Một số quan điểm chỉ đạo trong quá trình xây dựng dự án Luật Lý lịch tư pháp (sửa đổi) được quán triệt là:
Thứ nhất, thể chế hóa các quy định mới của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền bí mật đời tư cá nhân; bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của Luật Lý lịch tư pháp với các văn bản pháp luật khác có liên quan, đặc biệt là chế định đương nhiên xóa án tích được quy định trong Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự;
Thứ hai, căn cứ vào kết quả tổng kết thực tiễn 06 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp năm 2009, kế thừa, phát huy hiệu quả những quy định của Luật Lý lịch tư pháp đã được áp dụng tốt, đi vào cuộc sống và tháo gỡ từng bước những khó khăn, vướng mắc về trao đổi, cung cấp thông tin, xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích... trong thực tiễn thi hành hiện nay;
Thứ ba, tiếp tục thực hiện chủ trương cải cách hành chính về thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp, đa dạng hóa phương thức nhận hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp và cấp phiếu lý lịch tư pháp, bảo đảm thời hạn cấp phiếu lý lịch tư pháp hướng tới phục vụ tốt hơn nữa cho người dân.
Xuất phát từ các quan điểm chỉ đạo ở trên, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp dự kiến sửa đổi 20 điều, bổ sung 01 điều; tập trung sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm cập nhật các quy định mới được ban hành sau Luật Lý lịch tư pháp hiện hành, đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp nhằm giảm tải và tăng tính khả thi giải quyết công việc của các cơ quan nhà nước; tạo thuận lợi, đáp ứng tốt nhất yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Những vấn đề lớn về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 được cụ thể như sau:
Một là, về lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp:
Điều 10 Luật Lý lịch tư pháp hiện hành quy định cá nhân có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp phải nộp lệ phí. Theo quy định của Luật Phí và lệ phí, lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp không có trong danh mục phí, lệ phí; thay vào đó là phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp (dự thảo Luật) sửa đổi quy định về lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp theo hướng cá nhân có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp phải nộp phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp.
Hai là, nguồn cung cấp thông tin và nhiệm vụ của các cơ quan trong cung cấp thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp:
Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 đã quy định cụ thể nguồn thông tin lý lịch tư pháp và nhiệm vụ của các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, Công an, cơ quan có liên quan của Quân đội trong cung cấp thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (từ Điều 15 đến Điều 19). Tuy nhiên, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Luật Thi hành án hình sự năm 2010, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có một số thay đổi so với quy định của Luật Lý lịch tư pháp hiện hành. Do đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quyết định là nguồn thông tin lý lịch tư pháp (quyết định tổng hợp hình phạt; quyết định đình chỉ việc chấp hành án phạt tù; quyết định đình chỉ thi hành án; quyết định rút ngắn thời gian thử thách án treo; quyết định thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ (Điều 15) và nhiệm vụ của Tòa án, Viện kiểm sát, Công an, cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng nhằm bảo đảm phù hợp với quy định của các văn bản pháp luật mới được ban hành như đã nêu trên (từ Điều 16 đến Điều 19).
Ba là, quy định chặt chẽ hơn về cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2:
Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 41 Luật Lý lịch tư pháp, Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình. Để giải quyết tình trạng lạm dụng Phiếu lý lịch tư pháp số 2 trong thời gian qua, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp và bí mật đời tư của cá nhân, bảo đảm mục đích nhân đạo của chế định xóa án tích, dự thảo Luật sửa đổi quy định này theo hướng Phiếu lý lịch tư pháp số 2 chỉ cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng, không cấp cho cá nhân.
Bốn là, bổ sung quy định bảo đảm thực hiện chế định đương nhiên được xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015:
Để bảo đảm thực hiện chế định đương nhiên được xóa tích của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, dự thảo Luật bổ sung nhiệm vụ của Viện kiểm sát ra quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can hoặc quyết định khởi tố bị can cung cấp các quyết định đó cho Sở Tư pháp nơi Viện kiểm sát có trụ sở. Định kỳ, cơ quan quản lý lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án, cơ quan điều tra có liên quan thực hiện rà soát những người đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự. Cơ quan quản lý lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Đồng thời, để bảo đảm tính chính xác của phiếu lý lịch tư pháp, dự thảo Luật quy định trường hợp người yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp có án tích và thông tin về việc đương nhiên xóa án tích chưa được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, cơ quan cấp phiếu lý lịch tư pháp có trách nhiệm đề nghị Viện kiểm sát ra quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can hoặc quyết định khởi tố bị can cung cấp thông tin về việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử người đó.
Đối với thông tin về “hành vi phạm tội mới” có trước ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp có hiệu lực, dự thảo Luật bổ sung quy định về điều khoản thi hành theo hướng Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan điều tra, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người bị kết án cư trú có trách nhiệm cung cấp thông tin theo đề nghị của cơ quan quản lý lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp phiếu lý lịch tư pháp.
Năm là, cải cách thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức:
Nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp, dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các điểm sau đây:
(i) Đa dạng các phương thức nộp hồ sơ và cấp phiếu lý lịch tư pháp: Nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cũng như kết quả thực hiện thí điểm trong thời gian qua, dự thảo Luật bổ sung hình thức phiếu lý lịch tư pháp dưới dạng văn bản giấy hoặc dữ liệu điện tử và phương thức cấp phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính công ích, trực tuyến; bổ sung quy định về hình thức nộp hồ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp (trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính, trực tuyến).
(ii) Mở rộng quyền lựa chọn cơ quan có thẩm quyền cấp phiếu lý lịch tư pháp: Luật Lý lịch tư pháp (Điều 45) quy định công dân Việt Nam nộp hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp nơi thường trú hoặc nơi tạm trú; trường hợp cư trú ở nước ngoài thì nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú trước khi xuất cảnh. Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú; trường hợp đã rời Việt Nam thì nộp tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia. Để tạo thuận lợi cho cá nhân có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp, đặc biệt là các công dân đi du học, công tác xa nơi đăng ký thường trú, người nước ngoài, dự thảo Luật quy định theo hướng mở rộng quyền lựa chọn cơ quan giải quyết thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp cho một số đối tượng như công dân Việt Nam thường trú hoặc tạm trú ở nhiều nơi, đang cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có thể nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp nơi người đó cư trú hoặc cơ quan quản lý lý lịch tư pháp.
(iii) Sửa đổi quy định về tra cứu thông tin để cấp phiếu lý lịch tư pháp: Luật Lý lịch tư pháp quy định trường hợp người được cấp phiếu lý lịch tư pháp chỉ có một nơi thường trú duy nhất tại một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kể từ khi đủ 14 tuổi trở lên thì tra cứu tại Sở Tư pháp nơi người đó thường trú. Trường hợp người được cấp phiếu lý lịch tư pháp đã cư trú ở nhiều tỉnh, thành phố, có thời gian cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài thì tra cứu tại Sở Tư pháp nơi tiếp nhận yêu cầu và Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia. Nhằm xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trong tra cứu thông tin để cấp phiếu lý lịch tư pháp, dự thảo Luật sửa đổi quy định này theo hướng quy định rõ việc tra cứu thông tin tại cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp được thực hiện tại Sở Tư pháp nơi người đó thường trú và cơ quan quản lý lý lịch tư pháp.
(iv) Sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn cấp phiếu lý lịch tư pháp: Luật Lý lịch tư pháp quy định thời hạn cấp phiếu lý lịch tư pháp không quá 10 ngày. Trường hợp công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài, trường hợp phải xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích, thì thời hạn không quá 15 ngày. Để tạo thuận lợi hơn cho người yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp, dự thảo Luật sửa đổi quy định về thời hạn theo hướng giảm xuống là 07 ngày làm việc. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế công tác xác minh tình trạng án tích để cấp phiếu lý lịch tư pháp đối với các trường hợp cá nhân đã từng bị kết án bởi nhiều bản án là rất phức tạp, dự thảo Luật bổ sung trường hợp người được cấp phiếu lý lịch tư pháp là người bị kết án bởi nhiều bản án thì thời hạn không quá 20 ngày.
(v) Quy định cụ thể về hồ sơ, thủ tục, thời hạn cấp phiếu đối với người chưa đủ 14 tuổi: Xuất phát từ thực tế giải quyết yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của người chưa đủ 14 tuổi, đây là đối tượng chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo pháp luật hình sự, dự thảo Luật bổ sung quy định về hồ sơ yêu cầu cấp phiếu đơn giản hơn (không cần chứng minh nhân dân, chỉ cần có bản sao sổ hộ khẩu; đối với người nước ngoài chỉ cần cần nộp bản sao hộ chiếu); không phải thực hiện tra cứu thông tin lý lịch tư pháp. Đồng thời, thời hạn cấp phiếu được rút ngắn tối đa là 01 ngày làm việc.
Ngoài ra, để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp, Bộ Tư pháp cũng xin ý kiến Chính phủ về việc cần thiết phải thay đổi tên gọi của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia - một đơn vị cấp vụ, cục đang được quy định tại Luật Lý lịch tư pháp hiện hành bằng tên gọi Cơ quan quản lý lý lịch tư pháp trong Luật Lý lịch tư pháp (sửa đổi). Sau khi đổi tên, thì “Cơ quan quản lý lý lịch tư pháp” vẫn là một đơn vị cấp vụ, cục thuộc Bộ Tư pháp và do đó hoàn toàn không tạo ra tổ chức mới, không phát sinh thêm biên chế, nhưng lại tạo được điều kiện để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác lý lịch tư pháp thống nhất, thông suốt trong thực hiện nhiệm vụ. Tại địa phương, Sở Tư pháp vẫn là cơ quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ trong quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp và cấp phiếu lý lịch tư pháp như quy định của Luật Lý lịch tư pháp hiện hành.
Ý kiến bạn đọc (0)
Các tin khác
Một số vấn đề về Dự thảo Luật Tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú
Hiện nay, công tác tạm giữ, tạm giam được thực hiện theo quy định của Luật Thi hành tạm...
Một số bất cập về tham gia, hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo Luật Việc làm năm 2013 và kiến nghị hoàn thiện
Bài viết phân tích một số hạn chế, bất cập trong quy định của Luật Việc làm năm 2013 về việc tham gia và hưởng bảo hiểm thất nghiệp, từ đó, đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật.
Xây dựng quy chế mẫu hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong kỷ nguyên mới của đất nước
Bài viết tập trung làm rõ cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn xây dựng quy chế mẫu hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở nước ta hiện nay, từ đó, đề xuất khung quy chế mẫu hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp - Thách thức đặt ra và một số giải pháp thực hiện
Trong xu thế hội nhập quốc tế, nguồn nhân lực có kỹ năng nghề phải đáp ứng yêu cầu, đòi...
Đơn giản hóa trình tự, thủ tục và đẩy mạnh giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài
Đây là chủ trương đã được luật hóa trong Luật Đầu tư công năm 2024 nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA.