Xây dựng Nhà nước pháp quyền là con đường phát triển tất yếu của đất nước ta, phù hợp với xu thế tất yếu chung của thời đại, không chỉ là nguyện vọng mà đã và đang trở thành nhu cầu hiện thực và khả năng hiện thực. Thế nhưng, muốn xây dựng Nhà nước pháp quyền, trước hết cần “nhận diện” chính xác về bản chất cũng như những đặc điểm cơ bản của nó, hay nói cách khác là nhận biết rõ những tiêu chí mà nó hướng tới. Khi viết hay nói về Nhà nước pháp quyền, mọi người đều cố gắng định ra khái niệm rồi sau đó liệt kê những đặc điểm của nó, cho dù đến nay vẫn chưa có một khái niệm chuẩn cũng như những đặc điểm thống nhất về Nhà nước pháp quyền.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích những đặc điểm cơ bản, có tính chất “nhận diện” về Nhà nước pháp quyền, để từ đó nhấn mạnh những vấn đề liên quan đến “quy trình tố tụng chuẩn - due process of law”- một thuộc tính cơ bản, cần được hiểu và vận hành nhất quán trong Nhà nước pháp quyền, dù nó được tổ chức theo mô thức cụ thể nào.
1. Nhà nước pháp quyền trước hết là tuân thủ pháp luật
Sự thượng tôn pháp luật của mọi chủ thể trong xã hội như là một yêu cầu quan trọng bậc nhất của Nhà nước pháp quyền. Nói cách khác, nhấn mạnh hơn - pháp luật là tối thượng và không môt chủ thể nào có thể đứng trên pháp luật! Bởi vì, pháp luật là các quy tắc chuẩn, vững chắc hơn tất cả các quy định xã hội khác, kể cả đạo đức hay tập tục xã hội,… Việc xây dựng một xã hội tuân thủ pháp luật đang nói ở đây là dựa trên nền tảng pháp quyền, hoàn toàn khác với việc xây dựng các xã hội dựa trên nền tảng đạo đức của chế độ nhân trị. Bởi vì, các chuẩn mực đạo đức thường không được rõ ràng, thường dựa vào gương sáng đạo đức của những vị vua hiền đức hay một cá nhân xuất chúng nào đó của lịch sử và những “gương sáng” đó thì không phải lúc nào cũng có xuất hiện; tỷ như trong hơn 5.000 năm của lịch sử Trung Quốc, Vua Nghiêu, Vua Thuấn chỉ xuất hiện có một lần và cũng chỉ là trong truyền thuyết, rất khó để có thể chứng thực.
Còn pháp quyền hay Nhà nước pháp quyền với đặc trưng pháp luật làm nền tảng là điều thực tế, thiết thực và cần thiết hơn của nhân loại. Pháp luật ở đây phải được hiểu là pháp luật đúng chuẩn theo nhiều ngữ nghĩa khác nhau như công lý, bình đẳng, công bằng,… Cũng như nhà nước, pháp luật ra đời để phục vụ con người có suy nghĩ, có lý trí. Nguyên nghĩa thủa ban đầu của sự ra đời, pháp luật cũng như nhà nước đều phải là đại diện cho cái đúng, cái đạo đức, cái chung mà mọi người đều hướng tới.
Vì vậy, Nhà nước pháp quyền trước hết phải là sự tuân thủ pháp luật của mọi chủ thể, kể cả và trước hết đối với những người nắm trong tay quyền lực nhà nước. Tuân thủ pháp luật là tuân thủ cái đúng, cái công bằng, bác ái mà mọi người đều chấp nhận. Tuy nhiên, cần phân biệt tuân thủ pháp luật trong tinh thần thượng tôn pháp luật của Nhà nước pháp quyền với việc tuân thủ pháp luật thực định. Vì một thực tế, luật pháp do con người làm ra, con người có khuyết tật thì luật pháp cũng có khuyết tật nên không phải cứ làm ra luật và áp dụng luật là có pháp quyền. Bởi một lẽ đơn giản rằng, nhiều khi chính đạo luật không hợp với pháp quyền.
2. Nhà nước pháp quyền không chỉ tuân thủ pháp luật, mà còn có quy trình tố tụng chuẩn các cơ quan nhà nước phải thực hiện
Không phải cứ làm ra các đạo luật rồi áp dụng là có pháp quyền, vì khi chính các đạo luật không hợp hiến, trái với luật tự nhiên (natural law) thì ngay chính luật pháp tự nó đã không tạo ra pháp quyền theo đúng tinh thần của pháp quyền. Dù câu chữ có khác nhau bởi tiếng nói và văn hóa, dù là theo ý niệm “Rule of Law” của Anh Mỹ hay theo ý niệm “Etat de Droit” của người Pháp, thì điểm chung cốt lõi đó là nguyên tắc, tinh thần pháp luật còn đứng cao hơn cả các quy định của luật pháp.
James Otis, luật sư nổi tiếng ở Mỹ thế kỷ XVIII đã cảnh báo về sự không tuân thủ công lý của tinh thần pháp luật cũng như luật tự nhiên trong một xã hội không pháp quyền rằng: “Luật tự nhiên không phải do con người tạo ra, mà con người cũng không có quyền sửa luật đó. Con người chỉ có thể tuân theo và thi hành luật đó hoặc chống lại và vi phạm luật....”.
Tinh thần đó có được như ngày nay là đã phải qua nhiều thế kỷ; từ tư tưởng của các nhà triết học Hy lạp cổ đại cho tới bản Tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hợp quốc và các Công ước về quyền con người kèm theo; tất cả đều nhằm vào thể hiện các yếu tố: Luật pháp là tối thượng đối với nhà cầm quyền cũng như đối với dân chúng; sự độc lập phải có của nhánh tư pháp trong sự phân định quyền lực (lập pháp, hành pháp và tư pháp độc lập); sự thi hành luật pháp phải minh bạch trong thủ tục và nhu cầu bảo vệ quyền con người phải được đề cao, pháp luật phải phù hợp vời tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người.
Ở vế thứ nhất và vế thứ hai, tác giả thấy không cần phải bàn nhiều, vì đã có quá nhiều bài viết, công trình là sáng rõ, còn bởi ở bài viết này, như tiêu đề đã thể hiện, tác giả muốn đề cập và phân tích ở hai vế sau, tức là sự liên quan đặc biệt đến luật lệ về thủ tục, với mục tiêu bảo vệ quyền con người trước hành vi quyền lực nhà nước, cụ thể là trong hoạt động tố tụng. Bởi một quyết định của cơ quan công quyền, một hành vi của chính phủ, dù căn cứ vào một đạo luật cũng có thể không chính đáng, nếu chính bản thân đạo luật đó là không chính đáng.
Chúng ta đang xây dựng và vận hành Nhà nước pháp quyền, xây dựng và vận hành nền kinh tế thị trường (định hướng xã hội chủ nghĩa) thì việc nhà nước quán triệt và sử dụng phổ biến, thống nhất khái niệm “due process of law” là điều bắt buộc và vô cùng cần thiết; bởi nó là khái niệm phổ biến, là giá trị phổ quát trong luật pháp ở các nền kinh tế thị trường. Nó có thể được dịch là “quá trình hợp pháp” hay “quy trình hợp pháp” để nói lên một ý nghĩ rằng một đạo luật hay một quy tắc, một hành vi của cơ quan công quyền có chính đáng hay không, phải được xét qua một quá trình gồm hai phần, cùng tồn tại song song: một phần là tính hợp lý hay chính đáng về nội dung và phần thứ hai là tính chính đáng của quyền lực nhà nước về mặt thủ tục. Theo đúng bản chất của vấn đề, một “quá trình hợp pháp” là mọi quyết định hay hành vi xâm phạm đến “quyền tự do” đều cần phải có một thủ tục thông báo rõ ràng, công khai, phù hợp mới được coi là chính đáng.
Hệ thống pháp luật càng dân chủ, tiến bộ và tiệm cận công lý thì việc đặt ra những “quá trình hợp pháp” để hạn chế sự lạm quyền của nhà nước càng được xem trọng và vận hành thông suốt. Tu chính án thứ 5 của Hiến pháp Hoa Kỳ quy định: “Không một cá nhân nào bị tước mạng sống, tự do, tài sản mà không theo đúng quy trình thủ tục tố tụng”; vẫn chưa an tâm vì quy định này vẫn chỉ đề cập đến người dân ở thế thụ động, Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Hoa Kỳ còn làm rõ hơn trách nhiệm của chính quyền: “Không một chính quyền nào được tước mạng sống, tự do hay tài sản của người dân mà không theo đúng thủ tục tố tụng”.
Dưới góc độ nghiên cứu, có hai loại công lý: Công lý theo bản thể (nội dung) và công lý theo thủ tục. Nếu công lý theo bản thể chỉ chú trọng đến kết quả cuối cùng mà mọi người mong muốn, thì công lý theo thủ tục không quan tâm đến kết quả mà chỉ quan tâm đến vấn đề tiến trình thực hiện để đạt được kết quả ấy. Ví dụ, một vụ án có kẻ giết người, công lý theo nội dung quan tâm đòi hỏi kẻ sát nhân phải bị trừng trị; tuy nhiên, nếu cảnh sát dùng các biện pháp tra tấn khiến kẻ sát nhân phải nhận tội, rồi chỉ nhờ vào lời khai của kẻ sát nhân mà cảnh sát tìm ra những bằng chứng giết người, thì theo công lý thủ tục, Tòa án không thể tuyên bố kẻ sát nhân đó phạm tội; vì quá trình tìm tội phạm đã vi phạm quyền căn bản của người đang bị tình nghi phạm tội. Đó chính là yêu cầu của một quy trình tố tụng đúng, nó cần được nhận thức căn bản, ăn sâu bám rễ vào văn hóa pháp lý của bất kỳ quốc gia nào.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng, việc áp dụng các đòi hỏi của quy trình tố tụng đúng trong các trường hợp cụ thể phụ thuộc vào từng chức năng của cơ quan nhà nước nhất định đang thực thi. Ban hành quyết định của cơ quan hành chính là một hoạt động tương đương quy trình ban hành một đạo luật của cơ quan lập pháp. Theo đó, cơ quan hành chính nêu ra những tiêu chuẩn sẽ được áp dụng trong tương lai và việc tuân thủ chúng là bắt buộc, giống như việc tuân thủ một đạo luật. Một điều quan trọng là không chỉ các công dân bị ràng buộc bởi các quy định của cơ quan hành chính, mà chính bản thân các cơ quan hành chính cũng phải tuân thủ chúng, ngay từ việc thực hiện đúng thủ tục được quy định trong Hiến pháp và trong các đạo luật khác để ban hành các quyết định hành chính đó. Yêu cầu về quy trình tố tụng đúng là đỏi hỏi phải có một phiên điều trần tranh biện chính thức - được gọi là điều trần về bằng chứng - trước khi ra các quyết định hành chính có tác động bất lợi tới các cá nhân trong xã hội. Qua đó, cơ quan ban hành quyết định hành chính bắt buộc phải chứng minh được nhu cầu chính đáng và hợp lý, lợi ích quan trọng của cộng đồng và nhu cầu lợi ích bức thiết của nhà nước trước khi ban hành quyết định hay hành vi hành chính. Một án lệ điển hình trên thế giới đó là phán quyết buộc chính quyền một tiểu bang ở Mỹ không được quy định bắt buộc trẻ em phải chào cờ hay phát biểu, như suy tôn, hô to, đồng thanh lời trung thành với lá cờ quốc gia; bởi vì chính quyền đã không thể chứng minh được vì sao một học sinh không chào cờ thì sẽ vi phạm “quyền lợi quan trọng bức thiết” của cộng đồng mà chính quyền là đại diện.
Với những yếu tố nêu trên, bên cạnh việc tuân thủ nghiêm chỉnh các đạo luật là yêu cầu gạt bỏ đi những phần không đúng “tinh thần pháp luật” và đồng thời khỏa lấp những khoảng trống vắng theo tinh thần “due process”, để luôn luôn tạo ra một hệ thống pháp luật được thực thi thống nhất, mọi chủ thể trong xã hội trong đó có cả người cầm quyền cũng phải tuân thủ.
3. Thực trạng xây dựng tinh thần pháp luật cũng như quy trình tố tụng chuẩn - “due process of law” ở Việt Nam và yêu cầu đặt ra
Kể từ khi có công cuộc đổi mới và xây dựng một nền kinh tế thị trường (định hướng xã hội chủ nghĩa), Việt Nam đã cố gắng rất nhiều trong việc xây dựng một hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, theo nhận định của không ít người, ở Việt Nam có hệ thống pháp luật nhưng nhiều khi người ta không tuân theo luật, tạo thành hai hệ thống luật pháp “dual legal system” - đó là, một hệ thống chính thức gồm những văn bản pháp luật và một hệ thống không chính thức hình thành bằng sự thực thi luật lệ trong thực tế - thực thi “luật lệ thực tế”, như cách gọi của nhiều người. Loại hệ thống luật không chính thức này không phải chỉ có ở Việt Nam mà ở nhiều nước khác, chỉ khác nhau ở mức độ phổ biến, ở Việt Nam mức độ này phải nói là cao, đến mức thường ít ai tin tưởng hoàn toàn vào hệ thống chính thức. Khi có “việc” thường vẫn tìm hiểu, tiếp cận hệ thống không chính thức để “bổ sung” mới có thể tạo nên hiệu quả thành công.
