An ninh con người là một trong những nội dung cơ bản được quán triệt trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bảo đảm quyền con người, thực thi quyền con người theo quy định của Hiến pháp năm 2013.
Vận dụng linh hoạt, sáng tạo, đúng quy định của pháp luật về an ninh con người, quyền con người đối với phạm nhân, các trại giam thuộc Bộ Công an cần làm tốt công tác bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của phạm nhân, thực hiện nghiêm chế độ, chính sách của Nhà nước đối với phạm nhân, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho phạm nhân an tâm cải tạo, sớm được trở về với gia đình và xã hội.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định nhiệm vụ, giải pháp phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2025 là: “Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người”. Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 tiếp tục khẳng định: “Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương”. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề cập và định hướng sâu sắc nội dung an ninh con người trong tiến trình phát triển của đất nước, gắn an ninh con người với an ninh quốc gia gắn an ninh con người với phát triển đất nước, hài hòa giữa phát triển kinh tế và phát triển con người, bảo đảm quyền con người.
Trong chuyên đề “Những nhận thức mới và tư duy mới về an ninh quốc gia” do đồng chí Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an trình bày tại Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 28/3/2021, “an ninh con người” được nhấn mạnh là trạng thái người dân được sống ổn định, an toàn, không bị đe dọa bởi các nguy cơ xâm hại; bảo vệ an ninh con người là bảo đảm và thực thi đầy đủ quyền con người, quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013, bảo đảm mọi người dân được sống ấm no, tự do, hạnh phúc trong một môi trường xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh.
Như vậy, có thể thấy, vấn đề an ninh con người gắn với bảo đảm quyền con người được tôn trọng và bảo vệ; con người được bảo đảm sống trong một môi trường lành mạnh, an toàn, trật tự, kỷ cương. Bảo đảm “an ninh con người”, thực hiện bảo vệ quyền con người theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, theo Hiến pháp năm 2013 được vận dụng, áp dụng đối với người phạm tội, phạm nhân đang chấp hành án tại các trại giam theo đúng tinh thần nhân văn, nhân đạo truyền thống của dân tộc Việt Nam, phù hợp với các công ước quốc tế.
Bảo đảm “an ninh con người” gắn với quyền và lợi ích hợp pháp của phạm nhân thể hiện cụ thể qua việc thực hiện chính sách của Nhà nước đối với phạm nhân, phạm nhân chấp hành án tại các trại giam được đối xử công bằng, nhân văn, đúng quy định của pháp luật về tất cả các chế độ chính sách, được chăm lo về đời sống vật chất, bảo đảm về tinh thần, được thực hiện các quyền và lợi ích hợp hợp pháp theo quy định của pháp luật nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất để phạm nhân an tâm cải tạo, nhận thức rõ lỗi lầm, sớm nhận được sự khoan hồng trở về tái hòa nhập cộng đồng.
Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an đã nghiêm túc thực hiện các quy định của Hiến pháp, pháp luật, tổ chức thực hiện thi hành án phạt tù tại các trại giam thống nhất, đồng bộ, đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu về cải cách tư pháp, bảo đảm an toàn ở các trại giam, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm, gắn thực hiện chính sách đối với bảo đảm quyền con người, bảo đảm an ninh con người. Bên cạnh đó, các trại giam đã tổ chức hoạt động giáo dục phạm nhân với những nội dung, phương pháp, hình thức đa dạng, phong phú, gắn liền với đời sống hằng ngày của phạm nhân, dần dần hình thành lối sống tích cực, xa dần và xoá bỏ các thói quen xấu, xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh trong thời gian phạm nhân chấp hành án tại các trại giam. Chế độ chính sách đối với phạm nhân luôn được các trại giam quan tâm thực hiện đúng, đủ, bảo đảm đối với phạm nhân; chế độ ăn, mặc, ở, học tập, lao động sinh hoạt, thăm gặp, chăm sóc sức khoẻ, giảm án, đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện luôn được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, tạo được niềm tin đối với phạm nhân để phạm nhân an tâm cải tạo, tích cực học tập, lao động để sớm được trở về với gia đình và xã hội. Cụ thể: Chế độ ăn, mặc, ở phạm nhân được quy định cụ thể trong Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 09/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự. Ngoài ra, các trại giam còn cải thiện chế độ ăn cho phạm nhân thông qua sản phẩm từ kết quả lao động như tăng khẩu phần ăn, bảo đảm dinh dưỡng đủ đầy cho phạm nhân. Các trại giam đang được đầu tư xây dựng theo mô hình mới, hiện đại, vệ sinh sạch sẽ, theo tiêu chuẩn nằm tối thiểu 2m2 đối với mỗi phạm nhân, các trại giam chú trọng đến công tác bảo đảm môi trường, an toàn vệ sinh, phòng ngừa dịch bệnh. Chế độ chăm sóc sức khoẻ cho phạm nhân luôn bảo đảm, 100% các phân trại giam đều có phòng y tế, có đủ cơ số thuốc, có bác sỹ, y sỹ khám chữa bệnh cho phạm nhân. 100% phân trại giam đều có thư viện với số lượng sách, báo phong phú, phạm nhân theo tôn giáo, tín ngưỡng được sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin, tín ngưỡng tôn giáo theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016.
Chế độ thăm gặp của phạm nhân luôn được tạo điều kiện thuận lợi, các trại giam đơn giản hoá thủ tục thăm gặp, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, nguyện vọng của phạm nhân. 100% các trại giam đều bố trí nhà thăm gặp theo tiêu chuẩn ở các phân trại giam, theo báo cáo thống kê của Cục C10 - Bộ Công an, từ năm 2011 đến năm 2021, có 4.791.877 lượt phạm nhân được tổ chức thăm gặp 01 giờ, 280.757 lượt phạm nhân được thăm gặp trên 01 giờ, 48.495 phạm nhân được thăm gặp tại phòng riêng và hơn 05 triệu phạm nhân được nhận quà từ gia đình, 6.139.729 phạm nhân được liên lạc bằng điện thoại với người thân. Công tác thực hiện chế độ chính sách của nhà nước đối với phạm nhân về giảm án, tha tù trước thời hạn có điều kiện, đặc xá luôn được các trại giam chú trọng, quan tâm đến từng phạm nhân. Từ năm 2011 đến năm 2021, có 695.148 phạm nhân được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù. Từ năm 2009 đến năm 2022, Chủ tịch nước đã 09 lần ký quyết định đặc xá cho hơn 92.000 phạm nhân và 1.132 người được tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, ân xá cho nhiều phạm nhân bị kết án tử hình xuống thi hành án phạt tù chung thân, mở ra con đường hoàn lương cho các phạm nhân. Điều đó đã tác động tích cực đến tâm lý của phạm nhân chấp hành án ở trại giam, giúp phạm nhân có động lực, niềm tin và ý chí phấn đấu, vượt qua những khó khăn, rào cản trong thời gian chấp hành án ở trại giam, để an tâm cải tạo. Những chính sách đúng đắn, hợp tình người, đầy nhân văn có tác dụng lớn trong việc giáo dục, thuyết phục phạm nhân, tác động đến suy nghĩ và hành động của các phạm nhân, từ tâm lý tiêu cực, buồn chán, thậm chí chống đối vi phạm nội quy của những ngày đầu mới vào trại giam đã được thay bằng suy nghĩ tích cực, hành động tự nguyện tự giác, cố gắng phấn đấu học tập, thực hiện tốt nội quy, quy định ở trại giam. Những phạm nhân trước khi vào trại giam lười lao động, ỷ lại, thì nay là những lao động tự giác, lao động tích cực, yêu thích lao động, những phạm nhân khi mới vào trại giam với trạng thái tâm lý chán nản, kéo theo sự suy sụp tinh thần, ăn uống sinh hoạt thất thường, thì nay đã có lối sinh hoạt lành mạnh, thực hiện lối sống tích cực, tự chuyển hoá về suy nghĩ, thái độ, hành động.
Công tác thi hành án phạt tù ở các trại giam thuộc Bộ Công an trong thời gian qua đã thể hiện tính nhân văn, nhân đạo, thể hiện truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam về tình yêu thương con người, giúp đỡ, tạo điều kiện cho người lầm lỗi được hoàn lương, được làm lại cuộc đời, gắn với bảo đảm an ninh con người, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích của phạm nhân trong quá trình chấp hành án tại các trại giam.
Công tác thi hành án phạt tù ở các trại giam đã được phương tiện truyền thông truyền tải đến với nhân dân trong và ngoài nước và đến bạn bè quốc tế qua các chuyên mục như “Chân dung và cuộc sống” trên VTV4, “Nhận diện sự thật” trên VOV1, “Góc nhìn sự thật” trên ANTV và VTV1, “Nhân quyền và cuộc sống” trên Tạp chí Xây dựng Đảng… Ngoài ra, các đơn vị trại giam phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tại nơi đóng quân, cơ quan, đoàn thể trung ương tổ chức các chương trình có ý nghĩa… đã giúp quần chúng nhân dân, bạn bè quốc tế hiểu thêm và có cái nhìn đúng đắn, khách quan, toàn diện về công tác thi hành án phạt tù ở Việt Nam, thấy được giá trị nhân văn trong công tác thi hành án phạt tù ở các trại giam.
Bên cạnh đó, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp thực hiện các đoàn ngoại giao đến thăm và làm việc tại các đơn vị trại giam. Qua đó, các đoàn ngoại giao, khách quốc tế và phóng viên báo, đài trong và ngoài nước được trực tiếp thăm, trao đổi, lắng nghe phạm nhân hiểu và đánh giá đúng về công tác thi hành án phạt tù ở Việt Nam, đều nhận định và đánh giá cao về quyền con người, bảo đảm tiêu chuẩn đối với phạm nhân trong hoạt động thi hành án hình sự nói chung và thi hành án phạt tù nói riêng.
Có thể thấy, lực lượng cảnh sát quản lý trại giam đã áp dụng đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, Hiến pháp và pháp luật về bảo đảm quyền con người, an ninh con người, bảo đảm các quyền lợi ích đối với phạm nhân trong mọi điều kiện, hoàn cảnh đều vì mục tiêu giáo dục, cảm hóa phạm nhân; đấu tranh phản bác các luận điểm sai trái của thế lực thù địch về công tác thi hành án phạt tù ở Việt Nam, chứng minh cho bạn bè quốc tế hiểu đầy đủ, toàn diện về tinh thần nhân đạo, nhân văn trong công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân ở Việt Nam.
Trong thời gian tới, lực lượng cảnh sát quản lý trại giam với chức năng, nhiệm vụ của mình, cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo, vận dụng đúng đắn hơn nữa quan điểm của Đảng về quyền con người và an ninh con người theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của phạm nhân. Lực lượng cảnh sát quản lý trại giam cần tham mưu cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành chủ trương, đường lối, văn bản pháp luật về tổ chức thực hiện chế độ chính sách của Nhà nước đối với phạm nhân, ban hành các văn bản pháp luật bảo đảm đúng với tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, đưa nội dung về an ninh con người vào các văn bản pháp luật để thực hiện thống nhất, đồng bộ trong các trại giam.
Các trại giam cần quán triệt đúng đắn quy định của pháp luật, thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên trong công tác quản lý giam giữ, giáo dục phạm nhân, thực hiện việc giáo dục cảm hóa phạm nhân bằng những hình thức, nội dung, phương pháp khác nhau với nhiều cách làm hay, sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi cho các phạm nhân an tâm tư tưởng cải tạo, tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phấn đấu cải tạo tốt để sớm được trở về với gia đình và xã hội.
Cán bộ, chiến sỹ lực lượng cảnh sát trại giam luôn cần là tấm gương về đạo đức cách mạng cho phạm nhân học tập, noi theo; cán bộ trại giam tận tụy, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, cảm hóa phạm nhân, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của phạm nhân, đối xử công bằng, nhân văn với phạm nhân, giúp phạm nhân hoàn lương, trở thành người lương thiện, sống có ích cho xã hội.
ThS. Võ Huỳnh Khuyên
Trường Đại học Cảnh sát nhân dân
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Công an (2016), Tài liệu tập huấn Bồi dưỡng Công tác tạm giam, tạm giữ và quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân trong lực lượng Công an nhân dân, Nxb. Lao Động.
2. Cục C10 (2020), Công tác của lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam - 70 năm xây dựng và trưởng thành, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 204.
3. https://baochinhphu.vn/cong-bo-quyet-dinh-dac-xa-nam-2022-tai-cac-trai-giam-tren-toan-quoc.