Abstract: Model of good administration of legal partnership should be established by impacting factors, designed on the basis of the system of these organizations and the supervision directed towards the development of the company as well as company members. Because legal partnership is not merely a form of pure commercial company, it also provides special service products for consumers and the society. In the practice, however, administration of legal partnership still shows given limitations. Therefore, further study of the administration of legal partnership is an urgent need in the present.
1. Nhận diện về quản trị công ty luật hợp danh
Quản trị nội bộ công ty luật hợp danh được nhận diện bởi các dấu hiệu chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, chủ thể quản trị là các luật sư. Chỉ những người là luật sư mới được tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư. Người muốn trở thành luật sư phải là những người có bằng cử nhân luật, đáp ứng các điều kiện về sức khỏe, năng lực, phẩm chất theo quy định của pháp luật. Họ cần phải trải qua thời gian đào tạo nghiệp vụ luật sư với thời gian 12 tháng[1]. Người hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư được cơ sở đào tạo nghề luật sư cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư[2]. Các chủ thể này chính là các tác nhân tạo ra tác động quản trị. Đối tượng bị quản trị phải tiếp nhận sự tác động từ các chủ thể là luật sư trong công ty luật. Tác động có thể chỉ một lần và cũng có thể nhiều lần, ảnh hưởng một cách trực tiếp hoặc gián tiếp tới hoạt động của công ty luật. Bản chất của quản trị công ty luật hợp danh thể hiện ở chính mục tiêu đặt ra cho cả chủ thể và đối tượng. Mục tiêu này là căn cứ để chủ thể (các luật sư) tạo ra các tác động. Sự tác động của chủ thể quản trị lên đối tượng quản trị được thực hiện trong một môi trường luôn luôn biến động.
Trong điều hành hoạt động kinh doanh của công ty, thành viên hợp danh phân công nhau đảm nhiệm các chức danh quản lý và kiểm soát công ty. Thành viên phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty; trung thành với lợi ích của công ty; không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty, không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác...
Thứ hai, cơ cấu tổ chức, điều hành của công ty. Công ty luật hợp danh do ít nhất hai thành viên (các luật sư) đồng thuận thành lập[3]. Luật sư thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư phải có ít nhất hai năm hành nghề liên tục làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư hoặc hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức theo quy định của Luật này[4]. Công ty luật hợp danh đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi có Đoàn luật sư mà Giám đốc công ty luật là thành viên. Cơ cấu tổ chức, điều hành của công ty luật hợp danh bao gồm Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc[5]. Cơ cấu tổ chức, quản lý công ty luật hợp danh chịu sự tác động của thành tố chính trong hoạt động quản trị, đó là Hội đồng thành viên và người quản lý công ty. Trong hoạt động quản trị công ty luật hợp danh thì yếu tố bình đẳng giữa các thành viên (luật sư) được coi trọng và là nền tảng của quản trị công ty. Sự bình đẳng này được coi là một đặc trưng rất rõ ràng của công ty hợp danh được thể hiện trên nhiều phương diện khác nhau như: Bình đẳng trong quản lý, điều hành; bình đẳng trong phân chia quyền lực hay chịu rủi ro có thể không phân biệt và phụ thuộc vào tỷ lệ vốn góp vào công ty. Công ty luật hợp danh được hoạt động theo những nguyên tắc chung quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014. Bên cạnh đó, với tư cách là một tổ chức hành nghề luật sư, do đó, công ty luật hợp danh được tổ chức, quản lý và hoạt động theo những quy chế riêng.
Cơ cấu tổ chức, điều hành công ty luật hợp danh bao gồm: Hội đồng thành viên, Chủ tịch hội đồng thành viên, Giám đốc (Tổng giám đốc). Đối với cơ cấu tổ chức, quản lý của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên bao gồm: Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc (Tổng giám đốc), Ban kiểm soát/Kiểm soát viên. Trong đó, Hội đồng thành viên do tất cả thành viên (luật sư) hợp lại thành Hội đồng thành viên. Hội đồng thành viên là cơ quan quyết định cao nhất6. Hội đồng thành viên bầu một thành viên làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, đồng thời kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty nếu Điều lệ công ty không có quy định khác. Hội đồng thành viên có quyền quyết định tất cả hoạt động kinh doanh của công ty. Nếu Điều lệ công ty không quy định thì các vấn đề như: Phương hướng phát triển công ty; sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; tiếp nhận thêm thành viên hợp danh mới... phải được ít nhất 3/4 tổng số thành viên hợp danh chấp thuận[7].
Giám đốc công ty (Tổng giám đốc) là người điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty, chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Các luật sư thỏa thuận cử một thành viên làm Giám đốc công ty. Người giữ các chức vụ quản lý sẽ được hưởng thù lao từ việc thực hiện chức năng quản lý. Tuy nhiên, để bảo đảm thực hiện quyền trong kiểm soát công ty, kiểm soát các giao dịch, đặc biệt là các giao dịch lớn có nguy cơ phát sinh tư lợi thì mỗi thành viên công ty hợp danh đều có quyền góp ý và kiểm soát việc quản lý công ty. Về điểm này, khác với Văn phòng luật sư. Văn phòng luật sư do một luật sư thành lập do đó việc tổ chức, quản lý văn phòng do Trưởng văn phòng quyết định (Văn phòng luật sư hoạt động theo mô hình doanh nghiệp tư nhân). Đối với công ty luật trách nhiệm hai thành viên trở lên, việc quản trị sẽ phức tạp hơn vì những lý do chủ yếu sau: (i) Tính đồng thuận, thống nhất ý chí bị hạn chế do công ty có sự tham gia của nhiều người (các luật sư); (ii) Với tư cách là thành viên của công ty, các luật sư đều có quyền cơ bản liên quan tới tổ chức, quản lý công ty như: Được tiếp cận các thông tin về tình hình tài chính, được chia lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp sau khi công ty đã nộp đủ thuế và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính... Đối với Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên do một luật sư làm chủ sở hữu có Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Luật sư làm chủ sở hữu công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên là Giám đốc công ty[8].
Bên cạnh đó, cơ chế đại diện của công ty luật cũng được thực hiện qua tư cách của các luật sư. Các luật sư đều có quyền và trở thành người đại diện cho công ty trước pháp luật. Các thành viên phân công đảm nhiệm các chức danh quản lý, điều hành công ty tùy thuộc vào khả năng của từng người. Các quyết định của công ty phải được tất cả các luật sư thành viên nhất trí, mỗi người đều có quyền phủ quyết. Mỗi thành viên đều có quyền đại diện cho công ty. Họ có thể lựa chọn ra người quản lý công ty.
Thứ ba, cơ chế phân chia quyền lực. Sự phân chia quyền lực trong tổ chức, điều hành công ty luật hợp danh xuất phát từ bản chất mang tính đối nhân của công ty. Quyền lực trong hệ thống công ty được xác lập trên cơ sở tư cách pháp lý của thành viên, tỷ lệ vốn góp hay tuân thủ sự thỏa thuận, thống nhất giữa các luật sư thành viên hợp danh. Trong công ty luật hợp danh, các luật sư thành viên hợp danh không chỉ tham gia với tư cách là thành viên hợp danh - chủ sở hữu công ty mà bản thân họ còn mang tư cách là các luật sư sẽ bình đẳng với nhau trong quá trình hành nghề luật sư. Các luật sư trong công ty luật có thể thống nhất phân công nhau đảm nhiệm các chức danh quản lý và kiểm soát công ty trong điều hành hoạt động kinh doanh của công ty. Điều đó thể hiện tính liên kết và chia sẻ rủi ro trong công ty được xác lập và đảm bảo không phải duy nhất vào tỷ lệ vốn góp mà gắn kết trên cơ sở niềm tin, danh dự và phẩm giá của luật sư. Nói cách khác, các luật sư cùng trên một thuyền, vì vậy có lẽ đây là yếu tố gắn kết mang tính bền vững trong công ty luật. Đây là điểm khác biệt với việc phân chia quyền lực trong Văn pòng luật sư hay công ty luật trách nhiệm hữu hạn. Đối với văn phòng luật sư thì Trưởng Văn phòng là người đại diện và là người chịu trách nhiệm về mọi họat động của Văn phòng luật sư. Trong công ty luật trách nhiệm hữu hạn cơ chế phân chia quyền lực có thể được xác lập theo một số tiêu chí: (i) Loại hình doanh nghiệp một chủ sở hữu hay nhiều chủ sở hữu; (ii) Tỷ lệ vốn góp của thành viên vào công ty.
Thứ tư, nguồn lực để chủ thể quản trị khai thác và vận dụng trong quá trình quản trị. Nguồn lực đảm bảo công ty luật vận hành hiệu quả bao gồm nhiều vấn đề khác nhau, trong đó đặc biệt là các nguồn lực từ các luật sư - thành viên hợp danh công ty. Sự tham gia của luật sư trong các vụ việc, vụ án góp phần tạo nên nguồn tài sản đảm bảo cho công ty tồn tại và phát triển bền vững. Trong những năm gần đây, đội ngũ luật sư đã đảm nhận 100% việc bào chữa trong các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu, tỷ lệ các vụ án hình sự có sự tham gia của luật sư do công dân mời ngày càng tăng. Việc bào chữa cho bị can, bị cáo theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng được các luật sư tích cực tham gia, đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Bên cạnh đó, nguồn lực được hình thành từ tài sản vô hình như uy tín, kinh nghiệm hay năng lực làm việc của luật sư là những giá trị tài sản quan trọng đảm bảo hiệu quả hoạt động của công ty. Tuy nhiên, hiện nay dưới góc độ luật thực định việc xác định hay quy định về loại tài sản và quyền sở hữu loại tài sản này của công ty cũng chưa thực sự minh bạch.
2. Hạn chế, bất cập trong quản trị công ty luật hợp danh
Quản trị công ty luật hợp danh đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên thực tế cũng chứng minh rằng: Quản trị công ty luật hợp danh vẫn bộc lộ những hạn chế, bất cập. Cụ thể:
Một là, cơ chế “bình quyền” giữa các luật sư thành viên công ty luật hợp danh. Cơ chế này cho phép bảo đảm mọi luật sư là thành viên đều có quyền tham gia việc tổ chức, quản lý và kiểm soát công ty. Mặt tích cực là phát huy được những lợi thế hay thế mạnh của tất cả các luật sư thành viên công ty, đặc biệt là các luật sư có trình độ chuyên sâu và kinh nghiệm trong các lĩnh vực đặc thù. Tuy nhiên, khi mà các thành viên hợp danh đều có quyền đại diện cho công ty thì việc “phân quyền” trong tổ chức, quản lý công ty sẽ gặp khó khăn khi mà “chiếc bánh lợi ích” được chia không rõ ràng. Vì vậy, nếu không có sự minh bạch trong quy định thẩm quyền giữa những người đại diện thì có thể dẫn đến những hành động lạm quyền gây tổn hại cho công ty, thành viên và khách hàng. Thậm chí có minh bạch nhưng nếu có hành vi vi phạm thì chế tài cũng chủ yếu là do các thành viên xem xét quyết định. Do đó, giữa “lý và tình” trong góc độ này cũng bị ảnh hưởng hoặc lạm dụng. Thực tế cho thấy, có những luật sư không trực tiếp tham gia điều hành công ty nhưng khi thực hiện, khi ký kết các hợp đồng thì họ nhân danh công ty. Chính vì vậy, cần phải có cơ chế để dự phòng những tổn thất gây ra cho người thứ ba trong trường hợp giao kết hợp đồng với luật sư thành viên mà trong thời gian đó họ không nắm giữ chức năng quản lý và kiểm soát. Đặc biệt là đối với việc lạm quyền khi giao dịch ký kết các hợp đồng với khách hàng có thể mang lại bất lợi cho thành viên khác, cho công ty nhưng lại có lợi cho luật sư trực tiếp ký kết hợp đồng. Trong trường hợp đó, cần xem xét trách nhiệm của các luật sư này như thế nào? Mức độ áp dụng đến đâu?...
