Abstract: The article is concerned with gained achievements after 5-year-implementation of Law Day in the Province of Quang Binh, hence, affirms deep meaning of the Law Day in the education of law observance awareness for all citizens in the society.
Theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, ngày 9/11 hàng năm được quy định là Ngày Pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội, đồng thời, tăng cường nhận thức của quần chúng về vai trò của pháp luật trong đời sống, sự hiểu biết pháp luật và khả năng thực thi pháp luật trong hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động kinh tế - xã hội và sinh hoạt hàng ngày của nhân dân.
Qua 05 năm triển khai thực hiện, Ngày Pháp luật trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã được các sở, ngành, đoàn thể, địa phương và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng; tổ chức đồng bộ và chặt chẽ từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp cơ sở, từ cán bộ, công chức đến nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, góp phần xây dựng lối sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật với nhiều mô hình linh hoạt, có sự đổi mới, sáng tạo hơn qua từng năm, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của mỗi sở, ngành, đoàn thể, địa phương trên địa bàn tỉnh.
Việc tổ chức Ngày Pháp luật đã đem lại hiệu quả thiết thực, một cách làm mới góp phần đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật hiện nay. Với việc lựa chọn nội dung phù hợp, hình thức tuyên truyền hiệu quả, Ngày Pháp luật đã thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng trong toàn tỉnh; qua đó, khuyến khích, động viên tinh thần học tập, tìm hiểu pháp luật, nâng cao ý thức tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật và ý thức bảo vệ pháp luật của mọi tầng lớp nhân dân, góp phần tạo chuyển biến mới về chất lượng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong xã hội.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả “Ngày Pháp luật”, trên cơ sở hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp - cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh thường xuyên hướng dẫn các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh định hướng chủ đề tuyên truyền pháp luật theo từng tháng. Hầu hết, các sở, ban, ngành, đoàn thể triển khai việc thực hiện “Ngày Pháp luật” đến 100% cán bộ, công chức, viên chức thông qua các buổi họp giao ban, các buổi sinh hoạt định kỳ, sinh hoạt chi bộ, tổ chức hội nghị, tọa đàm, nghiên cứu tìm hiểu pháp luật thông qua phương tiện thông tin đại chúng… Nhiều đơn vị treo băng rôn tuyên truyền về “Ngày Pháp luật” tại trụ sở cơ quan; một số ngành tổ chức hội nghị, tọa đàm tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của “Ngày Pháp luật”.
Từ năm 2013 đến nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã lựa chọn cho mình những phương pháp tổ chức mô hình Ngày Pháp luật có hiệu quả như: Tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền cơ sở và các sở, ngành, tổ chức; phát huy vai trò tích cực của gia đình, tổ chức, xã hội, đoàn thể, tổ hòa giải và lựa chọn nội dung, hình thức triển khai Ngày Pháp luật phù hợp. Ngoài các hình thức như tổ chức hội nghị, hội thảo phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng đã đa dạng và đổi mới hình thức như: Tuyên truyền pháp luật thông qua các câu lạc bộ pháp luật, tổ tư vấn pháp luật, phiên tòa xét xử lưu động, các phong trào hoạt động của địa phương, hội nghị, hội họp, tọa đàm... theo hướng tăng cường trao đổi, đối thoại, thảo luận, giải đáp những yêu cầu từ phía người được tuyên truyền giúp họ hiểu sâu hơn vấn đề vướng mắc, cần giải đáp.
Cùng với đó, việc tuyên truyền hướng về cơ sở, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đối tượng đặc thù, người lao động trong doanh nghiệp…; lựa chọn nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với quyền và nghĩa vụ của công dân, kết hợp phương pháp truyền đạt diễn thuyết với phương pháp nêu vấn đề, tình huống pháp luật cần giải quyết để thảo luận, giải quyết được chú trọng, từ đó, giúp họ hiểu sâu hơn vấn đề vướng mắc, cần giải đáp...
Ngoài ra, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua tổ chức hội thi hòa giải viên cấp cơ sở (cấp xã) kết hợp với tuyên truyền pháp luật qua hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở; hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật qua xét xử lưu động với cách thức tuyên truyền mang tính trực quan, sinh động đã thể hiện là kênh tuyên truyền hiệu quả có tác động mạnh tới việc nhận thức pháp luật, ý thức tôn trọng, ứng xử và chấp hành pháp luật của mọi đối tượng.
Bên cạnh đó, các mô hình như “Điểm sáng chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trong giai đoạn mới với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư tiên tiến” đã và đang phát huy vai trò tích cực của việc triển khai Ngày Pháp luật trong việc tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần đưa pháp luật vào thực tiễn cuộc sống.
