Về nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 và định hướng đến hết nhiệm kỳ 2021 – 2026, Thứ trưởng Mai Lương Khôi nhấn mạnh, Bộ Tư pháp tiếp tục tham mưu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; triển khai thực hiện Quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm” tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật ngay sau khi được Bộ Chính trị ban hành.
Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, thẩm định, góp ý văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Tập trung thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ của ngành Tư pháp theo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030...
Bộ Tư pháp đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, dành nhiều thời gian, nguồn lực hơn nữa cho công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương về công tác xây dựng pháp luật; kịp thời xử lý văn bản trái pháp luật, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, cá nhân liên quan đến việc ban hành văn bản trái pháp luật...
Lãnh đạo Bộ Tư pháp và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ cũng tích cực trao đổi, thảo luận tình hình thực hiện, khó khăn, vướng mắc trong một số lĩnh vực công tác tư pháp.
Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh, trong bối cảnh yêu cầu đặt ra ngày càng cao đối với công tác xây dựng pháp luật và sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng toàn xã hội đối với công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực, chống lợi ích nhóm, các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Tư pháp ngày càng đề cao trách nhiệm trong công tác xây dựng, thi hành pháp luật. Cùng với đó Bộ, ngành Tư pháp sẽ tiếp tục phát huy tính chủ động, thận trọng trong các mặt công tác, đặc biệt là công tác tham mưu, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật và xử lý các vấn đề pháp lý.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận các kiến nghị, đề xuất, trong đó tập trung vào việc tăng cường sự phối hợp của các Bộ, ban, ngành, nâng cao trách nhiệm, hạn chế mức thấp nhất sự đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong công tác pháp luật; đảm bảo nguồn lực của Bộ, ngành Tư pháp tương xứng với trách nhiệm được giao; quan tâm nâng cao chất lượng các dự án Luật, Nghị định…