Với mục đích góp ý sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, nhóm nghiên cứu thuộc Văn phòng luật sư NHQuang và Cộng sự đã thực hiện nghiên cứu về thực tiễn áp dụng quyền của người bị tạm giam, tạm giữ tại Việt Nam và trên thế giới. Trong quá trình thực hiện, nhóm nghiên cứu đã tham khảo ý kiến của hai chuyên gia đến từ Thụy Sĩ là Ông Karl – Heinz Vogt, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo Nhân sự Thi hành án phạt từ của Thụy Sĩ (SAZ) và Tiến sỹ Andreas Keller, Chánh án Tòa án Hình sự Liên bang Thụy Sĩ. Hai ông đã đưa ra những đánh giá từ lý luận đến thực tiễn đối với việc áp dụng và thi hành quyền thăm thân của người bị tạm giam, tạm giữ tại Thụy Sĩ như sau:
Một là: Thủ tục thông báo cho người thân về việc bắt giữ
Luật pháp Thụy Sĩ quy định rằng, sau khi bắt giữ, cơ quan điều tra thông báo ngay lập tức cho những người thân và theo nguyện vọng của người bị bắt giữ, cũng thông báo cho chủ sử dụng lao động của người đó. Trên thực tế, việc thông báo này được thực hiện sau khi tống đạt quyết định và trực tiếp sau khi kết thúc cuộc thẩm vấn đầu tiên. “Ngay lập tức” có nghĩa là cán bộ điều tra thông báo trực tiếp bằng điện thoại cho người thân sau khi tống đạt quyết định và thẩm vấn (trong thời gian 1 đến 3 giờ). Trong biên bản lấy lời khai tiêu chuẩn đã bao gồm câu hỏi: “Ai là người sẽ được thông báo về việc bắt giữ?”. Tuy nhiên đôi khi cũng xảy tình trạng những người bị bắt giữ không muốn thông báo cho gia đình và chủ sử dụng lao động của họ biết. Mong muốn được thông tin hoặc từ chối thông tin phải được cán bộ điều tra đưa ngay lập tức vào biên bản. Cán bộ điều tra này phải ghi rõ trong hồ sơ về việc thông báo qua điện thoại cho gia đình sau đó.
Nếu như không xuất hiện nguy cơ cho rằng, các nhân chứng có thể bị ảnh hưởng hoặc các chứng cứ khác có thể bị che giấu thì đôi khi cán bộ điều tra sẽ đưa điện thoại cho người bị bắt giữ để người này thông báo trực tiếp, vắn tắt cho gia đình mình. Thông thường, người nhận được thông tin chỉ là một thành viên gia đình, đối với những người đã lập gia đình thì là vợ hoặc chồng của người đó, đối với những người chưa lập gia đình thì là cha, mẹ. Thành viên gia đình cũng có thể nói chuyện với cán bộ điều tra và được biết người bị bắt giữ đang ở đâu.
Chỉ trong trường hợp xuất hiện nguy cơ hủy hoại chứng cứ, ảnh hưởng đến nhân chứng qua việc tiếp xúc với gia đình, thì việc thông báo có thể tạm thời bị dừng lại cho đến khi những hoạt động đảm bảo cần thiết (ví dụ như bắt giữ những người khác, khám xét nhà) đã được thực hiện.
Hai là: Quyền thăm gặp người thân
Theo Tiến sỹ Andreas Keller: “Những quy định về thăm gặp ở Thụy Sĩ cũng giống như ở Việt Nam, được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự, những thông tin chi tiết như: Tần suất, thời lượng, các thời gian thăm, v.v.... được ấn định ở mỗi bang lại rất khác nhau, tương tự như trong các nghị định và thông tư tại Việt Nam, trong đó sự khác nhau là không lớn”.
Thông thường, chế độ giam giữ chờ xét xử có phần nghiêm ngặt hơn chế độ thi hành án hình sự. Do người bị tạm giam phần lớn bị giam trong buồng giam riêng, và chỉ được phép rời phòng giam 30 phút mỗi ngày, hoặc 1 giờ sau một thời gian nhất định. Chính vì vậy, “các cuộc thăm gặp người thân đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định tâm lý của người bị tạm giam, do vậy không được phép hạn chế các cuộc thăm thân nhân này” - Tiến sỹ Andreas Keller cho biết.
Tại Bang St. Gallen, hàng tuần, người bị tạm giam có thể được gặp người thân trong khoảng nửa giờ, sau một tháng giam giữ, thời gian thăm thân ít nhất là một giờ. Thời gian thăm thân nhân từ 08h30 đến 11h00 và từ 14h00 đến 17h00. Thời điểm và thời lượng thăm gặp sẽ được người thân của người bị tạm giam thống nhất qua điện thoại với cán bộ trại giam. Thông thường các thành viên gia đình, người sử dụng lao động... sẽ được phép thăm gặp người bị tạm giam và chịu sự giám sát của trại giam. Những cuộc thảo luận với luật sư bào chữa, bác sĩ trại giam, linh mục, đại diện các cơ quan hoặc đại diện của lãnh sự quán thì không được tính vào các thời gian thăm gặp. Những cuộc gặp này có thể diễn ra trong mọi thời điểm và không bị giám sát.
Các trại giam tại Thụy Sĩ không thuộc quyền quản lý của Cơ quan điều tra mà thuộc cơ quan độc lập của Chính phủ là Viện Công tố. Do đó, các cuộc thăm gặp thân nhân diễn ra tại các trại giam luôn phải được sự chấp thuận của lãnh đạo Viện Công tố[1]. Người bị tạm giam hoặc gia đình có thể yêu cầu lãnh đạo Viện Công tố cấp giấy phép thăm thân nhân. Nếu giấy phép thăm thân nhân được cấp, thì Viện Công tố có thể thông báo cho trại giam thông qua thư điện tử, đồng thời, việc thông tin đến gia đình có thể được thực hiện qua bưu điện (trong vòng 2 ngày) hoặc cũng có thể qua điện thoại. Đối với mỗi một cuộc thăm thân nhân, người thăm không cần làm các thủ tục nào đặc biệt, mà chỉ cần một giấy chứng minh nhân dân là đủ. Có thể tìm thấy hướng dẫn về cách thức đăng ký thăm gặp thân nhân tại trại giam trên website của các trại giam.
Các cuộc thăm gặp về cơ bản sẽ được thực hiện trong các phòng có vách kính ngăn cách, nếu thời gian giam giữ lâu hơn thì có thể có những ngoại lệ. Người vào thăm không được phép trực tiếp đưa bất cứ vật gì cho người bị tạm giam. Thực phẩm đều được cán bộ trại giam kiểm tra. Ti vi, đài, máy vi tính (không được kết nối Internet) và báo, sách được trại giam cung cấp cho người bị tạm giam, còn điện thoại di động bị cấm nghiêm ngặt.
Ông Karl – Heinz Vogt đưa ra một ví dụ cụ thể về quyền gặp thăm người thân tại Trại giam khu vực Thun. Việc thăm thân được cấp phép theo tuần, mỗi lần 1 giờ. Thanh thiếu niên có quyền được gặp người thân 2 lần/mỗi tuần. Mỗi lần cho phép tối đa 2 người vào thăm. Quyền thăm thân nhân tại tất cả các bang thuộc Thụy Sĩ đều được tổ chức như vậy hoặc tương tự.
Ba là: Quyền được liên lạc khác với người thân
Những người bị tạm giam chờ xét xử, về nguyên tắc, có thể liên lạc tự do qua thư với bên ngoài, trừ khi Viện Công tố có lệnh yêu cầu hạn chế liên lạc, ngoại trừ các mối liên hệ qua bưu điện với những người nhất định. Đương nhiên, thư gửi qua bưu điện được cán bộ trại giam kiểm soát. Trong những tình huống đặc biệt, (người bị tạm giam bị bệnh, trường hợp mất người thân trong gia đình, v.v...) Viện Công tố có thể cho phép người bị tạm giam được tiếp xúc qua điện thoại (có giám sát). Việc miễn giám sát/kiểm tra chỉ được áp dụng đối với các tiếp xúc qua thư từ với các cơ quan truy tố (cơ quan cảnh sát điều tra, Viện Công tố, các tòa án, các cơ quan giám sát, cơ quan giải quyết khiếu nại) và luật sư bào chữa. Ở đây, việc đảm bảo tính bí mật được đưa lên hàng đầu, trừ khi có nghi ngờ cụ thể, luật sư bào chữa có thể thực hiện các hành vi che giấu chứng cứ.
Bốn là: Quy định về hạn chế hoặc ngăn chặn quyền thăm thân nhân
Quyền thăm thân có thể bị hạn chế thông qua biện pháp giám sát của cán bộ trại giam trong mỗi cuộc thăm thân (có thể có phiên dịch). Trong trường hợp đặc biệt, quyền thăm thân có thể bị tạm hoãn trong một thời gian nhất định. Lý do chính thường là xuất hiện sự cản trở quá trình điều tra bởi những hành vi hủy hoại chứng cứ của người bị tạm giam hoặc của những người vào thăm. Quyền thăm thân nhân cũng có thể bị hạn chế có thời hạn như một biện pháp kỷ luật khi người bị tạm giam vi phạm kỷ luật (như cố gắng bỏ trốn, sử dụng bạo lực hoặc đe dọa cán bộ trại giam, người cùng bị giam giữ khác hoặc mang trái phép các vật cấm vào trại giam).
Việc hạn chế quyền thăm gặp người thân không phụ thuộc vào loại tội phạm bị khởi tố hay nghi ngờ. Quyền này được đảm bảo như nhau đối với các hành vi phạm pháp, kể cả các tội nặng nhất như tội giết người, tội phạm chiến tranh, hiếp dâm, cướp bóc có sử dụng bạo lực, buôn bán ma túy số lượng lớn hoặc tội chống nhà nước và anh ninh quốc gia. Các quy định và nguyên tắc chung được áp dụng như nhau.
Năm là: Thủ tục thực hiện việc hạn chế quyền thăm thân
Nếu Viện Công tố từ chối quyền thăm thân hoặc hạn chế quyền này thì họ phải ban hành một văn bản từ chối đến người nộp đơn yêu cầu (người bị tạm giam hoặc thành viên gia đình). Người bị tạm giam hoặc thành viên gia đình có liên quan có thể khiếu nại đối với văn bản từ chối này trong vòng 10 ngày bằng cách khiếu nại đến cơ quan giải quyết khiếu nại của bang. Cơ quan giải quyết khiếu nại của bang là một tòa án cấp cao của bang, cụ thể là cơ quan tương đương với một tòa án nhân dân cấp tỉnh tại Việt Nam và tòa án này xem xét và quyết định vụ việc với quyền tài phán tự do và độc lập.
Tuy vậy, Viện Công tố cũng không được phép giới hạn thời gian bị hạn chế hoặc từ chối quyền thăm thân quá lâu đến mức không cho phép người bị tạm giam gặp thân nhân. Ở đây, Viện Công tố phải áp dụng nguyên tắc hợp lý, chẳng hạn người thăm thân vi phạm những quy định thăm thân trong thời gian thăm thân thì Viện Công tố có thể cấm người đó vào thăm người bị tạm giam trong thời hạn nhất định. Đã có trường hợp cụ thể tại Thụy Sĩ, người vào thăm mang theo một chiếc điện thoại và chụp ảnh người bị tạm giam qua cửa kính. Sau đó khách thăm này nhận được lệnh cấm thăm trong 2 tháng từ giám thị trại giam.
Sáu là: Thực tiễn tại Thụy Sĩ khi áp dụng quyền thăm thân cho người bị tạm giam
Ông Karl – Heinz Vogt chia sẻ: “Tại Thụy Sĩ xảy ra khá nhiều tình trạng những người bị tạm giam cấu kết với nhau bỏ trốn khỏi trại tạm giam. Vì người bị tạm giam ít nhất được tiếp xúc với nhau trong giờ đi dạo. Họ có thể sử dụng thời gian đó để lên kế hoạch và nhờ người bị tạm giam khác truyền tin ra ngoài khi tiếp xúc với người thân“.
Do việc tuân thủ luật pháp quốc gia và quốc tế, vì tình trạng tinh thần của người bị tạm giam, tầm quan trọng của việc duy trì các mối quan hệ gia đình trong thời gian sau khi thi hành án phạt v.v.., nên điều quan trọng nhất trong quyền của người bị tạm giam chính là cho phép họ được tiếp xúc với bên ngoài. Tuy vậy, mỗi một cuộc tiếp xúc với bên ngoài đều ẩn giấu khả năng bị lạm dụng. Theo ông Karl – Heinz Vogt: “Trại tạm giam và các cơ quan liên quan luôn đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan: Mở rộng thêm cửa trại tạm giam cho những cuộc tiếp xúc cần thiết với bên ngoài, đồng thời mong muốn loại trừ nguy cơ sự mở cửa này bị lạm dụng”. Trên thực tế các trại giam luôn luôn phải tiến hành cân nhắc các công cụ pháp lý và các biện pháp kỹ thuật để hạn chế và ngăn chặn các vấn đề trên.
Đồng quan điểm với ông Karl – Heinz Vogt, Tiến sỹ Andreas Keller cho rằng “quyền thăm thân nhân không dẫn tới những vấn đề lớn, nhất là kể từ khi các trại giam dần dần được trang thiết bị kỹ thuật bổ sung”.
Nguyễn Ngọc Hà
Văn phòng luật sư NHQuang và Cộng sự
[1] Luật Tố tụng Hình sự Thụy Sĩ, Điều 235 khoản 2.