Đến nay, sau 05 năm triển khai thực hiện, toàn tỉnh đã tổ chức 1.090 hội nghị hưởng ứng “Ngày Pháp luật” cho hơn 130.000 lượt người tham dự. Trong đó, cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đã phát huy tốt vai trò của mình, hàng năm, đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức 01 hội nghị hưởng ứng “Ngày Pháp luật” cho trên 200 đại biểu/hội nghị là đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương cấp tỉnh; báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; đại diện Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố. Nội dung của các hội nghị ở cấp tỉnh tập trung tuyên truyền nội dung, ý nghĩa của Ngày Pháp luật và phổ biến, quán triệt một số luật, bộ luật quan trọng được Quốc hội thông qua như Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Trưng cầu ý dân năm 2015, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016… Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức Ngày Pháp luật cho các đối tượng thuộc quyền quản lý bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Bên cạnh các hội nghị hưởng ứng Ngày Pháp luật trong tháng cao điểm thì “Ngày Pháp luật” còn được các cơ quan đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh lồng ghép tổ chức vào hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm với 39.133 hội nghị, cuộc họp, buổi nói chuyện tuyên truyền, phổ biến, quán triệt văn bản pháp luật cho 4.084.710 lượt người; lồng ghép trong thực hiện 60 chuyên mục pháp luật và đời sống, trong đó, mỗi năm có 01 chuyên mục riêng về hưởng ứng Ngày Pháp luật trên Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình; thực hiện 1.919 lượt tuyên truyền trên chuyên trang, chuyên mục trên báo, tạp chí, Đài Phát thanh - Truyền hình với nội dung hưởng ứng Ngày Pháp luật và phổ biến nội dung chính sách pháp luật mới, tư vấn, định hướng khởi nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phòng chống tham nhũng và những nội dung pháp luật người dân quan tâm; mua và cấp phát 102.107 cuốn sách pháp luật, in ấn và phát hành 278.000 tài liệu pháp luật và 659.000 tờ gấp tuyên truyền; phát hành 13.397 pa nô, áp phích và 2.880 băng rôn, bạt khổ lớn treo ở sân vận động tỉnh, ở một số ngã tư, trục đường chính trên địa bàn thành phố Đồng Hới và cấp phát cho các địa phương để tuyên truyền cổ động về Ngày Pháp luật hàng năm.
Thông qua việc tổ chức các hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật đã góp phần thực hiện có hiệu quả mô hình Ngày Pháp luật trên địa bàn tỉnh. Trong 05 năm, nhiều hội thi, cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật đã tạo được sức lan tỏa trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật như các cuộc thi về “Tìm hiểu pháp luật trong lĩnh vực an toàn giao thông”, “Tìm hiểu Luật Biên giới quốc gia”, “Tìm hiểu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình”, “Nông dân tìm hiểu pháp luật trong lĩnh vực đất đai”, “Tìm hiểu Bộ luật Lao động năm 2012” , “Tìm hiểu pháp luật qua Trang thông tin điện tư Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình”; hội thi “Hòa giải viên giỏi”… Đặc biệt, cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đã thu hút 53 đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh tham gia, với số lượng 67.766 bài dự thi đã đem lại hiệu quả tích cực trong việc nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân trong toàn tỉnh.
Cùng với đó, tủ sách pháp luật của các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Đến nay, đã có 159/159 xã, phường, thị trấn có tủ sách pháp luật; nhiều địa phương đã xây dựng tủ sách pháp luật đến tận thôn, bản, tiểu khu. Toàn tỉnh đã có trên 2.375 tủ sách pháp luật, trong đó, có 820 tủ sách ở xã, phường, thị trấn; 1.555 tủ sách pháp luật ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Thực hiện Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật, Ủy ban nhân dân tỉnh đã hướng dẫn các cơ quan, đơn vị cũng triển khai xây dựng mới và củng cố, bổ sung cho tủ sách pháp luật đã xây dựng của cơ quan, đơn vị mình.
Công tác hòa giải ở cơ sở cũng được chú trọng, là một kênh phổ biến, giáo dục pháp luật quan trọng trong việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư nhằm hạn chế tối đa việc khiếu kiện đến cơ quan nhà nước, khiếu kiện vượt cấp và kéo dài. Đến nay, toàn tỉnh có 1.348 tổ hoà giải với 9.006 tổ viên. Trong 05 năm, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã thụ lý 9.240 vụ, trong đó, đã hòa giải thành 7.923 vụ (đạt tỷ lệ 86%).
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các câu lạc bộ cũng được phát huy hiệu quả. Toàn tỉnh có 614 câu lạc bộ như: “Phụ nữ với pháp luật”, “Nông dân với pháp luật”, “Thanh niên với pháp luật”, “An toàn giao thông”, “Tuổi trẻ với pháp luật”… Thời gian qua, các câu lạc bộ đã lựa chọn hình thức và nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng thời điểm và từng đối tượng, địa bàn nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền ở cơ sở. Một số mô hình mới như “Ngày hội an toàn giao thông, ngày tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp luật miễn phí” của công an tỉnh, mô hình “Địa chỉ tin cậy và đội phản ứng nhanh” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng đã phát huy được hiệu quả tích cực trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Phát huy hiệu quả của hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, định kỳ hàng tháng, Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đã biên soạn tài liệu để các địa phương tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên hệ thống loa truyền thanh cấp xã. Các chuyên đề được biên soạn ngắn gọn, cung cấp những thông tin hữu ích, thiết thực, gắn trực tiếp với nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân. Qua đó, giúp cho người dân hiểu được các quy định của pháp luật, nâng cao được ý thức chấp hành pháp luật và vận dụng các quy định pháp luật vào thực tiễn cuộc sống có hiệu quả.
Ngày Pháp luật không chỉ khơi dậy trong mọi cá nhân, công dân ý thức về trách nhiệm, bổn phận và quyền lợi của mình, mà còn khuyến khích mỗi người dân, mỗi tổ chức tham gia một cách tích cực vào các sinh hoạt của đời sống chính trị, xã hội. Nhìn lại 05 năm triển khai thực hiện Ngày Pháp luật, có thể thấy, “Ngày Pháp luật” từ chỗ còn mới mẻ, nay đã và đang thẩm thấu vào đời sống xã hội, trở thành ngày hội để toàn dân tôn vinh Hiến pháp, pháp luật. Quan trọng hơn, việc thực hiện “Ngày Pháp luật” đã hướng tới mục tiêu thực chất hơn, đó là làm chuyển biến ý thức tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; phục vụ thiết thực cho công tác chuyên môn, đáp ứng triển khai các nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cho người dân về vị trí, vai trò của Hiến pháp và pháp luật trong đời sống xã hội hiện nay.
Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình