1. Một số ý kiến về việc áp dụng các căn cứ đình chỉ thi hành án
Các căn cứ đình chỉ thi hành án được quy định tại Điều 50 Luật Thi hành án dân sự. Tuy nhiên, trên thực tế, tồn tại những quan điểm khác nhau trong việc áp dụng quy định này.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, Điều 50 Luật Thi hành án dân sự cần bổ sung thêm khoản 3 quy định về việc tiếp tục thi hành án theo hướng: Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tiếp tục thi hành án khi những căn cứ quy định tại khoản 1 không còn, khi đương sự có đơn yêu cầu tiếp tục thi hành án, trừ việc đình chỉ theo điểm c khoản 1 Điều 50 (Đương sự có thỏa thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án, trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba).
Cũng theo quan điểm này, ngoài ý kiến của đương sự về việc đình chỉ thi hành án, các căn cứ còn lại không phải bất biến theo thời gian, không gian, hoặc theo quan điểm, ý chí chủ quan của nhà làm luật; cũng không thể không có sự nhầm lẫn của chấp hành viên, cá nhân, tổ chức khác khi xác minh về điều kiện đình chỉ thi hành án... Một khi có sự sai sót, nhầm lẫn thì không lẽ không được tiếp tục thi hành án?
Về thủ tục, hình thức, khi có những căn cứ phủ nhận những căn cứ trước đó được cho là điều kiện đình chỉ thi hành án thì về bản chất, sự phát sinh đó không làm thay đổi nội dung bản án, cũng không làm thay đổi người có nghĩa vụ và người thụ hưởng những quyền, lợi ích từ bản án đã tuyên nên phải được tiếp tục thi hành án. Hay nói cách khác, việc thi hành án phải được tiếp tục khi căn cứ đình chỉ thi hành án không còn.
Quan điểm thứ hai cho rằng, việc đình chỉ thi hành án là chấm dứt thi hành án mà không thể tiếp tục thi hành, dù sau đó có phát sinh trở lại điều kiện thi hành án. Bởi lẽ:
- Theo khái niệm và đặc điểm về đình chỉ thi hành án thì việc đình chỉ thi hành án dù đình chỉ một phần hay toàn bộ bản án, quyết định thi hành án thì hậu quả pháp lý của đình chỉ là chấm dứt thi hành án các nội dung đã yêu cầu; nếu cho rằng, khi có căn cứ thay đổi về điều kiện thi hành án, thủ trưởng cơ quan thi hành án lại ra quyết định tiếp tục thi hành án thì chế định đình chỉ thi hành án đã chuyển hóa thành chế định tạm đình chỉ thi hành án và hoãn thi hành án được quy định tại các Điều 48 và Điều 49. Như vậy, sẽ không có cơ sở lý luận vững chắc vì mỗi chế định có những căn cứ khác nhau dẫn đến hậu quả pháp lý khác nhau khi được áp dụng trong thực tiễn.
- Sau khi đình chỉ thi hành án, việc thi hành án đó sẽ được chấp hành viên xóa sổ thụ lý, loại ra khỏi số việc thi hành án dở dang, hồ sơ đã lưu kho.
Trường hợp sau khi đình chỉ thi hành án, nếu những căn cứ đình chỉ không còn mà làm phát sinh căn cứ chứng tỏ người phải thi hành án có điều kiện và đương sự có yêu cầu thi hành án thì thủ trưởng cơ quan thi hành án thụ lý tổ chức thi hành án như trường hợp yêu cầu thi hành án bình thường khác.
Đó là hai quan điểm trái chiều về đình chỉ thi hành án. Mỗi quan điểm, mỗi ý kiến đều có lý lẽ riêng, tác giả cho rằng, không thể nói quan điểm nào là đúng hoàn toàn, quan điểm nào là sai hoàn toàn. Bởi lẽ:
Đối với quan điểm thứ nhất: Khi nghiên cứu quan điểm này, tác giả thấy rằng, đây là quan điểm với ý tưởng vừa mới, vừa lạ (chưa được áp dụng trong thực tế, chưa được nhiều người công nhận và hoàn toàn khác hẳn với khái niệm về đinh chỉ thi hành án).
Những căn cứ tại Điều 48, Điều 49 Luật Thi hành án dân sự cho thấy sự khác biệt cơ bản của nó với những căn cứ quy định tại Điều 50. Hoãn thi hành án và tạm đình chỉ thi hành án được áp dụng khi có những trở ngại nhất định, những trở ngại này là tạm thời, khi trở ngại không còn thì việc thi hành án phải được tiếp tục. Còn đình chỉ thi hành án là chấm dứt việc thi hành án vĩnh viễn, không thể quy trở lại thi hành những nội dung đã đình chỉ (những nội dung nào chưa đình chỉ thi có thể tổ chức thi hành).
Ở góc độ khác, có thể thấy rằng, quan điểm này là có lý lẽ, cần xem xét, không thể xem thường và bỏ qua. Hay nói một cách khác, nhìn nhận ở khía cạnh sâu sắc hơn thì những căn cứ đình chỉ thi hành án có khi, có nơi đã chuyển hóa thành những căn cứ hoãn thi hành án và tạm đình chỉ thi hành án?
Với ý nghĩa đó, đặt ra cho chúng ta vấn đề là cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa để khẳng định cơ sở pháp lý đối với chế định đình chỉ thi hành án nhằm hoàn thiện hơn việc áp dụng việc đình chỉ thi hành án trong thực tế.
Đối với quan điểm thứ hai: Đây là quan điểm truyền thống, phù hợp với khái niệm và đặt điểm về đình chỉ thi hành án; phù hợp với quy định pháp luật về thi hành án dân sự. Quan điểm này cho rằng, khi có căn cứ đình chỉ thi hành án, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định đình chỉ thi hành án và xóa sổ thụ lý, việc thi hành án xem như đã chấm dứt.
Quan điểm này không sai, bởi xét về hậu quả pháp lý thì đình chỉ thi hành án là kết thúc thi hành án, còn hoãn, tạm đình chỉ thi hành án là tạm dừng việc thi hành án một thời gian sau đó tiếp tục thi hành án. Khi các căn cứ đình chỉ thi hành án có chuyển biến thành các căn cứ hoãn, tạm đình chỉ hoặc không còn các căn cứ đình chỉ (những căn cứ đình chỉ thi hành án không còn nhưng bản án, quyết định thi hành vẫn còn hiệu lực thi hành nhưng đương sự không biết để yêu cầu thi hành án, gây thiệt hại cho đương sự) thì không thấy pháp luật về thi hành án tiên liệu, giải quyết; tác giả cho rằng, đây là thiếu sót của pháp luật về thi hành án dân sự, vì sau khi đình chỉ thi hành án, cơ quan thi hành án không còn quan tâm, theo dõi việc thi hành bản án, quyết định nữa.
Hiện nay, quan điểm này đang được pháp luật về thi hành án dân sự quy định, áp dụng. Tuy nhiên, theo chúng tôi cần bổ sung, hoàn thiện thêm về chế định đình chỉ thi hành án theo hướng bảo đảm quyền yêu cầu thi hành án của đương sự khi các căn cứ đình chỉ không còn.
2. Một số kiến nghị
Hiện nay, pháp luật về thi hành án dân sự hiện nay đang được xây dựng, sữa chữa, bổ sung theo hướng: Các quy định ngày càng rõ ràng, cụ thể hơn và có nhiều quy định bảo vệ quyền, lợi ích của đương sự hơn... Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai và xin đưa ra một số kiến nghị như sau:
2.1. Kiến nghị bổ sung quy định tại Điều 50 Luật Thi hành án dân sự
Điều 50 Luật Thi hành án dân sự được cơ cấu thành hai khoản, khoản 1 liệt kê các căn cứ đình chỉ, khoản 2 quy định thời hạn đình chỉ thi hành án, tác giả đề nghị bổ sung thêm khoản 3 về quyền yêu cầu thi hành án trở lại trong trường hợp các căn cứ tại khoản 1 được xác minh không còn, những căn cứ đã xác minh trước đó làm căn cứ đình chỉ nay đã chuyển biến theo hướng có lợi cho người được thi hành án...
Theo đó, những căn cứ đình chỉ thi hành án quy định tại khoản 1 Điều 50 không phải bất di, bất dịch, chúng có thể thay đổi theo thời gian, không gian. Về vấn đề này, pháp luật hiện hành chưa có quy định dự báo, hướng dẫn hoặc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, nội dung này đã bị “bỏ trống”.
Như vậy, để khắc phục tình trạng trên, theo tác giả, Điều 50 cần bổ sung như sau: “3. Đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền chứng minh về các căn cứ đình chỉ thi hành án; có quyền yêu cầu thi hành án lại sau khi đình chỉ thi hành án trong trường hợp chứng minh các căn cứ đình chỉ không còn”.
2.2. Kiến nghị bổ sung quyết định đình chỉ thi hành án
Nội dung quyết định đình chỉ thi hành án hiện nay được thực hiện theo mẫu tại Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-BTP-BTC ngày 01/02/2016 quy định về biểu mẫu thi hành án dân sự. Tác giả cho rằng, mẫu ra quyết định đình chỉ thi hành án hiện nay cần bổ sung nội dung về việc hướng dẫn đương sự quyền yêu cầu thi hành án trở lại trong trường hợp chứng minh các căn cứ đình chỉ thi hành án không còn theo hướng: “Đương sự, người có quyền lợi liên quan có quyền yêu cầu thi hành án trở lại trong trường hợp các căn cứ đình chỉ không còn”. Vì sao phải quy định như vậy?
Ví dụ: Bản án A tuyên có 05 khoản phải thi hành án, đương sự yêu cầu thi hành án 02 khoản, sau đó không yêu cầu thi hành án nữa. Trong trường hợp này, cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định “đình chỉ thi hành án”, việc đình chỉ thi hành án có nghĩa là đương sự không còn quyền yêu cầu thi hành án trở lại nữa. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số vướng mắc chưa được làm rõ. Cụ thể:
- Trong ví dụ trên, đối với 02 khoản đã yêu cầu thi hành án và được đình chỉ thi hành án theo ý kiến của người được thi hành án (quy định tại điểm c Điều 50 Luật Thi hành án dân sự) thì việc đương sự không còn quyền yêu cầu thi hành án trở lại đối với 02 khoản này là đúng, nhưng còn 03 khoản còn lại được bản án ghi nhận chưa yêu cầu thi hành án thì sao, người được thi hành án có quyền yêu cầu thi hành án không?
- Việc đình chỉ thi hành án trong trường hợp này hiện nay chưa được pháp luật về thi hành án dân sự quy định rõ, những người làm công tác thi hành án thì cho rằng đình chỉ thi hành án thì không được yêu cầu thi hành án trở lại một cách rất chung chung mà không có giải thích gì thêm.
- Người được thi hành án thì không hiểu rõ quy định của pháp luật, cội nguồn của vấn đề, do đó không thể bảo vệ được quyền, lợi ích của mình theo quy định của pháp luật.
Vì vậy, qua ví dụ trên, tác giả đề nghị cơ quan có thẩm quyền quy định rõ hơn, cụ thể hơn về trường hợp đình chỉ thi hành án, kể cả việc đình chỉ theo yêu cầu của người được thi hành án.
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hàm Tân, Bình Thuận