Thứ nhất, cần có kiến thức của hệ thống pháp luật Cộng hòa Pháp về công lý bởi những người dẫn dắt, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến quá trình phát triển nền tư pháp giai đoạn này là những nhân sĩ, trí thức được đào tạo luật học một cách bài bản của nền giáo dục Pháp như Phan Anh, Vũ Trọng Khánh, Vũ Đình Hòe, Trần Công Tường, Đinh Gia Trinh… Trong hệ thống pháp luật này, công lý được hiểu là “Sự công bằng, sự đúng đắn, lẽ phải. Ban hành công lý là việc Tòa án xác định điều đúng, điều sai trong một vụ việc nhằm thiết lập lại sự công bằng”(1).
Thứ hai, những kiến thức về pháp luật tự nhiên trong triết học pháp lý tư sản cũng giữ vai trò quan trọng để luận giải quan niệm về công lý giai đoạn 1945 -1950. Ở đây, luật tự nhiên được hiểu là hệ thống những nguyên tắc chính trị, đạo đức được con người đồng thuận và chấp nhận rộng rãi, là luật bất biến, phổ quát, được khắc sâu trong trái tim và lương tri của mỗi người. Tư duy pháp lý tự nhiên cho rằng, luật thực định phải khởi nguồn từ những quy tắc của luật tự nhiên, luật tự nhiên cao hơn và là một yếu tố giới hạn luật thực định. Luật tự nhiên hướng tới cái nên làm, còn luật thực định hướng tới cái phải làm, vì vậy, luật thực định phải là sự cụ thể hóa của luật tự nhiên. Thực tế tại Việt Nam, hình bóng của luật tự nhiên, quyền tự nhiên đã được thể hiện ngay từ những dòng đầu tiên của bản Tuyên ngôn độc lập, do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 02/9/1945, khi Người nhắc đến những quyền cơ bản mà “Tạo hóa” đã ban cho loài người như: Quyền bình đẳng; quyền được sống; quyền tự do; và quyền mưu cầu hạnh phúc. Tư duy pháp lý tự nhiên đã có những đóng góp tích cực nhất định vào cuộc đấu tranh đòi lại quyền dân tộc của đất nước, đồng thời nó cũng duy trì ảnh hưởng đáng kể đối với quan niệm về công lý trong hệ thống tư pháp giai đoạn này(2).
Thứ ba, cần nắm vững phân kỳ lịch sử, bản chất và nội dung cơ bản của từng giai đoạn phát triển của đất nước và của Ngành Tư pháp giai đoạn 1945 -1950, cụ thể có thể được khái quát như sau:
- Giai đoạn từ ngày 02/9/1945 đến ngày 24/01/1946: Là giai đoạn đất nước ta nghiên cứu tổ chức tư pháp mới.
- Giai đoạn từ ngày 24/01/1946 đến ngày 19/12/1946: Là giai đoạn tư pháp độc lập với hành chính thông qua các quy định tại Sắc lệnh số 13 và Điều 69 Hiến pháp năm 1946.
- Giai đoạn từ ngày 19/12/1946 đến năm 1949: Là giai đoạn xây dựng tư pháp kháng chiến. Vì sự cần thiết phải thống nhất chỉ huy bộ máy kháng chiến, phải tập trung chính quyền ở một cơ quan có nhiệm vụ huy động mọi lực lượng để bảo vệ đất nước, nên phải hạn chế nguyên tắc phân quyền hành chính và tư pháp.
- Giai đoạn từ năm 1950: Nghiên cứu, vận dụng, đưa lý luận Mác-Lênin về xây dựng và củng cố chính quyền chuyên chính nhân dân vào thực tiễn công tác tư pháp, từ đó tạo sự chuyển biến, thay đổi căn bản trong nội dung công tác tư pháp, các nhà nghiên cứu pháp lý gọi đây là cuộc cải cách tư pháp lần thứ nhất.
1. Quan niệm về công lý từ năm 1945 đến trước năm 1950
Nghiên cứu lịch sử nhà nước cách mạng Việt Nam từ năm 1945, trong hệ thống các văn bản pháp lý, các giá trị của công lý đã xuất hiện rất sớm, ngay tại Sắc lệnh số 13, do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 24/01/1946 quy định cách tổ chức Toà án và các ngạch thẩm phán của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đây là một trong những văn bản đầu tiên đặt nền móng cho việc hình thành nền tư pháp xét xử của chế độ mới. Trước đó, công lý cũng đã xuất hiện trong bài huấn thị “Chính phủ là công bộc của dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Cứu quốc ngày 19/9/1945, chỉ hơn 02 tuần sau khi thành lập Chính phủ lâm thời (ngày 28/8/1945). Hai tư liệu trên cho thấy, những giá trị cao quý, thiêng liêng của công lý đã được thừa nhận ngay từ những ngày đầu thành lập nhà nước cách mạng. Ngược lại, công lý cũng đã trở thành vũ khí tư tưởng, chính trị, pháp lý sắc bén góp phần làm sáng rạng tính chính nghĩa, chính đáng, hợp pháp, đồng thời thể hiện sâu sắc và rõ nét bản chất và tư tưởng xây dựng nhà nước thân dân, vì dân.
Trong giai đoạn đầu của nhà nước cách mạng, đặc biệt là giai đoạn trước ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), tư duy pháp lý tự nhiên theo truyền thống pháp luật Cộng hòa Pháp đã thể hiện khá rõ nét khi hệ thống tư pháp lúc bấy giờ coi công lý là một giá trị phổ quát, vĩnh viễn, bất khả xâm phạm, cao hơn và dường như “đứng trước” mọi giá trị khác.
Công lý trước hết được quan niệm là thiên chức của Tòa án, gắn liền với lương tâm, sự công tâm, liêm chính, vô tư, khách quan, không thiên vị của các thẩm phán. Thông qua nội dung Hiến pháp năm 1946, Sắc lệnh số 13 và các báo cáo công tác, báo cáo kiểm thảo của Ngành Tư pháp trong giai đoạn này, chúng ta có thể thấy rằng, nhà nước cách mạng nhân dân lúc bấy giờ đã coi công lý là một phẩm hạnh cao quý mà mọi tổ chức, cá nhân và toàn xã hội tôn trọng. Hệ thống Tòa án được xác định là thiết chế có “thiên chức” cơ bản là bảo vệ công lý. Nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi thẩm phán là thực thi công lý dựa trên sự công chính, không thiên vị và độc lập của mình. Điều thứ 47 Sắc lệnh số 13 khẳng định: “Các vị thẩm phán sẽ chỉ trọng pháp luật và công lý”. Tiếp theo, Điều thứ 50 Sắc lệnh nhấn mạnh, ngoài pháp luật, thẩm phán còn phải dựa vào lương tâm ngay thẳng của mình: “Mỗi thẩm phán xử án quyết định theo pháp luật và lương tâm của mình”. Vì lẽ bảo vệ công lý, Điều thứ 80 Sắc lệnh số 13 quy định thẩm phán không được thoái thác nghĩa vụ bảo vệ công lý vì bất cứ lý do gì(3).
Trong giai đoạn này, cùng với thẩm phán xét xử các việc tiểu hình, còn có các phụ thẩm nhân dân, Điều thứ 25 Sắc lệnh số 13 về nội dung lời tuyên thệ khi các phụ thẩm nhậm chức tại phiên toà đầu quy định: “Tôi thề trước công lý và nhân dân rằng tôi sẽ suy xét cẩn thận những án đem ra xử, không hề ăn hối lộ, vị nể, vì sợ hãi hay vì tư lợi hay thù oán riêng mà bênh vực hay làm hại một bị can nào. Tôi sẽ cứ công bằng mà xét định mọi việc”. Về mặt ngôn ngữ, trong lời tuyên thệ này, công lý thậm chí còn được đặt lên trước cả nhân dân.
Quan niệm về công lý trong giai đoạn này còn gắn với yêu cầu về một nền tư pháp độc lập. Điều thứ 47 Sắc lệnh số 13 quy định: Tòa án Tư pháp độc lập với các cơ quan hành chính. Các cơ quan khác không được can thiệp vào việc tư pháp. Điều thứ 50 Sắc lệnh số 13 nhấn mạnh: Mỗi thẩm phán xử án quyết định theo pháp luật và lương tâm của mình. Không quyền lực nào được can thiệp trực tiếp hay gián tiếp vào công việc xử án. Điều thứ 69 Hiến pháp năm 1946 tiếp tục khẳng định mạnh mẽ nguyên tắc này: Trong khi xét xử, các viên thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp. Trong các cuộc tranh luận về tư pháp độc lập sau này, quan niệm nêu trên đã từng dẫn đến cách nhìn nhận siêu hình trong một thời gian dài rằng Tòa án là một thiết chế chuyên môn thuần túy, phi chính trị, biệt lập, thậm chí là đối lập với chính quyền nhân dân, không thuộc và không chịu ảnh hưởng của chính quyền nhân dân. Quan niệm về công lý trừu tượng dựa trên cơ sở độc lập tư pháp này đã bị phê bình gay gắt là một luận điểm siêu hình và duy tâm(4).
Quan niệm về công lý trong giai đoạn đầu của nhà nước cách mạng còn gắn với yêu cầu tôn trọng luật lệ bảo đảm tự do cá nhân. Trong huấn thị “Chính phủ là công bộc của dân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về công lý theo nghĩa này: “Uỷ ban nhân dân làm trái với các hội đồng kỳ mục cũ thối nát, sẽ làm những việc có lợi cho dân, không phạm vào công lý, vào tự do của dân chúng. Nó hết sức tránh cuộc bắt bớ đánh đập độc đoán, những cuộc tịch thu tài sản không đúng lý...”.
Trong giai đoạn đất nước kháng chiến, Bộ Tư pháp tiếp tục quan niệm về công lý theo hướng này. Báo cáo tổng kết của Bộ Tư pháp khẳng định: Muốn bảo vệ công lý, thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân, chống lại sự tuyên truyền của đối phương, thì cần phải cố gắng thi hành triệt để các Sắc lệnh về bảo đảm tự do cá nhân. Việc thực thi thể lệ bắt một người công dân phải hết sức chặt chẽ: Phải có duyên cớ do luật định, việc bắt phải có lệnh viết của thẩm phán, chỉ cơ quan công an hay cảnh vệ mới có quyền thi hành lệnh ấy; cấm việc tra tấn. Báo cáo cũng nhấn mạnh, nhờ có sự kiểm soát chặt chẽ các trại giam mà ở nhiều khu, không có nhà giam bí mật. Số phận các người bị giam lâu quá được giải quyết nhanh chóng, các người bị bắt trái phép được tha, các việc ám muội được mang ra ánh sáng công lý. Như việc các hội đồng phúc án đã nghiêm phạt các vụ bắt giam trái phép hay tra tấn bị can. Một ví dụ được dẫn chiếu là: Sau cuộc tấn công của địch vào phía Nam Hà Đông (tháng 4/1947), đã xảy ra nhiều vụ bắt giam trái phép, tra tấn thủ tiêu người rất dã man tàn ác, do sự lạm quyền hay tư thù gây nên. Tòa án quân sự liên khu 2 và 11 đã cương quyết nghiêm trị, tuyên 15 án tử hình, trong số đó có Phó chủ tịch Ủy ban kháng chiến phủ Ứng Hòa, vài viên Ủy viên kháng chiến xã, tự vệ, bộ đội… Các vụ án đấy được dân chúng rất hoan nghênh, làm dân tin tưởng ở nền công lý, và gây lại uy tín cho Chính phủ(5).
Quan niệm về công lý trong giai đoạn đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp còn gắn liền với yêu cầu thượng tôn pháp luật trong mọi hoàn cảnh của cuộc kháng chiến. Tại phiên họp ngày 10/9/1948, Hội nghị Tư pháp toàn quốc lần thứ năm, khi kiểm thảo công việc tư pháp từ ngày tác chiến, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe đã nhận định: Cơ quan tư pháp đã cương quyết phụng sự công lý, cố gắng làm cho pháp luật được tôn trọng trong mọi trường hợp. Thượng tôn pháp luật, tôn trọng pháp luật cũng chính là một khía cạnh của thực thi và bảo vệ công lý trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, đến cuối năm 1948, tình hình của kháng chiến đã có nhiều thay đổi. Toàn Ngành Tư pháp phải tích cực tham gia thực hiện chiến tranh nhân dân, toàn diện kháng chiến, xây dựng một nền Tư pháp kháng chiến, tổ chức bộ máy phải thay đổi cho thích hợp với tình thế kháng chiến, phải gần dân, đảm bảo nhanh chóng, thống nhất chỉ huy về chính trị. Ngành Tư pháp tuy làm công việc chuyên môn nhưng phải có một thái độ chính trị, phải tích cực hoạt động thích hợp với chủ trương kháng chiến, phải để chủ trương kháng chiến ảnh hưởng, lan tỏa đến công việc chuyên môn. Thực hiện yêu cầu này, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe đã có bài viết “Tư pháp kháng chiến” để thúc giục mỗi cán bộ tư pháp phải tiếp tục dấn thân cho cuộc kháng chiến, từng bước gắn kết tư pháp với chính trị, ông viết: “Lý tưởng kháng chiến phải thấm nhuần trong tâm hồn ta. Lý tưởng kháng chiến phải là động cơ cho những hành động tư pháp kháng chiến”.
Năm 1949, trước yêu cầu cấp bách hơn của cuộc kháng chiến, Hội nghị Tư pháp đã kiểm thảo công việc của Ngành Tư pháp từ đầu năm và cả giai đoạn bước vào kháng chiến, từ đó đưa ra nhiều nhận định, đánh giá xác đáng, đặt nền móng cho công cuộc đổi mới tư pháp năm 1950. Những hạn chế, yếu kém được nhìn nhận trong giai đoạn này là:
Thứ nhất, trước yêu cầu của cuộc kháng chiến, việc xây dựng lý luận pháp lý mới là hết sức cấp bách. Hội nghị đánh giá: Tuy đất nước đã bước vào cuộc kháng chiến nhiều năm nhưng tư tưởng pháp lý vẫn còn nặng về pháp lý trừu tượng, vĩnh viễn, trên và ngoài đời sống của xã hội (tư duy pháp lý tự nhiên). Có những tư tưởng cũ còn rơi rớt, có những mầm mống tư tưởng mới được nêu ra. Tuy nhiên, kết quả là cái cũ và cái mới vẫn còn mâu thuẫn với nhau và ý chí không được thống nhất. Việc xây dựng lý luận pháp lý nhân dân phải thấm nhuần và dựa trên tư tưởng về xây dựng chính quyền nhân dân. Tư tưởng pháp lý mới này không phải tìm trong sách vở, mà phải tìm trong đời sống thực tế biến chuyển không ngừng. Hội nghị khẳng định “đã đến lúc Ngành Tư pháp nên có ý niệm chính trị và pháp lý là một”.
Thứ hai, từng bước định hình xây dựng nền tư pháp nhân dân trên cơ sở lý luận về xây dựng chính quyền nhân dân. Hội nghị nhận định: Tư pháp chưa thấy rõ rằng, Tòa án là để phục vụ nhân dân, để phụng sự nhân dân. Muốn phục vụ nhân dân, thì phải gần nhân dân, phải “tìm công lý trong nhân dân, của nhân dân”. Nhiệm vụ của cán bộ tư pháp còn chưa đi sát với nhân dân. Ngành Tư pháp đã có những bước tiến bộ, nhân dân đã được tham gia vào việc xử án và hôm nay không còn thấy tư pháp là một bộ máy đàn áp mình nữa. Tuy nhiên, nhân dân còn chưa được tham gia nhiều trong việc xử án, mà điển hình là việc phụ thẩm nhân dân không có quyền biểu quyết, không có quyền đọc hồ sơ. Trong thực tế, nhân dân vẫn chưa gần tư pháp, chưa xem tư pháp là của mình.
Thứ ba, trong giai đoạn mới, quan niệm về vị trí, nhiệm vụ của tư pháp chưa được vạch ra cho thật rõ ràng. Tổ chức tư pháp chưa được xem hẳn như là một bộ phận của bộ máy chính quyền nhân dân, một công cụ của chính quyền nhân dân do nhân dân và có nhiệm vụ phục vụ nhân dân, chưa sát với nhân dân và nhân dân cũng chưa sát với công việc tư pháp. Hội nghị nhận định: Sai là từ hồi kháng chiến toàn quốc bắt đầu tới giờ, bộ máy chính quyền nhân dân nói chung đã được sửa đổi rất nhiều cho sát với nhu cầu thực tế về mọi mặt, tùy theo từng giai đoạn chiến lược. Bộ máy tổ chức tư pháp nói chung, thì vẫn còn căn cứ vào tổ chức được đặt ra khi Cách mạng tháng Tám thành công, trừ một vài sửa đổi chi tiết. Liên hệ giữa cơ quan chính quyền và tư pháp tới hôm nay chưa được định rõ ràng. Các cơ quan chính quyền nhân dân cũng chưa hiểu rõ nhiệm vụ của mình với Ngành Tư pháp, công việc tư pháp, sự giúp đỡ không được tích cực, sự kiểm soát chưa được chú ý hoặc chưa được hợp lý, do đó tư pháp và công việc tư pháp vẫn còn không gần mấy cơ quan chính quyền và công việc tư pháp không được sát với công việc chính quyền khác.
Thứ tư, thẩm phán còn chưa chú trọng đến chính trị, tư tưởng cán bộ còn chậm tiến, quan niệm đường lối vẫn còn mù mờ; cơ sở pháp lý nhân dân chưa được đặt ra. Do tư tưởng mới chưa được vạch ra cụ thể, rõ ràng và phổ biến sâu rộng nên cần phải tổ chức một cuộc nghiên cứu chung lần đầu tiên về tư tưởng pháp lý mới để thâu lượm những kiến thức về chính trị, nâng cao hơn ý thức về tư pháp nhân dân. Cần phải vạch ra một con đường mới, gột bỏ những nếp cũ, lý thuyết pháp lý cũ, đã ăn sâu vào đầu óc. Pháp lý là đời sống thực tế, phải linh động và biến chuyển cũng như đời sống xã hội.
2. Nhận thức về công lý trong cải cách tư pháp năm 1950
Trước tiên, cần khẳng định điểm căn cốt nhất của cải cách tư pháp năm 1950 chính là việc đưa lý luận Mác-Lênin về xây dựng chính quyền nhân dân vào thực tiễn công tác tư pháp. Nhận định này dựa trên Báo cáo kiểm thảo việc thực hiện Chương trình Tư pháp năm 1950 (ngày 13/12/1950) như sau: Để cải tổ nền tư pháp và hướng sự hoạt động của nó vào việc phục vụ kháng chiến, công việc đầu tiên phải làm để thực hiện việc chuyển hướng là xây dựng lý luận tư pháp nhân dân và tư pháp trong giai đoạn chuyển mạnh sang tổng phản công. Cuộc cải cách tư pháp năm 1950 được bắt đầu từ việc cải cách triệt để chế độ Tòa án, cơ chế thực thi và bảo vệ công lý lúc bấy giờ. Tổ chức Tòa án cũ do Sắc lệnh số 13 quy định bị phê phán mạnh mẽ trước yêu cầu của cuộc kháng chiến bởi bộ máy này ngày càng bộc lộ tính cách “thoái hóa”, xa rời nhân dân và vô hình biến thành một trở ngại cho sự phát triển của chính quyền dân chủ nhân dân. Các phê phán cho rằng, chế độ Tòa án tuy đã có mầm mống tính chất nhân dân, nhưng còn mang nặng tàn tích tư sản thực dân, tính cách nhân dân thì rất lu mờ, chưa thực sự là một công cụ mới hướng hẳn về quyền lợi của nhân dân. Chế độ Tòa án được xây dựng trên cơ sở quan niệm tư pháp độc lập vô tư đứng trên nhân dân, điều hòa giai cấp. Nó còn chịu ảnh hưởng xấu xa của tư tưởng pháp lý cũ, luật lệ cũ nhất là dân luật vẫn là luật lệ phong kiến tư sản xưa, do đó qua 05 năm kháng chiến tư pháp càng xa nhân dân.
Các phê phán cũng nhận định tính chất của các Tòa án còn thiếu tính cách mạng và chiến đấu, lý do chủ yếu là do phần đông các cán bộ tư pháp còn nặng nề về tư tưởng, quan niệm pháp lý cũ, duy tâm và siêu hình vẫn còn chi phối công việc của họ. Sau nữa, lề lối làm việc cũ kỹ xa nhân dân của các Tòa án do chế độ thực dân để lại không được thay đổi qua 05 năm kháng chiến, nên đã tạo trở ngại lớn cho sự tiến bộ chung.
Trên cơ sở lý luận Mác-Lênin về xây dựng chính quyền nhân dân, về vị trí, vai trò mới của Tòa án nhân dân, Tòa án nhân dân đã được xác định lại, là công cụ của chính quyền nhân dân, là một đơn vị chiến đấu cách mạng và xây dựng xã hội chủ nghĩa. Thực hiện các mục tiêu về cải cách chế độ xét xử và cải cách các luật lệ cũ nói trên, nhà nước cách mạng nhân dân lúc bấy giờ đã thực hiện cuộc cải cách tư pháp lần thứ nhất thông qua hai Sắc lệnh: Sắc lệnh số 85-SL ngày 22/5/1950 cải cách bộ máy tư pháp và Luật Tố tụng và Sắc lệnh số 97-SL ngày 22/5/1950 sửa đổi một số quy lệ và chế định trong dân luật.
Nội dung đầu tiên của cải cách tư pháp năm 1950 là đổi tên hệ thống Tòa án trước đây thành Tòa án nhân dân. Nội dung này có ý nghĩa biểu đạt Tòa án đã thực sự trở thành một bộ phận khăng khít của nhân dân, của chính quyền nhân dân. Tên gọi Tòa án nhân dân đã mang một bản chất khác, nhân dân hơn, cách mạng hơn. Tên gọi này đồng thời cũng biểu đạt một quan niệm mới về xét xử, theo đó, pháp luật do nhân dân đặt ra, thì việc thi hành pháp luật phải do nhân dân thực hiện, việc xét xử phải là trách nhiệm chính trị của nhân dân. Công lý là của nhân dân, trong nhân dân. Cũng trên cơ sở lập luận này, Điều 5 Sắc lệnh số 85 bãi bỏ quy định mặc áo chùng đen khi xét xử hoặc bào chữa của thẩm phán và luật sư. Đây chính là sự phủ nhận thuyết tư sản duy tâm siêu hình phụng sự một thứ công lý trên nhân loại của giai đoạn trước đó.
Sự ra đời của chế định hội thẩm nhân dân thay thế chế định phụ thẩm nhân dân trước đây cũng chính là một cơ chế khẳng định tính chất nhân dân của công lý. Hội thẩm nhân dân đại diện cho thành phần nhân dân, nên có tính cách nhân dân hơn, vì họ do Hội đồng nhân dân trực tiếp hay gián tiếp bầu ra. Hội thẩm nhân dân chiếm đa số trong xét xử nên các bản án, quyết định của Tòa án do hội thẩm nhân dân mà ra. Trước đó, tinh thần Sắc lệnh số 13 đặt ra những Tòa án chỉ gồm có thành phần chuyên môn là thẩm phán mà chưa chú trọng thành phần nhân dân. Bên cạnh đó, chế độ phụ thẩm nhân dân không có tính cách nhân dân rõ ràng. Điểm thay đổi căn bản tiếp theo trong hoạt động xét xử, bảo vệ công lý là việc cho phép lựa chọn thẩm phán chuyên trách từ trong hàng ngũ cán bộ công nông, bởi thành phần công nông là giai cấp đông đảo và ưu tú nhất của hàng ngũ nhân dân.
Tiếp theo, trước yêu cầu xây dựng khối đoàn kết tạo sức mạnh thống nhất cho cuộc kháng chiến, chế định hòa giải ở cơ sở được nhận thức lại theo hướng coi việc xích mích giữa hai tư nhân có liên quan mật thiết đến trật tự dân chủ nhân dân và sự tiến triển của chế độ dân chủ nhân dân. Trong chính quyền dân chủ nhân dân, quyền lợi của mọi người hòa hợp với quyền lợi của tập thể. Cơ quan hòa giải không thể giữ thái độ vô tư, chỉ theo ý muốn của hai bên dàn xếp thế nào mặc ý, hoặc chỉ kiểm soát xem hai bên cam kết có trái với luật lệ của Chính phủ không. Thái độ “vô tư” ấy vô tình hay hữu ý chỉ có lợi cho người chiếm ưu thế về kinh tế và do đó có ưu thế về địa vị xã hội.
Các lập luận cải cách trong lĩnh vực hòa giải cũng cho rằng dưới thời Pháp thuộc, biết bao nhiêu người dân nghèo, vì sợ không dám theo kiện với một đối phương nhiều tiền của và có quyền thế hơn đã cam chịu nhận một cuộc hòa giải thiệt thòi và tủi nhục. Trong chế độ dân chủ nhân dân, cơ quan hòa giải có nhiệm vụ giải thích thuyết phục để một bên tự giác bỏ quyền lợi bất chính của mình, thừa nhận quyền lợi chính đáng của đối phương, quyền lợi đó, là quyền lợi của nhân dân, mà trước hết là quyền lợi của quảng đại quần chúng cần lao. Lý lẽ nêu trên dẫn đến kết luận hòa giải không còn là một công việc chuyên môn của những cơ quan chính quyền nói chung hay đặc biệt là của những cơ quan tư pháp, mà là một hình thức đấu tranh của nhân dân để bảo vệ và củng cố chế độ dân chủ nhân dân tiến tới xã hội chủ nghĩa, do đó nhân dân và các đoàn thể giữ một vai trò quan trọng trong việc hòa giải. Trên cơ sở lập luận nêu trên, hòa giải ở cơ sở đã được quy định thành chế độ bắt buộc, biên bản hòa giải thành có giá trị là một công chính chứng thư, có thể đem chấp hành ngay. Do đó, quan niệm về Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý như một một cơ chế “duy nhất”, “độc quyền” đã có phần nhường bước trước cơ chế hòa giải này.
Với tư duy lý luận Mác-Lênin về xây dựng chính quyền nhân dân nêu trên, công cuộc cải cách tư pháp năm 1950 tiếp tục tập trung cải cách quyền dân sự thông qua Sắc lệnh số 97-SL ngày 22/5/1950 sửa đổi một số quy lệ và chế định trong dân luật. Để xây dựng chính quyền nhân dân, phải loại bỏ không khoan nhượng mọi hình thức bóc lột giữa người với người, vì vậy, không thể duy trì tính tuyệt đối của các quyền dân sự, mà phải quan niệm rằng quyền của tư nhân chỉ có tính cách tương đối và phải được hành sử đúng với quyền lợi của nhân dân. Bảo vệ công lý, là bảo vệ quyền lợi của nhân dân thông qua việc loại bỏ mọi hình thức bóc lột, thông qua thẩm quyền của Tòa án hủy tiêu khế ước khi một bên lập ước lợi dụng sự chênh lệch về địa vị kinh tế giữa hai bên, sự túng quẫn của người lập ước bên kia mà bóc lột người đó.
Với sự phát triển sinh động lý luận và thực tiễn nhận thức về công lý của Việt Nam, có thể khẳng định rằng, công lý là một giá trị chính trị gắn liền với hệ thống tư pháp xét xử và hình thái kinh tế - xã hội, là nhân tố căn bản quyết định bản chất và các giá trị của công lý. Điều này có thể được chứng minh thông qua việc phân tích tính giai cấp và tính lịch sử của quan niệm về công lý giai đoạn 1945 -1950. Trong quá trình hội nhập quốc tế, các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia trong quá trình chuyển đổi như Việt Nam, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, toàn diện để lựa chọn và tiếp nhận một số thuộc tính phổ quát của công lý trong nền văn minh nhân loại, phù hợp với hệ thống pháp luật bản địa, từ đó tiếp tục hoàn thiện nhận thức về công lý, góp phần thúc đẩy ổn định, trật tự, phát triển và thịnh vượng của mỗi quốc gia.
Tài liệu tham khảo:
1. Nhà Pháp luật Việt-Pháp: Từ điển Thuật ngữ pháp luật Pháp-Việt, Nxb. Từ điển Bách khoa, năm 2009.
2. Xem thêm: Nguyễn Xuân Tùng: Luật tự nhiên trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tạp chí Luật học, số 3/2010, tr.58-63.
3. Đây cũng chính là lý lẽ mà những nhà lập pháp Việt Nam lập luận và lần đầu tiên hiến định quy định “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý” tại khoản 3 Điều 102 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
4. Quang Đạm: Tư pháp với Nhà nước, Báo Sự thật, số 91, ngày 15/4/1948.
5. Báo cáo về một năm hoạt động kháng chiến của Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe ký ngày 15/02/1948.
ThS. Nguyễn Xuân Tùng