Abstract: Business laws of countries are now oriented toward business bankruptcy and therefore, anticipating procedures for rehabilitation of insolvent enterprise. This article analyzes laws of the United States of America, France and China on business rehabilitation in the process of law completion and organization of implementation procedures for business operation rehabilitation of insolvent enterprise in Vietnam.
Thế giới hiện nay đang tồn tại hai xu hướng điều chỉnh pháp luật về phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ theo thủ tục phá sản:
- Xu hướng thứ nhất: Chỉ có một hệ thống văn bản pháp luật chung (gồm Bộ luật và các văn bản hướng dẫn thi hành) điều chỉnh cả hai thủ tục giải quyết các doanh nghiệp mắc nợ là thủ tục phục hồi và thanh lý doanh nghiệp. Có thể kể đến xu hướng này là Hoa Kỳ, Trung Quốc (các nước khác như Anh, Pháp, Đức).
- Xu hướng thứ hai: Có hệ thống văn bản riêng điều chỉnh từng thủ tục phục hồi và thanh lý tư pháp (như các nước: Trung Quốc, Bỉ (Đạo luật ngày 17/07/1997 về thỏa hiệp tư pháp), Hà Lan (Đạo luật ngày 16/05/1925 về thỏa hiệp tư pháp), Nhật Bản (Đạo luật ngày 25/04/1922 về thỏa hiệp tư pháp và Đạo luật ngày 07/06/1952 về phục hồi công ty)).
Về nội dung, pháp luật các quốc gia có nhiều điểm tương đồng, trong đó đều chia thành 03 giai đoạn: (i) Mở thủ tục phục hồi doanh nghiệp mắc nợ và giải quyết yêu cầu mở thủ tục phục hồi doanh nghiệp mắc nợ; (ii) Thực hiện phương án phục hồi doanh nghiệp mắc nợ; (iii) Đình chỉ/kết thúc việc thực hiện phương án phục hồi doanh nghiệp mắc nợ. Để làm rõ hơn những nội dung pháp luật có tính thống nhất cao giữa các xu hướng luập pháp về thủ tục phục hồi doanh nghiệp mắc nợ trên thế giới, chúng ta có thể xem xét nghiên cứu pháp luật của một số quốc gia là: Hoa Kỳ, Cộng hòa Pháp và Trung Quốc. Cả ba quốc gia này đều xác định thủ tục phục hồi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ trong thủ tục phá sản doanh nghiệp, mặc dù được đặt với các tên gọi khác nhau nhưng về cơ bản đều được xác định dưới các đặc điểm của mất khả năng thanh toán khoản nợ đến hạn. Pháp luật các quốc gia này có những điểm cần chú ý đến và cần nghiên cứu trong quá trình hoàn thiện pháp luật về phục hồi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ ở Việt Nam. Đó là:
Thứ nhất, pháp luật phá sản các nước chú trọng hơn thủ tục phục hồi hoạt động của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ (lâm vào tình trạng phá sản), đây là mục tiêu và xu thế chung pháp luật phá sản hiện đại
Cùng với sự phát triển về kinh tế, việc chuyển mục tiêu lập pháp của luật phá sản từ bảo hộ đối với quyền lợi của chủ nợ sang hướng vào chủ thể mắc nợ là một xu thế khách quan (như Quốc hội Hoa Kỳ ban hành đạo luật ngăn ngừa sự lạm dụng phá sản và bảo vệ người tiêu dùng năm 2005 (BAPCPA), Luật Phá sản Cộng hòa Pháp năm 1985, Luật Phá sản Trung Quốc năm 2006). Nếu như pháp luật phá sản truyền thống với việc chỉ bảo vệ cho lợi ích của chủ nợ (với một thủ tục được áp dụng đó đó thanh lý tài sản) dễ dẫn đến những tiêu cực nảy sinh cho cả chủ nợ, doanh nghiệp mắc nợ, người lao động và xã hội, đặc biệt khi nền kinh tế phát triển nhất định thì quy định đơn cực này trở thành rào cản. Với quan điểm giải cứu doanh nghiệp mắc nợ là giải pháp hữu hiệu không chỉ bảo vệ lợi ích của chủ nợ mà còn hướng đến mục tiêu quan trọng hơn nữa là bảo vệ lợi ích của xã hội, pháp luật phá sản các nước chuyển dần sang mục tiêu mới là “hướng vào doanh nghiệp mắc nợ”. Ví dụ như, đạo luật phá sản của Hoa Kỳ được xây dựng để sao cho những người thất bại trong kinh doanh lại được khuyến khích tiếp tục theo đuổi công việc kinh doanh của mình; Luật Phá sản sửa đổi của Cộng hòa Pháp năm 1994 với mục tiêu hướng vào doanh nghiệp mắc nợ đã được giảm đi và tăng quyền hạn của các chủ nợ; nâng cao tính hiệu quả của quá trình tổ chức, phục hồi lại doanh nghiệp[1]...
