Quyền bào chữa là một trong những quyền cơ bản của công dân, một quyền hiến định được tất cả các bản Hiến pháp của Việt Nam đều ghi nhận. Khác với các bản Hiến pháp trước đây, Hiến pháp năm 2013 quy định rõ hơn về quyền bào chữa của công dân. Tại khoản 4 Điều 31 Hiến pháp năm 2013 đã quy định rất cụ thể: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa”. Như vậy có thể thấy, Hiến pháp mới đã mở rộng phạm vi các đối tượng được đảm bảo quyền bào chữa, không chỉ bị cáo mới có quyền bào chữa như các bản Hiến pháp cũ quy định, mà ngay từ khi một người bị bắt, đã phát sinh quyền tự bào chữa, hoặc nhờ luật sư bào chữa đối với họ, được đảm bảo bởi đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất là Hiến pháp. Quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa của một công dân đã được quy định khá đầy đủ và cụ thể trong hệ thống pháp luật của Nhà nước, đã được xác định từ nguyên tắc cơ bản trong Hiến pháp cho đến những quy định cụ thể trong Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Quyền bào chữa của người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo và những kiến nghị nhằm bảo đảm hiệu quả hơn quyền bào chữa của người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo được tác giả Nguyễn Văn Mạnh trình bày cụ thể qua bài viết: "Quyền bào chữa của người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo theo pháp luật Việt Nam" đăng tải trên tạp chí phát hành hàng tháng số tháng 8 (269) năm 2014 của Dân chủ và Pháp luật. Trân trọng kính mời quý độc giả quan tâm tìm đọc.
Vinh Nguyễn