Hội thảo được tổ chức dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học thanh tra; bà Nicole Rague, Viên chức chính trị, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội; bà Sabina A. Stein, Trợ lý Đại diện thường trú, Trưởng Phòng Quản trị và tham gia, UNDP Việt Nam. Tham gia Hội thảo còn có nhiều chuyên gia, đại diện các cơ quan nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, giảng viên, sinh viên.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học thanh tra cho biết, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam đến nay đạt được nhiều chuyển biến, đột phá mạnh mẽ. Năm 2024, nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi được tích cực đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra. Những kết quả đạt được nêu trên là minh chứng khẳng định quyết tâm thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng “Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sự tác động, sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào” trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Điều này đã để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được Nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận và góp phần bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, trong bối cảnh tham nhũng, tiêu cực được nhìn nhận là một trong những nguy cơ đe dọa sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay, Đảng và Nhà nước xác định phải thiết thực, kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong bối cảnh Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và cam kết theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình, để thực hiện thành công những yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ phát triển mới, cần phải hoàn thành sớm việc tinh gọn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị, tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt để phát triển.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nicole Rague, Viên chức chính trị, Đại sứ quán Hoa Kỳ tin tưởng, thông qua Hội thảo này, Việt Nam sẽ đánh giá được những giải pháp nào phát huy tác dụng, những giải pháp nào chưa phát huy tác dụng, rút ra được những kinh nghiệm, giải pháp có thể thúc đẩy hơn nữa hiệu quả, hiệu lực của công tác phòng, chống tham nhũng nhằm đạt được hiệu quả mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc.
Bên cạnh đó, bà Sabina Stein, Trợ lý Đại diện thường trú, Trưởng phòng Quản trị và tham gia, UNDP Việt Nam cho biết, chủ đề ngày quốc tế chống tham nhũng 09/12 năm nay là “Đoàn kết với giới trẻ trong phòng, chống tham nhũng: định hình tương lai liêm chính”. Vì thế, theo bà Stein, tương lai của một đất nước phải dựa trên thực tài của những người trẻ, giới trẻ có những thế mạnh cần được phát huy năng lực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận về những vấn đề như: (i) bối cảnh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay; những thuận lợi và khó khăn, thách thức, cơ hội; (ii) thực trạng về tham nhũng, tiêu cực; hậu quả của nó và dự báo thời gian tới; (iii) thành tựu, kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, bất cập trên các mặt của công tác phòng, chống tham nhũng; (iv) đề xuất các giải pháp, sáng kiến về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về hoàn thiện thể chế trên các lĩnh vực quản lý nhà nước nhằm phòng, chống tham nhũng tiêu cực, nâng cao hiệu quả quản lý điều hành và tổ chức thực thi chính sách - pháp luật về phòng, chống tham nhũng; về nâng cao hiệu quả của các thiết chế chuyên trách phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ngày 21/10/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh “trong ba điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực thì thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Tại Hội thảo này, các đại biểu được nghe TS. Trần Văn Long, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ chia sẻ về những dấu mốc quan trọng thể hiện sự phát triển của thể chế về phòng, chống tham nhũng, cụ thể: (i) Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 được ban hành, thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng và khắc phục những bất cập của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005; (ii) quy định tội phạm tham nhũng tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng; (iii) xây dựng cơ chế bảo vệ người tố cáo, báo cáo hành vi tham nhũng với những quy định cụ thể, đồng bộ, khả thi (thể hiện trong Luật Tố cáo); (iv) ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030 (kèm theo Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 11/10/2023 của Chính phủ), đây là định hướng quan trọng nhằm hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng từ nay đến năm 2030 với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; (v) hoàn thiện các quy định có liên quan (như Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản năm 2024, Luật Đất đai năm 2024, Luật Căn cước, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024... Bên cạnh đó, TS. Trần Văn Long cũng chỉ ra những thách thức về thể chế về phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại Hội thảo là xây dựng Luật Ban hành quyết định hành chính. Trao đổi về nội dung này, TS. Nguyễn Thị Kim Thoa, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp cho biết, Bộ Tư pháp là cơ quan được giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Ban hành quyết định hành chính. TS. Nguyễn Thị Kim Thoa nhấn mạnh, Luật Ban hành quyết định hành chính là công cụ hữu hiệu trong phòng, chống tham nhũng. Do tầm quan trọng của quyết định hành chính và hoạt động ban hành quyết định hành chính, cần thiết phải có cơ chế kiểm soát hoạt động ban hành quyết định hành chính - đây cũng là việc bổ sung cơ chế kiểm soát quyền lực giữa cơ quan lập pháp đối với cơ quan hành pháp và giữa cơ quan tư pháp đối với hoạt động hành pháp, nhằm bảo đảm tính hợp pháp, hợp lý, khả thi, dân chủ, công khai, minh bạch trong quy trình ban hành quyết định hành chính, qua đó bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, minh bạch, giải trình, hạn chế tham nhũng.
Chia sẻ tại Hội thảo về vai trò của doanh nghiệp trong kiểm soát tham nhũng dưới góc nhìn từ kết quả Chỉ số chi phí không chính thức (PCI), bà Lê Thanh Hà, Trưởng phòng Phòng Môi trường kinh doanh, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện nay, Chỉ số này đã được các cơ quan nhà nước quan tâm, khai thác. Nhà nước đã có nỗ lực để cắt giảm gánh nặng chi phí không chính thức cho doanh nghiệp. Từ kết quả khảo sát PCI qua 19 năm cũng cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức giảm đáng kể so với trước. Để phát huy vai trò của doanh nghiệp trong phòng, chống tham nhũng, bà Lê Thanh Hà đề xuất một số giải pháp như: (i) thực hiện các biện pháp nội bộ: các doanh nghiệp cần triển khai hệ thống quản lý tài chính chặt chẽ, đào tạo nhân viên về đạo đức và trách nhiệm xã hội, chủ động nâng cao nhân thức về hoạt động phòng, chống tham nhũng; (ii) các cơ quan nhà nước phát huy vai trò của doanh nghiệp trong kiểm soát tham nhũng thông qua hoạt động đối thoại, tiếp nhận thông tin và bảo vệ doanh nghiệp sẵn sàng cung cấp thông tin; thúc đẩy vai trò của doanh nghiệp trong tham gia và hoàn thiện chính sách, hoàn thiện thể chế và phòng, chống tham nhũng.
Ngoài ra, các đại biểu còn trao đổi, thảo luận về nhiều vấn đề khác như: thành tựu và những vấn đề đặt ra từ thực tiễn trong công tác phòng, chống tham nhũng; thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI)…
Phát biểu kết luận Hội thảo, thay mặt Viện Chiến lược và khoa học thanh tra, ông Nguyễn Quốc Văn cảm ơn các quý vị đại biểu đã tham gia, đóng góp ý kiến trong Hội thảo; cảm ơn UNDP Việt Nam và Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tài trợ cho Hội thảo. Hội thảo là hoạt động hết sức ý nghĩa thiết thực chào mừng Ngày Quốc tế Chống tham nhũng (09/12/2024), thông qua đó, cơ quan tổ chức muốn gửi thông điệp mong muốn các quý vị đại biểu sẽ quan tâm nhiều hơn nữa trong việc nghiên cứu, tham mưu, thực hành để có những đóng góp cho công cuộc phòng, chống tham nhũng theo tiêu chí phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Uyên Nhi