Ngày 29/11/2024, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính số 56/2024/QH15. Theo đó, một trong những nội dung của Luật Quản lý thuế năm 2019 được sửa đổi, bổ sung là “quy định về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh”. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đang dự thảo Nghị định quy định về ngưỡng áp dụng tạm hoãn xuất cảnh để quy định chi tiết điều khoản này.
Mở rộng đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh khi chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế
Khoản 1 Điều 66 Luật Quản lý thuế năm 2019 về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh quy định: “1. Người nộp thuế thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh”. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Quản lý thuế năm 2019, “người nộp thuế” bao gồm cả tổ chức và cá nhân, do đó, việc tạm hoãn xuất cảnh đối với chủ thể này như quy định tại khoản 1 Điều 66 là không phù hợp với thực tiễn, tức là “người nộp thuế” ở đây phải là cá nhân.
Bên cạnh đó, khoản 7 Điều 124 Luật Quản lý thuế năm 2019 về trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế: “7. Cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế trước khi xuất cảnh và có thể bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh”. Việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh cần được thực hiện đối với các chủ thể là cá nhân người nộp thuế và các cá nhân khác là đại diện theo pháp luật của tổ chức nộp thuế (gồm chủ hộ kinh doanh, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, cá nhân đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cá nhân kinh doanh), chứ không chỉ áp dụng riêng đối với cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp như quy định tại khoản 7 Điều 124.
Vì vậy, để thống nhất đối tượng quy định tại Luật Quản lý thuế trong trường hợp xuất cảnh và nâng cao hiệu quả công tác thu nợ thuế cho phù hợp với thực tiễn quản lý thuế, Luật số 56/2024/QH15 đưa đối tượng cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tại khoản 7 Điều 124 Luật Quản lý thuế năm 2019 vào khoản 1 Điều 66 Luật này; đồng thời, bổ sung đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh gồm cá nhân là đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cá nhân là chủ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Việc mở rộng đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh (chủ hộ kinh doanh, người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cá nhân kinh doanh) khi chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, bảo đảm hệ thống pháp luật đối xử công bằng, bình đẳng đối với tất cả người nộp thuế (doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cá nhân kinh doanh) mà chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế với ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 66 Luật Quản lý thuế năm 2019 cũng được bổ sung quy định về ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh và ngưỡng này “do Chính phủ quy định”. Việc bổ sung này góp phần hạn chế tình trạng việc thực hiện tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế diễn ra khá “tràn lan” như thời gian qua, gây ra những khó khăn cho người dân, doanh nghiệp[1]. Quy định về ngưỡng nợ thuế trong trường hợp này cũng phù hợp với chính sách được tham khảo của một số nước trên thế giới khi những nước này có quy định về ngưỡng nợ thuế cụ thể hoặc với khoản nợ thuế lớn sẽ bị áp dụng hạn chế đi lại, cấm xuất cảnh.
Từ đó, khoản 9 và khoản 13 Điều 6 Luật số 56/2024/QH15 đã sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế năm 2019 như sau:
Thứ nhất, bãi bỏ khoản 7 Điều 124.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 66, cụ thể: “1. Cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, cá nhân là người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế đối với số tiền thuế nợ và thời gian nợ theo ngưỡng do Chính phủ quy định thì bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh. Cơ quan quản lý thuế thông báo trước cho người nộp thuế về việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh”.
Đề xuất ngưỡng nợ thuế bị tạm hoạn xuất cảnh từ 50 triệu đồng trở lên đối với cá nhân và từ 500 triệu đồng trở lên đối với doanh nghiệp
Hiện nay, Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định quy định về ngưỡng áp dụng tạm hoãn xuất cảnh theo Luật số 56/2024/QH15. Đây là biện pháp quản lý thuế nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu hồi nợ đọng thuế, phù hợp với thực tiễn quản lý thuế.
Thực hiện quy định tại Điều 66 Luật Quản lý thuế năm 2019, cơ quan thuế đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Đặc biệt, từ cuối năm 2023, cơ quan quản lý thuế đã đẩy mạnh triển khai biện pháp này với những trường hợp không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký trong khi vẫn còn nợ thuế. Việc triển khai mang lại hiệu quả tích cực đối với công tác thu hồi nợ đọng thuế, đặc biệt đối với người nộp thuế có nợ thuế chây ỳ, người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký. Cơ quan quản lý thuế đã chủ động nắm bắt thông tin phản ánh để có phương án kiểm soát thông báo bảo đảm người nộp thuế có thông tin nợ thuế, thông tin về thông báo tạm hoãn xuất cảnh từ sớm. Đồng thời, cũng tích cực tuyên truyền, phổ biến để người nộp thuế biết, theo dõi, tra cứu nghĩa vụ thuế (trong đó có số tiền thuế nợ), tra cứu thông báo tạm hoãn xuất cảnh trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc ứng dụng Etaxmobile, khuyến khích người nộp thuế nộp bằng phương thức điện tử.
Theo dự thảo Nghị định được đưa ra tại thời điểm đầu tháng 12/2024, Bộ Tài chính đã đề xuất áp dụng ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh là từ 10 triệu đồng trở lên đối với cá nhân nợ thuế và từ 100 triệu đồng trở lên đối với doanh nghiệp nợ thuế. Tuy nhiên, có thể thấy, đây là ngưỡng khá thấp, gây tác động tiêu cực đến cá nhân kinh doanh và doanh nghiệp.
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhiều doanh nghiệp phản ánh, ngưỡng số tiền nợ thuế để áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh như vậy là quá thấp. Hiện nay, để cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, cơ quan thuế có rất nhiều biện pháp như trích tiền từ tài khoản ngân hàng, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, kê biên và bán đấu giá tài sản…, do đó, cần ưu tiên áp dụng các biện pháp này, đặc biệt là biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng hoặc bên thứ ba khác, trước khi tính đến các biện pháp hạn chế quyền đi lại của người dân. VCCI cũng cho biết, theo thông tin từ họp báo của Tổng cục Thuế ngày 25/4/2024, ngành Thuế đang nắm dữ liệu hàng triệu tài khoản ngân hàng của người nộp thuế. Với sự phát triển rất nhanh của thanh toán không dùng tiền mặt và liên kết dữ liệu như hiện nay, biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản ngân hàng trở nên rất hữu hiệu và nên được tập trung triển khai trong thời gian tới.
Đồng thời, khi biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng được thực hiện triệt để và mang lại hiệu quả, thì các biện pháp hạn chế quyền khác như thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng hay cấm xuất cảnh chỉ nên được áp dụng cho những trường hợp rất hoặc đặc biệt nghiêm trọng với số tiền nợ thuế lớn.
Hơn nữa, trong đa số trường hợp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đi ra nước ngoài không phải để trốn tránh nghĩa vụ thuế mà là vì công việc giao dịch làm ăn với đối tác. Các giao dịch như vậy có thể giúp doanh nghiệp có doanh thu để từ đó có khả năng tiếp tục đóng thuế cho Nhà nước. Nếu áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh trên phạm vi rộng có thể gây tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, gây thiệt hại về kinh tế nói chung và làm giảm số thu về dài hạn cho ngân sách.
Chính vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc nâng ngưỡng số tiền nợ thuế.
Ngày 20/12/2024, Bộ Tài chính đã đưa ra dự thảo 3 với việc nâng ngưỡng tiền thuế nợ tương ứng là từ 50 triệu đồng trở lên đối với cá nhân nợ thuế và 500 triệu đồng trở lên đối với doanh nghiệp nợ thuế.
Theo đó, Điều 3 dự thảo 3 quy định:
“Điều 3. Áp dụng ngưỡng tiền thuế nợ và thời gian nợ trong các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh.
1. Cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh có số tiền thuế nợ từ 50 triệu đồng trở lên và số tiền thuế nợ đã quá thời hạn nộp theo quy định trên 120 ngày.
2. Cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế có số tiền thuế nợ từ 500 triệu đồng trở lên và số tiền thuế nợ đã quá thời hạn nộp theo quy định trên 120 ngày.
3. Cá nhân kinh doanh; chủ hộ kinh doanh; cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký có tiền thuế nợ và sau thời gian 30 ngày kể từ ngày cơ quan quản lý thuế thông báo về việc sẽ áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.
4. Người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam có tiền thuế nợ”.
Lựa chọn ngưỡng nợ thuế phải tránh gây tác động lớn đến môi trường kinh doanh, “nuôi dưỡng” nguồn thu ngân sách
Theo Bộ Tài chính, việc đề xuất ngưỡng nợ và thời gian nợ để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh sẽ phải căn cứ vào nguồn lực của cơ quan quản lý thuế, vừa tránh gây tác động lớn đến môi trường kinh doanh, hỗ trợ người nộp thuế, “nuôi dưỡng” nguồn thu ngân sách nhà nước, vừa bảo đảm công tác thu ngân sách nhà nước, công tác quản lý thuế của cơ quan quản lý thuế. Do đó, Bộ đã đề xuất lựa chọn ngưỡng tiền thuế nợ và thời gian nợ như trên dựa vào những căn cứ như sau:
Thứ nhất, theo số liệu thống kê trên Hệ thống ứng dụng quản lý thuế, có khoảng 380.000 cá nhân là cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh có số tiền nợ thuế từ 10 triệu đồng trở lên và doanh nghiệp có số tiền nợ thuế từ 100 triệu đồng trở lên; có khoảng 81.000 cá nhân là cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh có số tiền thuế từ 50 triệu đồng trở lên và doanh nghiệp có số tiền nợ thuế từ 500 triệu đồng trở lên; có khoảng 40.000 cá nhân là cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh có số tiền nợ thuế từ 100 triệu đồng trở lên và doanh nghiệp có số tiền nợ thuế từ 01 tỷ đồng trở lên.
Thứ hai, tham khảo kinh nghiệm của Malaysia ngưỡng nợ thuế bị cấm xuất cảnh thường ở mức khoảng 2.000 USD, của Mỹ là khoảng 40.000 USD/cá nhân, so sánh bình quân đầu người của Mỹ năm 2023 là khoảng 80.000 USD, trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam là khoảng 4.284 USD. Do đó, ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân tại Việt Nam khoảng 2.100 USD, tương đương 50 triệu đồng là phù hợp.
Bên cạnh đó, tham khảo kinh nghiệm của Đài Loan, quy định cụ thể ngưỡng nợ thuế áp dụng cho doanh nghiệp là 2 triệu Đài tệ (khoảng 1,57 tỷ đồng), các nước được tham khảo khác không quy định ngưỡng cụ thể. Vì vậy, đối với doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất ngưỡng nợ là 500 triệu đồng (gấp 10 lần tiền nợ quá hạn áp dụng cho cá nhân).
Thứ ba, theo quy định của pháp luật quản lý thuế hiện hành, người nộp thuế có số tiền thuế nợ quá hạn trên 120 ngày thì cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp đốn đốc người nộp thuế, như gửi thông báo nợ cho người nộp thuế (03 kỳ thông báo), áp dụng biện pháp cưỡng chế (trích tiền từ tài khoản/phong tỏa tài khoản/khấu trừ tiền lương, thu nhập/dừng thủ tục hải quan), công khai thông tin... Nhóm nợ có thời gian nợ trên 120 ngày trở lên cũng đã được phân loại thành nhóm nợ theo dõi riêng. Do đó, việc lựa chọn ngưỡng thời gian nợ trên 120 ngày nhằm bảo đảm công tác thu hồi nợ đọng thuế, tăng tính tuân thủ của người nộp thuế, tránh nợ đọng kéo dài khó thu hồi nợ và bảo đảm đáp ứng trên ứng dụng quản lý thuế để cơ quan thuế có thể triển khai thực hiện ngay khi Nghị định được ban hành (do nhóm nợ có thời gian nợ trên 120 ngày trở lên đã được phân loại thành nhóm nợ theo dõi riêng).
Nghị định quy định về ngưỡng áp dụng tạm hoãn xuất cảnh dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025, cùng với thời gian có hiệu lực của Luật số 56/2024/QH15.
Uyên Nhi