Để hướng dẫn cụ thể việc xét tuyển và trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức, viên chức, hiện nay Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định số 161/2018/NĐ-CP) có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2019 đang được thực hiện. Theo đó, Nghị định quy định chi tiết, cụ thể về nội dung và hình thức xét tuyển công chức, viên chức được thực hiện theo 02 vòng như sau: (i) Vòng 1: Kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn của người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm đã đăng ký tại Phiếu đăng ký dự tuyển, nếu phù hợp thì người dự tuyển được tham dự vòng 02; (ii) Vòng 2: Phỏng vấn để kiểm tra về năng lực, trình độ chuyên môn của người dự tuyển; điểm phỏng vấn được tính theo thang điểm 100; thời gian phỏng vấn 30 phút; không thực hiện việc phúc khảo đối với kết quả phỏng vấn hoặc thực hành (khoản 6 Điều 1; khoản 5 Điều 2 Nghị định 161/2018/NĐ-CP). Như vậy, về cơ bản Nghị định số 161/NĐ-CP đã thể hiện được tinh thần của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức về việc đổi mới từ cơ chế tuyển dụng theo phương thức truyền thống (thi tập trung, cùng chung nội dung, hình thức thi) sang cơ chế tuyển dụng theo tiêu chuẩn chức danh gắn với vị trí việc làm. Đồng thời, góp phần tích cực nâng cao chất lượng tuyển dụng, phòng chống tiêu cực và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quy trình tổ chức tuyển dụng.
Đối với trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức Nghị định 161/2018/NĐ-CP quy định rõ: Người đứng đầu cơ quan quản lý công chức được tiếp nhận không qua thi tuyển vào công chức đối với các trường hợp sau: Có ít nhất 05 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng và có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (không kể thời gian tập sự, thử việc, nếu có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn), gồm: Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập; người hưởng lương trong lực lượng vũ trang (quân đội, công an) và người làm công tác cơ yếu… (khoản 7 Điều 1).
Đối với trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng viên chức thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức được xem xét tiếp nhận vào viên chức đối với các trường hợp sau: Có ít nhất 05 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng và có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (không kể thời gian tập sự, thử việc, nếu có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn), gồm: Người ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập; người hưởng lương trong lực lượng vũ trang (quân đội, công an) và người làm công tác cơ yếu; cán bộ, công chức cấp xã… (khoản 7 Điều 2).
Tiếp đó, ngày 14/5/2019 Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BNV về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (Thông tư số 03/2019/TT-BNV). Theo đó, Thông tư đưa ra Quy chế tổ chức xét tuyển công chức, viên chức, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức quy định rất chi tiết, cụ thể với nội dung về việc phỏng vấn, thực hành: (i) Thời gian chuẩn bị và trả lời câu hỏi phỏng vấn của mỗi thí sinh không quá 30 phút; (ii) Thời gian thực hành do Chủ tịch Hội đồng xét tuyển quyết định phù hợp với tính chất hoạt động nghề nghiệp, yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển; (iii) Khi chấm điểm phỏng vấn, thực hành, các thành viên chấm độc lập trên phiếu chấm điểm đối với từng thí sinh… (khoản 2 Điều 5 Quy chế).
Thêm vào đó, quy định rõ ràng về việc lưu trữ tài liệu của kỳ xét tuyển gồm: Các văn bản về tổ chức kỳ xét tuyển do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức, viên chức ký ban hành; các văn bản của Hội đồng xét tuyển; biên bản các cuộc họp Hội đồng xét tuyển; danh sách tổng hợp người dự tuyển; các biên bản giao nhận đề phỏng vấn hoặc thực hành (kèm theo đáp án), biên bản xác định tình trạng niêm phong đề phỏng vấn hoặc thực hành, biên bản vi phạm quy chế, nội quy xét tuyển (nếu có); đề gốc để phỏng vấn hoặc thực hành; bảng tổng hợp kết quả điểm phỏng vấn hoặc thực hành; kết quả xét tuyển; quyết định công nhận kết quả xét tuyển; biên bản giải quyết khiếu nại, tố cáo (nếu có) và các loại văn bản khác liên quan đến kỳ xét tuyển.
Đặc biệt Thông tư số 03/2019/TT-BNV đưa ra nội quy kỳ tuyển dụng công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức “chỉ được mang vào phòng thi bút viết, thước kẻ; không được mang vào phòng thi điện thoại di động, máy ghi âm, máy ảnh, máy vi tính, các phương tiện kỹ thuật thu, phát truyền tin, phương tiện sao lưu dữ liệu, thiết bị chứa đựng, truyền tải thông tin khác và các loại giấy tờ, tài liệu có liên quan đến nội dung thi…”.
Ngoài các văn bản nêu trên, còn có Quyết định số 546/2019/QĐ-BNV ngày 12/7/2019 của Bộ Nội vụ công bố thủ tục hành chính về lĩnh vực công chức, viên chức Bộ Nội vụ góp phần mạnh mẽ trong việc cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm được quyền và lợi ích của công chức, viên chức nói riêng.
2. Một số bất cập về xét tuyển và trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức, viên chức
Thứ nhất, theo quy định tại khoản 6 Điều 1 và khoản 5 Điều 2 Nghị định 161/2019/NĐ-CP thì xét tuyển công chức, viên chức được thực hiện theo 02 vòng: Vòng 1- kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn theo yêu cầu vị trí việc làm tại Phiếu đăng ký dự tuyển; vòng 2 - phỏng vấn để kiểm tra về năng lực, trình độ chuyên môn của người dự tuyển. Nghị định quy định “không thực hiện việc phúc khảo đối với kết quả phỏng vấn hoặc thực hành”, trong khi đó, pháp luật hiện hành không quy định trong quá trình phỏng vấn hoặc thực hành phải có thiết bị ghi âm, ghi hình đối với người phỏng vấn và người thực hiện phỏng vấn. Hơn nữa, khi quy định về lưu trữ tài liệu không có quy định minh chứng, bằng chứng lưu trữ cho việc phỏng vấn hoặc thực hành đối với người tham gia xét tuyển công chức, viên chức (Điều 8 Thông tư số 03/2019/TT-BNV). Điều này, dễ dẫn đến hiện tượng tiêu cực, thiếu sự công bằng, minh bạch trong quá trình phỏng vấn.
Thứ hai, đối với trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng viên chức, thực tế nhiều người có kinh nghiệm, bằng cấp đáp ứng đủ yêu cầu để thực hiện việc tiếp nhận đối với công chức, viên chức gồm: (i) Có ít nhất 05 năm công tác ở vị trí làm việc; (ii) Yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng; (iii) Được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và (iv) Người ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất đối với viên chức, đặc biệt đối với giáo viên hợp đồng hiện nay đó chính là điều kiện “người ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập”. Bởi vì hiện nay, có những đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng hoàn toàn bằng ngân sách nhà nước mà chưa phải là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập. Điều này dẫn đến tình trạng viên chức có đủ điều kiện về nội dung (thời gian, trình độ, bảo hiểm) nhưng không đủ điều kiện về hình thức (đơn vị công tác). Do đó, quy định ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của viên chức trong các đơn vị sự nghiệp.
Thứ ba, pháp luật quy định về điều kiện, quy trình, quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm và việc xếp ngạch, bậc lương đối với công chức, viên chức được tiếp nhận trong trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, lại không có quy định việc thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của cơ quan và niêm yết công khai tại trụ sở làm việc về tiêu chuẩn, điều kiện, số lượng, thời gian, địa điểm về nhu cầu tiếp nhận công chức, viên chức. Trên thực tế, có một số cơ quan, đơn vị trên cả nước đã thông báo công khai nhu cầu tiếp nhận công chức, viên chức về công tác tại đơn vị nhưng còn chiếm tỷ lệ thấp. Chính vì vậy, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức, viên chức được xem xét tiếp nhận không biết hoặc không có nhiều sự lựa chọn, chọn lọc đội ngũ công chức, viên chức đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Đồng thời, người có nhu cầu chuyển công tác mặc dù có đủ năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhưng không được biết thông tin, tính cạnh tranh không được bảo đảm. Do đó, hiện tượng tham nhũng, tiêu cực, thiếu khách quan là điều có thể xảy ra, đồng thời không đảm bảo được nguyên tắc công khai, minh bạch trong tuyển dụng.
Thứ tư, nếu như Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức quy định xét tuyển công chức gồm: Xét kết quả học tập của người dự tuyển và phỏng vấn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ thì Nghị định số 161/2018/NĐ-CP đã bỏ nội dung “xét kết quả học tập của người dự tuyển” mà chỉ kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn (vòng 1) và chuyển sang phỏng vấn (vòng 2 - nội dung mang tính chất quyết định có trúng tuyển hay không). Thêm vào đó, Điều 19 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP quy định 03 đối tượng được xem xét tiếp nhận công chức là: (i) Người tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học ở trong nước; (ii) Người tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài; (iii) Người có trình độ đào tạo từ đại học trở lên, có kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển dụng từ 05 năm trở lên, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng. Đến nay, theo quy định hiện hành đã bỏ đối tượng (i) và (ii). Quy định này có thể sẽ “bỏ lọt” đối với người có tài năng, xuất sắc. Để khắc phục tình trạng này Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã bổ sung thêm hình thức xét tuyển với các trường hợp: Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng; người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương cử đi học... Điều này đã mở rộng cơ hội được tuyển vào công chức hơn đối với nhiều người.
Đối với việc xét tuyển viên chức, Điều 11 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức quy định nội dung xét tuyển viên chức có “xét kết quả học tập bao gồm điểm học tập và điểm tốt nghiệp của người dự tuyển”, tuy nhiên đến quy định hiện hành (Nghị định số 161/2019/NĐ-CP, Thông tư số 03/2019/TT-BNV không còn có quy định này). Thêm vào đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực vào 01/7/2020 cũng không quy định. Điều này, vô hình trung làm cho cơ hội của người có tài năng, xuất sắc được tuyển vào viên chức trở nên hẹp hơn.
Thứ năm, trong Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức cũng như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 quy định rõ có 03 hình thức tuyển dụng là thi tuyển, xét tuyển và tiếp nhận trong trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, trên thực tế, ở một số địa phương việc tổ chức các phương thức tuyển dụng chưa có sự đan xen nhau để lựa chọn được người có năng lực, đáp ứng được nhu cầu và vị trí việc làm. Đặc biệt, kể từ khi Nghị định số 161/2019/NĐ-CP có hiệu lực, một số địa phương chỉ thực hiện hình thức xét tuyển và tiếp nhận trong trường hợp đặc biệt.
3. Kiến nghị hoàn thiện trong xét tuyển công chức, viên chức và trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức, viên chức
Một là, cần có quy định chặt chẽ trong văn bản quy pháp pháp luật để hướng dẫn thi hành, theo đó, quy định rõ trong quá trình phỏng vấn hoặc thực hành phải có thiết bị ghi âm, ghi hình đối với người phỏng vấn và người thực hiện phỏng vấn. Thêm vào đó, về lưu trữ tài liệu cần quy định rõ ràng về minh chứng, bằng chứng lưu trữ cho việc phỏng vấn hoặc thực hành đối với người tham gia và người thực hiện xét tuyển công chức, viên chức. Điều này sẽ đảm bảo được nguyên tắc công khai, minh bạch, khách quan trong quá trình phỏng vấn khi xét tuyển công chức, viên chức.
Hai là, đối với trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng viên chức, rào cản lớn nhất (đặc biệt với viên chức hợp đồng hiện nay), chính là điều kiện về hình thức (đơn vị công tác) phải là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập. Quy định này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của viên chức trong các đơn vị sự nghiệp. Do đó, đề xuất quy định theo hướng như sau: “Người ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập”.
Ba là, cần bổ sung quy định việc thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của cơ quan và niêm yết công khai tại trụ sở làm việc về tiêu chuẩn, điều kiện, số lượng, thời gian, địa điểm về nhu cầu tiếp nhận công chức, viên chức. Điều này góp phần quan trọng trong việc lựa chọn người có năng lực, trình độ đáp ứng được yêu cầu, là cơ hộ mở cho công chức, viên chức.Đặc biệt, đảm bảo được nguyên tắc cạnh trong việc tiếp nhận công chức, viên chức.
Bốn là, đề xuất kế thừa nội dung tại điều 11 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức trong xét tuyển là xét đến cả yếu tố “kết quả học tập bao gồm điểm học tập và điểm tốt nghiệp của người dự tuyển”. Điều này, góp phần lựa chọn thêm được người có năng lực, người có tài năng trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Năm là, cần linh hoạt đổi mới hình thức, phương thức tuyển dụng bằng cách đan xen thi tuyển và xét tuyển nhằm chọn đúng người có năng lực. Điều này hoàn toàn phù hợp tinh thần của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức nhằm nâng cao chất lượng đầu vào công chức, bảo đảm công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả. Việc tuyển dụng không chỉ đơn thuần là hình thức hợp lý hóa vào biên chế mà đây là khâu quan trọng bổ sung nguồn nhân lực nền công vụ nói chung và cho cơ quan, đơn vị riêng. Do đó, cần tăng cường, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người làm công tác tuyển dụng và phải kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm liên quan đến tổ chức kỳ thi. Bên cạnh đó, cần phải có cơ chế kiểm soát thường xuyên, chặt chẽ từ các khâu trong quy trình tuyển dụng.
Trường Trung cấp Luật Tây Bắc