Một vấn đề khá “nghiêm trọng” nữa, bên cạnh việc không chấp hành các quy định của pháp luật thành văn, là việc không chấp hành đúng tinh thần pháp luật và tính chính đáng theo nguyên tắc “due process” của Nhà nước pháp quyền. Chính vì lẽ đó nên khi có hiện tượng vi phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân thì nhà chức trách đều viện dẫn ra rằng họ làm đúng luật và “đúng quy trình”, mục đích là để trốn tránh trách nhiệm của mình. Đến mức, một vị đại biểu Quốc hội đã phải thốt lên rằng: “Thật lạ lùng là cái gì cũng đúng quy trình! Tiêm chết người rồi vẫn khẳng định là… đúng quy trình, bỏ tù oan đến cả 10 năm vẫn… đúng quy trình, bỏ lọt 230 kg ma túy qua cửa khẩu vẫn… đúng quy trình! Tôi cho rằng đấy chỉ là sự biện hộ và rũ bỏ trách nhiệm một cách vô cảm”[1].
Thực tế trong đời sống là như vậy, còn về mặt lập pháp và khoa học pháp lý thì sao? Trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, danh chính ngôn thuận bắt đầu từ việc sửa đổi Hiến pháp 1992 vào năm 2001, khi Điều 2 Hiến pháp quy định: “Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, thuật ngữ “tinh thần pháp luật” và đặc biệt là “quy trình tố tụng chuẩn - due process of law” gần như chưa bao giờ được nhắc đến, cho dù chỉ là trong các công trình khoa học hay một bài phát biểu ở hội nghị, hội thảo khoa học. Về bản chất, việc đúng quy trình chỉ được phép nại ra từ phía người bị
hại khi quyền lợi của họ bị vi phạm, mà không được phép sử dụng như một chiếc “gậy thần” để trốn tránh trách nhiệm của mình. Rơi vào trường hợp “đúng quy trình” như trong thực tế, nhà chức trách thi hành công vụ phải có trách nhiệm đề nghị thay đổi quy trình. Bởi quy trình được đặt ra để quyền lợi của người dân được bảo vệ tốt hơn, mà không phải ngược lại quy trình được đặt ra để quyền lợi của họ bị tước đoạt một cách dễ dàng hơn. Trong trường hợp này, những quy trình đó không phải là quy trình tố tụng chuẩn.
Vấn đề đặt ra là, trong quá trình rà soát, cải cách hệ thống pháp luật cùng qúa trình thực thi luật pháp - quá trình của các hành vi công quyền, nhà nước cần nghiên cứu các tiêu chí tiến bộ của “tinh thần pháp luật”, đồng thời khái niệm “quy trình tố tụng chuẩn - due process of law” cần được tham khảo và áp dụng một cách công khai để có thể xử lý mọi tình huống một cách nhất quán và hữu hiệu./.
Tòa án quân sự Quân khu 4
http://vneconomy.vn/thoi-su/that-la-lung-la-cai-gi-cung-dung-quy-trinh-20140121033033177.htm
Các tin khác
Bất cập trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Bộ luật Tố tụng dân sự Vướng mắc cần tháo gỡ để nâng cao hoạt động tranh tụng của luật sư tại phiên toà hình sự Hoàn thiện thẩm quyền của hội đồng giám đốc thẩm theo tinh thần cải cách tư pháp Bàn về thẩm quyền đề nghị miễn thi hành án khoản tiền phạt theo Bộ luật Hình sự Những vướng mắc trong phối hợp thực hiện quy định về “cưỡng chế trả giấy tờ” Sự cần thiết và quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật Báo cáo thống kê thi hành án dân sự - Một số vấn đề từ thực tiễn Hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về phiên tòa giám đốc thẩm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp