1. Cơ sở lý luận về phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam trong bối cảnh thực hiện Net Zero
1.1. Khái niệm nguồn nhân lực
Từ lâu, nguồn nhân lực luôn là chủ đề được các nhà khoa học và doanh nghiệp quan tâm, được nghiên cứu dưới nhiều góc độ với những tiêu chí khác nhau, do đó cũng có rất nhiều khái niệm khác nhau được đặt ra. Chẳng hạn như:
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nguồn nhân lực của một quốc gia là toàn bộ những người trong độ tuổi có khả năng tham gia lao động. Như vậy, nguồn nhân lực được hiểu theo hai nghĩa: Theo nghĩa rộng, nguồn nhân lực là nguồn cung cấp sức lao động cho sản xuất xã hội, cung cấp nguồn lực con người cho sự phát triển. Do đó, nguồn nhân lực bao gồm toàn bộ dân cư có thể phát triển bình thường. Theo nghĩa hẹp, nguồn nhân lực là khả năng lao động của xã hội, là nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm các nhóm dân cư trong độ tuổi lao động, có khả năng tham gia vào lao động, sản xuất xã hội, tức là toàn bộ các cá nhân cụ thể tham gia vào quá trình lao động, là tổng thể các yếu tố về thể lực, trí lực của họ được huy động vào quá trình lao động[1].
Bên cạnh đó, trong “Public Administration and Public affairs”, tác giả Nicolas Henry có viết rằng:“Nguồn nhân lực là nguồn lực con người của những tổ chức (với quy mô, loại hình, chức năng khác nhau) có khả năng và tiềm năng tham gia vào quá trình phát triển của tổ chức cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, khu vực, thế giới”[2]. Mặt khác, theo nhóm tác giả George T. Milkovich và John W. Boudreau - Human Resources Management thì:“Nguồn nhân lực là tổng thể các yếu tố bên trong và bên ngoài của mỗi cá nhân bảo đảm nguồn sáng tạo cũng các nội dung khác cho sự thành công, đạt mục tiêu chung của tổ chức”[3]. Trong khi đó, PGS.TS. Trần Xuân Cầu và PGS.TS. Mai Quốc Chánh cho rằng: “Nguồn nhân lực là nguồn lực con người có khả năng sáng tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội được biểu hiện ra là số lượng và chất lượng nhất định tại một thời điểm nhất định”[4].
Từ đó, có thể rút ra được khái niệm tổng quát về nguồn nhân lực như sau: Nguồn nhân lực là quy mô số lượng và chất lượng của con người trong một tổ chức hay một xã hội, bao gồm sức lực, kiến thức, khả năng, hành vi ứng xử và giá trị đạo đức để thành lập, duy trì và phát triển tổ chức của mình.
1.2. Khái niệm phát triển nguồn nhân lực
Về phát triển nguồn nhân lực cũng có nhiều khái niệm khác nhau ở các góc độ vĩ mô và vi mô như sau:
Trong cuốn “The handbook of human resource development” của tác giả Leonard Nadler: “Phát triển nguồn nhân lực là các kinh nghiệm học tập có tổ chức được diễn ra trong những khoảng thời gian nhất định nhằm tăng khả năng cải thiện kết quả thực hiện công việc, tăng khả năng phát triển của tổ chức và cá nhân”[5]. Mặt khác, theo nhóm tác giả Henry J. Sredl và Willam J. Rothwell trong quyển “The ASTD reference guide to professional training roles and competencies” thì: “Phát triển nguồn nhân lực đề cập đến kinh nghiệm học tập có tổ chức do người chủ doanh nghiệp tài trợ. Nó được thiết kế và thực hiện với mục tiêu nâng cao kết quả thực hiện công việc và cải thiện điều kiện con người thông qua việc đảm bảo kết hợp giữa mục tiêu của tổ chức và mục tiêu cá nhân”[6]. Trong khi đó, theo quyển “Principles of human resource development”, tác giả Jerry W. Gilley cho rằng: “Phát triển nguồn nhân lực là quá trình thúc đẩy việc học tập có tính tổ chức, nâng cao kết quả thực hiện công việc, và tạo ra thay đổi thông qua việc tổ chức thực hiện các giải pháp (chính thức và không chính thức), các sáng kiến và các hoạt động quản lý nhằm mục đích nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức, khả năng cạnh tranh và đổi mới”[7].
