Vấn đề pháp nhân luôn là vấn đề tranh luận sôi nổi một thời gian dài từ cuối Thế kỷ XIX”[1]. Kết quả xuất hiện nhiều thuyết khác nhau về pháp nhân. Có thể kể đến các học thuyết như Thuyết giả định, Thuyết thực tại, Thuyết phủ nhận[2]. Cho đến ngày nay, pháp nhân, tổ chức đã được thừa nhận rộng rãi về mặt lý luận, luật pháp cũng như là một thực thể hiện hữu trong thực tế, được coi như chủ thể cơ bản của luật pháp và có vai trò ngày càng lớn trong đời sống kinht ế xã hội. Pháp nhân đóng vai trò quan trọng và là chủ thể tham gia vào nhiều quan hệ pháp luật theo quy định của pháp luật các nước như pháp luật hành chính, hình sự, tố tụng hình sự và trong pháp luật dân sự.
Kế thừa thành tựu pháp lý của thế giới, trên cơ sở thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm trong thời gian qua, Việt Nam chính thức ghi nhận, quy định vấn đề pháp nhân là chủ thể của tội phạm và việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân trong Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Trong đó, căn cứ khởi tố bị can đối với pháp nhân và những vấn đề chứng minh căn cứ khởi tố bị can đối với pháp nhân là những nội dung mới, quan trọng trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Nội dung này tạo cơ sở pháp lý quan trọng để áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015 nhằm truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân.
Căn cứ khởi tố bị can có vai trò quan trọng trong tiến trình tố tụng hình sự. Căn cứ khởi tố bị can là “đề khởi” của quá trình tố tụng hình sự đối với bị can. Việc khởi tố bị can chính xác, đúng pháp luật phụ thuộc vào căn cứ khởi tố bị can.
Căn cứ khởi tố bị can đối với pháp nhân là cơ sở để xác định về mặt pháp lý một pháp nhân phạm tội, là cơ sở để cơ quan điều tra công khai mở cuộc điều tra và áp dụng các biện pháp cần thiết do pháp luật tố tụng hình sự quy định để làm rõ pháp nhân phạm tội. Trừ một số trường hợp mang tính cấp bách, về nguyên tắc các biện pháp cưỡng chế[3] được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ được áp dụng đối với pháp nhân phạm tội sau khi có quyết định khởi tố bị can.
Trước tiên, để xác định và chứng minh căn cứ khởi tố bị can đối với pháp nhân chính xác theo tinh thần của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát phải phân biệt căn cứ khởi tố vụ án đối với pháp nhân với căn cứ khởi tố bị can đối với pháp nhân; căn cứ khởi tố bị can đối với pháp nhân vớicăn cứ khởi tố bị can đối với cá nhân.
Về căn cứ khởi tố vụ án đối với pháp nhân và căn cứ khởi tố bị can đối với pháp nhân thì: Khi xác định có dấu hiệu tội phạm do pháp nhân thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự [4]. Khi có đủ căn cứ xác định pháp nhân đã thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố bị can đối với pháp nhân[5].
Như vậy, để có căn cứ khởi tố vụ án đối với pháp nhân, thì cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát phải thông qua các hoạt động kiểm tra, xác minh thu thập chứng cứ, đánh giá sơ bộ để xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm tương ứng với một tội danh đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự xảy ra trên thực tế. Khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với pháp nhân thì không bắt buộc phải chứng minh đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Thông thường, chỉ cần làm rõ khách thể trực tiếp của tội phạm, các dấu hiệu bắt buộc trong mặt khách quan và chủ quan của tội phạm. Vì thế khi xác định có dấu hiệu của tội phạm dù chưa rõ pháp nhân nào thực hiện thì việc ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vẫn được tiến hành. Khác với căn cứ khởi tố vụ án đối với pháp nhân, khi chứng minh căn cứ khởi tố bị can đối với pháp nhân, cơ quan điều tra phải xác định chính xác pháp nhân nào đã thực hiện hành vi phạm tội thì mới tiến hành khởi tố bị can đối với pháp nhân đó.
Về căn cứ khởi tố bị can đối với pháp nhân và căn cứ khởi tố bị can đối với cá nhân: Nếu như khởi tố bị can đối với cá nhân thì việc xác định căn cứ khởi tố bị can thông qua cá nhân người thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm, còn khởi tố bị can đối với pháp nhân thì cơ quan điều tra phải xác định căn cứ khởi tố bị can là pháp nhân đã thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm[6].
Khi chứng minh căn cứ khởi tố bị can đối với pháp nhân, cơ quan điều tra cần làm rõ: Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại; hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại; hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại; chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự[7].
Việc làm rõ nội dung trên giúp cơ quan điều tra xác định trách nhiệm hình sự của cá nhân hay pháp nhân để xác định có căn cứ khởi tố bị can đối với người phạm tội hay khởi tố bị can đối với pháp nhân.
Ngoài ra, khi chứng minh căn cứ để khởi tố bị can đối với pháp nhân, cơ quan điều tra cần làm rõ: Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, lỗi của pháp nhân, lỗi của cá nhân là thành viên của pháp nhân[8].
Việc chứng minh “có hành vi phạm tội xảy ra” không phải là vấn đề phức tạp đặt ra đối với cơ quan điều tra khi xác định căn cứ khởi tố bị can đối với pháp nhân. Tuy nhiên, việc chứng minh lỗi của pháp nhân lại là vấn đề hết sức khó khăn. Vấn đề này hiện đang còn nhiều ý kiến khác nhau, và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng không quy định rõ.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng: Lỗi là trạng thái tâm lý cá nhân khi thực hiện tội phạm nên không đặt ra vấn đề lỗi đối với pháp nhân. Khi tiến hành khởi tố hình sự đối với pháp nhân chỉ cần pháp nhân đó có hành phạm tội theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 là đủ.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng: cần phải xác định lỗi của pháp nhân khi phạm tội thì mới đầy đủ cơ sở để tiến hành khởi tố đối với pháp nhân đó.
Theo tác giả, giữa lỗi và việc truy cứu trách nhiệm hình sự có mối quan hệ chặt chẽ. Khoa học pháp lý đã khẳng định, tội phạm là cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự. Do vậy, để truy cứu trách nhiệm hình sự cần phải xác định được cấu thành tội phạm trong những trường hợp cụ thể. Một trong những dấu hiệu luôn bắt buộc trong cấu thành tội phạm đó là dấu hiệu lỗi. Do vậy, khi chứng minh căn cứ khởi tố bị can đối với pháp nhân phải chứng minh lỗi của pháp nhân. Cơ quan điều tra phải xác định lỗi của pháp nhân thì mới có đầy đủ căn cứ để khởi tố bị can đối với pháp nhân.
Về vấn đề xác định lỗi của pháp nhân làm căn cứ để khởi tố bị can đối với pháp nhân, theo tác giả lỗi của pháp nhân phạm tội không tách rời khỏi lỗi của những thành viên của pháp nhân đó. Lỗi của pháp nhân xuất phát từ những hành động hoặc không hành động có lỗi của các cá nhân, mà có thể phải chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình theo luật định. Pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự về lỗi của mình khi có lỗi cụ thể của mỗi cá nhân, cũng như khi lỗi của những cá nhân cụ thể bị loại trừ. Đó là những người đứng đầu pháp nhân, người thực hiện phạm tội vì pháp nhân đó.
Hiện nay, căn cứ theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã… thì khó có thể xác định được mặt chủ quan của những người cùng tham gia quyết định thực hiện tội phạm khi họp đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị (đối với công ty cổ phần), hội đồng thành viên (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn), đại hội xã viên (đối với hợp tác xã)... Do đó, không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người bỏ phiếu không tán thành, do họ không có lỗi và cũng khó xác định được người nào tán thành, người nào không tán thành, vì kết quả biểu quyết chỉ xác định trên cơ sở phiếu biểu quyết tính theo tỷ lệ phần trăm. Trong trường hợp này, việc xác định lỗi thông qua người đứng đầu pháp nhân, người thực hiện phạm tội vì pháp nhân đó.
Ngoài ra, khi xác định lỗi của pháp nhân để chứng minh căn cứ khởi tố bị can đối với pháp nhân cần chú ý phân biệt người đứng đầu pháp nhân, người đại diện cho pháp nhân thực hiện tội phạm với tư cách cá nhân chứ không phải vì lợi ích chung của pháp nhân, đại diện cho pháp nhân đó để khởi tố bảo đảm chính xác.
Những cá nhân đại diện cho pháp nhân, những người đứng đầu pháp nhân thực hiện tội phạm nếu có đủ các điều kiện sau thì có cơ sở xác định căn cứ khởi tố bị can đối với pháp nhân, cụ thể:
+ Những người này không thực hiện hành vi với tư cách cá nhân mà phải thực hiện hành vi với tư cách là người đứng đầu, đại diện cho pháp nhân đó.
+ Nếu quyền hạn của họ do ủy quyền mà có thì họ phải thực hiện trong phạm vi ủy quyền.
+ Hành vi nhằm đem lại lợi ích cho pháp nhân mà không nhằm mưu cầu lợi ích cho cá nhân.
Nếu không có các điều kiện trên thì khởi tố hình sự đối với cá nhân chứ không khởi tố hình sự đối với pháp nhân.
Ngoài ra, khi xác định căn cứ khởi tố bị can đối với pháp nhân, cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát cần chứng minh pháp nhân phạm tội nào theo Bộ luật Hình sự năm 2015. Vì khởi tố đối với pháp nhân chỉ được áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm các tội kinh tế và môi trường. Khởi tố bị can đối với người phạm tội không giới hạn phạm vi khởi tố. Khi cá nhân phạm bất kỳ tội nào được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015, thì cơ quan có thẩm quyền đều có thể tiến hành khởi tố.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015: Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật Hình sự năm 2015 mới phải chịu trách nhiệm hình sự[9]. Như vậy, pháp nhân phi thương mại không phải là đối tượng chứng minh khi xác định căn cứ khởi tố bị can đối với pháp nhân.
Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác [10]. Pháp nhân này chính là đối tượng của khởi tố bị can đối với pháp nhân trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên. Pháp nhân phi thương mại bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác[11].
Mặt khác, khi chứng minhcăn cứ khởi tố bị can đối với pháp nhân, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cần căn cứ phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại được quy định trong Điều 76 Bộ luật Hình sự năm 2015. Căn cứ vào phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, có thể xác định phạm vi khởi tố bị can đối với pháp nhân đó là chỉ tiến hành khởi tố bị can là pháp nhân thương mại nếu pháp nhân thương mại phạm các tội phạm về kinh tế và môi trường theo quy định tại Điều 76 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
.Căn cứ khởi tố bị can đối với pháp nhân là một vấn đề mới trong pháp luật tố tụng hình sự. Việc nhận thức cơ sở lý luận nêu trên về căn cứ khởi tố bị can đối với pháp nhân là tiền đề để triển khai và áp dụng có hiệu quả trong thực tế chế định khởi tố bị can đối với pháp nhân trong tố tụng hình sự của cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh với các loại tội phạm do pháp nhân thực hiện trong thời gian tới.
Trường Đại học An ninh nhân dân