Hai là, về yêu cầu được cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động của công ty luật. Thành viên hợp danh trong công ty có quyền yêu cầu công ty, thành viên hợp danh khác cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của công ty; kiểm tra tài sản, sổ kế toán và các tài liệu khác của công ty khi xét thấy cần thiết[9]. Việc minh bạch hóa thông tin trong quản trị công ty là một việc làm cần thiết trong việc bảo vệ lợi ích của công ty và thành viên công ty. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh đến trường hợp có thể lạm dụng việc yêu cầu cung cấp thông tin để trục lợi và/hoặc làm tổn hại đến bí mật kinh doanh của công ty, gây phương hại tới công ty và thành viên. Vì vậy, việc xác định yêu cầu được cung cấp các thông tin là quyền của thành viên hợp danh nhưng cũng cần chỉ rõ trường hợp nào là trường hợp được coi là “cần thiết”. Đồng thời quyền yêu cầu của thành viên nhưng xuất phát từ bản chất pháp lý của công ty luật hợp danh thì việc yêu cầu đó cần phải được sự đồng ý của tất cả các thành viên còn lại. Thiết nghĩ điều đó vừa bảo đảm quyền của thành viên, vừa thực hiện được cơ chế tổ chức, quản lý của công ty .
Ba là, về vấn đề thừa kế trong công ty. Theo quy định của pháp luật[10], trường hợp thành viên hợp danh chết thì người thừa kế của thành viên được hưởng phần giá trị tài sản tại công ty sau khi đã trừ đi phần nợ thuộc trách nhiệm của thành viên đó. Người thừa kế có thể trở thành thành viên hợp danh nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận. Như vậy, nếu công ty có hai thành viên, trong đó một thành viên bị chết, mất tích thì thành viên còn lại là người đại diện cho công ty trước pháp luật. Người thừa kế của luật sư - thành viên bị chết sẽ được hưởng phần giá trị còn lại theo quy định còn việc họ có trở thành thành viên hợp danh hay không thì lại phụ thuộc vào quyết định của Hội đồng thành thành viên. Tuy nhiên, Hội đồng thành viên lúc này chỉ còn một người và có thể thành viên đó không chấp thuận thì người thừa kế không thể trở thành thành viên hợp danh công ty. Thực chất công ty lúc này phụ thuộc vào quyết định của một người. Bên cạnh đó, muốn trở thành thành viên công ty luật hợp danh thì người đó phải là luật sư, tuy nhiên, trong trường hợp người hưởng di sản thừa kế không phải là luật sư thì giải quyết thế nào? Đây được xem là “lỗ hổng” trong quy định về điều kiện trở thành thành viên trong công ty luật hợp danh. Đồng thời, công ty không bảo đảm số thành viên tối thiểu thì phải liên tục ít nhất 06 tháng, công ty mới bị giải thể. Như vậy, việc quản lý điều hành công ty hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của luật sư còn lại. Nếu vị luật sư đó năng lực tổ chức, quản lý yếu hoặc đưa ra các quyết định không phù hợp có thể gây tổn hại đến lợi ích của công ty hoặc những quyết định có tính chất tư lợi cho cá nhân sẽ tác động đến hoạt động của công ty và quyền, lợi ích hợp pháp của những người khác hoặc người tiếp nhận quyền, nghĩa vụ của thành viên có nguy cơ bị xâm hại. Phải chăng đây cũng là một “nguồn nguy hiểm” dẫn đến việc thâu tóm công ty?
Bốn là, về tư cách thành viên bị tuyên bố mất tích. Tư cách thành viên hợp danh chấm dứt khi thành viên đó đã chết, bị Tòa án tuyên bố là mất tích, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự[11]. Trong trường hợp một luật sư của công ty sau khi bị Tòa án tuyên bố là mất tích nhưng sau một thời gian kể từ thời điểm luật sư bị tuyên bố mất tích thì đột nhiên lại trở về và yêu cầu giải quyết việc liên quan đến quyền, lợi ích của anh ta tại công ty. Về trách nhiệm, trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày chấm dứt tư cách thành viên hợp danh thì người đó vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ của công ty đã phát sinh trước ngày chấm dứt tư cách thành viên[12]. Theo quy định thì vị luật sư đó không còn là thành thành viên công ty, vậy việc luật sư khi trở về vẫn là một người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và cũng mong muốn tiếp tục là thành viên công ty thì hướng giải quyết sẽ như thế nào? Trong đó liên quan đến các mối quan hệ giữa công ty với luật sư bị tuyên bố là mất tích; giữa người đó với người hưởng phần quyền, nghĩa vụ của luật sư bị tuyên bố là mất tích sẽ giải quyết ra sao? Như vậy, đây là một rủi ro có thể xảy ra trong quá trình vận hành quản trị công ty.
Có thể nói, cải cách tư pháp là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm hoàn thiện tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp nói chung, các cơ quan và tổ chức bổ trợ tư pháp nói riêng, trong đó, đổi mới tổ chức và hoạt động luật sư là vấn đề trung tâm và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 đã chỉ rõ: Đào tạo, phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn. Thực tế cho thấy, tổ chức và hoạt động luật sư trong thời gian qua không những đã đáp ứng kịp thời một phần nhu cầu giúp đỡ pháp lý ngày càng cao của cá nhân, tổ chức; góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo và các đương sự khác, phục vụ tích cực cho công cuộc cải cách tư pháp, mà còn góp phần từng bước tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi và tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, những kết quả đó mới chỉ là bước đầu, trên thực tế, sự phát triển của đội ngũ luật sư vẫn chưa phúc đáp được toàn diện các yêu cầu của xã hội và đất nước đang đặt ra. Một trong những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng tới sự phát triển này là do công tác quản trị công ty luật còn nhiều bất cập, chưa được quan tâm đúng mức, thực hiện chủ yếu theo kinh nghiệm, chưa được đầu tư nghiên cứu một cách cơ bản về lý luận và chậm tổng kết thực tiễn. Vì vậy, việc nghiên cứu và xây dựng một nền quản trị công ty luật hợp danh minh bạch, hiệu quả là một yêu cầu cấp thiết ở Việt Nam hiện nay.
& Luật sư Nguyễn Minh Đức, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
Tài liệu tham khảo:
[1]. Theo quy định của Luật Luật sư năm 2012 thì việc đào tạo tại Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
[2]. Điều 12 Luật Luật sư năm 2012 (sửa đổi).
[3]. Điều 34 Luật Luật sư năm 2006.
[4]. Điều 32 Luật Luật sư sửa đổi năm 2012.
[5]. Điều 14 Bản điều lệ công ty VILAF năm 2007.
[6]. Điều 15 Bản điều lệ công ty VILAF năm 2007.
[7]. Khoản 3 Điều 177 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[8]. Điều 34 Luật Luật sư năm 2006.
[9]. Khoản 1 Điều 176 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[10]. Khoản 1 Điều 176 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[11]. Khoản 1 Điều 180 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[12]. Khoản 5 Điều 180 Luật Doanh nghiệp năm 2014.