Một số điểm mới trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 liên quan đến quyền con người được quy định trong Hiến pháp năm 2013, cụ thể:
Về độ tuổi kết hôn: Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định độ tuổi được kết hôn của nữ phải từ đủ 18 tuổi, nam phải từ đủ 20 tuổi[1], quy định này nhằm đảm bảo thống nhất với Bộ luật Dân sự năm 2005 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004. Cụ thể: Theo Bộ luật Dân sự thì: “... người chưa đủ 18 tuổi là người chưa thành niên”[2], khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Còn theo Bộ luật Tố tụng dân sự thì: “Đương sự là người từ đủ 18 tuổi trở lên có đầy đủ hành vi tố tụng dân sự...” [3]. Như vậy, nếu cho phép người chưa đủ 18 tuổi kết hôn là không hợp lý, thiếu đồng bộ và làm hạn chế một số quyền của người nữ khi xác lập các giao dịch như quyền yêu cầu ly hôn thì phải có người đại diện.
Về hôn nhân đồng giới: Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính” nhằm tránh sự phân biệt, kỳ thị đối với người đồng tính và can thiệp vào quan hệ chung sống giữa những người cùng giới tính; mặt khác nếu quy định cấm đồng nghĩa phải quy định chế tài xử phạt. Tuy nhiên, thể hiện quan điểm hôn nhân phải là sự liên kết giữa hai người khác giới, nhằm duy trì nòi giống, thì “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”[4] và khi xẩy ra tranh chấp sẽ không được pháp luật bảo vệ.
Về mang thai hộ: Một trong những điểm mới của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là đã chính thức thừa nhận và cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Việc mang thai hộ chỉ được áp dụng khi có đầy đủ các điều kiện về cả người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ, phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và phải được lập thành văn bản[5]. Theo đó, các cặp vợ chồng vì lý do nào đó không thể tự sinh con có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện, gồm: Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; vợ chồng đang không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý. Luật được thông qua dựa trên nguyên tắc “người mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng để ngăn ngừa tình trạng thương mại hóa việc mang thai hộ bên vợ hoặc bên chồng”. Quy định này vô hình chung sẽ làm hạn chế quyền nhờ mang thai hộ, có rất nhiều trường hợp không tìm được người thân thích để mang thai hộ (ví dụ: Trường hợp cả hai vợ chồng đều là trẻ mồ côi nhưng không xác định được cha mẹ, anh em họ hàng và người thân thích...).
Trong vấn đề mang thai hộ, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của người mang thai hộ như: Có quyền và nghĩa vụ như cha mẹ trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và chăm sóc nuôi dưỡng con; được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ; có quyền yêu cầu bên nhờ mang thai hộ thực hiện việc hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe sinh sản; người mang thai hộ phải thực tuân thủ các quy định về thăm khám, các quy trình sàng lọc để phát hiện, điều trị các bất thường, dị tật của bào thai theo quy định của Bộ Y tế[6].
Về tài sản của vợ chồng: Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực trước khi kết hôn và vẫn có thể thay đổi sau khi kết hôn[7]. Việc thừa nhận chế độ tài sản này là nhằm tôn trọng quyền của vợ chồng trong việc tự thỏa thuận, định đoạt đối với tài sản của họ; đồng thời nhằm giảm thiểu sự tranh chấp tài sản sau khi ly hôn của các cặp vợ chồng trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, dù lựa chọn chế độ tài sản nào, vợ chồng đều phải có nghĩa vụ bảo đảm lợi ích chung của gia đình, nhất là lợi ích của các con.
Đối với nam, nữ sống chung như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn, việc giải quyết quan hệ tài sản phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con.
Về công việc nội trợ: Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thừa nhận công việc nội trợ và các công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập[8].
Về đối tượng được yêu cầu giải quyết ly hôn: Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định bổ sung thêm các đối tượng được yêu cầu giải quyết ly hôn, thay vì chỉ có vợ hoặc chồng mới có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn như trước đây. Kể từ ngày 01/01/2015, cha mẹ, người thân thích khác,... cũng có thể yêu cầu giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không nhận thức, không làm chủ được hành vi của mình; đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, hoặc vợ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ[9]. Chồng không có quyền ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi[10].
Về nghĩa vụ đối với con cái khi ly hôn: Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên (Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 là từ đủ 09 tuổi trở lên), thì phải xem xét nguyện vọng của con[11].
Quy định “về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thoả thuận khác” được sửa thành “con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”[12].
Ngoài ra, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng có một số điểm mới như: Bổ sung nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột[13]; quy định về con do người vợ mang thai trong thời kỳ hôn nhân cũng được luật hóa. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ mang thai trong thời kỳ hôn nhân. Nếu cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định[14]...
Về áp dụng tập quán trong hôn nhân và gia đình: Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 chỉ quy định “Vận động nhân dân xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình, phát huy truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc; xây dựng quan hệ hôn nhân và gia đình tiến bộ”. Việc quy định chung chung như vậy đã tạo nhiều kẽ hỡ, bất cập, gây khó khăn cho Tòa án khi xét xử các vụ án về hôn nhân gia đình mà phải áp dụng phong tục tập quán. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định cụ thể việc áp dụng tập quán trong hôn nhân gia đình đó là: “Chỉ được áp dụng tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc trong trường hợp pháp luật không có quy định và các bên không có thỏa thuận, nhưng không được trái với các nguyên tắc, và không vi phạm các điều cấm của Luật Hôn nhân và gia đình”[15].
Có thể khẳng định, với những sửa đổi, bổ sung mới rất quan trọng, phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã đáp ứng kịp thời các yêu cầu khách quan của đời sống hôn nhân và gia đình trong tình hình mới; bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình được quy định trong Hiến pháp năm 2013; kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam trong hôn nhân gia đình. Đó cũng chính là một trong những nội dung và mục tiêu quan trọng trong việc: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học... đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”[16]./.
Việt Tiến
Ảnh: St
[1]Điểm a khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[2]Điều 18 Bộ luật Dân sự năm 2005.
[3]Khoản 3 Điều 57 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004.
[4]Khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[5]Điều 93 đến Điều 98 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[6]Điều 97 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
[7] Điều 47, 48,49, 50 và Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
[8]Khoản 1 Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
[9]Khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[10]Khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[11]Khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[12]Khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[13]Điều 114 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[14]Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[15]Điều 7 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[16]Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 Nghị quyết Hội nghị lần thứ chính Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ IX về: Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.