Tuy nhiên, qua 03 năm triển khai thực hiện (2012 - 2015) nhiều nhiệm vụ, giải pháp đặt ra trong Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng vẫn chưa triển khai thực hiện được, việc phát triển các tổ chức hành nghề công chứng chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều địa phương vẫn chưa phát triển được số lượng các tổ chức hành nghề công chứng theo quy hoạch. Các tổ chức hành nghề công chứng chủ yếu chỉ tập trung phát triển ở các thành phố lớn, ở trung tâm các tỉnh lỵ, còn ở địa bàn các huyện rất khó phát triển. Một lượng lớn các hợp đồng, giao dịch vẫn thông qua chứng thực tại UBND cấp xã. Nguyên nhân thì nhiều nhưng tập trung chủ yếu ở vấn đề xây dựng, thực thi chính sách và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về công chứng, chứng thực.
Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng đã đề ra giải pháp thực hiện là “xây dựng cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực tham gia hoạt động hành nghề công chứng… quy hoạch phát triển đội ngũ công chứng viên đến năm 2020 gắn với Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020”. Đây là một đòi hỏi tất yếu đặt ra, chỉ có thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng theo quy hoạch khi và chỉ khi phát triển được một đội ngũ công chứng viên tương ứng về số lượng và chất lượng. Tuy vậy, một thực tế hiện nay ở các địa phương, nhất là ở các tỉnh lẻ, đội ngũ công công chứng viên mới phát triển thêm từ khi cho phép thành lập văn phòng công chứng chủ yếu là những người làm việc ở các cơ quan tư pháp đã nghỉ hưu như thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên. Đội ngũ này thuộc thế hệ phần lớn là học tại chức luật, lại thuộc diện được miễn đào tạo, tập sự hành nghề công chứng (đơn cử như ở tỉnh Đồng Tháp chỉ có 9/27 công chứng viên đã qua đào tạo. Ở tỉnh Quảng Bình chỉ có 4/13 công chứng viên đã qua đào tạo nghiệp vụ công chứng). Do đó, nhìn chung chất lượng đội ngũ công chứng viên hiện nay chưa cao, chưa chuyên nghiệp, việc thực hiện công chứng vẫn còn nhiều sai sót nên chưa tạo được niềm tin của nhân dân.
Một trong những khó khăn trong phát triển tổ chức hành nghề công chứng hiện nay là thiếu nguồn để bổ nhiệm công chứng viên. Điều đáng nói là, trong số 178.000 sinh viên hiện đang thất nghiệp chiếm tỷ lệ không nhỏ là những người có bằng cử nhân luật hệ chính quy. Trên thực tế thì những người có gia đình khá giả, những người ở thành phố ít khi chọn con đường về các huyện hành nghề công chứng. Trong khi đó những người ở các huyện thì nghèo, không có điều kiện để tiếp tục theo học nghiệp vụ và tập sự hành nghề công chứng. Hiện nay, các địa phương vẫn chưa có các cơ chế, chính sách để hỗ trợ các sinh viên nghèo sau khi tốt nghiệp cử nhân luật có điều kiện tiếp tục tham gia các lớp đào tạo và tập sự hành nghề công chứng. Đây là chính sách cần thiết để thu hút, phát triển đội ngũ công chứng viên, để phát triển tổ chức hành nghề công chứng hiện nay ở các địa phương.
Về phổ biến, giáo dục pháp luật, một trong những giải pháp quan trọng mà Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng đề ra đó là: “Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân có liên quan và toàn xã hội về vị trí, vai trò của hoạt động công chứng. Tổ chức quán triệt nhận thức của các cấp, các ngành về bản chất, vai trò, ý nghĩa của hoạt động công chứng đối với cải cách tư pháp, sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội… tuyên truyền sâu rộng về vị trí, vai trò của công chứng trong toàn xã hội để công chứng trở thành nhu cầu tự nguyện của nhân dân”. Có thể thấy rằng, đây là giải pháp quan trọng để phát triển tổ chức hành nghề công chứng. Tổ chức hành nghề công chứng chỉ phát triển được khi nhu cầu công chứng tăng lên, đủ việc để các văn phòng công chứng được thành lập duy trì hoạt động và tồn tại. Thực tế đang tồn tại cái vòng luẩn quẫn là do tổ chức hành nghề công chứng chưa phát triển rộng khắp (chưa đáp ứng nhu cầu) nên phải giao cho UBND cấp xã chứng thực các hợp đồng, giao dịch và chính việc giao cho UBND cấp xã chứng thực hợp đồng, giao dịch lại là yếu tố làm cho các tổ chức hành nghề công chứng khó phát triển (vì người dân thường lựa chọn chứng thực). Xét về mặt giá trị pháp lý thì hoạt động công chứng hợp đồng, giao dịch đem lại giá trị pháp lý cao, bảo đảm độ an toàn của các hợp đồng, giao dịch, hạn chế tranh chấp xẩy ra. Tuy nhiên, xét từ góc độ thuận tiện thì việc chứng thực tại UBND cấp xã là thuận lợi hơn cho người dân trong việc đi lại và chi phí bỏ ra thấp. Khi mà người dân chưa hiểu được giá trị của công chứng thì đây là yếu tố mà người dân chưa mặn mà đón nhận sự ra đời của các văn phòng công chứng.
Trong điều kiện đang tồn tại song song hai hình thức vừa công chứng vừa cho phép UBND cấp xã chứng thực đối với các hợp đồng, giao dịch đòi hỏi phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân hiểu biết được sự khác nhau về bản chất, giá trị pháp lý giữa công chứng và chứng thực. Chỉ khi hiểu rõ lợi ích của công chứng người dân mới tìm đến với các văn phòng công chứng. Một thực tế hiện nay không chỉ người dân mà ngay cả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa phân biệt được rạch ròi giữa hoạt động công chứng và chứng thực. Trong thời gian qua ở các địa phương, mỗi khi các văn phòng công chứng được thành lập, UBND cấp tỉnh quyết định phân định địa bàn giao cho các văn phòng công chứng thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch thì người dân thường phản ứng gay gắt, nào là làm đơn kiến nghị, trực tiếp kiến nghị tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp đề nghị tiếp tục được chứng thực tại UBND cấp xã. Trước các kiến nghị này lẽ ra các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải giải thích cho cử tri rõ về giá trị của công chứng so với chứng thực để người dân ủng hộ và đến với các văn phòng công chứng. Ngược lại, do chính bản thân các đại biểu cũng không am hiểu về công chứng, chứng thực nên đồng tình, tiếp thu ý kiến và kiến nghị với UBND. Trước sức ép của các kiến nghị có những tỉnh phải điều chỉnh lại địa bàn công chứng và có những văn phòng công chứng đã phải giải thể hoặc tồn tại cầm chừng vì lượng việc quá ít.
Từ thực trạng phát triển tổ chức hành nghề công chứng như đã nêu trên, để đảm bảo thực hiện Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng theo lộ trình đến năm 2020, các cấp, các ngành cần tập trung đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đã nêu trong Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng, trong đó cần chú trọng thực hiện các giải pháp sau:
Một là, cần đẩy mạnh, đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về công chứng, chứng thực để nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về tính chất, vị trí, vai trò, lợi ích thiết thực của hoạt động công chứng.
Hai là, cần có chính sách hỗ trợ kinh phí khuyến khích các sinh viên tốt nghiệp cử nhân luật tiếp tục học nghiệp vụ công chứng và tập sự hành nghề công chứng vừa để giải quyết việc làm vừa đảm bảo phát triển đội ngũ công chứng đáp ứng theo lộ trình và theo địa bàn quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng đã phê duyệt.
Ba là, cần xây dựng các chính sách đồng bộ, thống nhất giữa các lĩnh vực, giữa Trung ương và địa phương đối với lĩnh vực công chứng. Về lâu dài cần nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Nghị định số 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ bản gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch và các văn bản pháp luật liên quan theo hướng không giao cho UBND cấp xã chứng thực các hợp đồng, giao dịch mà giao cho các phòng công chứng, văn phòng công chứng thực hiện công chứng tất cả các hợp đồng, giao dịch.
Trường Chính trị tỉnh Lạng Sơn