Abstract: The writing presents meaning and importance of legal dissemination and education for youth; policy of the Vietnam Communist Party and Government about this activity. Beside that, the article focuses on introducing and analyzing of the result achieved in the legal dissemination and education for youth during that time; showing constraints and proposing a number of solutions to improve the effectivenesss of this activity in the future. These solutions concentrate on completing regulations; raising awareness about the role and importance of this work; innovating methods, forms; selecting prope content and ensuring the other necessary conditions of legal dissemination and education for youth.
1. Những kết quả bước đầu trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên
Có thể khẳng định rằng, công tác PBGDPL cho thanh thiếu niên thời gian qua được triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Nội dung chủ yếu tập trung vào các quyền và nghĩa vụ của thanh thiếu niên, chính sách, pháp luật mới ban hành, nhất là các lĩnh vực hôn nhân và gia đình, lao động, việc làm, hình sự, ma túy, mại dâm, bảo vệ môi trường, giao thông đường bộ… Theo thống kê của Bộ Tư pháp, có hàng ngàn văn bản pháp luật đã được thông tin, phổ biến, truyền thông, truyền tải đến thanh thiếu niên qua nhiều hình thức, cách thức khác nhau. Các địa phương đã chú trọng gắn PBGDPL với giáo dục ý thức, trách nhiệm công dân, đạo đức, văn hóa, lối sống, lý tưởng cho thanh thiếu niên; nêu gương người tốt, việc tốt, qua đó nâng cao nhận thức, ý thức, đạo đức, góp phần xây dựng và thực hiện nếp sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của thế hệ trẻ.
Các Bộ, ngành, địa phương đã chú trọng thực hiện các hình thức PBGDPL phù hợp đối với đối tượng này. Từ năm 2011 - 2015, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trong thanh thiếu niên được tổ chức với số lượng lớn với khoảng 57.540 cuộc thi, hội thi từ cấp tỉnh đến cấp xã và 4.893.182 lượt thanh thiếu niên tham dự[2]. Bên cạnh đó, ứng dụng các phương tiện công nghệ thông tin đại chúng, báo chí, truyền thông vào các hoạt động PBGDPL cho thanh thiếu niên được chú trọng, đẩy mạnh. Các địa phương đã xây dựng, thực hiện 20.449 chuyên mục, chương trình PBGDPL; 180.183 tin, bài về PBGDPL; 260.706 tin, bài để phát sóng, phát thanh, đăng tải nhằm tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật và giáo dục ý thức, trách nhiệm tôn trọng, tuân thủ pháp luật cho thanh thiếu niên trên các báo, đài, loa truyền thanh cơ sở của địa phương[3]. Các địa phương đã xây dựng, duy trì hoạt động của 15.393 câu lạc bộ và thu hút 4.486.835 lượt thanh thiếu niên tham gia sinh hoạt[4], tạo điều kiện cho thanh thiếu niên giao lưu, chia sẻ, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm sống, được thông tin, tiếp cận, tập huấn các kiến thức pháp luật có liên quan đến đời sống, công việc, học tập, từ đó gắn kết, tăng cường quan hệ và nâng cao trách nhiệm sống tốt, sống đúng. Qua tổng kết Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011 - 2015” tại các địa phương, có 5.020 vụ với 7.000 bị cáo là thanh thiếu niên[5] đã được các địa phương tổ chức xét xử lưu động tại địa bàn cơ sở, thu hút đông đảo người xem, qua đó giúp người dân hiểu biết pháp luật, nhất là các hành vi vi phạm và chế tài xử lý, nâng cao ý thức cảnh giác, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Ngoài ra, các địa phương đã chú trọng biên soạn, cấp phát nhiều tài liệu PBGDPL (sách, tờ gấp, đĩa hình tiểu phẩm, câu chuyện pháp luật...) tới 10.758.489 người và 822.997 số cán bộ làm công tác PBGDPL; tổ chức các lớp, buổi tập huấn, nói chuyện pháp luật, giải đáp pháp luật (376.533 lớp, buổi với 16.754.106 lượt thanh thiếu niên tham gia, tham dự[6]). Các địa phương cũng chú trọng tuyên truyền, PBGDPL cho các đối tượng thanh thiếu niên đặc thù như thanh thiếu niên dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới[7]; thanh thiếu niên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn[8]; miền biển, hải đảo, ngư dân[9]; thanh thiếu niên trong các doanh nghiệp[10]; nạn nhân bạo lực gia đình[11]; người khuyết tật bằng những hình thức phù hợp[12] (hòa giải, trợ giúp pháp lý, phổ biến, giải đáp trực tiếp...) hoặc lồng ghép nội dung PBGDPL vào các chương trình văn hóa, học nghề cho thanh thiếu niên[13].
2. Một số vấn đề còn tồn tại trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc PBGDPL cho thanh thiếu niên hiện nay vẫn còn một số tồn tại, cụ thể là:
- Nhận thức chung của các cấp, các ngành trong công tác PBGDPL cho thanh thiếu niên còn nhiều hạn chế, còn cho đó là nhiệm vụ của Ngành Tư pháp, một số đơn vị, địa phương nhận thức đây là công tác của Đoàn thanh niên. Vì vậy, sự quan tâm và đầu tư cho công tác PBGDPL cho thanh thiếu niên vẫn chưa được đảm bảo.
- Việc PBGDPL ở một số địa phương còn mang tính phong trào, chưa đi sâu vào những nội dung thiết thực mà thanh thiếu niên cần. Các mô hình, hình thức PBGDPL chưa được chú trọng đổi mới, vận dụng phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của thanh thiếu niên. Công tác đánh giá, tổng kết các mô hình, cách làm hay, hiệu quả trong PBGDPL cho thanh thiếu niên chưa chú trọng; có nhiều mô hình qua thực tiễn triển khai được đánh giá cao nhưng chưa được quan tâm tổng kết, thông tin, truyền thông để các cơ quan, đơn vị, địa phương bạn học tập, tham khảo, để qua đó nhân rộng nếu thấy thiết thực, phù hợp với địa bàn và điều kiện thực tế.
- Sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong PBGDPL cho thanh thiếu niên thiếu đồng bộ, trách nhiệm chưa rõ ràng, dẫn tới hiệu quả còn hạn chế.
- Thanh thiếu niên do có đặc điểm về lứa tuổi, thể chất đang ở độ trưởng thành, nhận thức, tâm lý chưa hoàn toàn chín chắn, dễ bị lôi kéo, bị chi phối, kích động, nên Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 đã xác định rõ đây là nhóm đối tượng đặc thù mà Nhà nước, xã hội cần quan tâm, đầu tư, đặc biệt đối với công tác giáo dục lối sống, đạo đức, pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế, các địa phương còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, nhất là kinh phí, do đó, việc tuyên truyền, PBGDPL chủ yếu mới tập trung vào thanh thiếu niên là học sinh, sinh viên trong trường học; thanh thiếu niên vi phạm trong trại giam, trường giáo dưỡng; chưa có điều kiện thực hiện liên tục, thường xuyên đối với thanh thiếu niên tự do, không có địa bàn cư trú ổn định, không có việc làm, trong khi đây là đối tượng có nguy cơ cao về vi phạm pháp luật, đòi hỏi cách thức tiếp cận, vận dụng các hình thức PBGDPL sáng tạo, đặc thù.
3. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên trong thời gian tới
Thứ nhất, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về thanh thiếu niên, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho sự hình thành, phát triển và giáo dục nâng cao ý thức của thanh thiếu niên. Theo đó, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương cần xây dựng và ban hành hệ thống pháp luật, văn bản pháp quy đồng bộ, phù hợp và kịp thời nhằm định hướng, điều chỉnh quá trình hình thành và phát triển ý thức pháp luật của thanh thiếu niên. Trước hết, đó là sự đảm bảo về mặt pháp luật để nhân dân nói chung và thanh thiếu niên nói riêng được biết, được bàn, được kiểm tra, giám sát những công việc, những vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc sống của chính họ và đối với công việc chung của đất nước, của xã hội.
Thứ hai, cần tiếp tục nâng cao nhận thức và nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác PBGDPL nói chung và PBGDPL cho thanh thiếu niên nói riêng, huy động sự vào cuộc và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Tăng cường sự phối hợp thường xuyên để bảo đảm sự chỉ đạo, thực hiện thống nhất, đồng bộ các nhiệm vụ quản lý nhà nước có liên quan đến việc giáo dục thanh thiếu niên. Trước hết là sự phối hợp thường xuyên của một số ngành có vai trò, trách nhiệm chính như Nội vụ, Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Đoàn thanh niên trong chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ về công tác thanh niên; PBGDPL; giáo dục và đào tạo; đào tạo, dạy nghề và giải quyết việc làm; hoạt động Đoàn, Đội của thanh thiếu niên.
Thứ ba, tăng cường và đổi mới giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên theo hướng kết hợp giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức và kỹ năng sống cho họ. Phần lớn đối tượng thanh thiếu niên đều ở lứa tuổi học sinh, sinh viên và đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Do đó, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên là quan trọng và hết sức cần thiết. Đối với thanh thiếu niên, việc giáo dục ý thức pháp luật giúp cho thanh thiếu niên quan tâm hơn đến pháp luật, nâng cao kiến thức pháp luật, có thái độ đúng đắn, động cơ tích cực trong thực hiện pháp luật và đấu tranh chống các biểu hiện vi phạm pháp luật. Muốn vậy phải tiến hành bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nâng cao trình độ nhận thức pháp luật trong thanh thiếu niên. Đồng thời phải kết hợp giáo dục ý thức pháp luật với giáo dục đạo đức xã hội.
Thứ tư, đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL cho thanh thiếu niên phù hợp với từng nhóm đối tượng và điều kiện địa bàn. Nội dung phải sát đối tượng; hình thức phải phong phú, đa dạng. Chú trọng gắn giáo dục pháp luật với giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống văn hóa; phải coi đây là những yếu tố thống nhất, không tách rời trong thực hiện giáo dục toàn diện cho thanh thiếu niên, cả về tư tưởng chính trị, lý tưởng cách mạng, đạo đức và lối sống văn hóa, lối sống theo pháp luật. Chỉ đạo, hướng dẫn triển khai xây dựng, nhân rộng một số mô hình PBGDPL hiệu quả, phù hợp, thiết thực với thanh thiếu niên qua tổng kết thực tiễn 05 năm triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011 - 2015”.
Thứ năm, nâng cao chất lượng PBGDPL trong trường học, trong các tổ chức đoàn, đội. Quán triệt đến các cán bộ đoàn về vai trò, tầm quan trọng của hoạt động tuyên truyền, giáo dục và tư vấn pháp luật; trách nhiệm chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thanh thiếu niên nhằm tạo sự quan tâm, chuyển biến thực sự về chất lượng, hiệu quả hoạt động tuyên truyền, giáo dục và tư vấn pháp luật. Hàng năm, hai bên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, tư vấn pháp luật của đội ngũ cán bộ đoàn khối trường học về công tác tuyên truyền, giáo dục và tư vấn pháp luật. Đoàn thanh niên, Hội sinh viên các trường cần xác định nội dung phù hợp với nhu cầu và đặc điểm của thanh thiếu niên theo từng đối tượng, vùng miền, lứa tuổi. Lồng ghép các hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật vào hoạt động giáo dục và các hoạt động khác của Đoàn, Hội. Đẩy mạnh hoạt động và nhân rộng các loại hình tuyên truyền, giáo dục pháp luật của các câu lạc bộ pháp luật tuổi trẻ, đội tuyên truyền thanh niên, đội tuyên truyền măng non, nhà văn hóa học sinh, sinh viên, trung tâm hỗ trợ thanh niên sinh viên… Tổ chức các sự kiện truyền thông nhằm thu hút học sinh, sinh viên đến với các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, cuộc thi tìm hiểu, thi kiến thức pháp luật... ở nhiều cấp độ, phạm vi và lĩnh vực pháp luật. Phát huy vai trò của hệ thống báo, tạp chí, website, bản tin của Đoàn, Hội mở các chuyên mục, diễn đàn trao đổi, phổ biến kiến thức pháp luật cho học sinh, sinh viên. Đưa nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật vào tài liệu sinh hoạt và các hoạt động của chi đoàn, chi hội, chi đội; xây dựng tủ sách pháp luật ở các đoàn trường; hướng dẫn học sinh, sinh viên khai thác các văn bản pháp luật trên mạng Internet, các website của Chính phủ…
Tổ chức xây dựng chương trình PBGDPL ngoại khóa, trong đó tập trung vào các hình thức như: Báo cáo chuyên đề thi tìm hiểu về pháp luật, lồng ghép nội dung pháp luật vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát hành các tài liệu, tờ rơi… Chú trọng tổ chức cho học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động mang tính thực hành chính trị, xã hội, các hoạt động nghiên cứu khoa học về các vấn đề pháp luật trong thực tiễn. Tổ chức thi học sinh giỏi, nghiên cứu khoa học về PBGDPL: Các cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức thi học sinh giỏi môn Giáo dục công dân; các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tổ chức thi Olympic về pháp luật trong học sinh, sinh viên hàng năm, tiến tới tổ chức thi học sinh giỏi, thi Olympic về pháp luật trong toàn quốc. Tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học về PBGDPL nhằm cung cấp luận cứ cho việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác này. Xây dựng tài liệu pháp luật phục vụ công tác PBGDPL trong nhà trường. Tăng cường biên soạn, phát hành tài liệu PBGDPL phổ thông; tài liệu tham khảo phục vụ việc giảng dạy, học tập các kiến thức pháp luật; tài liệu hướng dẫn kỹ năng áp dụng pháp luật cụ thể, thiết thực, hấp dẫn theo hướng đa dạng hóa nội dung và hình thức, phù hợp với lứa tuổi của học sinh.
Thứ sáu, xây dựng, củng cố đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật trong hệ thống tổ chức đoàn; bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực, chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ PBGDPL cho đội ngũ cán bộ đoàn, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, các điều kiện khác và tăng cường, huy động các nguồn lực xã hội đảm bảo cho công tác PBGDPL nói chung và PBGDPL cho thanh thiếu niên nói riêng.
Với mục đích nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên, thực hiện hiệu quả công tác PBGDPL nhằm xây dựng một thế hệ trẻ thanh, thiếu niên có ý thức chấp hành pháp luật tốt, có hiểu biết pháp luật để tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình và xã hội; góp phần nâng cao năng lực, bản lĩnh hội nhập quốc tế trong thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước hiện nay; góp phần định hướng và xây dựng nhân cách, lối sống người công dân mới cho thế hệ trẻ, làm lành mạnh hóa xã hội, bảo đảm trật tự trị an, kỷ cương trong nhà trường và an toàn xã hội, đáp ứng một phần yêu cầu của việc quản lý xã hội bằng pháp luật, cần tiến hành thực hiện những giải pháp cụ thể trên một cách tích cực, đồng bộ và hệ thống
Bộ Tư pháp
[1]. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, tr. 162.
[2]. Theo Báo cáo thống kê của 45 tỉnh, thành phố.
[3]. Theo thống kê của 45 tỉnh, thành phố.
[4]. Theo thống kê của 46 tỉnh, thành phố.
[5]. Theo thống kê của 35 tỉnh, thành phố.
[6]. Theo thống kê của 47 tỉnh, thành phố.
[7]. Lạng Sơn, Cao Bằng, Đắk Lắk, Sóc Trăng, Quảng Ngãi, Bạc Liêu, Tuyên Quang, Kon Tum, Hà Giang, Đà Nẵng, Gia Lai, Nghệ An, Lâm Đồng, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Bình, Quảng Ninh, Long An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La, Bắc Kạn, Trà Vinh, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hậu Giang, Đắk Nông, Hải Phòng.
[8]. Bắc Giang, Cao Bằng, Quảng Ngãi, Bạc Liêu, Tuyên Quang, Kon Tum, Gia Lai, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Ninh, Long An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Bắc Kạn, Trà Vinh, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Lạng Sơn, Đắk Nông, Khánh Hòa.
[9]. Quảng Ngãi, Bạc Liêu, Đà Nẵng, Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Bình, Quảng Ninh, Long An, Thanh Hóa, Nam Định, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Hải Phòng, Khánh Hòa.
[10]. Lạng Sơn, Bắc Giang, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, An Giang, Kon Tum, Bình Dương, Đà Nẵng, Gia Lai, Nghệ An, Lâm Đồng, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Bình, Quảng Ninh, Long An, Thái Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình, Nam Định, Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Nông, Hải Phòng, Khánh Hòa.
[11]. Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Bạc Liêu, An Giang, Tuyên Quang, Kon Tum, Bình Dương, Đà Nẵng, Nghệ An, Lâm Đồng, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Bình, Long An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Hậu Giang, Đắk Nông, Hải Phòng, Khánh Hòa.
[12]. Lạng Sơn, Sóc Trăng, Quảng Ngãi, Bạc Liêu, Tuyên Quang, Kon Tum, Bình Dương, Đà Nẵng, Gia Lai, Nghệ An, Lâm Đồng, Cà Mau, Quảng Bình, Long An, Thái Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình, Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Lạng Sơn, Đắk Nông, Khánh Hòa.
[13]. Yên Bái, Quảng Ngãi, Bạc Liêu, An Giang, Tuyên Quang, Kon Tum, Hà Giang, Đà Nẵng, Nghệ An, Lâm Đồng, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Quảng Bình, Long An, Thái Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình, Bắc Kạn, Thừa Thiên Huế, Lạng Sơn, Đắk Nông, Hải Phòng, Khánh Hòa.