Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam giữ, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý nghiêm minh” (Điều 72). Quy định này tiếp tục được Hiến pháp năm 2013 quy định tại Điều 30 (Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật) và Điều 31 (Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật). Những quy định trên của Hiến pháp đã được cụ thể vào quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 chỉ có một điều (Điều 51) quy định về phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự, theo đó:
“1. Người bị thiệt hại quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 26 của Luật này hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu khôi phục danh dự trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật.
2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu bằng văn bản về việc khôi phục danh dự của người bị thiệt hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý vụ việc phải thực hiện việc xin lỗi, cải chính công khai.
3. Việc xin lỗi, cải chính công khai được thực hiện bằng các hình thức sau đây:
a) Trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị thiệt hại có sự tham dự của đại diện chính quyền địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú, đại diện của cơ quan nơi người bị thiệt hại làm việc, đại diện của một tổ chức chính trị - xã hội mà người bị thiệt hại là thành viên;
b) Đăng trên một tờ báo trung ương và một tờ báo địa phương trong ba số liên tiếp theo yêu cầu của người bị thiệt hại hoặc đại diện hợp pháp của họ.
4. Trường hợp người bị thiệt hại chết, thân nhân của họ có quyền yêu cầu khôi phục danh dự.”
Hướng dẫn quy định trên của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Điều 19 Thông tư liên tịch số 05/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC- BCA-BTP-BQP-BTC-BNN&PTNT của Viện kiển sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự đã quy định:
“1. Việc khôi phục danh dự cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự được tiến hành theo quy định tại Điều 51 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
2. Người đại diện của cơ quan có trách nhiệm bồi thường thực hiện việc xin lỗi người bị thiệt hại là một trong những người được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 14 Thông tư liên tịch này.
3. Địa điểm tiến hành việc xin lỗi là nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị thiệt hại. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải thông báo thời gian, địa điểm tiến hành việc xin lỗi cho cơ quan nơi người bị thiệt hại làm việc, chính quyền địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú và tổ chức chính trị - xã hội mà người bị thiệt hại là thành viên để các cơ quan, tổ chức này cử người đại diện tham dự”.
2. Những hạn chế, bất cập về phục hồi danh dự trong các quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
Thứ nhất, đối tượng được phục hồi danh dự: Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành chỉ quy định người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự mới được phục hồi danh dự. Quy định này dẫn đến sự không công bằng giữa người bị thiệt hại trong các lĩnh vực khác, đặc biệt là trong hoạt động quản lý hành chính đối với trường hợp công chức giữ chức vụ từ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật; người bị áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc trái pháp luật.
Thứ hai, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định người bị thiệt hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu khôi phục danh dự trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật. Như vậy là việc phục hồi danh dự được thực hiện sau khi đã thực hiện xong việc giải quyết bồi thường, quy định như vậy là chưa bảo đảm sự nhanh chóng và kịp thời giải tỏa bức xúc của người bị thiệt hại và dư luận xã hội.
Thứ ba, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chưa quy định cụ thể trình tự, thủ tục phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại dẫn đến tình trạng việc tổ chức xin lỗi, cải chính công khai qua loa, chiếu lệ, không thống nhất như báo chí phản ánh trong thời gian vừa qua. Đặc biệt, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chưa có quy định thành phần tham gia xin lỗi dẫn đến tình trạng là trong nhiều trường hợp, do đặc thù của hoạt tố tụng nên việc làm oan người vô tội có thể là lỗi của nhiều cơ quan tiến hành tố tụng nhưng cơ quan đứng ra xin lỗi chỉ là cơ quan giải quyết bồi thường. Điều này cũng gây bức xúc cho người bị thiệt hại và dư luận xã hội.
3. Đề xuất, kiến nghị
Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong các quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước về phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại, tôi xin đưa ra một số đề xuất, kiến nghị sau:
Một là, cần phải mở rộng đối tượng được phục hồi danh dự theo hướng bổ sung các trường hợp công chức giữ chức vụ từ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật; người bị áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc trái pháp luật cũng được phục hồi danh dự.
Hai là, cần phải quy định cụ thể hình thức phục hồi danh dự đối với từng trường hợp. Cụ thể là: đối với phục hồi danh dự đối với người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự cần phải trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai và đăng báo xin lỗi, cải chính công khai; đối với việc phục hồi danh dự đối với cá nhân là người bị thiệt hại trong trường hợp bị buộc thôi việc trái pháp luật, bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện bằng hình thức đăng báo xin lỗi và cải chính công khai.
Ba là, về thời điểm thực hiện việc phục hồi danh dự cần quy định theo hướng thực hiện song song với việc giải quyết bồi thường nhằm kịp thời xoa dịu một phần nỗi đau của người bị thiệt hại. Theo đó, nên quy định trong một thời hạn nhất định, kể từ ngày thụ lý yêu cầu bồi thường quy định, người đứng đầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm tổ chức trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai.
Bốn là, cần quy định cụ thể trình tự, thủ tục phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại. Đồng thời phải quy định cụ thể thành phần tham gia buổi trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai bao gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan bảo đảm tính cầu thị, thực sự xin lỗi người dân đối với việc làm sai của mình.