Đây là kim chỉ nam cho hành động, luôn soi đường để các thế hệ học viên trong các nhà trường quân đội phấn đấu bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, kỷ luật, góp phần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Abstract: Adopting President Ho Chi Minh's ideas on law and discipline is important in the process of educating and training the personality of military personnel. This is a guideline for action, always looking for ways for generations of students in military schools to strive for training, improving their knowledge of law and discipline, contributing to building the army revolutionary, formal, elite, step by step modern.
Tư tưởng về pháp luật, kỷ luật trong quân đội là một nội dung trong hệ thống các quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người cho rằng; “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm”[1]. Do đó, việc quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp luật, kỷ luật của quân đội có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật, kỷ luật của người quân nhân cách mạng; đó là tổng hòa những tri thức, tình cảm, hành vi ứng xử của quân nhân đối với pháp luật, với nền pháp chế và hệ thống pháp luật. Ý thức pháp luật của quân nhân biểu hiện tập trung ở sự hiểu biết sâu sắc, sự nhất trí và lòng tin vào pháp luật, ý thức tự giác hành động theo Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước.
Kỷ luật là thuộc tính của mọi tổ chức, cá nhân, là sức mạnh của quân đội, ý thức tự giác chấp hành kỷ luật của người quân nhân là một trong những phẩm chất chính trị, đạo đức, đảm bảo cho họ có khả năng tự nhận thức, tự điều chỉnh, tự kiềm chế và tự quyết định một cách độc lập, sáng tạo những suy nghĩ và hành động của mình theo đúng điều lệnh, điều lệ, các chế độ quy định của quân đội trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Đây là yếu tố cơ bản tạo nên sức mạnh chiến đấu của quân đội nhân dân Việt Nam; là điều kiện bảo đảm cho quân đội luôn có sự tập trung thống nhất cao về ý chí và hành động. Kế thừa quan điểm của C.Mác, Ph. Ăngghen, V.I. Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Bộ đội không có kỷ luật đánh giặc nhất định thua”[2]. Nhận thức rõ vai trò của kỷ luật trong xây dựng quân đội, ngay từ những ngày đầu thành lập, quân đội ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã huấn thị: “Kỷ luật là sức mạnh của Quân đội”, “quân lệnh như sơn”, “kỷ luật thép”. Chính nhờ có kỷ luật, Quân đội ta đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, trở thành quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, có khả năng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, nhân dân giao phó.
Quân đội nhân dân Việt Nam - Quân đội của dân, do dân, vì dân, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng cộng sản Việt Nam, đội quân chiến đấu nhất mực trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân; là lực lượng bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Quân đội thực hiện các chức năng đó không chỉ bằng sức mạnh quân sự, chính trị mà còn thể hiện ở năng lực về pháp luật, kỷ luật. Với tư cách là một bộ phận không thể tách rời của Nhà nước, vì vậy, mọi cán bộ, chiến sĩ trong quân đội, đặc biệt là học viên đào tạo trong các nhà trường quân đội - đây là nguồn sổ sung quan trọng cho đội quân chiến đấu của quân đội nhân dân đều phải chấp hành các quy định của pháp luật một cách triệt để, nghiêm minh, chính xác. Muốn vậy, họ cần phải được giáo dục pháp luật một cách thường xuyên, liên tục, vững chắc tạo điều kiện cho họ nắm vững và tự giác chấp hành pháp luật trong quản lý bộ đội, trong cuộc sống hàng ngày và khi tham gia vào các hoạt động xã hội. Với truyền thống của “đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân sản xuất” thì bên cạnh việc tổ chức xây dựng lực lượng để chiến đấu thì việc giáo dục, tuyên truyền, vận động ý thức chấp hành pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội là chức năng, nhiệm vụ không thể thiếu của một đội quân cách mạng.
Hiện nay, trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và trong nước, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, tích cực, thì những yếu tố tiêu cực cũng đang tác động, cản trở quá trình xây dựng, giữ vững kỷ cương phép nước nói chung, quá trình chấp hành pháp luật nhà nước và kỷ luật quân đội nói riêng. Mặt khác, trước yêu cầu xây dựng và nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới, đòi hỏi công tác giáo dục pháp luật, rèn luyện kỷ luật quân đội cho đối tượng học viên trong các nhà trường quân đội cần phải được tăng cường, nâng cao hơn nữa về chất lượng, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuy nhiên, trước yêu cầu của tình hình nhiệm vụ trong giai đoạn mới, công tác giáo dục pháp luật, rèn luyện kỷ luật quân đội cho học viên trong các nhà trường quân đội vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Một bộ phận học viên ý thức tự giác còn thấp, còn tự do tuỳ tiện, chấp hành kỷ luật không nghiêm, chất lượng học tập, rèn luyện chưa cao. Thực trạng đó ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị cũng như thực tiễn công tác sau này.
Trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay, Quân đội nhân dân Việt Nam đang cùng toàn dân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vững bước trên chặng đường phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngoài những kết quả đã đạt được thể hiện phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng trong xây dựng, huấn luyện, chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và tham gia xây dựng đất nước thì vẫn còn xuất hiện một bộ phận cán bộ, chiến sĩ sự hiểu biết pháp luật còn hạn chế; chấp hành pháp luật, kỷ luật chưa nghiêm, chưa triệt để biểu hiện trong tổ chức, rèn luyện và hoạt động để xảy ra những hành vi, việc làm trái với đạo đức xã hội, tình trạng vi phạm pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội diễn biến hết sức phức tạp ảnh hưởng đến bản chất, truyền thống của quân đội.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng vi phạm pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội, trong đó có nguyên nhân do một số ít cán bộ, chiến sĩ chưa nhận thức hết vị trí, ý nghĩa của việc nghiên cứu, học tập nâng cao nhận thức pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội, dẫn đến trình độ hiểu biết pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội chưa cao. Vì vậy, để quán triệt và vận dụng có hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp luật, kỷ luật quân đội, góp phần hình thành, bồi dưỡng, nâng cao tri thức văn hóa pháp luật, kỷ luật cho quân nhân; củng cố thái độ đúng đắn đối với pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội nhằm hạn chế, tiến tới đẩy lùi các hành vi vi phạm pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội đối với học viên ở các nhà trường quân đội trong giai đoạn hiện nay cần tập trung thực hiện tốt một số biện pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, thường xuyên quán triệt sâu sắc nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí minh về giáo dục văn hóa pháp luật, kỷ luật quân đội đến từng học viên
Thông qua việc quán triệt sâu sắc những nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp luật, kỷ luật để mỗi học viên nhận thức đầy đủ nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của giáo dục pháp luật, kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Văn hoá pháp luật, kỷ luật của quân nhân được hình thành phát triển trên cơ sở có nhận thức, hiểu biết sâu sắc, sự nhất trí, lòng tin tưởng tuyệt đối vào pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, điều lệ, kỷ luật của quân đội và hành vi tự giác chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật. Đây là điều kiện để mỗi quân nhân nhận rõ trách nhiệm xã hội của mình, từ đó tự giác hành động theo các yêu cầu của xã hội cũng như pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội.
Trong giáo dục pháp luật, kỷ luật cho cán bộ, chiến sỹ, Bác dạy phải chăm lo giáo dục những tri thức về pháp luật, điều lệnh, điều lệ của quân đội, chỉ rõ những điều nên làm và không nên làm. Cùng với việc giáo dục tri thức pháp luật, cần khơi dậy ý thức tự giác chấp hành nghiêm mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh của quân đội. Phải làm cho bộ đội có nhận thức đúng đắn, sâu sắc nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ của đơn vị, quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân; thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng, yêu cầu khách quan của việc chấp hành pháp luật, kỷ luật, trên cơ sở đó có thái độ, động cơ, ý chí, trách nhiệm, tinh thần đoàn kết và ý thức tự giác chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật.
Thứ hai, phát huy vai trò, trách nhiệm và sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên, chỉ huy đơn vị trong việc bồi dưỡng giáo dục pháp luật, kỷ luật quân đội cho học viên.
Cán bộ lãnh đạo, chỉ huy là người chịu trách nhiệm về mọi mặt của đơn vị. Nhận thức sâu sắc vị trí, trách nhiệm của mình, cán bộ quản lý, chỉ huy các cấp thường xuyên nêu cao trách nhiệm và năng động, sáng tạo đổi mới hình thức, biện pháp, phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng, nâng cao chất lượng giáo dục văn hoá pháp luật, kỷ luật, đồng thời tổ chức, quản lý đơn vị chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật. Theo Hồ Chí Minh thì bản thân mỗi cán bộ quản lý, chỉ huy cần phải tự tu dưỡng, tự rèn luyện, “phải làm gương mẫu, phải chăm nom đến đời sống tinh thần, vật chất của chiến sỹ, phải gương mẫu học tập và giữ nghiêm kỷ luật”[3]. Thực tế cho thấy, ở đâu, lúc nào cán bộ quản lý, chỉ huy thực sự là tấm gương sáng về chấp hành pháp luật, kỷ luật, thì ở đó chiến sỹ sẽ có ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật tốt và ngược lại, ở đâu cán bộ quản lý, chỉ huy thiếu gương mẫu, tự do tuỳ tiện, thì ở đó sẽ có nhiều hiện tượng vi phạm pháp luật, kỷ luật. Vì vậy, nâng cao trình độ văn hoá pháp luật, kỷ luật của quân nhân không chỉ dựa trên công tác giáo dục cơ bản, mà còn phải dựa vào sự hướng dẫn, nhắc nhở thường xuyên, sâu sát và sự gương mẫu của cán bộ các cấp để học viên noi theo, làm cho việc chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật trở thành thói quen hàng ngày.
Thứ ba, duy trì thường xuyên và nghiêm túc pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội, các chế độ qui định; xây dựng nếp sống chính quy, mẫu mực, môi trường văn hóa trong đơn vị.
Theo Hồ Chí Minh, việc bồi dưỡng văn hoá pháp luật, kỷ luật phải luôn được duy trì thường xuyên và nghiêm túc, gắn với việc quản lý chặt chẽ mọi chế độ, tác phong chính quy trong đơn vị, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn những hiện tượng, hành vi vi phạm pháp luật, kỷ luật, “khi cần thiết thì phải thi hành kỷ luật nghiêm minh, đúng mức”[4]. Ý thức pháp luật, kỷ luật quân đội không chỉ tồn tại như một yếu tố tinh thần, mà còn là sự biểu thị của tác phong, hành động của mỗi quân nhân. Theo Người, để thực hiện được việc rèn luyện tác phong, giữ nghiêm pháp luật, kỷ luật cho bộ đội trước hết phải thông qua việc hướng dẫn cụ thể, tỷ mỷ của người cán bộ, càng tỷ mỷ, cụ thể bao nhiêu thì càng bớt sai lầm, vi phạm pháp luật, kỷ luật bấy nhiêu. Người chỉ rõ:“Các cán bộ từ chỉ huy trở xuống phải cố gắng hơn nữa trong công tác, trong học tập, từ bước đi, từ cái chào đều phải chính quy hoá, cán bộ phải tiến trước và làm gương mẫu cho các chiến sỹ”[5]. Việc duy trì thường xuyên và nghiêm túc pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội, các chế độ quy định trong đơn vị góp phần xây dựng ý thức rèn luyện kỷ luật “tự giác và nghiêm minh” phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh, thói quen thực hiện nếp sống chính quy, mẫu mực ở từng học viên, tập thể học viên.
Bốn là, kết hợp việc bồi dưỡng văn hoá pháp luật, kỷ luật với việc nâng cao giáo dục đạo đức.
Pháp luật và đạo đức cùng điều chỉnh hành vi con người, hướng con người tới những hành vi xử sự phù hợp với các quy định của pháp luật, chuẩn mực của xã hội; đều góp phần điều chỉnh hành vi con người sao cho phù hợp với lợi ích, yêu cầu chung của xã hội, bảo vệ trật tự kỷ cương xã hội. Do đó, trong quá trình giáo dục văn hóa pháp luật, kỷ luật cần phải kết hợp với giáo dục đạo đức thì mới nâng cao được hiệu quả giáo dục. Chúng ta thấy rằng, đạo đức là một phương tiện xuất hiện rất sớm để điều chỉnh hành vi con người, đồng thời nó cũng là yếu tố điều chỉnh gần gũi nhất đối với hành vi con người. Những quan niệm, quan điểm, tư tưởng đạo đức được truyền bá hết sức sâu rộng trong xã hội, nó đã ăn sâu, bám rễ một cách chắc chắn trong mỗi người, nó chi phối hoạt động hàng ngày, hàng giờ của con người. Do đó, trong các nhà trường quân đội việc kết hợp giáo dục văn hóa pháp luật, kỷ luật với đạo đức có tác dụng thúc đẩy, định hướng hành vi của quân nhân phù hợp yêu cầu của pháp luật, kỷ luật. Khi quân nhân biết tôn trọng và tuân thủ các chuẩn mực đạo đức của xã hội thì đó sẽ là điều kiện tốt để họ chấp hành pháp luật, tỏ rõ tinh thần bảo vệ lẽ phải, bảo vệ chân lý, giữ nghiêm kỷ luật.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp luật, kỷ luật quân đội mãi mãi là kim chỉ nam cho hành động, luôn soi đường để lớp lớp các thế hệ học viên trong các nhà trường quân đội phấn đấu bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ văn hoá pháp luật, kỷ luật góp phần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, rèn luyện pháp luật, kỷ luật quân đội cho học viên trong giai đoạn hiện nay cần phải biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo thì học viên mới chủ động, tự giác, thường xuyên phát huy tính tích cực, trong quá trình tự giáo dục pháp luật, rèn luyện kỷ luật quân đội.
Giáo dục pháp luật, rèn luyện kỷ luật quân đội luôn là nội dung cơ bản để xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, một biện pháp cơ bản, quan trọng nhằm trang bị những kiến thức về pháp luật, kỷ luật và chuyển hóa những yêu cầu của pháp luật, điều lệnh, điều lệ quy định của quân đội, của đơn vị thành nhu cầu động cơ bên trong của mỗi người học viên. Thông qua việc quán triệt, vận dụng việc giáo dục pháp luật, kỷ luật theo tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ giúp cho học viên hình thành thói quen sống, học tập, rèn luyện và sinh hoạt có nền nếp, kỷ luật. Không ngừng hoàn thiện phẩm chất nhân cách người quân nhân cách mạng, đáp ứng được với yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Trường Đại học Trần Quốc Tuấn
Tài liệu tham khảo:
1 Ban Bí Thư Trung ương Đẳng (2023). Chỉ thị số 32/CT-TƯ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật , nâng cáo ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân Hà Nội
2. Chính phủ (2007), Nghị quyết 61/2007/NQ-CP ngày 07/12/2007 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.”
3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, tr.560
4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, H.1995, tr. 611.
5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, tr.308
6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, tr.146
7. Trần Ngọc Đường - Dương Thanh Mai (1995), Bàn về giáo dục pháp luật, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
8 Quốc hội (2012), Luật phổ biến , giáo dục pháp luật, Nxb. Chính trị quốc giá, Hà Nội
1 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, tr.560
2 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, H.1995, tr 611.
3 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, tr.308
4 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, tr.146.
5 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, tr.426.