Ủy ban nhân dân tỉnh công tác quản lý nhà nước về hộ tịch trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có nhiều chuyển biến tích cực, các sự kiện về hộ tịch của nhân dân được các cấp, các ngành chỉ đạo thực hiện kịp thời, đúng quy định của pháp luật; công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL)về hộ tịch luôn được chú trọng triển khai đến tận cơ sở; nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về hộ tịch của nhân dân được nâng lên; đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch ở cơ sở được quan tâm, củng cố về số lượng và kỹ năng thực hiện nghiệp vụ; các loại sổ sách, biểu mẫu hộ tịch được hỗ trợ và cung cấp kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hộ tịch. Bài viết đã phản ánh về: Thực trạng quản lý nhà nước về công tác hộ tịch trên địa bàn tỉnh Sơn La trong thời gian qua; và nêu lên một số giải pháp đối với hoạt động quản lý hộ tịch trong thời gian tới.
Do điều kiện về địa lý, kinh tế, văn hóa xã hội và xuất phát từ mối quan hệ truyền thống hữu nghị lâu đời giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào; mối quan hệ thân thuộc của một bộ phận nhân dân ở khu vực biên giới cùng với phong tục tập quán của một số dân tộc thiểu số của tỉnh, nên một số người Lào, người không quốc tịch (có nguồn gốc từ Lào) cư trú ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đa số họ đã cư trú tại Sơn La khá lâu và không có giấy tờ chứng minh về nhân thân, quốc tịch, quan hệ hôn nhân chỉ là quan hệ hôn nhân thực tế, chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam hay của nước bạn Lào. Bởi vậy, việc xác định về mặt pháp lý rất khó khăn trong việc lập hồ sơ xin nhập quốc tịch và giải quyết về hộ tịch (đăng ký kết hôn và khai sinh quá hạn). Đây là vấn đề lịch sử, đã tồn tại từ lâu, liên quan thiết thực đến đời sống, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Xác định công tác quản lý nhà nước về hộ tịch là một nội dung quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước của địa phương. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, công tác quản lý nhà nước về hộ tịch trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có nhiều chuyển biến tích cực, các sự kiện về hộ tịch của nhân dân được các cấp, các ngành chỉ đạo thực hiện kịp thời, đúng quy định của pháp luật; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) về hộ tịch luôn được chú trọng triển khai đến tận cơ sở; nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về hộ tịch của nhân dân được nâng lên; đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch ở cơ sở được quan tâm, củng cố về số lượng và kỹ năng thực hiện nghiệp vụ; các loại sổ sách, biểu mẫu hộ tịch được hỗ trợ và cung cấp kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hộ tịch.
Để thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước về lĩnh vực hộ tịch, sau khi Luật Hộ tịch năm 2014 được Quốc hội thông qua, Phòng Hành chính tư pháp đã tham mưu với Ban Giám đốc Sở Tư pháp tích cực và chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch; rà soát, thống kê, phân loại đội ngũ công chức làm hộ tịch trên địa bàn tỉnh để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ; xác định rõ năng lực, trình độ và nhu cầu phải đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn của từng công chức, bảo đảm đến năm 2020 đáp ứng tiêu chuẩn được quy định trong Luật Hộ tịch.
Bên cạnh những ưu điểm, trong thời gian qua, việc quản lý nhà nước đối với công tác hộ tịch vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính và cải cách tư pháp trong giai đoạn mới, đó là: (i) Tình trạng các cơ quan, tổ chức, đoàn thể chưa xác định đúng giá trị pháp lý của giấy tờ hộ tịch, còn gây nhiều khó khăn cho công dân; (ii) Nhận thức chưa đầy đủ các quy định của pháp luật về hộ tịch của một bộ phận cán bộ, công chức và nhân dân; (iii) Sự phối hợp thiếu nhịp nhàng giữa các cơ quan hữu quan trong việc giải quyết những sai sót trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân; (iv) Công tác tuyên truyền, PBGDPL, trợ giúp pháp lý về đăng ký và quản lý hộ tịch chưa thực sự sâu rộng; (v) Năng lực của một số cán bộ, công chức làm công tác tư pháp - hộ tịch còn hạn chế1.
2. Một số giải pháp trong thời gian tới
Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý nhà nước và nâng cao ý thức chấp hành của một bộ phận cán bộ và nhân dân đối với công tác hộ tịch trên địa bàn tỉnh Sơn La trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, thường xuyên các văn bản liên quan đến nhân thân con người, đặc biệt là Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành để cán bộ và nhân dân hiểu rõ được vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác hộ tịch.
Hai là, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, xác định nhiệm vụ quản lý nhà nước về hộ tịch là một nhiệm vụ chính trị, xã hội cần được quan tâm đặc biệt.
Ba là, cần kiện toàn, nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ đội ngũ cán bộ tư pháp - hộ tịch, thường xuyên rà soát, bồi dưỡng và thay thế để cho đội ngũ này thực sự là cán bộ có năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt.
Bốn là, tăng cường đầu tư cơ sở, vật chất, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ và nhân dân thực hiện tốt công tác đăng ký và quản lý hộ tịch.
Năm là, cần có phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cơ quan hữu quan trong việc giải quyết những sai sót trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân.
Sáu là, quản lý và áp dụng có hiệu quả “cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử”; ứng dụng thành thạo công nghệ tin học trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, đây là cơ sở dữ liệu hết sức quan trọng trong việc quản lý hộ tịch và quản lý nhà nước trên các lĩnh vực khác.
Phòng Hành chính tư pháp