phát huy vai trò của công chức, viên chức trẻ đang công tác trong Ngành Tư pháp.
Theo tác giả, có 09 vấn đề cơ bản đã được quan tâm, thực hiện trong nhiều năm qua để phát huy vai trò, năng lực của công chức, viên chức trẻ làm công tác tư pháp tại thành phố, cụ thể:
Thứ nhất, nguồn nhân lực trẻ phục vụ cho công tác tư pháp trên địa bàn thành phố trong những năm qua có chất lượng tốt, tiếp cận được công việc nhanh, có tư duy trong quản lý, xử lý công việc
Việc xây dựng được nguồn nhân lực này xuất phát từ việc đổi mới công tác giáo dục, đào tạo sinh viên chuyên ngành luật tại các trường đại học trên địa bàn thành phố. Nhiều trường đào tạo sinh viên luật trên địa bàn thành phố thường xuyên đổi mới nội dung, chương trình đào tạo một cách bài bản, tiệm cận với kiến thức, kỹ năng thực tế, kết hợp học tập lý thuyết với thực hành xã hội. Bên cạnh học tập tại giảng đường, nhiều câu lạc bộ, đội nhóm, các khóa đào tạo kỹ năng, các hội thi học thuật… được tổ chức, duy trì thường xuyên đã mang đến cho sinh viên lượng kiến thức rất phong phú, đa dạng, gắn kết được lý thuyết với thực hành. Ngoài ra, nhiều đơn vị còn chủ động liên hệ với các cơ quan tư pháp để gửi sinh viên năm thứ nhất, năm thứ hai đi kiến tập để tích lũy kiến thức thay vì chờ đến hết 04 năm học mới cho sinh viên đi thực tập.
Công tác tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo người trẻ khi đã trở thành công chức, viên chức luôn được thành phố quan tâm, thực hiện. Hàng năm, Sở Nội vụ thành phố phối hợp với các trường, học viện tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức, viên chức; kết hợp đào tạo chuyên môn với trình độ ngoại ngữ, trình độ lý luận chính trị[3]. Các chương trình đào thạc sỹ, tiến sỹ của thành phố trong nhiều năm qua đã phát huy tác dụng rất tích cực, cung cấp cho thành phố nhiều cán bộ trẻ có năng lực, tư duy, trình độ và bản lĩnh.
Thứ hai, công tác tuyển chọn, thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức vào làm việc tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn thành phố nói chung và các cơ quan tư pháp nói riêng được thực hiện rất công khai, bài bản, nghiêm túc
Việc thi tuyển, xét tuyển được cụ thể hóa đến từng chức danh, vị trí công tác, vừa giúp cho thí sinh lựa chọn được ngành nghề, vị trí làm việc phù hợp với năng lực, sở trường của mình, vừa giúp các cơ quan có nhu cầu tuyển dụng tìm được người có năng lực vào làm việc. Thực tế các đợt thi tuyển, xét tuyển diễn ra trong những năm qua cho thấy cách thức ra đề thi tuyển, tiêu chí xét tuyển được thực hiện rất khoa học, đảm bảo có tính phân loại cao, kết hợp đánh giá việc hiểu biết kiến thức với khả năng tư duy, giải quyết vấn đề thực tế. Ngoài ra, từ tháng 11/2017, thành phố cũng bỏ điều kiện “có hộ khẩu thường trú tại thành phố” khi tuyển dụng công chức và xếp lương khi bổ nhiệm ngạch[4]. Điều này giúp thành phố mở rộng khả năng thu hút người trẻ có năng lực đến làm việc cho thành phố, từ đó có được nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ ba, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có sự tin tưởng, giao việc cho công chức, viên chức trẻ
Vấn đề giao việc căn cứ vào khả năng thực tế làm việc của từng cá nhân, trong đó, mạnh dạn giao những việc khó, mang tính phức tạp để công chức, viên chức trẻ có sự đầu tư, nghiên cứu, tham mưu thực hiện và thể hiện được năng lực của mình. Ngoài ra, khi công chức, viên chức trẻ mới vào làm việc tại các cơ quan tư pháp, lãnh đạo luôn phân công cán bộ có năng lực, kinh nghiệm tốt trực tiếp định hướng, hướng dẫn công việc để người trẻ có sự tiếp cận, hòa nhập, nắm bắt công việc tốt. Nhờ vậy, lực lượng trẻ trong cơ quan thường có sự trưởng thành nhanh cả về chuyên môn, kinh nghiệm công tác và bản lĩnh nghề nghiệp. Bên cạnh đó, việc trẻ hóa lực lượng lãnh đạo cũng được quan tâm, thực hiện thường xuyên với tinh thần công khai, nghiêm túc, đúng tiêu chuẩn, quy định và phải xứng đáng. Thực tế tại Sở Tư pháp thành phố cho thấy, nhiều phó trưởng phòng chuyên môn được bổ nhiệm khi còn rất trẻ, nhiều trường hợp có tuổi đời dưới 30 và có trường hợp bổ nhiệm thông qua thi tuyển chức danh lãnh đạo[5]. Điều này đã tạo luồng sinh khí mới, kích thích người trẻ phấu đấu, hăng say lao động, dành tâm trí, sức lực của mình cho công việc được giao.
Thứ tư, công tác chia sẻ, định hướng, ổn định tư tưởng được quan tâm thực hiện thường xuyên, có chiều sâu và mang lại hiệu quả cao
Tại mỗi cơ quan, đơn vị, từ lãnh đạo cao nhất đến từng phòng, ban chuyên môn đều rất chú trọng đến việc nắm bắt suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của công chức, viên chức trẻ để có sự chia sẻ, định hướng kịp thời. Thủ trưởng, lãnh đạo trong cơ quan không chỉ là “sếp” trong công việc mà còn là người thầy, người anh, người bạn của công chức, viên chức trẻ khi cần. Sự đồng hành, cùng hỗ trợ giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống, gia đình, công việc… là liều thuốc vô cùng quý giá giúp công chức, viên chức trẻ ổn định tư tưởng, yên tâm công tác.
Thứ năm, trong quản lý, điều hành công việc, thủ trưởng cơ quan, lãnh đạo phòng, ban chuyên môn luôn chú trọng đến việc phân công, giao việc khoa học, hợp lý
Trong bối cảnh số lượng, mức độ phức tạp, sự đòi hỏi hiệu quả cao ngày càng tăng của công việc và số lượng công chức, viên chức ngày càng ít đi qua chủ trương tinh giản biên chế thì việc quản lý, giao việc như thế nào để đảm bảo tiến độ, chất lượng công việc nhưng không làm cho nhân viên bị quá tải là cả một “nghệ thuật” quản lý, là điều mà các lãnh đạo luôn luôn quan tâm tìm tòi, áp dụng. Thực tế cho thấy, khi công chức, viên chức trẻ được giao việc hợp lý, đúng sở trường; kết hợp giữa làm việc cá nhân và làm việc theo nhóm; có không gian để tư duy, nhìn nhận, làm mới vấn đề thì hiệu quả công việc sẽ rất cao.
Thứ sáu, môi trường làm việc chuyên nghiệp, thoải mái thường xuyên được chú trọng xây dựng
Đó là việc quán triệt, thực hiện tốt các tiêu chuẩn công sở văn minh, xanh, sạch, đẹp; văn hóa trong giao tiếp, ứng xử; chấp hành nội quy, giờ giấc, trang phục làm việc, thái độ ứng xử… khi mỗi cá nhân đến công tác, nhất là những công chức, viên chức trẻ vốn còn ít kinh nghiệm làm việc. Thành phố đã có quy định liên quan đến quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập[6]. Việc thực hiện các quy tắc ứng xử này đang góp phần rất quan trọng trong việc xây dựng môi trường làm việc tốt, thu hút người trẻ cùng tham gia, thực hiện.
Thứ bảy, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, xử lý công việc được xác định là giải pháp đột phá, rất quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý, xử lý công việc
Công chức, viên chức trẻ với lợi thế về kiến thức, kỹ năng tin học và khả năng tiếp thu nhanh chính là lực lượng quan trọng để phát huy hiệu quả của các chương trình, phần mềm tin học trong công tác. Công nghệ thông tin đã hỗ trợ rất nhiều cho người trẻ trong việc tiết kiệm thời gian, công sức và mở rộng kiến thức, tư duy khi giải quyết các công việc được giao. Lãnh đạo thành phố luôn có chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, xử lý công việc với rất nhiều dự án, hạng mục công nghệ thông tin được phê duyệt, bố trí kinh phí thực hiện hàng năm. Hiện nay, thành phố đang khẩn trương tiến hành xây dựng đô thị thông minh nhằm hướng đến bốn mục đích là: Phát triển kinh tế cao và bền vững, môi trường sống của người dân tốt, hạ tầng, chất lượng không khí tốt. Với thành phố thông minh, bản thân người dân cũng phát huy tối đa quyền của mình bằng cách tham gia giám sát chính quyền[7]. Đây chính là điều kiện, lợi thế lớn để người trẻ phát huy vai trò, năng lực của mình.
Thứ tám, thành phố trong nhiều năm qua luôn quan tâm đến thu nhập và chế độ đãi ngộ đối với công chức, viên chức trẻ
Muốn phát huy được năng lực của công chức, viên chức trẻ thì một trong những giải pháp quan trọng là đảm bảo được những nhu cầu sống cơ bản của họ tại một thành phố lớn, có mức sống, nhu cầu và mức chi tiêu vốn cao hơn nhiều nơi khác. Thấu hiểu được điều này, các cơ quan tư pháp luôn đề ra nhiều chương trình đãi ngộ, nhiều chính sách khuyến khích tăng thu nhập ngoài lương cho công chức, viên chức, nhất là người trẻ. Các quy định, chính sách này được xây dựng, thực thi công khai, công bằng, minh bạch, đúng quy định đã tạo động lực lớn cho người trẻ an tâm công tác. Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh, trong đó, có quy định về tăng thu nhập cho công chức, viên chức, thành phố đã nhanh chóng ban hành các quy định để cụ thể hóa và thực hiện. Theo đó, từ năm 2018 đến năm 2020, mỗi năm, hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm tối đa là 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ[8]. Công chức, viên chức trẻ tại thành phố rất phấn khởi và được tiếp thêm nhiều động lực phấn đấu làm việc từ chính sách này.
Thứ chín, phát huy vai trò của đoàn thể mà trọng tâm là Đoàn Thanh niên trong việc định hướng, xây dựng môi trường và thực hiện các chương trình, phong trào hành động nhằm phát huy năng lực của công chức, viên chức trẻ trong công tác chuyên môn
Tổ chức Đoàn Thanh niên tại thành phố nói chung và tại các cơ quan tư pháp nói riêng trong những năm qua hoạt động rất mạnh mẽ, hiệu quả với rất nhiều những chương trình, kế hoạch giúp đoàn viên, thanh niên phát triển nghề nghiệp. Tại Đoàn Thanh niên Sở Tư pháp thành phố, hàng loạt chương trình, kế hoạch, nội dung đã được xây dựng, triển khai hiệu quả trong nhiều năm qua như: Phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo” với phương châm “Mỗi Đoàn viên một việc làm thiết thực, mỗi cơ sở đoàn một công trình thanh niên”, “Vận động mỗi đoàn viên, thanh niên một ý tưởng vì sự phát triển của Sở Tư pháp”; tổ chức định kỳ “Ngày thứ bảy tình nguyện giải quyết thủ tục hành chính”, chương trình “Giờ thứ 9”, phát động cán bộ, công chức, viên chức trẻ xung kích, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tích cực tham gia góp phần xây dựng đô thị thông minh; chương trình “Nụ cười công chức” gắn với nội dung “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, nói đi đôi với làm”; “Cán bộ đoàn gương mẫu trong công tác đoàn và công tác chuyên môn”; chương trình “giữ vững và quảng bá thương hiệu Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh”… đã tạo môi trường, không khí sôi nổi, thiết thực cho đoàn viên, thanh niên của Sở phấn đấu, rèn luyện, phát huy vai trò, năng lực của mình.
Ngoài ra, nhiều công trình thanh niên gắn với chuyên môn do chính đoàn viên, thanh niên Sở Tư pháp thực hiện đã tạo tiếng vang trong thanh niên thành phố như: Thực hiện Chương trình truyền hình “10 phút tiếp dân” nhằm tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các thủ tục hành chính; phong trào “Chống sa lông - không thực tiễn” với giải thưởng “Ngòi bút Lửa” để tuyên dương những đoàn viên là phóng viên xông pha vào thực tiễn, sống dấn thân để đem về những bài viết mang chất liệu cuộc sống, mạnh mẽ đấu tranh chống tiêu cực bảo vệ cái đúng; công trình “Xung kích thực hiện hướng dẫn, giải quyết hồ sơ công chứng và trợ giúp pháp lý tại nhà đối với người già yếu, neo đơn, người bị khuyết tật, người đang bị bệnh hiểm nghèo, phụ nữ mang thai”… Việc đề ra, thực hiện các công trình này chứng tỏ được bản lĩnh, sức sáng tạo của người trẻ trong một thành phố năng động, phát triển.
Việc thực hiện đồng bộ các nội dung, giải pháp nêu trên tại thành phố trong những năm qua, đã phát huy được tác dụng tích cực trong việc thu hút được nhiều cán bộ trẻ, có khả năng làm việc và trình độ chuyên môn tốt tham gia đội ngũ công chức, viên chức làm công tác tư pháp trên địa bàn thành phố; đồng thời phát huy được vai trò, năng lực của đội ngũ này trong công tác, đóng góp một phần quan trọng cho sự phát triển của thành phố nói chung và công tác tư pháp của thành phố nói riêng.
Bí thư Đoàn Thanh niên Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh
[1]. Trích Kết luận của Bộ Chính trị về sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020.
[2]. Số liệu trích từ dự thảo “Cơ chế, chính sách đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh để thành phố phát triển nhanh, bền vững hơn, vì cả nước” được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.
[3]. Các lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, ứng xử nơi công sở; bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn; bồi dưỡng kiến thức hội nhập quốc tế; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước; các lớp trung cấp chính trị… (Nguồn Trang Thông tin điện tử Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh, http://sonoivu.hochiminhcity.gov.vn).
[4]. Quyết định số 43/2017/QĐ-UBND ngày 24/8/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về việc bãi bỏ văn bản.
[5]. Năm 2015, Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thi tuyển chức danh Phó Chánh văn phòng Sở và Phó Phòng phổ biến, giáo dục pháp luật.
[6]. Quyết định số 67/2017/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành quy định về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
[7]. Đề án “Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025” do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành và công bố tháng 11/2017.
[8]. Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND ngày 16/3/2018 của Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về ban hành quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý.