Từ năm 2010 đến nay, các lực lượng chức năng đã xử lý 828.488 vụ vi phạm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, trong đó có 117.714 vụ buôn lậu, chiếm 14,2% tổng số vụ vi phạm bị bắt giữ, xử lý. Các mặt hàng nhập lậu chủ yếu đã phát hiện, xử lý là: Pháo các loại, động vật hoang dã; gỗ các loại; rượu; bia, nước giải khát… Trong đó phải kể đến một số công ty xuất nhập khẩu bị phát hiện, xử lý về hành vi buôn lậu như: Công ty Cổ phần VN Pharma do Nguyễn Minh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc[1]; Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và giao nhận liên vận NK[2]; Công ty TNHH Thái Minh (Quận Bình Thạnh – TP. Hồ Chí Minh)[3]; Công ty TNHH Tân Nhật Huy Vĩnh Đạt và Công ty Nhất Minh[4];…
Hiện nay, Việt Nam có một hệ thống giao thông với đầy đủ các phương thức vận tải (đường không, đường bộ, đường sắt, đường biển và đường thủy nội địa)[5], là điều kiện thuận lợi để phát triển dịch vụ giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi Việt Nam hội nhập kinh tế Asean, số lượng các doanh nghiệp không ngừng tăng lên, phạm vi kinh doanh được mở rộng, các dịch vụ cung cấp ngày càng đa dạng, khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu tăng mạnh, để phòng ngừa tội phạm buôn lậu lợi dụng dịch vụ giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu, cần thực hiện tốt một số công việc sau:
Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật có liên quan đến công tác đấu tranh chống buôn lậu. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách để khắc phục những hạn chế, thiếu sót mà các đối tượng lợi dụng để buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền một cách hợp lý giữa các cơ quan, bộ, ngành, không để chồng chéo trong chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ; quy định rõ quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan và địa phương, cá nhân có liên quan trong việc phòng, chống buôn lậu. Cần kiện toàn Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại của Chính phủ (Ban chỉ đạo 389) để chỉ đạo phối hợp hoạt động giữa các lực lượng được tốt hơn.
Hai là, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, lực lượng cảnh sát kinh tế cần làm tốt công tác nắm tình hình, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các đầu mối giao thông, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển và hàng không; đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu.
Ba là, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật cho mọi đối tượng, biến nhận thức về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thành ý thức tự giác và hành động cụ thể của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và mọi người dân.
Bốn là, tổ chức tốt mối quan hệ phối hợp với các lực lượng có liên quan, như: Hải quan, bộ đội biên phòng, cơ quan quản lý cảng biển, hàng không, an ninh hàng không,… Phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm soát chống buôn lậu qua cửa khẩu, đồng thời xây dựng hệ thống thông tin quản lý và kết nối mạng giữa các đơn vị này và coi đây là trách nhiệm chung phải thực hiện nhằm tăng cường quản lý, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống thất thu thuế và tăng cường hiệu quả quản lý.
Lực lượng cảnh sát kinh tế cần thông qua Bộ Giao thông vận tải để phối hợp tuyên truyền tới các Hiệp hội Logistics Việt Nam, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam (VSA), Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA), Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải Việt Nam (VISABA); Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA) và Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam (VNSC) kiểm soát chặt chẽ tại các đầu mối giao thông (bến xe, nhà ga, cảng) và các trạm kiểm tra tải trọng phương tiện; kiên quyết từ chối vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, hàng hóa không có xuất xứ rõ ràng; phân định trách nhiệm cho thủ trưởng bến xe, nhà ga, cảng và doanh nghiệp vận tải phải chịu trách nhiệm về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong bốc, xếp và vận chuyển tại đơn vị mình.
Năm là, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý triệt phá các đường dây, ổ, nhóm; xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng hoá nhập lậu và hàng giả, trong đó có thủ đoạn lợi dụng dịch vụ giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt tập trung vào các mặt hàng ma tuý, vũ khí, pháo nổ, văn hoá phẩm độc hại, tài liệu phản động, đồ chơi bạo lực, thuốc lá, rượu, bia, động vật hoang dã, gia súc, gia cầm, thuỷ hải sản nhập lậu… Xử lý kịp thời và nghiêm những trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm, làm ngơ, thông đồng, bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu.
Sáu là, tăng cường công tác quản lý cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ, xây dựng lực lượng, củng cố bộ máy, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất cho đội ngũ cán bộ, chiến sỹ lực lượng cảnh sát kinh tế; thực hiện tốt việc luân chuyển cán bộ, có cơ chế giám sát, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chuyên trách. Kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng đối với các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc; đồng thời xử lý nghiêm đối với cá nhân vi phạm.
Mai Trọng Thắng, PC46 – CATP. Hà Nội
Ths. Mai Thị Lệ Quyên, Học viện CSND
[1] Công ty này bao gồm rất nhiều công ty con với nhiều chức năng xuất nhập khẩu, dịch vụ kho bãi và logistics, phân phối, nghiên cứu - đăng ký thuốc, xúc tiến thương mại… để tổ chức buôn lậu dược phẩm từ nước ngoài về và phân phối ra thị trường trong nước.
[2] Tháng 12/2014, Công ty này khai báo hàng bách hóa các loại, gồm 11 mục hàng (gần 10 tấn): Giấy decal, hộp đựng đồ bằng nhựa, đồng hồ để bàn, khung ảnh bằng nhựa,… xuất xứ Trung Quốc, trị giá 8.083 USD qua cảng ICD Phước Long - Thủ Đức. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, Chi cục hải quan cảng Sài Gòn khu vực 4 còn phát hiện có 39 mục hàng bách hóa các loại không khai báo như vòi nước, đồng hồ để bàn, đèn rọi tranh,… xuất xứ Trung Quốc, trị giá trên 36.000 USD.
[3] Tháng 6/2012, đối tượng Trần Văn Thái và Lê Văn Tú (Giám đốc và Phó Giám đốc) có hành vi ký tên, đóng dấu pháp nhân của công ty lên các giấy tờ làm giả để làm thủ tục nhập khẩu cho lô hàng 28 kiện hàng chứa 158 ngà voi với trọng lượng 2.475 kg, trị giá gần 5 triệu USD nhưng trong tờ khai hải quan chỉ khai nhập khẩu lô hàng da bò muối, chưa thuộc, số lượng 675 tấm, trọng lượng 24 tấn, trị giá 57.375 USD. Những ví dụ trên cho thấy, dịch vụ giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu bị các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi buôn lậu là tình trạng khá phổ biến, ảnh hưởng lớn tới sự ổn định của thị trường hàng hóa nội địa, gây thất thu thuế cho Nhà nước…
[4] Tháng 12/2013, PC46 - Công an TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường TP. HCM tiến hành kiểm tra 10 container khai báo nhập các loại máy móc, thiết bị điện, đèn trang trí... với tổng trị giá là 930 triệu đồng của Công ty TNHH Tân Nhật Huy Vĩnh Đạt và Công ty Nhất Minh, phát hiện số hàng bị rạch, mở không đúng tỉ lệ kiểm hoá 5%. Hàng hoá bên trong bao gồm 721 danh mục sản phẩm, không đúng như khai báo, bao gồm một lượng lớn hàng cấm như 147 màn hình vi tính đã qua sử dụng, 1.364 dây pháo điện các loại, nhiều rượu, mỹ phẩm, vải, đồng hồ, hoá chất... Trị giá hàng hóa này là hơn 37 tỷ đồng.
[5] Bao gồm hơn 77.300 km đường bộ, 3.150 km đường sắt, 41.000 km sông kênh, 3.200 km bờ biển với 92 cảng đang hoạt động và hệ thống 61 sân bay được quy hoạch trong đó có 20 cảng hàng không đang khai thác phục vụ các hoạt động dân dụng.