Tuy nhiên, mục tiêu cốt lõi nhất của pháp luật phá sản hiện đại vẫn nhằm bảo đảm sự bền vững của nền kinh tế và nguyên tắc cân bằng lựa chọn phương án thanh lý hoặc phương án phục hồi mà Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Luật Thương mại Quốc tế đã đề xuất trong Luật mẫu về phá sản xuyên quốc gia[2] và Cộng hòa Pháp đã điều chỉnh theo hướng củng cố các quyền lợi của chủ nợ và quyền giám sát doanh nghiệp mắc nợ trong Luật năm 1994. Phục hồi doanh nghiệp chỉ là phương thức hữu hiệu “lần cuối” để cứu vãn doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ và cũng là phương thức bảo đảm sự ổn định của nền kinh tế nói chung.
Vì vậy, bên cạnh mục tiêu hướng đến con nợ, xu hướng chung của các nước vẫn coi trọng, bảo đảm lợi ích của các chủ nợ bằng cách trao quyền thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh cho các chủ nợ. Hiện nay đang tồn tại hai thể thức thông qua phương án phục hồi của chủ nợ: (i) Theo thể thức truyền thống, toàn bộ các chủ nợ tập trung lại, thảo luận và thông qua phương án phục hồi (theo Luật Phá sản Cộng hòa Pháp năm 1985); (ii) Theo thể thức hiện đại, các chủ nợ được phân thành nhiều nhóm chủ nợ khác nhau với những vai trò khác nhau trong quá trình thảo luận và thông qua phương án phục hồi (Hoa Kỳ). Mặt khác, trong một số trường hợp, doanh nghiệp mắc nợ cũng có thể bảo vệ mình thông qua Tòa án (như ở Trung Quốc).
Ở Việt Nam, mục tiêu lập pháp trong Luật Phá sản năm 2014 đã có sự hướng đến bảo vệ đối tượng lâm vào tình trạng phá sản song các quy định cụ thể lại thiếu đi những giải pháp hữu hiệu bảo đảm cho các doanh nghiệp mắc nợ mong muốn hoặc chủ động hơn trong việc đề xuất phương án, thực hiện các giải pháp phục hồi doanh nghiệp. Luật Phá sản năm 2014 vẫn chú trọng nhiều hơn đến giải pháp bảo đảm cho chủ nợ có thể bảo toàn được tài sản.
Thứ hai, tiêu chí doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản nói chung và đối tượng áp dụng thủ tục phục hồi nói riêng luôn có xu hướng mở rộng
Để xác định doanh nghiệp mắc nợ lâm vào tình trạng phá sản (mất khả năng thanh toán hoặc mất năng lực trả nợ) đòi hỏi cần phải dựa vào những tiêu chí cụ thể, những tiêu chí này là điều kiện, là cơ sở để từ đó xác định doanh nghiệp mắc nợ được áp dụng thủ tục phục hồi hay bị áp dụng thủ tục thanh lý. Có hai loại tiêu chí thường được sử dụng về định lượng và định tính. Các tiêu chí định lượng thường xác định trên cơ sở một lượng giá trị bằng tiền mà doanh nghiệp mắc nợ không trả được vào một thời điểm nhất định. Các tiêu chí này thường kết hợp với tiêu chí về thời gian để xác định thời điểm doanh nghiệp mắc nợ lâm vào tình trạng phá sản (mất khả năng thanh toán hoặc mất năng lực trả nợ). Các tiêu chí định tính chỉ nêu ra trạng thái doanh nghiệp mắc nợ lâm vào tình trạng phá sản mà không cần xác định bởi các con số cụ thể (ví dụ như Luật phá sản Cộng hòa Pháp xác định doanh nghiệp mất khả năng thanh toán được áp dụng thủ tục phục hồi là khi các tài sản có sẵn của doanh nghiệp không đủ để bù đắp các tài sản nợ phải trả).
Dấu hiệu “lâm vào tình trạng phá sản” sẽ được định hình, làm căn cứ cho việc can thiệp vào doanh nghiệp mắc nợ sớm hay muộn, ở giai đoạn nào khi doanh nghiệp mắc nợ có khó khăn về tài chính là tùy quan điểm lập pháp của mỗi quốc gia để từ đó có các quy định về tiêu chí phù hợp.
Trong xu thế phát triển kinh tế ngày nay, đối tượng trong pháp luật phá sản nói chung và phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ nói riêng luôn có xu hướng mở rộng, từ pháp nhân đến cá nhân (Hoa Kỳ, Cộng hòa Pháp), từ doanh nghiệp nhà nước đến các loại hình doanh nghiệp (Trung Quốc), tạo nên sự bình đẳng cho các đối tượng. Về cơ bản, nguyên tắc áp dụng thủ tục phục hồi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ trong pháp luật các nước là không giới hạn nhưng có tính đến các yếu tố khách quan. Việc lựa chọn đối tượng áp dụng thủ tục phục hồi nói riêng, đối tượng của luật phá sản nói chung luôn do điều kiện nền kinh tế của quốc gia đó quyết định. Ví dụ như, Luật Phá sản Trung Quốc năm 2006 chỉ áp dụng cho đối tượng doanh nghiệp là pháp nhân đã mở rộng một bước so với Luật năm 1986 chỉ áp dụng cho doanh nghiệp nhà nước. Trong thủ tục phục hồi, việc chọn đối tượng áp dụng cũng có xu hướng đó, Hoa Kỳ, Cộng hòa Pháp có đối tượng áp dụng bao gồm cả pháp nhân và thể nhân; bao gồm doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân, ngoài ra, Hoa Kỳ còn áp dụng thủ tục này cho cả chính quyền nhà nước (với tư cách là một pháp nhân).
Ở Việt Nam, pháp luật chỉ cho phép chủ nợ và doanh nghiệp mắc nợ mới được quyền yêu cầu Tòa án mở thủ tục phục hồi vì có thể xuất phát từ quan niệm phá sản thực chất là thủ tục đòi nợ, thanh lý nợ nên việc yêu cầu mở thủ tục phục hồi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán chỉ là quyền của các bên trong quan hệ đòi nợ mà thôi.
Ngoài ra, cũng như Việt Nam, pháp luật các nước đều quy định thủ tục phá sản đặc thù cho một số lĩnh vực, loại doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩch vực ngân hàng, tài chính hay các doanh nghiệp đa quốc gia.
Thứ ba, vai trò của chế định quản lý, thanh lý tài sản, ủy ban của các chủ nợ được khẳng định trong thủ tục phá sản nói chung và thủ tục phục hồi doanh nghiệp mắc nợ
Pháp luật Phá sản của các nước Hoa Kỳ, Cộng hòa Pháp và Trung Quốc đều thiết lập một chế định trung gian giúp cho Tòa án, chủ nợ và các chủ thể khác thực hiện thuận lợi hơn quyền của mình. Đó là chế định Tín thác viên của Hoa Kỳ - một chức danh của người đại diện quản lý tài sản của doanh nghiệp mắc nợ lâm vào tình trạng phá sản do Tòa án bổ nhiệm (Trustee)[3] cũng có quyền đề xuất kế hoạch phục hồi; chế định quản tài viên (La gestion de la faillite)[4] do thẩm phán chỉ định; chế định quản trị viên (The administrator)[5] theo Luật Phá sản doanh nghiệp Trung Quốc năm 2006 do Tòa án chỉ định, gần như tương đồng với khái niệm người được ủy thác quản lý tài sản phá sản trong thủ tục phá sản của Mỹ.
Trong một hướng dẫn chung, Luật mẫu về phá sản xuyên quốc gia của Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Luật Thương mại Quốc tế (UNCITRAL) đã hướng dẫn về “người đại diện phá sản” (The insolvency representative) như là người có trách nhiệm quản lý thủ tục phá sản được xác định theo tên gọi chức danh khác nhau, như là “Quản trị viên” (“administrators”), “Quản tài viên” (“trustees”), “người thanh lý” (“liquidators”), “người giám sát” (“supervisors”), “người nhận” (“receivers”), “giám tuyển” (“curators”), “công chức, viên chức” (“official”) hoặc “nhà quản lý tư pháp” (“judicial managers”) hoặc “ủy viên” (“commissioners”)[6]. Đại diện phá sản có thể là một cá nhân hoặc một số chức danh tư pháp, một công ty, một pháp nhân riêng biệt, đóng vai trò trung tâm trong việc thực hiện luật về phá sản, với những quyền hạn nhất định có ý nghĩa quyết định tính hiệu quả của việc thực hiện luật đối với người mắc nợ và tài sản của họ, có nghĩa vụ bảo vệ tài sản và giá trị của họ cũng như lợi ích của chủ nợ và người lao động, bảo đảm luật pháp được áp dụng có hiệu quả và không thiên vị.
Trên thực tế, các chủ nợ không thể cùng tập hợp để họp bàn việc giải quyết thủ tục phục hồi doanh nghiệp, mà thường thành lập một ủy ban (Committees) gồm các chủ nợ lớn nhất của mình để giám sát các vấn đề liên quan và cùng với doanh nghiệp lập ra kế hoạch tái cơ cấu. Các chủ nợ được phân thành nhiều nhóm chủ nợ khác nhau với những vai trò khác nhau trong quá trình thảo luận và thông qua phương án phục hồi. Mặc dù, chủ nợ không có tài sản bảo đảm có vai trò quyết định trong các hội nghị, các ủy ban chủ nợ thường chỉ đại diện cho các chủ nợ không có bảo đảm, nhưng một số luật pháp quốc gia xác định có thể có trường hợp một ủy ban riêng của các chủ nợ có tài sản bảo đảm “là chính đáng”[7] (như Hoa Kỳ). Khi kế hoạch phục hồi doanh nghiệp được phê chuẩn, nhiều giao dịch kinh doanh không thuộc quá trình thông thường đòi hỏi phải có sự phê chuẩn của Tòa án[8].
Thứ tư, thủ tục phục hồi là một thủ tục tư pháp và đồng thời là một giải pháp lý tưởng nhằm cứu vãn doanh nghiệp mắc nợ thoát khỏi lâm vào tình trạng phá sản, phòng ngừa phá sản
Thủ tục phục hồi doanh nghiệp mắc nợ mặc dù có nhiều tên gọi khác nhau song đều thể hiện một mục tiêu là áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp mắc nợ trong tình trạng phá sản được “hồi sinh”. Thủ tục phục hồi doanh nghiệp mắc nợ trước hết nó là một giải pháp nhằm cứu vãn doanh nghiệp mắc nợ lâm vào tình trạng phá sản (mất khả năng thanh toán) tránh bị phá sản, bên cạnh đó nó còn là giải pháp trong việc bảo hộ đối với lợi ích của chủ nợ (chủ nợ có thể thu hồi được toàn bộ nợ nếu phục hồi thành công). Giải pháp này được cụ thể bằng nhiều biện pháp nhằm tổ chức lại hoạt động của doanh nghiệp mắc nợ lâm vào tình trạng phá sản. Đi liền với quy định về thủ tục phục hồi, các quy định về các biện pháp là không thể thiếu. Những biện pháp này tùy theo tình hình thực tiễn kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia để tạo nên sự hợp lý, có tình khả thi[9].
Về nội dung của thủ tục phục hồi doanh nghiệp mắc nợ, pháp luật của ba quốc gia nêu trên có nhiều điểm tương đồng, trong đó đều chia thành 03 giai đoạn: (i) Mở thủ tục phục hồi doanh nghiệp mắc nợ và giải quyết yêu cầu mở thủ tục phục hồi doanh nghiệp mắc nợ được thực hiện sau khi mở thủ tục phá sản; (ii) Thực hiện phương án phục hồi doanh nghiệp mắc nợ; (iii) Đình chỉ việc thực hiện phương án phục hồi doanh nghiệp mắc nợ.
Pháp luật của từng quốc gia bao giờ cũng tồn tại một thủ tục cho phép đồng thời trả nợ và tiếp tục duy trì hoat động của doanh nghiệp mắc nợ. Việc xây dựng một phương án phục hồi rồi được các chủ nợ thông qua và nhận sự phê chuẩn của Tòa án là một phương thức kỹ thuật của sự duy trì này. Trong thủ tục hiện đại, sự tồn tại của nhiều chủ thể được phép xuất trình, đề nghị phương án phục hồi sẽ làm tăng khả năng may mắn duy trì hoạt động của doanh nghiệp mắc nợ (Hoa Kỳ, Cộng hòa Pháp, Trung Quốc). Thông qua thủ tục như vậy, Tòa án và các chủ nợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp mắc nợ thực hiện những giải pháp, phương thức giải quyết món nợ và thể thức, phương thức duy trì hoạt động của doanh nghiệp mắc nợ.
Vào thời điểm hiện nay, thủ tục phục hồi cho phép duy trì hoạt động của doanh nghiệp mắc nợ có hai loại: (i) Thủ tục phục hồi truyền thống cho phép duy trì hoạt động của doanh nghiệp mắc nợ bằng cách có phương tiện để trả nợ - Việt Nam vẫn đang đi theo hướng này; (ii) Thủ tục phục hồi hiện đại theo đuổi mục tiêu là chưa phải trả nợ nhưng được dành những phương tiện tốt nhất, quan trọng nhất nhằm duy trì và cơ cấu lại doanh nghiệp mắc nợ - đặc biệt, Hoa Kỳ xem giải pháp phá sản nói chung và phục hồi doanh nghiệp nói riêng là một “vũ khí bí mật” bảo đảm tăng trưởng kinh tế. Mục tiêu của thủ tục phục hồi doanh nghiệp của Hoa Kỳ là việc tiếp tục để các doanh nghiệp mắc nợ được kinh doanh. Thủ tục này có thể được thực hiện dưới dạng một “cam kết”, thông qua đó, người mắc nợ và các chủ nợ thỏa thuận về việc giảm nợ để tạo điều kiện cho tổng số nợ của người mắc nợ giảm xuống, doanh nghiệp không còn lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán nữa và có thể tiếp tục kinh doanh…
Mặt khác, thủ tục phục hồi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán được nhiều nước chấp nhận đưa thêm các quy định về thủ tục tiền phá sản, thủ tục không chính thức mang tính chất phòng ngừa để tránh xảy ra hiện tượng doanh nghiệp bị đưa vào diện đối tượng của pháp luật phá sản, như pháp luật phá sản của Hoa Kỳ, Cộng hòa Pháp. Điều này đã được thực hiện[10] và dường như khá phù hợp với nước ta, vì vậy, Việt Nam cũng cần nghiên cứu để mở rộng hơn các giải pháp phục hồi hoạt doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ.
Thứ năm, tạo sự chủ động cho chính doanh nghiệp mắc nợ tham gia vào quá trình khởi động của thủ tục phá sản
Điển hình là pháp luật phá sản Hoa Kỳ, từ những hình thành ban đầu của mục tiêu “hướng vào doanh nghiệp mắc nợ” với thủ tục hòa giải, trong thủ tục hòa giải lần đầu tiên doanh nghiệp mắc nợ được tham gia và có ý kiến liên quan đến việc quyết định “số mệnh” của mình. Doanh nghiệp mắc nợ có tư cách pháp lý độc lập chủ động hơn trong vấn đề phá sản, có quyền lựa chọn áp dụng theo quy định tại chương 7 (thanh lý tài sản) hoặc áp dụng chương 11 (phục hồi doanh nghiệp), những quy định tạo ra sự lựa chọn này được nhiều nước và khu vực học tập như Trung Quốc. Việc đưa ra quy định này nhằm tránh cho chủ nợ, doanh nghiệp mắc nợ và cả Tòa án khỏi những phức tạp khi áp dụng cả hai thủ tục phục hồi và thanh lý trong một thủ tục chung là thủ tục phá sản. Luật phá sản của Cộng hòa Pháp còn đưa ra nhiều loại thủ tục (như đã trình bày ở trên) để doanh nghiệp mắc nợ có thể lựa chọn tùy vào mức độ khó khăn về tài chính của mình. Thực tế, chủ doanh nghiệp là người nắm rõ nhất “sức khỏe” của doanh nghiệp, do đó việc quy định nhiều loại thủ tục cho doanh nghiệp mắc nợ được lựa chọn với các trình tự thủ tục giải quyết khác nhau sẽ tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp mắc nợ phục hồi thành công hơn là chỉ có một trình tự thủ tục tư pháp. Do đó, Việt Nam cũng cần nghiên cứu mở rộng, tăng cường sự chủ động cho chính doanh nghiệp mắc nợ tham gia vào quá trình khởi động của thủ tục phá sản.
Đại học Kinh tế Nghệ An
[1]. Xem: Elisabeth Roucolle (2001), Histoire du droit de la faillite en France: une approche des representations de la defaillance, http://www.strategie-aims.com/events/conferences/13-xeme-conference-de-l-aims/communications/ 2380-histoire-du-droit-de-la-faillite-en-france-une-approche-des-representations-de-la-defaillance/download.
[2]. UNCITRAL (2005), Legislative Guide on Insolvency Law, New York.
[3]. Title 11: United States Bankruptcy Code, https://www.law.cornell.edu/uscode/text/11.
[4]. Dezalay Yves, Le droit des faillites: du notable à l’expert [La restructuration du champ des professionnels de la restructuration des entreprises]. In: Actes de la recherche en sciences sociales. Vol. 76-77, mars 1989. Droit et expertise, pp. 2-29 (document généré le 01/09/2016).
[5]. Enterprise Bankruptcy Law of the People’s Republic of China, http://www.npc.gov.cn/englishnpc/Law/2008-01/02/content_1388019.htm.
[6]. UNCITRAL (2005), Legislative Guide on Insolvency Law, New York, pp. 174.
[7]. UNCITRAL (2005), Legislative Guide on Insolvency Law, New York, pp. 198.
[8]. David L. Buchbinder and Robert J. Cooper (2017), Basic Bankruptcy Law for Paralegals, Wolters Kluwer, NewYork, pp. 228.
[9]. Dương Hương Sơn (2013), Phục hồi doanh nghiệp phá sản, một mục tiêu lớn trong vấn đề lập pháp đối với pháp luật phá sản hiện đại, Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, http://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1642 ngày 25/11/2013.
[10]. Minh Sơn (2017), Bầu Đức hoàn thành đàm phán với các chủ nợ, nguồn: https://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/bau-duc-hoan-thanh-dam-phan-voi-cac-chu-no-3660414.html?ctr=related_news_click.