Tóm tắt: Bài viết đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả quan hệ phối hợp giữa Cơ quan An ninh điều tra với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong điều tra vụ án hình sự.
Abstract: The article assesses the current situation and proposes some solutions to improve the efficiency of the coordination relationship between the Investigation Security Agency and relevant agencies and organizations in the investigation of criminal cases.
1. Khái quát về mối quan hệ phối hợp giữa Cơ quan An ninh điều tra với các cơ quan, tổ chức hữu quan trong điều tra vụ án hình sự
Điều tra hình sự của lực lượng an ninh là hoạt động tố tụng hình sự của Nhà nước, đồng thời là hoạt động nghiệp vụ an ninh do những chủ thể có thẩm quyền của lực lượng an ninh tiến hành để làm rõ vụ án hình sự, đồng thời đáp ứng các yêu cầu khác của công tác phòng, chống tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra[1].
Để làm rõ những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự và các vấn đề cần thiết khác phục vụ các yêu cầu của công tác phòng, chống tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của lực lượng an ninh, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng mọi biện pháp mà pháp luật quy định, sử dụng, huy động sức mạnh của mọi lực lượng để thực hiện được những nhiệm vụ nói trên. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị khác xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của mình, yêu cầu nhiệm vụ công tác điều tra cũng cần phối hợp với cơ quan điều tra để giải quyết. Do đó, tổ chức và thực hiện mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan điều tra với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình điều tra vụ án hình sự là vấn đề mang tính tất yếu, khách quan.
Lý luận khoa học điều tra hình sự cho rằng, quan hệ phối hợp trong điều tra vụ án hình sự là quan hệ phân công trách nhiệm và phối hợp cùng hành động giữa cơ quan điều tra với các lực lượng khác trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng lực lượng phục vụ yêu cầu điều tra, xử lý vụ án hình sự”[2]. Chủ thể chủ trì quan hệ phối hợp trong điều tra vụ án hình sự là cơ quan điều tra. Lực lượng tham gia quan hệ phối hợp với lực lượng điều tra có thể là cơ quan điều tra khác, các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan hỗ trợ tư pháp, các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, các tổ chức xã hội trong việc giải quyết vụ án hình sự.
Trong quá trình điều tra vụ án hình sự, xuất phát từ các yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể mà công tác điều tra đặt ra, cơ quan điều tra xác định phối hợp với cơ quan, đơn vị nào cũng như những nội dung, mục đích cụ thể trong mối quan hệ phối hợp đó. Trong phạm vi của bài viết này, tác giả đề cập đến mối quan hệ giữa Cơ quan An ninh điều tra và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong điều tra vụ án hình sự không bao gồm các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, đơn vị trinh sát, cơ quan tiến hành tố tụng khác mà tập trung vào mối quan hệ với các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội trong việc giải quyết vụ án hình sự.
Quan hệ phối hợp giữa Cơ quan An ninh điều tra và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong điều tra vụ án hình sự chịu sự chi phối của các quy định pháp luật có liên quan, đặc điểm tình huống điều tra, đặc điểm hình sự của vụ án như đặc điểm hoạt động phạm tội, đặc điểm đối tượng phạm tội, đặc điểm tài liệu chứng cứ trong vụ án... và chức năng, nhiệm vụ, năng lực của cơ quan điều tra và các đơn vị liên quan. Giữa Cơ quan An ninh điều tra và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong điều tra vụ án hình sự thường có sự phối hợp trong tiến hành các hoạt động điều tra đã được Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (sau đây gọi tắt là Bộ luật Tố tụng hình sự) quy định; phối hợp trong khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra và khắc phục nguyên nhân, điều kiện phạm tội; phối hợp trong giám sát, kiểm soát hoạt động của cơ quan điều tra trong khi tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự.
- Mối quan hệ phối hợp trong tiến hành các biện pháp thu thập chứng cứ, biện pháp ngăn chặn đã được Bộ luật Tố tụng hình sự quy định vẫn là nội dung chủ đạo được đề cập đến nhiều hơn cả. Quan hệ phối hợp trong lĩnh vực này xuất phát từ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015. Tại Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 5 quy định về trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; khoản 1 Điều 88 quy định về thu thập chứng cứ (để thu thập chứng cứ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật này; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án); khoản 5 Điều 123 quy định về cấm đi khỏi nơi cư trú (người ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú phải thông báo về việc áp dụng biện pháp này cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can, bị cáo cư trú, đơn vị quân đội đang quản lý bị can, bị cáo và giao bị can, bị cáo cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc đơn vị quân đội đó để quản lý, theo dõi họ và nhiều quy định khác). Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 cũng quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hoạt động điều tra hình sự, trong đó có đề cập đến việc các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu, quyết định và tạo điều kiện để cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, người có thẩm quyền điều tra hình sự thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động điều tra hình sự (Điều 12); về bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ hoạt động điều tra hình sự, trong trường hợp cấp thiết, để ngăn chặn hành động phạm tội, đuổi bắt người phạm tội, cấp cứu người bị nạn, điều tra viên được huy động, sử dụng phương tiện giao thông, thông tin liên lạc của cơ quan, tổ chức và cá nhân, kể cả những người điều khiển phương tiện ấy (Điều 62).
Những quy định trên đã tạo ra cơ sở pháp lý để Cơ quan An ninh điều tra thực hiện mối quan hệ phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong điều tra vụ án hình sự khi tiến hành các biện pháp thu thập chứng cứ, biện pháp ngăn chặn.
- Quan hệ phối hợp giữa Cơ quan An ninh điều tra và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong điều tra vụ án hình sự còn có việc phối hợp để khắc phục nguyên nhân, điều kiện phạm tội. Khi phát hiện ra được những nguyên nhân và điều kiện phạm tội trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra sẽ yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và phòng ngừa và cơ quan, tổ chức hữu quan phải thực hiện yêu cầu, kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, kiến nghị, cơ quan, tổ chức hữu quan phải trả lời bằng văn bản về việc thực hiện yêu cầu, kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
- Ngoài ra, Cơ quan An ninh điều tra và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong điều tra vụ án hình sự còn phối hợp trong giám sát, kiểm soát hoạt động của cơ quan điều tra trong khi tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự. Nội dung của quan hệ phối hợp này được quy định tại Điều 32 Bộ luật Tố tụng hình sự về bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự; Điều 33 Bộ luật Tố tụng hình sự về kiểm tra, giám sát trong tố tụng hình sự và Chương XXXIII quy định về khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự; Điều 13 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 về giám sát của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử đối với hoạt động điều tra hình sự. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, mối quan hệ này có điểm mới là lần đầu tiên cụm từ “kiểm soát” được đưa vào nguyên tắc trong Bộ luật Tố tụng hình sự “thực hiện kiểm soát giữa các cơ quan trong việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án” (khoản 1 Điều 33). Như vậy, chính Cơ quan An ninh điều tra cũng như thủ trưởng, phó thủ trưởng, điều tra viên Cơ quan An ninh điều tra phải tự kiểm soát các hoạt động của mình khi tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra. Đồng thời, giữa các cơ quan tiến hành tố tụng có sự kiểm soát lẫn nhau, trong giai đoạn khởi tố, điều tra thì việc kiểm soát chủ yếu là do Viện kiểm sát thực hiện cùng với sự giám sát của các cơ quan nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, đại biểu dân cử. Quy định này đã thể hiện rõ yêu cầu xây dựng và hoàn thiện cơ quan điều tra nói riêng, các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung, tránh sự lạm quyền khi thực hiện nhiệm vụ.
2. Thực trạng quan hệ phối hợp giữa Cơ quan An ninh điều tra với các cơ quan, tổ chức hữu quan khi điều tra vụ án hình sự
Theo Báo cáo số 43/BC-BCA ngày 14/01/2021 của Bộ Công an sơ kết thi hành Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 và Báo cáo nghiên cứu “Cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan tư pháp, tổ chức trong hoạt động khởi tố, điều tra - Những vấn đề lý luận, thực trạng pháp luật, thực tiễn thực hiện và đề xuất kiến nghị” của Đảng ủy Công an Trung ương kèm theo Công văn số 295-CV/ĐUCA ngày 17/8/2021 của Đảng ủy Công an Trung ương gửi Ban chỉ đạo Đề án của Đảng đoàn Quốc hội thì tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án do Cơ quan điều tra của Công an nhân dân thụ lý (trong đó có Cơ quan An ninh điều tra) ở mức cao, các vụ án đình chỉ điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại có tỷ lệ thấp. Có được những thành công này một phần là do đã tổ chức, thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp giữa các đơn vị, phát huy sức mạnh tổng hợp của tất cả các cơ quan, đơn vị có liên quan trong điều tra vụ án hình sự.
Tuy nhiên, trong quy định của pháp luật về mối quan hệ giữa Cơ quan An ninh điều tra và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong tiến hành biện pháp thu thập chứng cứ, biện pháp ngăn chặn còn có một số hạn chế, bất cập, ảnh hưởng đến hiệu quả khi thực hiện. Đó là: (i) Chưa quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan khi thực hiện các yêu cầu của cơ quan điều tra đối với các hoạt động thu thập, củng cố chứng cứ. (ii) Chế tài xử lý đối với việc thiếu trách nhiệm, không đáp ứng các yêu cầu của các cơ quan, tổ chức chưa đủ sức răn đe. Hiện nay, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng năm 2022, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình chưa có chế tài xử lý, thiếu sự răn đe. (iii) Chưa có quy định cụ thể để cơ quan điều tra thực hiện các quyền của mình trong điều tra, chẳng hạn như chưa có sự giải thích về “trường hợp cấp thiết, để ngăn chặn hành động phạm tội, đuổi bắt người phạm tội, cấp cứu người bị nạn” hay quy trình “huy động, sử dụng phương tiện giao thông, thông tin liên lạc của cơ quan, tổ chức và cá nhân, kể cả những người điều khiển phương tiện” mà Điều 62 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 đã quy định. Chính những hạn chế này dẫn đến trong một số trường hợp nhận thức, ý thức của cả điều tra viên, cán bộ điều tra và cá nhân, tổ chức có liên quan chưa thống nhất, xuất hiện tâm lý ngại va chạm, né tránh. Có trường hợp cơ quan điều tra thực hiện công vụ nhưng phải “xin” để được cung cấp tài liệu từ các tổ chức, đơn vị có liên quan.
Đối với việc phối hợp để khắc phục nguyên nhân, điều kiện phạm tội, trách nhiệm của cơ quan điều tra chỉ dừng lại ở việc phát hiện nguyên nhân và điều kiện phạm tội, yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và phòng ngừa, chưa có quy định việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc áp dụng các biện pháp khắc phục và phòng ngừa như thế nào? Việc trả lời bằng văn bản của cơ quan, tổ chức hữu quan chưa được quy định rõ cụ thể nội dung, biện pháp, thời gian khắc phục, phòng ngừa, nếu không trả lời hoặc không có biện pháp khắc phục thì chế tài ra làm sao cũng chưa rõ.
Đối với lĩnh vực giám sát, kiểm soát hoạt động của cơ quan điều tra trong khi tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự, chưa có quy định cụ thể về cơ chế kiểm soát trong nội bộ các cơ quan điều tra, mặt khác sự giám sát của các cơ quan nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, đại biểu dân cử vẫn mang tính hình thức, chưa có những quy định cụ thể và cơ chế để thực hiện.
3. Một số kiến nghị, đề xuất
Để nâng cao hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa Cơ quan An ninh điều tra với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong điều tra vụ án hình sự, cần thực hiện một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục hoàn thiện mô hình, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan điều tra nói chung, Cơ quan điều tra Công an nhân dân nói riêng theo tinh thần của Nghị quyết số 14-NQ/ĐUCA ngày 08/11/2022 của Đảng ủy Công an Trung ương và Đề án số 10/ĐA-BCA ngày 07/12/2022 của Bộ Công an về tiếp tục xây dựng Cơ quan điều tra của Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Cơ quan An ninh điều tra thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình, trong đó có thực hiện mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan điều tra với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong điều tra vụ án hình sự.
Hai là, nâng cao nhận thức cho các điều tra viên, cán bộ điều tra về tầm quan trọng, tính tất yếu của việc thực hiện mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan điều tra với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong điều tra vụ án hình sự. Bên cạnh đó, cần tăng cường bồi dưỡng các kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng cho các điều tra viên, cán bộ điều tra, bao gồm cả kỹ năng làm việc với các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong điều tra vụ án.
Ba là, bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan khi thực hiện các yêu cầu của cơ quan điều tra đối với các hoạt động thu thập, củng cố chứng cứ và yêu cầu, kiến nghị khắc phục nguyên nhân, điều kiện phạm tội từ phía cơ quan điều tra; chế tài xử lý đối với việc các cơ quan, tổ chức không thực hiện yêu cầu của cơ quan điều tra; quy định cụ thể để cơ quan điều tra thực hiện các quyền của mình trong điều tra khi có tình huống khẩn cấp, liên quan đến tổ chức, cơ quan khác.
Bốn là, cần có quy định cụ thể về cơ chế kiểm soát trong nội bộ các cơ quan điều tra. Bên cạnh đó, phải triển khai mạnh mẽ và bảo đảm thực hiện nghiêm túc quy định trong các văn bản đã ban hành như Thông tư số 126/2020/TT-BCA ngày 01/12/2020 của Bộ Công an quy định việc thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra của lực lượng Công an nhân dân để bảo đảm mối quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong điều tra vụ án hình sự được thực hiện đa chiều, đúng quy định pháp luật.
TS. Hoàng Tuấn Anh
Học viện An ninh nhân dân
[1]. Hội đồng lý luận Bộ Công an (2020), Tổng tập lý luận nghiệp vụ an ninh, Tập VIII - Nghiệp vụ an ninh điều tra, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội.
[2]. Hội đồng lý luận Bộ Công an (2020), tlđd.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 380), tháng 5/2023)