Ở Việt Nam cũng có rất nhiều nhà khoa học nghiên cứu về khái niệm của phát triển nguồn nhân lực, trong đó có Luận án Tiến sỹ “Phát triển nguồn nhân lực trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế” (2009) của tác giả Lê Thị Mỹ Linh cho rằng:“Phát triển nguồn nhân lực là quá trình thúc đẩy việc học tập có tính tổ chức nhằm nâng cao kết quả thực hiện công việc và tạo ra thay đổi thông qua việc thực hiện các giải pháp đào tạo, phát triển, các sáng kiến và các biện pháp quản lý với mục đích phát triển tổ chức và phát triển cá nhân”[8]. Tiếp đến, theo Luận án Tiến sỹ “Phát triển nguồn nhân lực thông qua giáo dục và đào tạo ở một số nước Đông Á - Kinh nghiệm đối với Việt Nam” (2002) của tác giả Lê Thị Ái Lâm thì: “Phát triển nguồn nhân lực là các hoạt động nhằm nâng cao và khuyến khích đóng góp tốt hơn kiến thức và thể lực của người lao động, đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu sản xuất”[9]. Bên cạnh đó, theo Giáo trình Kinh tế nguồn nhân lực của trường Đại học Kinh tế quốc dân do PGS.TS. Trần Xuân Cầu chủ biên năm 2008 thì khái niệm phát triển nguồn nhân lực được đề cập như sau: “Phát triển nguồn nhân lực là quá trình phát triển thể lực, trí lực, khả năng nhận thức và tiếp thu kiến thức tay nghề, tính năng động xã hội và sức sáng tạo của con người; nền văn hóa; truyền thống lịch sử... Với cách tiếp cận phát triển từ góc độ xã hội, phát triển nguồn nhân lực là quá trình tăng lên về mặt số lượng (quy mô) nguồn nhân lực và nâng cao về mặt chất lượng nguồn nhân lực, tạo ra cơ cấu nguồn nhân lực ngày càng hợp lý. Với cách tiếp cận phát triển từ góc độ cá nhân, phát triển nguồn nhân lực là quá trình làm cho con người trưởng thành, có năng lực xã hội (thể lực, trí lực, nhân cách) và tính năng động xã hội cao”[10].
Từ đó, có thể rút ra kết luận, thực chất của việc phát triển nguồn nhân lực là tìm cách nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực. Nói cách khác, nếu tăng quy mô là tăng số lượng nguồn nhân lực thì phát triển nguồn nhân lực là quan tâm đến chất lượng của nguồn nhân lực đó.
1.3. Đặc trưng cơ bản của nguồn nhân lực ở Việt Nam trong bối cảnh thực hiện Net Zero
Hiện nay, dân số nước ta hơn 98 triệu người, trong đó tỷ lệ tham gia lực lượng lao động chiếm khoảng 68,7%[11]. Cụ thể, nguồn nhân lực nông dân có gần 62 triệu người, chiếm hơn 70% dân số; nguồn nhân lực công nhân là 9,5 triệu người (gần 10% dân số); nguồn nhân lực trí thức, tốt nghiệp từ đại học, cao đẳng trở lên là hơn 2,5 triệu người, chiếm khoảng 2,15% dân số; nguồn nhân lực từ các doanh nghiệp khoảng 2 triệu người, trong đó, khối doanh nghiệp trung ương gần 1 triệu người…[12]. Sự xuất hiện của giới doanh nghiệp trẻ được xem như một nhân tố mới trong nguồn nhân lực, đây là một lợi thế vô cùng thuận lợi để chúng ta khai thác, sử dụng vào các mục đích phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ cho sự nghiệp dựng xây, kiến thiết đất nước. Với tốc độ tăng dân số khá cao, hàng năm có khoảng 1,5 tới 1,7 triệu lao động trẻ tham gia thị trường lao động[13]. Do vậy, nói chung, cung lao động trên thị trường lao động Việt Nam rất dồi dào và lớn hơn cầu về lao động.
Trong bối cảnh thực hiện Net Zero, nước ta đang hình thành 02 loại hình nhân lực chính đó là nhân lực phổ thông và nhân lực chất lượng cao. Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi duy trì ở mức thấp và giảm dần[14]. Tuy tỷ lệ lao động qua đào tạo được cải thiện, ước tính đạt 64,5% năm 2020, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 24,5%, tăng so với năm 2015 (19,9%)[15] nhưng tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo lại cao và chất lượng lao động không đồng đều giữa các vùng. Cụ thể, có đến gần 77% người lao động trong độ tuổi lao động chưa được đào tạo nghề, hoặc được đào tạo thì còn hạn chế về kỹ năng nghề nghiệp và chất lượng lao động ở khu vực thành thị cao hơn so với ở khu vực nông thôn[16].
Thông cáo báo chí về tình hình lao động, việc làm quý I/2021 của Tổng cục Thống kê cho biết, so với quý IV/2020 và quý I/2021, tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đều tăng. Ngược lại, tỷ trọng lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng quý I lại có dấu hiệu giảm[17]. Điều này dẫn đến tình trạng cơ cấu phân bổ lao động theo ngành nghề cũng mất cân đối. Các ngành kỹ thuật - công nghệ, xây dựng chiếm tỷ trọng thấp, trong khi đó, các ngành dịch vụ lại quá cao. Nhiều ngành nghề, lĩnh vực có tình trạng vừa thừa, vừa thiếu nhân lực. Những lĩnh vực hiện đang thiếu lao động như: Kinh doanh tài chính, ngân hàng, kiểm toán, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, cơ khí chế tạo...
Có thể nhận thấy, nguồn nhân lực Việt Nam nói chung và nguồn nhân lực Việt Nam trong bối cảnh thực hiện Net Zero nói riêng đều có những đặc điểm cơ bản sau: (i) Nguồn nhân lực trẻ, tỷ lệ nam - nữ khá cân cân bằng; (ii) Nguồn nhân lực có quy mô lớn, tăng nhanh hàng năm; (iii) Cơ cấu nguồn nhân lực phân bổ còn chưa hợp lý giữa thành thị - nông thôn, giữa các vùng, miền lãnh thổ; các thành phần kinh tế và giữa các ngành kinh tế; (iv) Nguồn nhân lực Việt Nam có tỷ lệ thất nghiệp cao ở khu vực thành thị và thời gian lao động thấp ở khu vực nông thôn không; (v) Nguồn nhân lực Việt Nam có năng suất lao động và thu nhập thấp; (vi) Nguồn nhân lực Việt Nam có trình độ văn hóa, chuyên môn, kỹ thuật còn thấp, bố trí không đều, sức khỏe vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường[18]. Nhìn vào bức tranh tổng thể cho thấy, nguyên nhân dẫn đến việc tồn tại một số bất cập khi phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh Net Zero là vì:
- Nguồn nhân lực khá dồi dào, nhưng chưa được quan tâm đúng mức: Theo báo cáo của ILO, năm 2013, Việt Nam xếp vào nhóm có năng suất lao động thấp nhất châu Á - Thái Bình Dương (cùng với Myanmar và Campuchia), thấp hơn Singapore 15 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần, Malaysia 5 lần[19]. Mặt khác, số lượng cán bộ khoa học hàng đầu, chuyên gia trong các lĩnh vực còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của đất nước trong giai đoạn mới. Những công trình khoa học có chất lượng cao, được Đảng, Nhà nước và xã hội tôn vinh, ghi nhận còn hạn chế. Ngoài ra, nhiều công trình các cấp được triển khai và nghiệm thu nhưng tính ứng dụng - thực tiễn, chất lượng nhìn chung còn thấp[20].
- Nguồn nhân lực chưa được quy hoạch, khai thác triệt để: Hiện nay, dân số phân bố không đều và có sự khác biệt lớn theo vùng, phần đông vẫn còn là cư dân nông thôn. Theo đó, nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam đang phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Mặc dù trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách nhằm phát huy nguồn lực con người, tuy nhiên, do tồn tại trong một thời gian dài duy trì cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp nên sự thay đổi chính sách vẫn chưa kịp thời. Hiện nay, còn không ít chính sách bất hợp lý và thiếu đồng bộ, gây cản trở, chưa tạo điều kiện phát huy tốt nguồn nhân lực[21].
- Nguồn nhân lực chưa được nâng cấp và đào tạo đến nơi đến chốn; chất lượng chưa cao, dẫn đến tình trạng mâu thuẫn giữa lượng và chất: Trình độ học vấn của dân cư ở mức khá, tỷ lệ phần trăm lực lượng lao động nhóm tuổi trẻ (từ 15 – 24 tuổi) và già (trên 55 tuổi) ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trong toàn bộ lực lượng lao động có tăng nhưng vẫn ở mức thấp. Có thể thấy, đội ngũ cán bộ khoa học của nước ta so với các nước xung quanh còn có khoảng cách lớn không dễ thu hẹp. Không ít chuyên gia đã chỉ rõ, nước ta đang vấp phải 03 trở lực lớn: Chất lượng còn thấp về nguồn nhân lực[22], sự bất cập của kết cấu hạ tầng, vật chất - kỹ thuật, thể chế và năng lực quản lý nguồn nhân lực còn hẫng hụt về nhiều mặt.
- Sự kết hợp, bổ sung, đan xen giữa nguồn nhân lực từ nông dân, công nhân, trí thức… chưa tốt, còn chia cắt, thiếu sự cộng lực để cùng phối hợp thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước: Mặc dù có sự dịch chuyển tích cực ở khu vực thành thị nhưng phần lớn lực lượng lao động tập trung ở khu vực nông thôn. Đây là một cơ cấu lao động không hợp lý, khi tỷ trọng lao động trong ngành nông nghiệp là cao nhất trong khi đây là ngành có đóng góp thấp nhất vào GDP.
2. Thực trạng phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam trong bối cảnh thực hiện Net Zero
2.1. Cam kết của Việt Nam về thực hiện Net Zero
Tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (có hiệu lực từ năm 2016), Việt Nam cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC)[23]. Trong NDC cập nhật năm 2020 đưa ra mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính 9% vô điều kiện (bằng nguồn lực trong nước) và 27% có điều kiện (với hỗ trợ quốc tế) vào năm 2030 so với kịch bản phát triển thông thường (BAU). Tại Hội nghị COP26[24], Thủ tướng Chính phủ khẳng định, mặc dù là nước đang phát triển, mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn 3 thập kỷ qua nhưng là nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác, hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt Net Zero vào năm 2050. Đồng thời, Việt Nam cam kết giảm phát thải khí metan 30% vào năm 2030, cam kết chống suy thoái rừng và chuyển đổi năng lượng sạch; Việt Nam kêu gọi tất cả các nước giàu, các nước phát triển phải chia sẻ, hỗ trợ và giúp đỡ các nước đang phát triển, các nước nghèo trong việc hoàn thiện thể chế; đào tạo nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo; bố trí tài chính xanh phù hợp và hiệu quả; chia sẻ công nghệ xanh; quản trị quốc gia để thực hiện cắt giảm metan[25].
Ngoài ra, trong Dự thảo Quy hoạch Điện của Việt Nam (PDP8) tính đến tháng 9/2021, Việt Nam cũng đặt ra lộ trình loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. Trong tổng quy hoạch công suất 129,5 GW cho năm 2030, năng lượng tái tạo (không bao gồm thủy điện) sẽ chiếm khoảng một phần tư cơ cấu năng lượng trong khi than vẫn đóng vai trò trọng yếu, chiếm 40,6% với công suất lắp đặt là 39,7GW. Hiện nay, Việt Nam là quốc gia sản xuất điện than lớn thứ 9 trên thế giới. Việt Nam đang tham gia chương trình “Cơ chế chuyển đổi năng lượng” - thực hiện bởi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Chương trình bao gồm nguồn tài trợ công, tư và từ thiện được thiết kế để thí điểm mua lại các nhà máy nhiệt điện than, đẩy nhanh quá trình loại bỏ dần nguồn nhiên liệu này và thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch với giá cả hợp lý[26].
Các cam kết mạnh mẽ và những ý kiến đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại Hội nghị COP26 nói riêng và trong công cuộc phòng chống biến đổi khí hậu nói chung được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn. Các đối tác phát triển trong và ngoài nước đã thể hiện mong muốn hợp tác với Việt Nam để triển khai thực hiện các cam kết, khai thông cơ hội tận dụng sự dịch chuyển của nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải vào Việt Nam.
2.2. Những lợi thế để phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam khi thực hiện Net Zero
Lợi thế thứ nhất, cũng là lợi thế lớn nhất của Việt Nam là có lực lượng lao động dồi dào và cơ cấu lao động trẻ. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2018, Việt Nam có khoảng 94 triệu lao động, trong đó, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên chiếm khoảng 55,16 triệu người. Tỷ lệ lao động 15 tuổi trở lên có việc làm năm 2018 là 54 triệu người, bao gồm 20,9 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản (chiếm 38,6%); khu vực công nghiệp, xây dựng 14,4 triệu người (chiếm 26,7%); khu vực dịch vụ 18,7 triệu người (chiếm 34,7%).
Lợi thế thứ hai, thời gian qua, năng suất lao động của Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 đạt khoảng 102 triệu đồng/lao động (tương đương 4.512 USD), tăng 346 USD so với năm 2017. Tính theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2018 tăng 5,93% so với năm 2017, bình quân giai đoạn 2016-2018 tăng 5,75%/năm, cao hơn mức tăng 4,35%/năm của giai đoạn 2011-2015[27].
Lợi thế thứ ba, chất lượng lao động từng bước được nâng lên; lao động qua đào tạo đã phần nào đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường. Lực lượng lao động kỹ thuật của Việt Nam cơ bản đã làm chủ được khoa học - công nghệ, đảm nhận được hầu hết các vị trí công việc phức tạp trong sản xuất, kinh doanh mà trước đây phải thuê chuyên gia nước ngoài…
Lợi thế thứ tư, việc cam kết đưa phát thải ròng về “0” đã gửi đi tín hiệu mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế, khai thông nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải, đây là cơ hội cho Việt Nam phát triển. Có thể khẳng định, Việt Nam đang đi đúng dòng chính của xu thế phát triển toàn cầu cùng với các nước phát triển có tiềm năng về kinh tế, công nghệ cao.
Đặc biệt, Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo. Vì thế, Việt Nam có thể thu hút được nguồn tài chính xanh từ gói tài chính được cam kết từ các quốc gia với 100 tỷ USD mỗi năm cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và năng lượng tái tạo, đón đầu sự dịch chuyển các dòng đầu tư và tín dụng của các tổ chức tín dụng - tài chính trên thế giới.., đồng thời, tận dụng các cơ hội hợp tác về chuyển giao công nghệ phát thải carbon thấp, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu hóa thạch, khơi thông tiềm năng về năng lượng tái tạo trong đó phát triển năng lượng gió ngoài khơi...
Ngoài ra, bên cạnh các ngân hàng phát triển đa phương, các ngân hàng quốc tế như Standard Chartered cũng có những cam kết mạnh mẽ với 08 tỷ USD dành cho phát triển bền vững trong khi các tập đoàn lớn sẵn sàng và mong muốn tham gia vào các dự án năng lượng gió, công nghệ xanh hiện đại như năng lượng hydro tại Việt Nam[28].
2.3. Những thách thức trong phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam khi thực hiện Net Zero
Lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính được đưa ra tại Hội nghị COP26, đòi hỏi tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam phải chuyển đổi mạnh mẽ sang phát triển phát thải thấp. Để thực hiện việc giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng, hướng đến chấm dứt sử dụng than thì vấn đề nhân lực sẽ là mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam.
Thứ nhất, chất lượng nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế về cả trình độ, năng lực lẫn thể chất. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo còn thấp, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, chất lượng lao động vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường và hội nhập. Về cơ bản, đội ngũ lao động Việt Nam giỏi lý thuyết nhưng còn hạn chế về năng lực thực hành và ứng dụng công nghệ cao vào quá trình lao động, hạn chế về ngoại ngữ và trong việc thích nghi môi trường có áp lực cạnh tranh cao khả năng làm việc theo nhóm, tính sáng tạo, chuyên nghiệp trong quá trình lao động, khả năng giao tiếp và năng lực giải quyết xung đột trong quá trình lao động. Đồng thời, tinh thần trách nhiệm trong công việc, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công dân, văn hoá doanh nghiệp, ý thức tuân thủ kỷ luật lao động của một bộ phận đáng kể người lao động chưa cao[29].
Cụ thể, cơ cấu trình độ của nhân lực lao động Việt Nam là: 01 đại học trở lên/0,32 cao đẳng/0,61 trung cấp/0,37 sơ cấp. Trong khi đó, theo quy luật của thị trường lao động, những người lao động trực tiếp (trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng) phải nhiều hơn rất nhiều lần so với lao động gián tiếp (trình độ đại học). Tính đến hết tháng 3/2021, cả nước có 417,3 nghìn người có chuyên môn kỹ thuật bị thất nghiệp (chiếm 39,7%) nhưng người có trình độ đại học trở lên có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất (155,5 nghìn người)[30]. Bên cạnh đó, thể chất của lực lượng lao động còn yếu: Về cơ bản, thể chất của người lao động Việt Nam đã được cải thiện nhưng còn thấp so với các nước trong khu vực, thể hiện ở các khía cạnh tầm vóc, sức khoẻ, sức bền, khả năng chịu áp lực… Ngoài ra, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp. Theo một nghiên cứu gần đây của Viện Khoa học Lao động và xã hội, năng suất lao động ở Việt Nam và trình độ quản trị doanh nghiệp hiện nay rất thấp, 2/3 người lao động đang thiếu kỹ năng về lao động và kỹ thuật; 55% số doanh nghiệp cho rằng rất khó tìm kiếm nguồn lao động có chất lượng cao[31].
Thứ hai, đội ngũ cán bộ làm công tác khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học về ngành tài nguyên, môi trường còn hạn chế, thiếu các trung tâm khoa học lớn; hiệu quả sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và kết quả hoạt động của các khu công nghệ cao còn thấp. Thiếu cơ chế quản lý khoa học nhất là cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài còn nhiều hạn chế. Việc nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ làm công tác khoa học không thể thực hiện trong thời gian ngắn mà đòi hỏi nhiều thời gian và tâm sức.
3. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam trong bối cảnh thực hiện Net Zero
Để đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050 cần sự quyết tâm rất lớn của cả người dân và Nhà nước, “Cuộc đua tới Net Zero” đã và đang đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với người lao động Việt Nam. Với tiêu chí tuyển dụng cao hơn đòi hỏi nguồn nhân lực phải có nhiều kỹ năng ngoài kiến thức chuyên môn như: Khả năng giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng báo cáo hay trình độ tin học... Vì vậy, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng cho quá trình thực hiện Net zero, thời gian tới, cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các tổ chức, cơ quan, đơn vị về tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt cho quá trình Net Zero. Đây là nội dung quan trọng có ý nghĩa hàng đầu bảo đảm cho việc phát triển nguồn nhân lực được diễn ra thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm để đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Quán triệt quan điểm con người là nền tảng, là yếu tố quyết định trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng; nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm đào tạo bồi dưỡng và sử dụng nhân lực, biến thách thức về nhân lực thành lợi thế; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương. Phát triển nguồn nhân lực phải toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, có tầm nhìn dài hạn, có bước đi thích hợp; bảo đảm tính hài hòa về cơ cấu và cân đối nhân lực theo ngành, lĩnh vực, vùng, miền trên cơ sở cơ cấu kinh tế và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi nơi. Đồng thời, tiếp tục nâng cao sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp và trách nhiệm người đứng đầu trong việc phát hiện, phát triển, theo dõi và sử dụng nguồn nhân lục của cơ quan, đơn vị, địa phương[32].
Thứ hai, coi trọng việc phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng hợp lý nguồn nhân lực, trọng dụng nhân tài và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phải gắn với phát triển xã hội học tập. Cụ thể, tiến hành phát hiện, bồi dưỡng, tuyển dụng, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài, phải vừa khai thác được chất xám của họ trong nghiên cứu, chế tạo, ứng dụng thành quả nghiên cứu, vừa khuyến khích họ tranh thủ học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng; từ đó, xây dựng đội ngũ cán bộ đầu ngành, chuyên gia giỏi ở các lĩnh vực, tổ chức, doanh nghiệp về môi trường. Tăng cường các hoạt động ngoại khóa, tạo môi trường thực hành kỹ năng nghề nghiệp và nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao kinh nghiệm thực tế, đặc biệt là kỹ năng mềm cho người lao động. Tăng cường đầu tư theo chiều sâu vào các thiết bị, công nghệ tiên tiến cũng như tập trung vào đội ngũ giảng viên có trình độ cao. Tập trung vào lực lượng lao động lành nghề và cán bộ chuyên môn cao, xây dựng lực lượng lao động chủ chốt cho nguồn nhân lực Việt Nam.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới và tăng cường quản lý nguồn nhân lực. Tập trung hoàn thiện bộ máy quản lý phát triển nguồn nhân lực, đổi mới phương pháp quản lý, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý về phát triển nguồn nhân lực. Đổi mới các chính sách, cơ chế, công cụ phát triển và quản lý nguồn nhân lực bao gồm các nội dung về môi trường làm việc, chính sách việc làm, thu nhập, bảo hiểm, bảo trợ xã hội, điều kiện nhà ở và các điều kiện sinh sống, định cư, chú ý các chính sách đối với bộ phận nhân lực chất lượng cao, nhân tài.
Thứ tư, cần bổ sung và cải thiện chính sách đãi ngộ và thu hút nhân lực, nhằm phát huy năng lực sáng tạo và sự cống hiến của người lao động. Chính sách đãi ngộ hợp lý với tình hình kinh tế hiện tại như: Chế độ tiền lương, phúc lợi, chế độ khen thưởng…, hạn chế tình trạng chảy máu chất xám hiện nay. Kịp thời khen thưởng các cá nhân đóng góp sáng kiến, phát huy nhân tài tiềm năng, tạo điều kiện thuận lợi nhất để mỗi cá nhân phát huy hết năng lực của mình[33].
Thứ năm, mở rộng hợp tác quốc tế, nghiên cứu mô hình và kinh nghiệm đào tạo phát triển nhân lực trình độ cao thành công của các nước như Mỹ, Nhật Bản, Cộng hòa liên bang Đức, Hàn Quốc… tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo, các cơ sở sử dụng lao động và nhân lực trình độ cao tham gia giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập, cạnh tranh và hướng tới nền kinh tế tri thức các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đều phải chú trọng đầu tư đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao bằng việc ký kết hợp tác giữa các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Việt Nam với các nước tiên tiến trong việc đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam[34].
Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, đặc biệt trong quá trình bảo vệ môi trường khi những dấu hiệu của biến đổi khí hậu ngày càng mạnh mẽ là một nhiệm vụ rất cấp thiết. Để thực hiện nhiệm vụ này, đòi hỏi người thực hiện phải hiểu biết thấu đáo về đặc điểm dân cư, truyền thống dân tộc, những đặc điểm tâm lý con người, những ưu điểm và nhược điểm của lực lượng lao động... để từ đó, có thể đề ra những chính sách, những giải pháp hợp lý phát huy nguồn nhân lực đạt hiệu quả tốt nhất. Đồng thời, ngoài việc phát triển nguồn nhân lực, Việt Nam cũng cần thực hiện một số biện pháp khác như tăng thu hút đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo, phát huy vai trò của Ngân hàng Nhà nước cho các dự án giảm phát thải, chuyển đổi kinh tế..., có như vậy, quá trình đạt được trạng thái phát thải Net Zero mới nhanh chóng đem lại kết quả.
ThS. Huỳnh Thị Hồng Nhiên
Sinh viên Đặng Quỳnh Ngân
Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
[1] Nguyễn Sinh Cúc (2014), “Nguồn nhân lực và phát triển nguồn nhân lực”, Lý luận chính trị, http://www.lyluanchinhtri.vn/home/index.php/tu-dien-mo/item/788-nguon-nhan-luc-va-phat-trien-nguon-nhan-luc.htm, truy cập ngày 01/8/2022)
[2] Nicolas Henry (2010), Public Administration and Public affairs, Longman Publishing, p. 256.
[3] George T. Milkovich and John W. Boudreau (1997), Human Resources Management, Irwin Publishing, p. 9.
[4] Trần Xuân Cầu, Mai Quốc Chánh (2008), Giáo trình Kinh tế nguồn nhân lực, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Nxb. Đại học Kinh tế quốc dân, tr. 12.
[5] Leonard Nadler (1984), The handbook of human resource development, Wiley-interscience Publication, p. 1, 3.
[6] Henry J. Sredl & William J. Rothwell. (1997), The ASTD reference guide to professional training roles and competencies, Human resource development press, Inc. Amherst, Massachusetts, p. 3.
[7] Jerry w. Gilley, Steven a. Eggland, and Ann Maycunich Gilley (2002), Principles of human resource development, Perseus Publishing. Second edition, p. 6 - 7.
[8] Lê Thị Mỹ Linh (2009), Phát triển nguồn nhân lực trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế, Luận án Tiến sỹ, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội, tr. 20.
[9] Lê Thị Ái Lâm (2002), Phát triển nguồn nhân lực thông qua giáo dục và đào tạo ở một số nước Đông Á - Kinh nghiệm đối với Việt Nam, Luận án Tiến sỹ, Viện Kinh tế Thế giới, Hà Nội, tr. 14.
[10] Trần Xuân Cầu (2008), Giáo trình Kinh tế nguồn nhân lực, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Nxb. Đại học Kinh tế quốc dân, tr. 104.
[11] Dân số Việt Nam (2022), https://danso.org, truy cập ngày 01/8/2022.
[12] Viện Quản lý và Phát triển năng lực tổ chức, “Nguồn nhân lực Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”, Viện Quản lý và Phát triển năng lực Tổ chức, http://www.domi.org.vn/tin-nghien-cuu/nguon-nhan-luc-viet-nam-thuc-trang-va-giai-phap.2902.html, truy cập ngày 02/8/2022.
[13] Hoàng Văn Châu (2010), “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho hội nhập kinh tế - vấn đề cấp bách sau khủng hoảng”, Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh, http://www.dubaonhanluchcmc.gov.vn/tin-tuc/634.phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-cho-hoi-nhap-kinh-te-van-de-cap-bach-sau-khung-hoang.html, truy cập ngày 02/08/2022.
[14] Tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực thành thị giảm từ mức 3,37% xuống còn khoảng 3,1% năm 2019. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, nhiều doanh nghiệp giãn, dừng, thậm chí phải chấm dứt hoạt động. Do đó, nhiều lao động có nguy cơ mất việc, tỷ lệ thất nghiệp năm 2020 tăng ở mức 3,88%.
[15] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 41 - 42.
[16] Hoàng Văn Châu (2010), “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho hội nhập kinh tế - vấn đề cấp bách sau khủng hoảng”, Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh, http://www.dubaonhanluchcmc.gov.vn/tin-tuc/634.phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-cho-hoi-nhap-kinh-te-van-de-cap-bach-sau-khung-hoang.html, truy cập ngày 04/8/2022.
[17] Trần Tiến Quân (2022), “Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước”, Quản lí nhà nước, https://www.quanlynhanuoc.vn/2022/05/10/giai-phap-phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-dat-nuoc/, truy cập ngày 04/8/2022.
[18] Nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc Chương trình khoa học giáo dục quốc gia do Trường Đại học Ngoại thương chủ trì (2018), “Cận cảnh nguồn nhân lực Việt Nam”, Trích “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong cơ chế thị trường”, http://chuongtrinhkhgd.moet.gov.vn/tintuc-sukien/Pages/tin-tuc.aspx?ItemID=4550, truy cập ngày 12/8/2022.
[19] Đặng Xuân Hoan (2016), “Một số giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong bối cảnh hội nhập”, Lao động xã hội, http://m.laodongxahoi.net/mot-so-giai-phap-nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-viet-nam-trong-boi-canh-hoi-nhap-1304507.html, truy cập ngày 05/8/2022.
[20] Phạm Thị Hạnh (2020), “Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Tạp chí Cộng sản, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/815949/phat-trien%2C-nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-trong-boi-canh-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu.aspx, truy cập ngày 12/8/2022.
[21] Phạm Thị Hạnh (2020), “Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Tạp chí Cộng sản, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/815949/phat-trien%2C-nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-trong-boi-canh-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu.aspx, truy cập ngày 12/8/2022.
[22] Báo cáo khảo sát “200 doanh nghiệp top của Việt Nam” của UNDP - Hà Nội, xuất bản tháng 9/2007 cho biết: Qua phỏng vấn, các chủ doanh nghiệp Việt Nam đều cho rằng: a) Họ phải đào tạo lại hầu hết mọi người ở mọi cấp bậc - học nghề, đại học, sau đại học - mà họ nhận vào doanh nghiệp của mình; b) Họ không tin tưởng vào hệ thống đại học và các viện nghiên cứu ở trong nước, vì chất lượng giảng dạy chưa cao; nội dung ít và lạc hậu; khả năng nghiên cứu nghèo nàn; sách vở và thiết bị đều thiếu, không đồng bộ, cũ kỹ, rất yếu về ngoại ngữ, năng lực tổ chức và quản lý thấp... Thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy, Việt Nam chỉ đạt 3,79/10 điểm về chất lượng của lực lượng lao động, đứng thứ 11/12 nước châu Á được xếp hạng. Hiện nay, Việt Nam đang thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng lao động lành nghề cũng như nguồn nhân lực quản lý chất lượng cao.
[23] Tại Đông Nam Á, tính đến tháng 3/2021, Singapore, Việt Nam, Thái Lan, Brunei và Campuchia đã xây dựng mục tiêu “Đóng góp do quốc gia tự quyết định”.
[24] Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu.
[25] Nguyễn Đình Đáp (2022), “Giải pháp thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam”, Tạp chí Ngân hàng, https://tapchinganhang.gov.vn/giai-phap-thuc-hien-cam-ket-phat-thai-rong-bang-0-net-zero-vao-nam-2050-cua-viet-nam.htm, truy cập ngày 05/8/2022.
[26] PWC, “Việt Nam trong “cuộc đua tới Net zero””, https://www.pwc.com/vn/vn/publications/2021/211208-pwc-vietnam-code-red-vn.pdf, truy cập ngày 05/8/2022.
[27] Nguyễn Thúy Hải (2019), “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở Việt Nam thời kỳ hội nhập”, Tạp chí Tài chính, https://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-o-viet-nam-thoi-ky-hoi-nhap-305122.html?mobile=true, truy cập ngày 07/8/2022.
[28] Nguyễn Đình Đáp (2022), “Giải pháp thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam”, Tạp chí Ngân hàng, https://tapchinganhang.gov.vn/giai-phap-thuc-hien-cam-ket-phat-thai-rong-bang-0-net-zero-vao-nam-2050-cua-viet-nam.htm, truy cập ngày 07/8/2022.
[29] Đặng Xuân Hoan (2016), “Một số giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong bối cảnh hội nhập”, Lao động xã hội, http://m.laodongxahoi.net/mot-so-giai-phap-nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-viet-nam-trong-boi-canh-hoi-nhap-1304507.html, truy cập ngày 09/8/2022.
[30] Trần Tiến Quân (2022), “Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước”, Quản lí nhà nước, https://www.quanlynhanuoc.vn/2022/05/10/giai-phap-phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-dat-nuoc/, truy cập ngày 09/8/2022.
[31] Nguyễn Thúy Hải (2019), “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở Việt Nam thời kỳ hội nhập”, Tạp chí Tài chính, https://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-o-viet-nam-thoi-ky-hoi-nhap-305122.html?mobile=true, truy cập ngày 09/8/2022.
[32] Trần Tiến Quân (2022), “Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước”, Quản lý nhà nước, https://www.quanlynhanuoc.vn/2022/05/10/giai-phap-phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-dat-nuoc/, truy cập ngày 09/8/2022.
[33] Đào Thị Hồng Liên, Nguyễn Quốc Nghi (2012), “Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế”, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, số 7 (1) , tr.121.
[34] Hải Bình (2015), “Giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực Việt Nam”, Giáo dục và thời đại, [https://giaoducthoidai.vn/7-giai-phap-nang-cao-chat-luong-nhan-luc-viet-nam-post446147.html, truy cập ngày 09/8/2022.